Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Cho Tôi Thêm Một Lần Trở Lại


      * Thương nhớ và tri ân đến quí Thầy Cô dưới mái trường Sư Phạm.
      * Thương tặng quí anh chị cựu giáo sinh và các bạn đồng môn K11 thân yêu trường Sư Phạm Qui Nhơn.
                
                                                               Châu Thị Thanh Cảm

       
Buổi sáng, trời mù sương, thành phố như giăng nhẹ một làn khói mỏng, mờ ảo dịu dàng. Là cư dân ở thành phố này đã lâu, nhưng thật hiếm khi tôi được tận mắt nhìn thấy buổi sáng nơi này mong manh và dễ thương đến vậy. Có từ trên cao nhìn xuống mới thật sự cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn và mơ màng của nó, thành phố như một bức vẽ bàng bạc, huyền ảo giữa một màn sương mỏng, đẹp đến hút lòng!
       Trời vào đông, những hàng cây đã bắt đầu trút lá, đường phố sau một đêm dài ngủ ngoan trở dậy với chao chác những chiếc lá nâu vàng. Giữa màn sương mỏng, cả thành phố như còn chưa thức giấc, cho dù đâu đó, Sài Gòn thâu đêm vẫn thức, cho dù bây giờ, mọi ngã đường đã bắt đầu trở mình cho một ngày mới bình thường.
       Thật lòng mà nói, mùa ở đây cứ nhẹ đến và cứ nhẹ đi, âm thầm không hẹn trước. Mùa cứ thế trôi qua, mơ hồ lặng lẽ, lặng lẽ đến nổi khi tôi kịp nhận ra rồi ngoảnh lại, mùa đã qua tự bao giờ…Sáng nay, có chút se lạnh của gió sớm giữa bàng bạc sương mờ tôi mới chợt ngỡ ngàng nhận ra: Đông đã lại trở về!
       Vậy là mùa đông đã đến! Mùa ngồi ghép lại những mảnh vụn ký ức sau một năm dài cộng  vào nỗi nhớ thêm những yêu thương, ghét giận. Mùa để ta nhìn lại những gì đã qua, để tự suy ngẫm cho những vấn nghi mà chỉ có mình ta mới có thể trả lời, để rồi nghe buồn, nghe vui, nghe cay cay nơi khóe mắt và cũng để mở lòng bằng một nụ cười vị tha, độ lượng!
       Mùa đông, mùa nhắc ta dừng lại, chậm lại một chút giữa dòng đời lắm nỗi…để tự nhìn nhận lại mình, để lan man tìm về mọi ngóc ngách của những con đường mình đã đi qua… để lục lọi kiếm tìm trong mớ ký ức rối bời ấy những kỷ niệm…dễ nhớ…khó quên…Những kỷ niệm đã theo ta ra đi và cũng chính nó giục giã ta quay trở lại kiếm tìm…

       Vậy mà đã bốn mươi năm kể từ ngày chúng tôi chia tay nhau dưới cùng một mái trường Sư Phạm. Hạ tuần tháng 6 năm 1974, đêm đánh dấu thời khắc K11 chúng tôi chập chững tung đôi cánh nhỏ muôn hướng vào đời. Bằng đôi cánh ấy, cứ ngỡ sẽ chở hết những ước mơ trong trẻo của một thời tuổi trẻ chúng tôi dệt ước, mà đâu biết rằng, đôi cánh non đã phải chênh chao chếnh vếnh giữa giông gió cuộc đời. Bốn mươi năm trôi qua như dòng chảy của con sông thời gian, in dấu từng cột mốc của một phận người. Dòng sông ấy có khúc lơ đãng dịu dàng nhưng cũng có khúc xuống ghềnh lên thác. Dòng nước ấy có khi như một dãi lụa mềm lờ lững xanh trong nhưng cũng có lúc ngầu đục, gầm thét kêu gào. Hòa vào dòng chảy là yêu thương khôn nguôi của nắng gió đất trời, là mặn nồng phù sa chở che đắp bồi cho đáy sông nồng nàn sỏi đá. Dòng chảy ấy chẳng một lời thở than oán trách, vẫn lặng lẽ cuốn theo những xác cây ruỗng mục bên đời, những bụi bặm rác rưởi vướng mắc đâu đó trên từng khúc sông qua, để cuối cùng, tất cả cùng chan hòa reo vui, cùng tuôn đổ về biển đời mặn mòi, bao dung, ấm áp!
       Nói đến K11 chúng tôi là không thể không bồi hồi day dứt với “ Đêm mãn khóa” cùng “ Câu chuyện lửa tàn” của vị Hiệu trưởng kính yêu. Là khóa học duy nhất may mắn được đón nhận những lời  tâm huyết thiết tha của Thầy trước lúc chia tay. Những lời nhắn nhủ nao lòng vang sâu trong đêm vắng, nói như một người bạn, nó là tiếng vọng mãi theo chúng tôi trong suốt cuộc hành trình, là ngân âm của tiếng chuông ấm áp, là bến đợi thân yêu nơi con đò thủy chung vẫn buông neo chờ người quay lại…

   
    1974 – 2014. Bốn mươi năm! Thời gian có ngắn để chúng tôi kịp góp nhặt những vui buồn bắt gặp trên chặng đường đi qua? Tháng năm có rộng để chúng tôi đủ chắt chiu ôm những quên nhớ vào lòng? Có thể ta không thể thỏa mãn cho những vấn nghi này, không thể có câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất, nhưng có một điều chắc chắn, bốn mươi năm qua đi, để lại trong lòng những cựu giáo sinh K11 chúng tôi thật không ít những nỗi niềm cùng ngổn ngang biết bao tâm sự!
       Bốn mươi năm, chặng đường bước qua đủ rộng dài cho chúng tôi nhìn lại để trân quí hơn tình thầy nghĩa bạn, để thấy tiếc nuối nhiều lần hơn những mất mát qua tay, trân trọng hơn những gì đang có, và, để thêm yêu thương quí trọng hơn những tháng ngày còn lại ở cái cõi tạm vô thường này…
       2014! Nơi con đò vẫn miệt mài neo chờ nơi bến đợi dù vẫn biết người xưa có kẻ đã không thể quay về! Nơi sân trường buồn bên “Câu chuyện lửa tàn” trong “Đêm mãn khóa” không quên! Nơi chất chứa giữa biển trời bao điều chưa nói của bạn của tôi và cũng là nơi bốn mươi năm vẫn luôn chung thủy chờ ta quay gót trở về!
       Bốn mươi năm! Đó có phải là cột mốc sâu đậm của cuộc đời cho ta tìm lại? Đó có phải là lần sau cùng K11 chúng mình có cơ hội gặp nhau ở ga cuối một chuyến đi? Xa nhau lâu rồi và gặm nhắm nỗi nhớ cũng đã lâu rồi? Vậy sao chúng mình không cùng tìm về? Không cùng ngồi bên nhau thêm một lần nữa để được nghe tiếng lòng của thầy của bạn, cùng bùi ngùi cất lên khúc hát trùng phùng?


       Vẫn biết một lần nữa trở về là thêm một lần nữa sẽ phải từ biệt chia xa. Nhưng, các bạn thân yêu của tôi! Ơi những người bạn đồng môn đã cùng đi trên chuyến đò dài! Hãy cùng trở về! Hãy cùng trở lại nơi cũ chốn xưa để được thêm một lần hội ngộ! Để được thêm một lần nữa tay bắt mặt mừng! Để nhìn thật gần vào mặt nhau, nhìn thật rõ vào mắt nhau, để thấy nếp thời gian nào vô tình in dấu trên từng khuôn mặt thân quen, trên từng sợi tóc phai màu… Và để mai kia, trên hành trình ngắn ngủi còn lại, trong ta vẫn sẽ luôn nhớ hoài nét thân quen đã già trên từng khuôn mặt ấy…thật xa…
       Thường tình, con người có xu hướng muốn giấu che cảm xúc, nhất là những người sống thiên về nội tâm, nhưng, cảm xúc sẽ vỡ tràn bằng nụ cười hay bằng nước mắt khi sự chất chứa đến tận cùng. Và, bốn mươi năm có lẽ đã là quá đủ để cảm xúc dẫn dắt ta trở lại, để thêm một lần nữa được lắng nghe tiếng sóng biển chiều bên ngôi trường cũ, được trong tay ôm chặt bạn vào lòng và được nghe xa xôi âm vang từ “tiếng vọng” của người Thầy kính mến: “…Hãy trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề…” để lòng mình luôn yên và tâm ta luôn tịnh!
       Ngày mỗi ngày bước đi… Bốn mươi năm cũng đã trôi qua với nhiều biến đổi không ngờ. Thời gian tưởng sẽ phôi pha, tưởng sẽ đưa mọi thứ trôi vào quên lãng…Nhưng, từ sâu trong tiềm thức, ta vẫn luôn tri ân, luôn thương nhớ và mong chờ… Bởi, một điều giản đơn, SƯ PHẠM QUI NHƠN, nơi cho ta tình yêu và nỗi nhớ, cho ta niềm tin và nhân cách sống trong tình người trọn vẹn.

                   “ Trở lại mái trường xưa nơi mà ta yêu quí
                      Người về mang nỗi nhớ khi mái đầu đã bạc…”
       Xin được mượn hai câu hát trong bài “ Trở lại mái trường xưa” này để thay cho lời kết. Xin được kính gửi đến quí Thầy Cô lời tri ân sâu sắc nhân ngày Nhà Giáo trở về. Và, cũng xin cho tôi được gửi đến quí anh chị đồng môn, các bạn cựu giáo sinh K11 thân yêu của tôi lời nói yêu thương trong tiếng gọi tha thiết TRỞ VỀ…
        
                                                                             Sài Gòn, mùa 20/11/2013
                                                                          Châu Thị Thanh Cảm  

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Tiễn Bạn - Thơ - Tiến Thảo


Được biết bạn Trần Văn Nguyện – K5 vừa mất, anh chị em cùng khóa ở Nha Trang và Daklak xin gởi lời chia buồn cùng gia quyến và cầu nguyện hương hồn bạn vãng sanh cực lạc.
Anh Tiến Thảo ( Ngô Văn Hải ) gởi bài thơ để “ TIỄN BẠN ”.

TIỄN BẠN 

          Thơ đọc trước linh cửu bạn Trần Văn Nguyện
SPQN KHÓA 5 mất ngày 10.11.2013 tại Huế.

Tiễn bạn về nơi chín suối
Ngàn sau chưa chắc gặp nhau
Cuộc đời như là gió thổi
Mây bay sóng nước chân cầu

Nỗi buồn niềm vui lẫn lộn
Ghét thương chen lấn vào nhau
Lợi danh như màu hoa cỏ
Thực hư mưa nắng dãi dầu

Chỉ có chút tình bạn hữu
Đêm còn đốt lửa đợi nhau.
Bạn cứ yên lòng ra đi
Trần gian chỉ là ga tạm

Luyến lưu chẳng được ích gì
Có điều tưởng chừng chân lý
Hóa ra giả dối thị phi
Thôi thì cười to một tiếng

Xem như chẳng có chuyện chi
Linh hồn nhẹ nhàng thanh thản
Quanh đây bạn bè ngày cũ
Đến cùng tiễn bạn lên đường

Mong sao ngày sau gặp lại
Tha hồ nói chuyện văn chương
Rượu vò mặc sức uống cạn
Quên đi bụi bặm dặm trường.

Tiến Thảo (Ngô Văn Hải)

TIẾNG VỌNG… ĐÊM MÃN KHÓA 11.

                           Irene.

         Tháng mười một lại về! Những ngày tháng cuối cùng của năm 2013 lần lượt trôi, cũng có nghĩa là năm 2014 sắp sửa đến. Năm 2014 là năm đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày ra trường của những cựu giáo sinh khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn (1972-1974).
         Khi tôi còn trẻ, có nhiệt huyết, có lý tưởng nhưng do ít trải nghiệm nên thường thường mọi nhận định thiếu đi sự chín chắn,  hời hợt, không sâu sắc. Đến khi tuổi lớn, từng trải qua nhiều việc nên lúc này thường hay chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ rồi lẩn thẩn nhớ lại từng điều, từng chi tiết...
         Sáng nay thức dậy, trong không gian yên ắng. Tôi bỗng thấy  nhớ đến bạn bè! Vội bật bài hát, Đêm Bây Giờ Đêm Mai của Trịnh Công Sơn và giọng hát Khánh Ly vang lên…

         Ôi đêm dài và cơn bão rớt
         Trên dải đất quê hương khô cằn
         Ôi bom đạn cày trên những xác
         Trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang
Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng
...
Đêm thôi dài, cho mai này người Việt hái lúa ngoài đồng chín.
Đêm no lành. Đêm thanh bình, người Việt thấy tương lai rất gần.
Đêm vui mừng. Đêm ttưng bừng, người Việt hát cuối làng đầu phố.
Đêm xa lạ. Đêm chói lòa, người Việt sống như chưa bao giờ…
         Bài hát vang lên trong đêm mãn khóa hạ tuần tháng sáu một chín bảy tư.
Bài hát đưa tôi về thời xa xưa, đã làm sống dậy trong tôi bao điều thương mến. Bao nhiêu thổn thức nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình.
         Mùa hè năm 1974, khi khắp Qui Nhơn đang rực màu hoa phượng đỏ. Khi mà khóa 11 của chúng tôi đang bận rộn chuẩn bị cho những công việc cuối cùng của ngày Tốt Nghiệp ra trường. Thì nhà trường chuẩn bị cho chúng tôi một buổi lễ. Đó là “Đêm mãn khóa”.
         Hầu như lúc đó, tất cả chúng tôi đều ở trong tâm trạng lo lắng vui buồn lẫn lộn : Lo lắng cho tương lai sắp đến -  Vui là vì mình đã hoàn tất xong hai năm học,sắp là cô giáo, thầy giáo - Buồn là giờ phút chia tay thầy cô , bạn bè đã sắp đến gần.
         Màn đêm vừa buông xuống, mười lớp quây quần theo từng nhóm, từng lớp… san sát đứng ngồi bên nhau trong công viên trường.
         Nhạc vang lên! Chúng tôi nhìn nhau cùng hát theo…Đêm khuya dần, ánh điện vụt tắt chỉ còn bập bùng ánh sáng của lửa trại… và trong giây phút đó, giọng Bắc trầm ấm của thầy Hiệu Trưởng vang lên :

Anh Chị Em giáo sinh khóa 11 thân mến!
         Đêm đã khuya, lửa cũng gần tắt. Trước khi chia tay, tôi muốn nói với Anh Chị Em đôi lời trong “Câu chuyện lửa tàn” đêm nay.
         Nhìn khu trường với hàng thông trầm lặng từng chứng kiến bao bước chân Anh Chị Em đi về, những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú rộn ràng buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê, nghe mỗi khi đêm xuốngtừ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi…

         Tuổi trẻ, chạm vào trái tim thì dễ buồn nhưng lại cũng chóng quên… mãi cho đến sau này, khi vào đời gặp phải, vấp phải…lúc đó tôi mới thấm thía từng lời của thầy.
Sau này, tôi có nhiều lần đọc đi đọc lại bức thư và cứ mỗi lần đọc thì những lời thầy dặn dò vào đêm hôm đó giống như một điềm báo trước cho tất cả chúng tôi? Nhưng sao lúc đó, tôi không hề nghĩ đến?
         “Đêm mãn khóa” hay tôi thường đùa đó là “Đêm định mệnh”. Tôi nhớ không lầm thì hình như nhà trường chỉ tổ chức mãn khóa cho một khóa duy nhất, đó là khóa 11. Điều này có phải điềm báo rằng khóa 11 là khóa cuối cùng của trường Sư Phạm Qui Nhơn “Tốt nghiệp” chăng?
         “Câu chuyện lửa tàn”- sao lại câu chuyện lửa tàn??? Cũng như bạn Diệp Thế Thoại suy nghĩ : “…như một dự báo, lửa cũng đã tàn thật! Lửa tàn để lại bao bụi tro, hoang phế, nguội lạnh…trong tâm hồn của mỗi con người…”
         Hôm nay, gần 40 năm, đọc lại thư thầy. Xuyên suốt trong từng lời của bức thư, thầy như nhắn nhủ với chúng tôi rất nhiều điều. Những lời khuyên bảo, dặn dò như một lời tâm sự lần sau cuối :
         …Sau đêm nay, Anh Chị Em sẽ rời ghế trường chia tay về hè để sau đó vào đời chứ không còn trở lại trường cũ như mùa thu năm trước. Chúng tôi cầu chúc Anh Chị Em gặp nhiều niềm vui trong đời, những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có hơn là từ bên ngoài mà nên…
          Suốt 40 năm qua, Khóa 11 chúng tôi, phần lớn là tìm niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có để lấp đi cho những trắc trở, vấp ngã, u buồn, phiền toái… từ bên ngoài của thời cuộc đưa đến.
         Giây phút phân ly nào chẳng đượm buồn, và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế. Nhưng trăng khuyết rồi tròn, ly hợp là lẽ thường tình của cuộc sống, miễn sao trong cách xa mà vẫn không xa cách, và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng….
         Sau ngày chia tay ra trường, chúng tôi cứ nghĩ rằng chỉ là tạm chia tay nhau để lên đường làm người thầy nhưng đâu ngờ cuộc chia tay ngày ấy là vĩnh viễn. Vì chúng tôi không còn có cơ hội trở lại trường xưa hay gặp mặt bạn bè. Thời gian chia cách kéo dài triền miên, chúng tôi không còn biết gì về nhau. Nhiều khi  nghĩ đến nhau thì chỉ còn nhớ những gì còn lại trong tâm tưởng, trong hoài niệm…
         …Tuổi Anh Chị Em còn trẻ, quá trẻ để còn đủ thời gian tự làm lấy cho mình những gì mình mơ ước. Với tuổi đôi mươi, chẳng có gì là muộn. Tất cả đang chờ đón anh chị em: Tình yêu để yêu, tình bạn để thương, tình quê hương để nhớ, những nguyện vọng để thực hiện, nghề nghiệp để phụng sự…nghĩa là cả một cuộc đời để sống, để xây lên, hoặc nếu cần, để dựng lại…
         Lời khuyên rất chân tình. Chúng tôi chỉ mới tuổi đôi mươi… nhưng thời cuộc đã ập đến! Chúng tôi chao đảo! Cuộc sống không phẳng lặng. Cuộc đời có nhiều khi ưu ái cho người này nhưng lại khắc nghiệt với người khác. Âu đó cũng là số phận! Sau biến cố ấy chúng tôi gặp nhiều sóng gió, cuồng phong…trong khi chúng tôi vẫn còn non trẻ để mà chống đỡ, để mà đối phó.
         Trước giờ chia tay, tôi cũng muốn nói lại với Anh Chị Em một ước mong chan chứa ưu tư này của trường. Chúng tôi ước mong rằng dù hoàn cảnh đời mỗi người chúng ta như thế nào, khi đã dấn thân vào một nghề là chúng ta phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức. Làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện, ngoại cảnh giới hạn. Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn, hoặc chấp nhận cái mình phải chọn, và như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn hay phải chọn…
         Thật vậy, chúng tôi chỉ còn cách là chấp nhận mọi hoàn cảnh để chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Có bạn vẫn tiếp tục nghề giáo, có bạn làm nghề nông, có bạn chuyển sang nghề nghiệp  khác… Có bạn ở trong nước, có bạn lưu lạc bốn phương trời… Rất nhiều bạn kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn, gian khó ban đầu để rồi rốt cuộc có một cuộc sống ổn định. …bên cạnh đó cũng còn có một số đông phải gặp không ít những chông gai, hiểm trở… bởi những cơn sóng đời vùi dập.

         Ròng rã 40 năm qua không phải là khoảng thời gian ngắn của một đời người. Bây giờ tất cả những người ở tuổi đôi mươi ngày xưa ấy đã là tuổi sáu mươi. Tuổi của những ngày về chiều, mỗi khi  khi sáng sớm cho đến lúc đêm về, ngẫm nghĩ nhìn lại…rồi có phút giây nào đó tĩnh lặng thì lại chợt nhớ !
         …Anh Chị Em nên nhớ thân phận con người là cô đơn. Trong cô đơn ta gặp được mình, ta gặp được người, ta gặp được Trời. Nhưng cô đơn mà đừng cô độc…
         Chắc chắn rồi! không ai muốn mình cô độc, lời khuyên  vẫn vang vọng mãi :
         …Muốn vậy, Anh chị Em hãy luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường.
         Trải qua nhiều năm sống, rồi Anh Chị Em sẽ học được kinh nghiệm sâu đậm này là chẳng có gì quan trọng trong đời ngoài tình thương mến nhau…
         Tuổi sáu mươi, tất cả danh vọng, nhà cửa, tiền bạc…hầu như dần dần chùng xuống… và thấy rõ rằng rốt cuộc, cuối cùng của một đời người chẳng còn gì ngoài tình thương mến nhau. Cho nên, tất cả chỉ mong sẽ có được một cuộc sống bình yên , một tâm hồn thanh thản, an nhàn trong tình thân ái.
Nhiều người trong chúng tôi đi tìm lại bạn bè.Tìm gặp nhau để cùng nhắc lại những kỷ niệm một thời dễ thương nhất. Để cùng sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống. Để trao đổi với nhau những sở thích, những đồng cảm…
Thời gian không còn nhiều, hãy tìm đến nhau khi trong lòng tràn đầy thương mến. Hãy trút bỏ hết mọi ngại ngần, mọi ưu tư…

…Cuộc đời là một đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản, trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.

         Cho dù thời gian có chồng chất, cho dù trí nhớ có nhạt nhòa nhưng có lẽ tất cả cựu giáo sinh khóa 11 không bao giờ quên được những lời thầy đã dặn dò và với bao nhiêu kỷ niệm đẹp của đêm mãn khóa tháng sáu năm 1974 tại công viên trường ngày ấy.
Đêm mãn khóa mãi mãi là tiếng vọng trong lòng mỗi người cựu giáo sinh khóa 11 khi nghĩ về nhau.
         Đời người không là bao? Thời gian cũng không chờ đợi. Năm 2014 sẽ là năm khóa 11 của chúng ta tìm về lại mái trường xưa. Tìm về bên nhau một lần sau cuối, khơi lại trong đống tro tàn, lật từng viên gạch ký ức… để tìm lại từng khuôn mặt thân thương, tìm lại hơi ấm của tình đồng môn,  của tình bạn… có thể  không còn một cơ hội nào nữa!
         Đâu ai biết trước được điểm dừng của một đời người là lúc nào?
…còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi…(Phúc âm buồn-TCS).
         Hãy về bên nhau khi còn có thể! Đừng để hối tiếc khi đã quá muộn!

Tháng 11/2013.
Irene.
* Những đoạn in nghiêng là trích dẫn thư của thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn nói với Giáo sinh khóa 11 trong Đêm Mãn Khóa.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Sương Lạnh Chiều Đông - Mạnh Phát - Bảo Yến



Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối.
Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi.
Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở
của người nguyện đợi chờ nghẹn ngào giờ tiễn đưa.
Chợt thấy lòng rớt giữa hư vô.
Đưa tiễn nhau đi ngại những đêm mưa.
Đêm chập chờn buông lên giấc mộng
Em vẫn thường gặp anh như lúc xưa nơi sân trường.

Anh lên đường trăm hướng.
Em ở lại sầu thương.
Buốt giá câu thơ những lúc đêm mờ,
Ướp cánh hoa xưa vẫn nhớ hương chờ mà đắm trong nghẹn ngào.

Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng.
Mây vỡ hoa tan tàn giấc mơ hoa.
Anh hãy về đây đêm giá lạnh
Vẫn nghe nồng hơi ấm của tâm hồn tròn mơ...

NHỚ … TÔ BÚN BÒ HUẾ


         Tặng  TĐL người bạn cùng khóa của tôi.
                                    Irene.
        
Chúng tôi những anh chị em cựu giáo sinh sư phạm Qui Nhơn ở Sài Gòn thỉnh thoảng gặp nhau. Ngoài những cuộc gặp  thường kỳ vào ngày Chủ nhật đầu tháng, còn có những cuộc gặp đột xuất hay những cuộc gặp nhau bất thường. Để nói chuyện, để tâm sự với nhau những vui buồn trong cuộc sống, nhắc lại những kỷ niệm thời còn đi học và nhiều chuyện trên trời dưới đất, chuyện năm châu bốn biển, chuyện thời tiết mưa nắng hay trong nhà ngoài phố ...”.
         Mỗi lần gặp, có nhiều chuyện xảy ra mà không thể nào ngờ tới được? Có những việc mà đưa vào trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”! Không biết các bạn thế nào? Chứ tôi thỉnh thoảng thường hay gặp tình huống như vậy. Vì vậy, những lúc như thế, để làm vui lòng mọi người, cũng phải cố gắng xoay xở, vượt qua. Hoàn thành trách nhiệm mà “bạn bè giao phó” .
         Chuyện là thế này : Nghe tin cô bạn lớp tôi từ nước ngoài về. Bốn mươi năm rồi mới gặp nhau. Các bạn lớp tôi rộn ràng hẳn lên! Hàng chục cuộc điện thoại gọi đến hỏi thăm rồi hẹn hò…và cuối cùng quyết định chọn một nơi mà có thể gặp nhau suốt cả ngày cho một cuộc họp mặt có nhiều chuyện nói với nhau… Địa điểm lý tưởng nhất là nhà bạn HKT, người bạn lớp của tôi.
         Gặp nhau thì phải ăn uống. Người ta thường nói : “Có thực mới vực được đạo” nên phàm làm việc gì thì chuyện ẩm thực cũng phải là hàng đầu.
         Nấu món gì đây? Cô bạn tôi cũng người gốc Huế cho nên thôi chọn các món ăn miền Trung là thích hợp.
          Trước hôm họp mặt, có bạn nói với tôi rằng:
         -Hay R. nấu món bún bò Huế.
         -Sao lại giao cho mình? Mình nấu ăn dở lắm! Tôi từ chối.
         -Thôi mà, khiêm nhường quá! R. mà không nấu, thì ai nấu bây giờ? Mấy người kia đều là khách, chỉ có R. là bạn thân của…
         Tôi đành miễn cưỡng:
         -Ừ…
         Tôi ậm ừ, chứ trong bụng thật là bất an. Thiệt tình mà nói, lâu nay tay nghề nấu nướng của tôi tự nhiên “xuống cấp” một cách trầm trọng…Hàng ngày chỉ nấu ba bữa cơm rau mà thôi. Bây chừ… Thôi kệ! Liều “thử thách” một phen vậy!
         Có rất nhiều người bạn của tôi cứ nhìn bên ngoài của tôi rồi nghĩ là con gái Huế chắc giỏi công dung ngôn hạnh. Nhưng thật ra tôi “yếm thế” về mặt này. Hơn nữa trong gia đình, tôi lại là con gái út, bên cạnh có các chị lớn nên mọi người trong nhà thường cho tôi “nghỉ xả hơi” trong mấy việc bếp núc, nấu nướng.
Tôi nhớ có một lần bạn T.Đ.Lượng nói với tôi rằng:
         -R nấu ăn chắc ngon lắm! Khi nào có dịp cho mình thưởng thức món bún bò Huế với nghe!
         -Ừ…
         Thật ra tôi ừ cho qua chuyện. Chứ nấu hay không là do mình. Mình mà tránh thì còn khuya mới có cơ hội...
         Thế mà hôm nay, tôi vướng vào chuyện “rắc rối này”!!!

         Sáng hôm đó, tôi dậy thật sớm, cả đêm cứ trằn trọc. Tính tôi cũng kỳ lạ! Hễ mai chuẩn bị đi đâu thì y như rằng đêm đó lại mất ngủ…Thêm vào đó cũng thấy lo không biết mình “kham” nổi món ăn mà mình sẽ nhận nấu hay không?
Những khách mời toàn là những người sành điệu nào là anh Chí Hải, chị Hải Tuyền gốc Huế. Anh Sanh cũng rành món ăn, vì bà xã anh cũng là người Huế. Thanh Bình dân Bắc chính hiệu, nấu ăn ngon khỏi chê. Đông Oanh một người chuyên “săn lùng” cách nấu các món ăn, trong đó có món bún bò Huế tuyệt chiêu. Thanh Cảm nấu bếp có tiếng với các món ngon như gỏi trộn ngó sen, Vịt hầm thuốc Bắc…được ăn một lần là nhớ đời đời. Bích Lệ sành điệu và rất kén chọn trong ẩm thực. ngoài ra còn có các bạn của tôi như Phan Văn Thanh, Dương Đông Thành, Huỳnh Thiên Tâm, Đào Văn Tuấn, Võ Thủ Tịnh, Võ Sao Tây…có những người vợ rất đảm đang trong việc nội trợ. Tôi rùng mình, tự nhủ thầm: “Phen này mình “chết là cái chắc!”
         Sáng Chủ nhật, mọi người còn ngủ thoải mái thì tôi đã khăn gói lên đường. Sớm quá nên đường phố thông thoáng. Vì thế chẳng mấy chốc tôi đã có mặt tại nhà bạn HKThạch khi sương đêm vẫn chưa tan hết và cũng chưa có ai đến mà cửa nhà bạn cũng chưa mở...
         Gõ cửa, cửa mở, không cần “chủ nhà” mời, tôi đi thẳng vào bếp, bắt tay vào việc nào soạn thực phẩm ra, bỏ vào rổ, nhặt rau, lột hành, tỏi…
         Tôi mở vung nồi nước trên bếp mà Lan vợ bạn tôi đã luộc dùm thịt sẵn. Tôi lục tung trí để nhớ lại cách nấu  như theo sự chỉ dẫn trên mạng về nấu bún bò Huế của Đông Oanh theo tuần tự các bước một…
Tôi mở vung nước dùng. Theo như lời hướng dẫn thì nước dùng phải trong, nhưng sao ở đây nước đục thế này?
-Phải làm sao đây? Tôi bắt đầu  thấy lo lo trong bụng nhưng thôi hòa thêm nước sôi vào chắc sẽ trong thôi.
         Nhìn qua dĩa dựng các bắp bò, thịt và gân cũng còn cứng quá.
-Phải luộc lại cho mềm thôi!
 Giò heo thì luộc thì quá chín mà mỗi miếng thịt cắt nhìn chưa được thẫm mỹ lắm.
-Thôi cắt tỉa lại cho dễ nhìn là được.
Cứ tiếp tục từng bước, từng bước thầm…và cũng đành nhắm mắt cho “bèo dạt mây trôi” chứ còn biết làm sao?
         Tìm hủ mắm ruốc Huế đem theo rồi hòa với nước để lắng xuống, đổ nước trong vào nồi. Pha thêm nước vào khoảng hai phần ba… Bật bếp, nồi nước dùng sôi lên, nhớ lại lời mẹ dạy phải vớt bọt ra hết thì nước sẽ trong. May sao sau một hồi vật lộn với nồi nước lèo…nước dần dần trong trẻo như nước hồ thu… Tôi nêm nếm gia vị. Nếm riết, miệng tôi chẳng còn cảm giác ngon hay dở? Tôi bắc chảo dầu phi hành, ớt, hạt điều…Khâu thái thịt cũng làm tôi toát mồ hôi vì gân bò còn cứng quá mà dao thì không được bén lắm?! Nhưng rồi cũng xong…
         Lần lượt các bạn đến! Tôi chào hỏi rôm rả, ôm nhau chụp hình, cười cười nói nói …nhưng trong bụng đâu có yên vì thực khách hôm nay toàn là những khách quí, những người ăn uống sành điệu trong làng “ẩm thực” của đất Sài Thành…
         Nhìn Đông Oanh, Thanh Bình, Bích Lệ, Thanh Cảm, Vĩnh Phước, Lệ Thu là những đầu bếp nổi tiếng đó đây của các miền trong nước. Trong đó có Hoài Thanh một đầu bếp nổi tiếng ở San Jose... Còn thêm đàn chị Bích Tuyền nữa …Tự dưng tôi thấy ân hận “Sao mình lại dám múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng thôi chuyện đã lỡ rồi! Than vãn làm gì? Tới luôn bác tài ơi, ới, ơi!
         Ngồi vào bàn, ăn ăn uống uống nói chuyện vui quá. Một lát sau tôi nhớ sực đến nồi bún bò, quay sang T.C tôi nói như năn nĩ:
         -Ăn bún bò nghen?
         -Từ từ đã…khoan múc…
         Tôi hơi tiu nghĩu, nhưng cố phớt tỉnh. Một lát sau, tôi quay sang Lệ hỏi, may sao Lệ nói:
         -Múc cho mình một tô nhưng ít thôi nghen…
         Tôi mừng quá, đứng lên liền. Đ.Oanh, Th.Bình vói theo:
         -Cho mình tô bún với.
         Tôi phấn chấn hẵn lên! Bỏ bún vào tô, sắp thịt…múc nước, rắc hành…nhìn hình thức rất là bắt mắt nhưng không biết ăn thì ra sao? Hên xui?
         Mọi người lại tiếp tục ăn...chuyện trò, nâng ly vui vẻ…Có vài người nào đó cũng nhờ tôi cho tô bún…
         Cứ thế ăn uống, chẳng ai bình phẩm khen chê.
Tôi nghĩ :- Chắc là không ngon nhưng hy vọng cũng chẳng dở…tàm tạm chỉ là bậc trung là may mắn cho mình lắm rồi!
         Đ.V.Tuấn người bạn cùng lớp, đến bên tôi nói khẽ :
 -Cám ơn R nghe! Bún bò ngon lắm!
 Tôi mỉm cười vì biết tính bạn ấy, thấy tôi vất vả thì khen để làm vui lòng thôi.
         Lúc này, anh Hải và chị Tuyền vừa đến, tôi vội vã ra chào, hỏi thăm rồi mời chị:
         -Chị ăn bún bò nghe!
         Chị dịu dàng bảo tôi:
         -Cám ơn em! Chị mới đi xe đến nên hơi bị nhức đầu…để chút nữa đã em.
         -Dạ, thôi chị nghỉ một lát đỡ mệt rồi ăn nghen.
         Sau đó tôi múc cho chị một tô nho nhỏ và lần này rất mừng khi nghe chị nói:
         -Ngon! Đúng là bún bò Huế!
         Biết là chị khích lệ, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy như được tiếp thêm sức :
-Có thế chứ, ít ra cũng có người thấy được chất Huế trong tô bún.
         Ăn xong, mọi người lên lầu. Một cuộc văn nghệ “nho nhỏ”. Anh Sanh hát cho chúng tôi nghe , Tiếp đến HKT hát, huýt sáo…HTT đàn hát…Còn chúng tôi bên nhau nói chuyện thì thầm hay tâm sự…
         Trời về chiều, các bạn Thủ Tịnh, Sao Tây…ở Đồng Nai vội vàng ra về vì trời buổi chiều hay mưa. Thạch mời mọi người xuống ăn tiếp… Anh Hải và chị Tuyền cũng đội mũ chuẩn bị đi về, Tôi vội chạy đến bên anh chị :
-Anh ơi, em đã múc lỡ rồi, mời anh vào ăn giúp em.
Thấy tôi năn nĩ, anh trêu:
-Không! Ừ mà thôi vào ăn cũng được!
Tôi bật cười…
Tôi ưu tiên múc trước tiên cho bạn TĐLượng, sau đó thêm nước nêm nếm lại múc cho mọi người.
Tất cả mọi người cùng ăn uống vui vẻ. Tôi thở phào nhẹ nhõm: Thế là công việc nấu nướng của mình cũng đã trôi qua một cách êm xuôi. Bây giờ đã bước vào tuổi “sixty” mà còn nấu nướng cho bạn bè ăn uống như thế là tốt rồi! Và nhủ thầm với mình rằng là sẽ không còn dám tái diễn vào lần sau nữa đâu nhé!
TĐL ngồi bên bàn nữ. “Bướm lạc giữa rừng hoa”…Sau một hồi huyên thuyên xổ “Hán”, “Nho”, “Quốc ngữ” với vòng vo “Tam Quốc” … Trước mặt có Hoài Thanh còn xung quanh là dàn Diễn viên điện ảnh “tuổi six”… nên L. vừa nói, vừa quơ tay diễn giảng một cách say sưa quên cả ăn chỉ có uống... Đến khi quay lại tô bún thì ôi thôi:
-Sao nó mặn quá vầy nè?
-Đâu có mặn, vừa ăn mà. Thạch nói.
Chờ cho bạn ăn thêm một miếng nữa, tôi nói:
-Hình như có ai đó, tìm cách bỏ thêm vào tô của L. một muỗng muối để cho câu chuyện của bạn càng thêm mặn mà. Thôi, ăn đi để nhớ đời! Lần sau đừng bắt mình nấu nữa. Hì hì…
Mọi người cười ồ lên:
-Vậy là L. nhớ mãi tô bún bò Huế R. nấu nghen!!!

Sài Gòn, Tháng mười, 2013.
Irene.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Lũ...; Biển Động...

Kính chào BBT SP . . .
Tôi , Nguyễn Thọ K4 , Nha Trang .
Đợt bão lũ vừa qua , tại quê tôi , tôi có chụp những hình ảnh này...
Nếu được BBT cho đăng lên trang nhà cho anh chị em biết . . .
Chúc BBT an vui và xin cảm ơn . . .
                     Thọ K4 , Nha Trang .




Và Biển Động:




Tin Buồn



Ban liên lạc CGS Khóa 8 Sư Phạm Quy Nhơn báo tin :

Anh Đoàn văn Thiệt  lớp nhị 10 khóa 8 SPQN, vừa từ trần tại thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú yên.
Linh cửu quàn tại tư gia và an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Thay mặt Ban Liên Lạc CGS khóa 8 SPQN tại Sài gòn, xin gởi lời chia buồn cùng tang quyến và kính mong hương hồn bạn Thiệt sớm tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng.

                                            Thay mặt Ban Liên Lạc khóa 8
                                            TB : Nguyễn quang Vinh.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Hương Rượu Cần


  Kynguyen
Đêm nhạc cồng chiêng mà chả thấy cồng chiêng đâu, chỉ có tiếng micro và những điệu múa Tây nguyên hoang dã, tuy vậy vẫn vui vẻ, cuốn hút vô cùng.
Sáu đôi nam nữ vũ công múa liên tục, có đến hơn chục bài. Khán giả ngồi chật kín ba phía cũng tham gia nhiệt tình không kém. Đoàn Sư phạm già nhất, ai cũng trên 6 bó cả rồi, vậy mà có một số anh chị múa không thua gì các vũ công chính hiệu. Cũng nhảy, cũng xoay, cũng nhịp nhàng uốn éo, thật dẻo dai, thật  uyển chuyển … dù cho sau mỗi bài nhảy  lại ngồi thở dốc, đấm bóp tay chân lia lịa…  đợi nhâm nhi  xong  miếng thịt nướng thơm thơm,  hít một hơi rượu cần cay cay rồi  lại vào nhảy tiếp… Đêm đông phố núi, gió hun hút, ban đầu  mọi người  co ro trong áo ấm, mặc dù giữa nhà có một đống lửa to đang cháy ngùn ngụt…Được nửa chương trình đã thấy ấm người, nhờ vận động, nhờ men rượu  thơm  nồng nhè nhẹ…Chúng tôi chỉ cổ vũ thôi mà cũng nóng cả người. Đến màn thi  thổi tù và, các bạn nam thổi như voi ré, hổ gầm, còn phái nữ thì phù phù như thổi lửa nấu cơm, cười đau cả bụng…Trở về khách sạn, tối nay thế nào cũng có người mất ngủ vì đau nhức chân tay, dù sao cũng bõ một tối vui, được vận động chân tay, được hét hò thoải mái. Sáu mươi chưa phải là già, bằng chứng là các bạn tôi tối nay đấy. Ước gì lâu lâu lại có một chuyến đi “ xả stress” như thế.
  Người anh đồng môn, học trên tôi 2 khóa vừa gọi điện mời : Tháng 12 nhớ lên ĐL nhé…Chà, mới đó đã gần 1 năm rồi…Lại thấy  háo hức xen lẫn bồi hồi. Nhớ chuyến đi năm ngoái quá…Chắc phải về thôi. Vừa thăm lại chốn xưa, vừa gặp lại bạn cũ.Thời gian  trôi qua vùn vụt . Mỗi năm sức khỏe mỗi khác, phải nắm bắt từng cơ hội cho mình, cho bạn bè. Tuổi già  bóng xế cả rồi, vui được ngày nào hay ngày ấy… Đà lạt mùa này đang rất đẹp, nắng vàng lung linh, gió nhè nhẹ, cũng là thời điểm để loài hoa dân dã -  quỳ vàng -   khoe sắc  rực rỡ khắp các triền đồi, dọc đường đi, bờ rào, bờ dậu…Một khóm quỳ vàng tươi  cạnh một khóm trạng nguyên đỏ rực , còn ướt đẫm sương mai, thấp thoáng  bên cánh cổng nhà ai… chỉ thế thôi cũng đủ làm ngất ngây du khách…
  Đà lạt ơi, hẹn ngày trở lại.

Đêm Nay Cơn Bão Không Về


Châu Thị Thanh Cảm

     Tháng mười một, trời vẫn còn vài cơn mưa muộn vội đến vội đi. Những con đường khuya ướt mưa như long lanh hơn dưới ánh đèn. Đêm Sài Gòn chớm đông nghe dịu dàng và thân thuộc, nét thân quen như đâu đây có chút gió mùa đông bắc tràn về, có chút rét đầu đông quê tôi lướt qua se lạnh!
     Dừng chân bên cầu Bình Lợi, cây cầu mới rộng thênh thang với những làn đường trống trải, gió từ mặt sông thổi lên man mát…Hai bên lan can, người đến hóng gió mỗi lúc một nhiều… Dưới chân cầu, dòng nước vẫn lặng lẽ xuôi trôi như muốn cuốn theo tất cả những muộn phiền của một ngày hối hả đổ về đại dương bao dung rộng lớn. Ánh đèn hắt xuống mặt sông loang loáng, xa xa, vài ba đám lục bình dập dềnh trôi theo dòng nước sông đêm phẳng lặng…Có tiếng còi tàu rít lên, con tàu rầm rập băng qua chiếc cầu sắt rồi mất hút trên đường ray dài xa thẳm. Thành phố dần vào đêm, tôi khẽ rùng mình, hình như đông đang về ngang đây và hình như bầu trời mờ sương ươn ướt lạnh?
     Nghe nói hôm nay Sài Gòn sẽ có bão. Trên các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật và nhắc nhở người dân phòng tránh. Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, cơn bão dự báo mạnh cấp 8 cấp 9 giật cấp 10 cấp 11, lại đổ bộ thẳng vào các tỉnh phía Nam. Mà kể cũng lạ! Đã lâu lắm rồi mới nghe bão về nơi đây, nơi quanh năm chỉ hai mùa mưa nắng này nên mọi người hoang mang lo lắng! Mà lo lắng hoang mang cũng phải, bởi Sài Gòn chưa quen sống cùng bão như quê hương miền Trung tôi. Cả ngày hôm nay thành phố tất bật phòng chống bão, trường học cho học sinh nghĩ sớm, hàng ngàn người dân vùng biển Cần Giờ lục tục đi tránh bão, mọi ngã đường thành phố tuy vẫn như mọi ngày, vẫn hối hả, vẫn đông đúc nhộn nhịp người xe, nhưng, Sài Gòn hôm nay… chợt lạ!

      Chiều qua đi rồi trời lại tối, thành phố đã lên đèn! Người dân thành phố cứ lo lắng, phập phồng ngóng đợi…Bão có về không??? Trời vẫn quang và mây vẫn tạnh! Dọc theo hai bên lan can cầu Bình Lợi dòng người đến hóng mát mỗi lúc cứ thấy đông thêm. 21h rồi 22h…vẫn chưa có bão! Đêm mùng 4 trời  quang mây! Có lẽ bão sẽ không về và Sài Gòn vẫn sẽ bình yên?
      Khuya, có chút gió kéo về và cơn mưa đêm dai dẳng nhẹ nhàng…Bên cửa sổ, chỉ có những hạt nước nhập nhòe trên khung kính, gió vẫn êm và có lẽ Sài Gòn đã yên bình tránh cơn “bão hụt”?
      Không gian đêm, chỉ có tiếng lộp bộp của những hạt mưa tạt vào khung cửa rồi từng dòng tan chảy, từng hạt từng hạt hòa vào nhau, ôm lấy nhau, tha thiết mặn nồng…Và ngoài kia, có tiếng gió lao xao đuổi theo những hạt mưa chạy dài trong đêm vắng…
     
Bão không về ngang đây như dự báo nhưng cơn mưa triền miên đêm nay thật buồn! Cơn mưa dài tí tách đủ cho tôi nhớ về những mùa đông nào xa, những mùa đông quê nghèo buồn thương theo từng cơn bão rớt!  

     Với tay, có tiếng hát ấm áp gần gụi, vỗ về…
     “… Ôm lòng đêm
      Nhìn vầng trăng mới về nhớ chân giang hồ
      Ôi phù du
      Từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ
      Đời người như gió qua…”*
   
     Thành phố giờ đã ngủ lâu rồi, mưa vẫn nhẹ nhàng rơi…Trong vô miên cuộc đời dường như  đâu đây nghe mong manh tiếng gọi…
     “… Thôi về đi
      Đường trần đâu có gì tóc xanh mấy mùa
      Có nhiều khi từ vườn khuya bước về
      Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa…”*

     Đêm nay cơn bão không về. Thành phố vẫn bình yên trong cơn mưa rất nhẹ…

                                                                       Sài Gòn, đêm chờ bão…
                                                                        Châu Thị Thanh Cảm

(*) Phôi Pha- Trịnh Công Sơn

Gọi Ta Ngậm Ngùi - Thơ - Bích Liên


(Nhân dịp thăm nhà cũ thầy Trần Văn Mẫn tháng 5/2012)

Gọi ta về lại vườn xưa
Tìm trong thương nhớ mấy mùa nhớ thương
Cây xưa đứng đợi trong vườn
Nghiêng nghiêng bóng đổ lối buồn ta qua.
Gọi ta tìm lại dấu hoa
Đã chìm trong cỏ chiều pha sắc vàng
Gọi ta chân bước khẽ khàng
Yên cho nhà vắng, ngủ ngoan giấc buồn
Gọi ta ngồi dưới hoàng hôn
Trông màu sương khói mơ hồn ngọc lan
Gọi ta lòng nghẹn ngàn hàng
Thương nhành hoa giấy cũ càng liêu xiêu
Gọi ta mái xám tường rêu
Thềm nhà quạnh quẽ, gió chiều bâng quơ
Gọi ta cổng lạnh khép hờ
Đâu người năm cũ mà chờ tay quen...


Vườn xưa, chiều gọi sầu lên
Ta ôm thương nhớ gọi tên ngậm ngùi ...

( Bích Liên - khóa 7)


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...