Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Cháy Lên Đi, Ngọn Lửa yêu thương ...

                                                                                                                          Châu Thị Thanh Cảm
                                                               
                   
      Chỉ với hơn nửa giờ bay, chuyến bay VJ352 của hãng hàng không Vietjet Air đã đưa tôi đến Ban Mê Thuột vào một chiều nắng muộn. Gió đầu đông se lạnh. Quấn vội chiếc khăn quàng cổ, tôi cùng mấy chị bạn đồng môn bước xuống vài bậc thang cuối cùng…Sân bay chập choạng tối, ánh đèn điện vàng ấm từ dãy nhà phía trước sáng rực, lung linh…

      Tôi đã may mắn nhiều lần được tham dự các buổi họp mặt Sư Phạm Qui Nhơn tổ chức ở khắp mọi miền…Từ cái nôi SPQN của lần kỷ niệm 50 năm thành lập trường được tổ chức tại Qui Nhơn với hơn 1000 anh chị em cựu giáo sinh trở về đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm khó thể phai mờ. Những kỳ gặp gỡ thường niên của SPQN- Sài Gòn, Đà Lạt, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…với biết bao khoảnh khắc lắng đọng buồn vui…Cho đến lần họp mặt kỷ niệm 40 năm ra trường 1974-2014 của Khóa 11 tháng 7 vừa qua cũng góp gom thêm kỷ niệm nối dài ký ức… Và lần này, gần 200 anh chị em cựu giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn chúng tôi lại tụ họp về DakLak, về thành phố Ban Mê Thuột, về với vùng đất Tây Nguyên nắng gió đại ngàn để cùng đốt lên ngọn lửa ấm áp của tình bạn, tình thầy trò, cùng sẻ chia tâm sự, cùng tay bắt mặt mừng và để cùng ôn lại những kỷ niệm đã từng một thời đau đáu…

      Nhiều lần may mắn được đi, được đến, được gặp gỡ bạn bè đồng môn sau những tháng năm xa, nhưng, mỗi một lần đi, mỗi một lần đến, trong tôi đều luôn có cái cảm giác nôn nao khác lạ, cái cảm giác bồn chồn như đang ngóng đợi một ai đó thân thiết trở về. Cái cảm giác như sắp bắt gặp một điều gì đó mơ hồ mà hết sức thiết tha trong tâm tưởng tưởng như đã mất. Mỗi một lần đi, mỗi một lần tìm về, trong tôi cứ lắng đọng vơi đầy bao nỗi niềm thương thương nhớ nhớ…

      Vì đã được các anh chị trong ban liên lạc SPQN-DakLak, trong ban tổ chức sự kiện chu đáo đón tiếp nên chúng tôi nhanh chóng thích nghi. Một cảm giác thật dễ chịu như khi chúng tôi được trở về nhà, trở về với anh chị em sau những ngày xa cách. Những con đường nghiêng đêm bóng đổ tuy lạ bỗng quen, thành phố cao nguyên tuy mới lần đầu đặt chân bỗng như là thân quen cho bước chân rộn rã quay về… 

      Không gian đêm ở đây trong trẻo, lặng thầm. Thành phố đêm ở đây với những con đường nhỏ yên bình, nhẹ hút. Cùng với vài người bạn lang thang trên những con đường nhỏ tìm chỗ ăn đêm, tôi chợt nhận ra cái nét riêng thật riêng của đêm ở thành phố núi này…đơn giản mà lãng mạn…bình dị mà thật sự đáng yêu lạ kỳ…

      Sau một đêm ngon giấc qua những thao thức nôn nao, tôi trở dậy khi rộn ràng ngoài kia nắng đã lên cao và có tiếng nói cười của mấy anh chị đồng môn đến sớm nhận phòng. Vì số lượng về tham dự đông hơn dự kiến nên chúng tôi được các anh chị trong ban tổ chức đưa về lưu trú ở hai khách sạn khác nhau. Nơi chúng tôi ở chỉ có đoàn Sài Gòn và Đà Lạt. Quý thầy cô cùng các đoàn Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…về khách sạn Tuấn Vũ gần đó, trên đường Ngô Quyền…Vì đến trước nên tôi có nhiều thời gian hơn để cà phê, dạo chơi, tham quan thành phố. Một ngày cùng mấy anh chị lang thang trên nhiều con đường nhỏ, tìm mua đặc sản làm quà, thưởng thức những món ăn ngon… Đêm đến vào phòng trà vừa nghe nhạc vừa nhâm nhi cốc cà phê kem lành lạnh, để cảm nhận cái ấm áp dịu dàng giữa căn phòng kín êm êm tiếng nhạc hòa vào cái lạnh se sắt của đêm cao nguyên mà thấy tình bạn, tình đồng môn thêm xích lại, thêm gần nhau hơn trong từng lời tâm sự, trong từng câu hát như thủ thỉ với chính mình… “Triệu người quen có mấy người thân…Khi lìa trần có mấy người đưa…”

      Lại một đêm nữa ngủ ngon trong chăn ấm, trong cái se lạnh của đất trời Tây nguyên…Buổi sáng trở dậy, cơn gió đông se sắt buốt mềm thốc vào da thịt, lòng bỗng nghe nhẹ nhõm...Khoác thêm áo lạnh, quàng thêm chiếc khăn, nhóm chúng tôi đón taxi đến Làng cà phê Trung Nguyên, một điểm đến thú vị của thành phố này. Từng giọt cà phê thơm ngon ngọt đắng, không gian hoài cổ nhẹ êm, cộng với thiên nhiên trong lành, anh chị em chúng tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng… Mọi người nhanh chóng quay vài đoạn phim, ghi lại mấy khung hình đẹp rồi sau đó rủ nhau đến tham quan Bảo Tàng văn hóa các dân tộc Việt cổ kính, Biệt Điện Bảo Đại rêu phong… nằm trong một khuôn viên rộng lớn rợp mát bóng cây cổ thụ giữa lòng trung tâm thành phố cao nguyên nắng gió này.

      Sau thời gian nghỉ trưa nhẹ nhàng, xe đón chúng tôi đến Buôn Đôn, điểm tham quan cách thành phố Ban Me Thuột khoảng chừng hơn 40 km, một trong những điểm đến tuyệt vời mà chúng tôi nao nức mong chờ nhất trong kỳ họp mặt SPQN lần này. Hai bên đường đến Bản Đôn là những nương rẫy cà phê xanh rì tít tắp, thấp thoáng vài ba khu nhà sàn ẩn mình dưới những vạt cây xanh…Bên đường, ngơ ngẩn những đôi mắt cười của mấy cô sơn nữ, trên vai chiếc gùi đong đưa theo từng nhịp bước… 

      Xe thả chúng tôi xuống khu du lich Bản Đôn khi nắng đã nhuộm tím cả một vạt rừng, không gian bàng bạc một màu hoang lặng…Có tiếng con chim nào kêu chiều lặng lẽ xa xa. Chúng tôi, ai cũng đã là ông bà nội ngoại mà như trẻ lại, như trở về cái thời trẻ trung của thuở đôi mươi. Mọi người nói cười, cười nói…Những cái ôm thắm chặt nghĩa tình, những nụ cười muộn màng mà tưởng chừng muôn thuở, những ánh mắt nhìn hút sâu như bao điều muốn nói và những giọt nước mắt cứ lăn tròn khi tay ấm trong tay…

      Thật lòng mà nói, đứng giữa một không gian thật đẹp, thật lãng mạn của núi rừng Tây nguyên bao la như thế này, đứng giữa một vạt rừng chiều tĩnh lặng hoang sơ bỗng rộn ràng tiếng cười tiếng nói như thế này, tôi như đắm chìm trong muôn vàn cảm xúc, tôi như đang bay giữa một giấc mơ, như đang chầm chậm trôi giữa ấm áp cuộc đời, giữa tình thầy trò, tình đồng môn cao quý... Có tiếng con chim rừng gọi nhau, tìm nhau giữa đại ngàn. Có tiếng lá rơi xào xạc trên chiếc cầu treo bên suối, trên những mỏm đá khô rêu phủ dưới lòng thung vắng… Có tiếng con voi già rít lên tha thiết như tiếng gọi bầy…Và, có tiếng cười tiếng nói của chúng tôi giữa rừng chiều đang chìm vào tối… mênh mang…

      Rừng chìm vào tối… huyền hoặc êm đềm…Chúng tôi vòng trong vòng ngoài nắm tay nhau thân tình, ấm áp. Rồi ngọn lửa bùng lên, sáng rực lên tình Thầy tình Bạn, ấm áp hơn cái tình cái nghĩa tưởng đã phôi pha…Thầy trò chúng tôi nắm tay nhau cùng hát giữa ánh lửa bập bùng. Tiếng hát hòa tiếng đàn của thầy và trò vang vang giữa đêm rừng núi Tây nguyên…Tiếng ca chúng tôi hòa cùng tiếng cồng chiêng đượm màu huyền thoại của người E’de anh em vang sâu trong rừng vắng, ôm ấp cả đại ngàn…
       “ Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung…đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng…” Rồi, “ Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi…” Và, “Anh em ta cùng mẹ cha, nhớ chuyện cũ trong tích xưa khi thế gian còn mù mờ…Xưa khi xưa mẹ đẻ ra trăm cái trứng, sinh lũ con trăm đứa con cùng một dòng…”

       Chúng tôi, cứ thế, cứ múa, cứ hát, cứ vui, cứ cười và cứ nói…bên ché rượu cần ngất say lòng người, bên tình nghĩa anh em Thượng Kinh sâu rộng, bên tình Thầy Trò cao quý thắm nồng. Mặc cho thời gian cứ trôi vào đêm, rừng đã khuya và sương đã xuống…Mặc cho chúng tôi tiếng đã khan và chân đã mỏi…tiếng đàn, tiếng hát của thầy trò chúng tôi vẫn rộn rã, vẫn dài xa…

      Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Bao nhiêu năm rồi Thầy Trò chúng tôi mới lại có dịp cùng ôm đàn và bên nhau cùng hát, như ngày nào bên ngôi trường thân yêu ấy…? Chúng tôi vẫn đàn đấy, chúng tôi vẫn hát đấy…nhưng có ai thấy không? Có giọt nước mắt nóng hổi nào đang lăn dài trên má…! Có ai nghe thấy không? Có tiếng nấc ứ nghẹn nào, đè chặt vào lòng…! Tuy bây giờ mái tóc của Thầy và Trò đã lấp lóa, đã gần giống như nhau, nhưng dường như thầy trò chúng tôi vẫn trẻ, tình thầy trò chúng tôi vẫn thế và tình yêu Sư Phạm trong chúng tôi mãi mãi không nhòa… 

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

ĐÊM HỘI NGỘ

                                                                                                                                           Hồng Hà
                                                          (Thân tặng các anh chị em đồng môn SPQN)

                      Tôi đến BUÔN MÊ một chiều nắng đẹp,
                      Trời rất trong ,phố núi khoát áo xanh
                      Đất đỏ ba zan không khí trong lành
                      Trong lồng ngực ,gió đại ngàn réo gọi...

                      Bè bạn đồng môn ,cùng nhau hội ngộ
                      Rưng rưng nụ cười ...tìm lại ngày xưa ,
                      Tuổi thanh xuân thương biết mấy cho vừa !
                      Niềm vui ấy ,về đây ôn kỷ niệm .

                      SƯ PHẠM QUI NHƠN những lời ước hẹn ,
                      Ngày ra trường đừng để lạc tin nhau !
                      Năm tháng trôi qua ...tóc đã phai màu !
                      Mới tìm lại tình đồng môn ngày ấy.

                      Cám ơn BUÔN MÊ ,cám ơn phố núi
                      Đêm BẢN ĐÔN trong ánh lửa bập bùng...
                      Ta lại gặp nhau , đêm của tương phùng !
                      Vòng tay lớn , nối thêm tình bè bạn !

                                                                                                                  HỒNG HÀ -K8.
                                                                                                                        BMT 23/11/2014

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

BẬP BÙNG NGỌN LỬA CAO NGUYÊN.

                                                                                                                                    Ky Nguyen

        Năm nay bà con Sư Phạm Quy Nhơn kéo lên Daklak đông quá, đêm
lửa trại tại Buon Don càng thêm vui, càng thêm náo nhiệt.

        Vòng trong, vòng ngoài nắm tay nhau mà vẫn không đủ chỗ…Giây phút châm
lửa thật hồi hộp…ngọn lửa bùng lên, niềm vui vỡ òa, máy ảnh thi nhau
bấm tí tách. Lần  họp mặt này, hình như đoàn Sài gòn vẫn đông nhất,
tiết mục văn nghệ Một Mẹ Trăm Con của đoàn thật tưng bừng. Thầy Hoàng
Song Nhi vừa gẩy lên những giai điệu đầu tiên qua tiếng đàn Mandolin
giòn giã, mọi người đã thấy náo nức rồi …các bà giáo già U 7, U 8, tóc
đã hoa râm, ríu rít lấy khăn quàng quấn quanh người làm sà rông rồi
nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa, tôi “ không may” nắm trúng tay một
ông giáo mập, ông ấy hát múa hăng quá, cứ  áp sát ngọn lửa rồi nhún
mình đá chân lên khiến tôi cũng phải ngả nghiêng theo, tàn lửa bay
tung tóe, hát thật to, nhảy cũng thật hăng… xong tiết mục, ai cũng mệt
đừ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, phấn son trôi tuốt luốt, vui ơi là vui…

          Đến tiết mục Chú Voi Con Ở Bản Đôn, nhìn các “ lão ông “
múa, không nhịn được cười. Một ông gầy nhom bên cạnh một ông mập ú, cả
hai cùng nhún nhảy làm điệu bộ con voi thật dễ thương. Nhớ ngày xưa
quá, nhớ những giờ sinh hoạt của lớp, thầy cô đứng giữa, học trò quây
tròn chung quanh, cùng học, cùng chơi… Ô kìa... sao mắt mình lại  cay
cay thế nhỉ!



             Ngày xưa ơi, đêm  nay gặp lại.

             Vẫn bồi hồi như  mới hôm nao…

             Hình ảnh ấy…làm sao quên được.

             Thầy, Cô, bè bạn, học trò cưng…



             Tên trường xưa…nay  dẫu chẳng còn.

             Vẫn khắc trong tim… Mái Trường Mẹ…

             Vẫn mong ước những lần gặp gỡ.

             Vui bên nhau những năm tháng cuối đời.



             Xin cảm ơn trường xưa yêu dấu.

             Đã cho tôi những ký ức tuyệt vời.

             Hạnh phúc nhất … Ta - Còn – Có – Bạn.

             Có chung kỷ niệm… Mái – Trường – Xưa.



          Hội ngộ rồi chia tay… chuyện thường tình. Ai  ra về cũng  mang theo
bao niềm vui, nỗi nhớ. Lần họp mặt này, tôi gặp lại người bạn cùng
phòng nội trú năm xưa, hai đứa ngồi ăn đối diện nhau mà đến  cuối bữa
mới nhận ra bạn cũ, tệ thật, lỗi này là cái tội của thời gian, tuổi
già khiến đầu óc ta lãng đãng, như nhớ, như quên…thông cảm nhé người
bạn xưa yêu quý.

          Xin cám ơn Ban Mê Thuột. Cám ơn các bạn đồng môn trên ấy. Một chuyến
đi tuyệt vời, tôi chưa bao giờ được vui như thế.


                                                                                                                                Kynguyen

Sư Phạm Quy Nhơn DAKLAK _ Họp mặt thường niên 2014

Nguồn : Trần Hiền Tuấn _ Quảng Ngãi











Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

NGƯỜI CỦA HÔM QUA

                                                                                                                                           Đan Thanh
                                     Theo mây mùa đông tôi trở về thăm
                               Cây sứ già nghiêng nghiêng hoa nở trắng.
                               Bỏ dòng sông. Tôi bỏ thuyền ,bỏ bến,
                               Một chiều hè hoa nguyệt quế ngát hương
                               Mấy năm rồi, tôi xa lớp xa trường.
                               Con đò ấy trao cho người ở lại
                               Chở tri thức bằng lòng thuyền nhân ái.
                               Bạn trẻ của tôi. Bao năm tháng miệt mài.
                               Tà áo bay lộng gió bóng hình ai…
                               Là tôi đó…của năm nào, tôi nhớ
                               Hành lang cũ, lớp học xưa. Tôi đến.
                               Ngẩn ngơ nhìn lá rụng nhớ chiều mưa
                               Rộn rã vang vang tiếng hát câu cười.
                               Cô giáo trẻ nhìn tôi bao thương mến.
                               Ấm áp trong tôi…bạn còn nhớ đến .
                               Thế hệ đã qua.
                               Xin cảm ơn đời.
                               Cảm ơn người chút tình cũ xa xôi.
                               Vẫn ấm lại như trong tro còn lửa
  
                               Nắng sân trường vẫn lung linh rạng rỡ.
                               Cây bàng quen vẫn ngan ngát lên xanh.
                               Kỷ niệm thoảng hương chan chứa ân tình.
                               Lớp học cũ, hành lang dài nỗi nhớ
                               Người- của- hôm- qua có lần xem lại vở.
                               Màu đỏ tươi, lời phê vẫn còn nguyên.
                               “ Nét chữ cười trên trang giấy nghiêng nghiêng”
                               Tôi bỗng nhớ một thời cầm bút đỏ.
                                Tôi đã đi qua và hoa đời vẫn nở.
                                Dòng sông xưa vẫn dào dạt chuyến đò.
                                Nếu có lần bạn thoáng chút âu lo.
                                Tôi xin được xẻ chia…
                                Với người của thời hoa đỏ
                                Cảm ơn nhé, cản ơn người bạn nhỏ.
                                Bạn của hôm nay là…tôi của ngày xưa
                                Của cái thời cầm bút đỏ đong đưa
                                Vượt sông nước đưa thuyền về điểm đến.
                                Bạn đi tiếp còn chúng tôi.. rẽ bến
                                Trên hành trình đi về phía hoàng hôn.
                                Lòng nhẹ thênh thênh trút bỏ giận hờn.
                                Không oán trách, không so bì ganh ghét.
                                Để nương gió như cánh diều bay vút.
                                Bạn trẻ của tôi ơi!
                                Xin gửi lại nụ cười
           
                    
                                                                                             (Kỉ niệm một lần về thăm trường đã dạy)                     

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

THẦY VÀ TRÒ.

                                                                                                                                     Irene

            Suốt cuộc đời tôi gắn bó với nghề “Gõ đầu trẻ”. Ba mươi mấy năm tận tụy dạy học, tôi thấy mình chọn đúng nghề và cho đến bây giờ tôi vẫn không một lần nào ân hận. 
Thật ra tôi yêu thích và mong ước sau này mình trở thành giáo viên từ rất bé rồi được hình thành khơi nguồn bắt đầu từ ba tôi. 
Ba tôi là người thầy đầu tiên của tôi. Ông là người đầu tiên dạy cho tôi biết đọc, biết viết, cả cách đi đứng nói năng, yêu thương cảnh vật, mọi người chung quanh và cũng là người hun đúc vào tâm hồn tôi nghề giáo là nghề cao quí nhất để giúp tôi sau này định hướng rồi chọn cho mình một hướng đi đúng đắn. 
Người thầy đầu tiên của tôi ở trường mẫu giáo là cô Gương. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ khuôn mặt hiền từ, dáng gầy gầy của cô trong chiếc áo dài màu hồng nhạt. Tôi không thể nào quên nụ cười cảm thông của cô khi tôi viết số 10 thành số 01…
Học tiểu học tôi được ấm áp bên sự dạy dỗ của các cô giáo. Các cô ru tôi trên chiếc nôi êm đềm rồi cùng đồng hành đưa tôi đi đến những bến bờ với những kiến thức bổ ích. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ từng nét trên khuôn mặt thân yêu của các cô giáo. Cô Sự với tấm lòng yêu thương dạy tôi năm lớp một. Sang lớp hai với cô Xuân trìu mến. Ở lớp ba cô Ngọc Lan vui vẻ, lớp bốn cô Hồng nhẹ nhàng, lớp năm cô Bích yêu thương… và cả ngôi trường tiểu học Ấu Triệu mến yêu đã đem đến cho tôi một khởi đầu để hướng tới một tương lai trong sáng và vui tươi.
Bước sang trung học, tôi học trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. Tôi vẫn nhớ rõ từng thầy, cô giáo giảng dạy của những môn: Môn Toán cô Nhi. Môn Việt Văn thầy Triết, thầy Bút. Môn Lý hóa cô Ngọc Anh, thầy Sơn. Vạn vật cô Tùng, cô Vinh, thầy Cung. Anh Văn thầy Phương, thầy Kha… Tôi rất quí trọng các thầy giáo, cô giáo đã tận tình giảng dạy để cho tôi được như ngày hôm nay.
Vào Sư phạm, tôi học được rất nhiều từ phong cách mẫu mực cho đến kiến thức nghề nghiệp của các thầy giáo: thầy Mẫn, thầy Sum, thầy Tháo, thầy Linh, Thầy Nở, thầy Ba, thầy Hỷ, thầy Học, thầy Hy, thầy Toản, thầy Thâm, thầy Bồn…Tôi xin ngưỡng mộ và biết ơn sâu xa! 

Mỗi khi ngồi một mình tôi thường nhớ lại thời mình còn cắp sách đến trường. Ký ức như con thuyền chuyên chở tôi về với những kỷ niệm.
Tôi nhớ mãi về một câu chuyện của một cô giáo đã kể rằng: Ba của cô là một giáo viên. Một hôm trong giờ dạy, có một cậu học sinh quá nghịch ngợm không chịu học. Tức giận thầy bèn đến bên xách tai…không ngờ tai em chảy máu… 
Về nhà, thầy giáo ray rức, ân hận vô cùng. 
Trưa hôm đó, cha mẹ dẫn em học sinh đến nhà thầy giáo? còn thầy giáo, thì tâm lý cũng đã sẵn sàng chờ đợi…
-Thưa thầy, chúng tôi dẫn cháu đến để xin lỗi thầy! và chúng tôi xin cám ơn thầy vì sự nghiêm khắc giáo dục của thầy...
Thầy!!!
Câu chuyện để lại trong lòng tôi một sự tốt đẹp về mối tương quan giữa thầy, trò và gia đình. Và đó cũng là một bài học quí giá sau này khi tôi đã đứng trên bục giảng với muôn vàn tình cảnh như thế.
 Thời trung học, tôi học trường nữ. Tuy là nữ nhưng học sinh lúc nào cũng có những trò nghịch ngợm và tôi nhớ lại người thầy tôi mà tôi quí trọng. 
Khi thầy đổi về trường dạy thầy còn rất trẻ, thầy trò chắc xấp xỉ tuổi nhau. Thầy người Huế, luôn mỉm cười, rất hiền lại hay bẽn lẽn nên bọn con gái chúng tôi tha hồ tìm mọi cách chọc phá thầy.
  Thầy dạy lớp tôi môn Lý Hóa. Như thường lệ, sáng hôm đó , chúng tôi có bài học liên quan đến kính hiển vi. Thầy đến lớp sớm lắm, vẽ hình lên bảng, xong đâu đó thầy xuống văn phòng chờ cho chúng tôi lên lớp. Khi chúng tôi vào lớp ai cũng ngạc nhiên trước hình vẽ về kính hiển vi công phu và rất đẹp. Bỗng một bạn nào đó?! bước lên cầm cái khăn lau bảng xóa hình vẽ rồi vội vàng hấp tấp chạy về chỗ ngồi, bạn ấy không ngờ là thầy đã đi sau lưng và chứng kiến tất cả. Thầy bình tĩnh ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống rồi bước lên bục cầm phấn vẽ lại cái kính hiển vi trước sự im lặng của chúng tôi. Suốt giờ học hôm đó, cả lớp cứ nơm nớp chờ sự la mắng của thầy nhưng thầy cứ giảng bài cho đến khi chuông reo hết giờ vang lên. Thầy ngừng giảng và nói với chúng tôi:
          - Thầy mong rằng, lần sau các chị không nên có những hành động như vừa rồi !
  Cả lớp chưng hửng! Thà rằng, thầy rầy la, đằng này thầy chỉ nói một câu như thế! khiến chúng tôi đứa nào cũng áy náy, xót xa vừa thương thầy, vừa thấy có lỗi với thầy.
Nhưng lứa tuổi học trò nghịch ngợm nhưng vô tư rồi cái gì cũng mau quên.
  Năm 1971 những ngày cuối cùng của năm học, cả lớp ai cũng lo lắng cho kỳ thi tú tài 1 sắp đến. Một buổi trưa các bạn trong lớp rủ nhau ở lại trường để “cầu cơ” xem ai đậu? ai rớt? Phòng thầy ở sát lớp chúng tôi học, ngồi chơi chán cũng buồn nên cả bọn lại nghĩ trò. Các bạn lấy dép, guốc của chúng tôi xâu vào một sợi dây rồi đem giăng từ bên này sang bên kia trước cửa nhà thầy. Xong đâu đó , cử một bạn sang gõ cửa rồi chạy vội về lớp. Thầy nghe tiếng gõ cửa vội ra mở. Thì ôi thôi! một đống dép guốc rơi một cái “ầm” trước mặt. Thầy chẳng nói gì, lấy hết dép guốc bỏ vào phòng đóng cửa lại. Chúng tôi không có dép chạy tứ tung. Các bạn chạy qua gõ cửa…
Lát sau thầy ra mở cửa, thầy chỉ nói:
- Lần sau các chị đừng nghịch như vậy nữa ?
Chỉ là cái trò “quậy phá” của tuổi học trò nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy thương thầy ! Cả buổi trưa hôm đó , thầy không ngủ được vì chúng tôi .

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

CÀNH TI GÔN DẠI .

                                                                                                                                         Irene
                                        
             Tháng mười một lại về! Tháng mười một như khơi dậy những ký ức về những ngày còn đi dạy. Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ đồng nghiệp, nhớ về con người thân thương nơi mảnh đất ấy…Cứ mỗi sáng, nhìn ra đường, thấy những học sinh hớn hở cắp sách đến trường, tôi thoáng chạnh lòng khi nghĩ đến những học sinh cũ của mình năm xưa.

         Sau 1975, về lại Thị xã Qui Nhơn, lúc đó tôi chỉ là một cô giáo còn rất trẻ. 
Một sáng chủ nhật, mưa rả rích, thức dậy cảm thấy thoải mái của một ngày nghỉ cuối tuần, sau những ngày lu bu với công việc: họp hành, soạn giáo án, sổ sách, giảng dạy… Tôi tung chăn bước ra khỏi giường đến bên cửa sổ thò đầu ra ngoài, hít một hơi thật sâu không khí trong lành buổi sớm mai. 
Những ngày chớm đông, trời đã bắt đầu se se lạnh. Bước ra ban công, hai tay ôm lấy vai, nhìn xuống đường phố. Cái thành phố biển nhỏ xíu như đang còn ngái ngủ không muốn thức dậy trong mưa. Có lẽ do mưa nên những chú chim nào đó chẳng biết đi đâu cứ lòng vòng trên mấy tán lá hót vang vang nghe cũng vui tai. Mấy cây bàng đang chuyển sang màu đỏ, mấy cây bằng lăng hoa đã không còn, lá xanh sẫm lại lướt thướt trong mưa. Một cơn gió lùa qua, tôi rùng mình vì lạnh vội nép mình vào góc tường. Mưa vẫn rơi, đường phố vẫn vắng ngắt. Một trận gió nữa ào đến mưa bắt đầu nặng hạt. Trong màn mưa mù mù, từ phía đầu đường, một người thấp bé đẩy khó khăn một chiếc xe đạp, bên trên chất một bao to kềnh. Một trận gió nữa nổi lên, xe như khựng lại, chậm rãi nhích từng chút, từng chút… đi được một đoạn rồi chiếc xe nghiêng hẳn… người cùng xe ngã chõng chơ …   

-Ồ, hình như … chợt nhận ra, tôi chạy vội xuống nhà, mở cửa ào ra ngoài đường.
 -Quốc ! Em có sao không ?
        Đó là Quốc, cậu học sinh của lớp tôi đang chủ nhiệm.
Cậu bé vừa đỡ chiếc xe vừa thở hổn hển :
-Dạ, thưa …cô …không sao đâu ạ!
        Củi văng tung tóe trên mặt đường ướt. Tôi phụ với nó nhặt củi bỏ vào bao. Khắp người Quốc ướt đẫm nước mưa, chiếc áo rách, để lộ ra đôi vai nhỏ, gầy guộc xương xẩu:
-Sao người lớn đâu? mà bắt em chở củi nặng thế kia?
Quốc cười cười:
-Có sao đâu cô! Ngày nào em cũng chở đôi ba lần. Hôm nay, do em cột không kĩ.

         Vào những năm sau 1975, do tình hình chung, đa số các em học sinh đều có những hoàn cảnh rất thương tâm. Lớp tôi chủ nhiệm, em thì bố chết hay mất tích trong cuộc chiến. em thì bố đi học tập cải tạo, có em thì phải ở lại với ông bà hay người bà con vì bố mẹ đi kinh tế mới…Đa phần còn lại là con của gia đình lao động nghèo... Gia đình của Quốc cũng vậy, bố mất tích trong mùa xuân ấy! Nhà cửa bị thu hồi, bốn mẹ con phải tá túc ở nhà của một người bà con trong hẻm của xóm Nhà Đèn. 
Qua lý lịch, tôi biết được Quốc là người con lớn nhất trong nhà. Hàng ngày, cả gia đình em lây lất ở cái quán trong chợ, ngày nắng cũng như ngày mưa. Nói là quán nhưng thật ra đó là một cái chòi che tạm bợ vài miếng carton chắp vá… Mẹ Quốc, người đàn bà gầy gầy, suốt ngày phải ngồi bên cái bếp củi, thổi lửa đun nước, nấu cơm ... mấy anh em Quốc thay phiên nhau bưng nước đi đưa hoặc bán rong khắp chợ.
        Tuy kinh tế gia đình khó khăn nhưng hầu hết các học sinh lúc bấy giờ rất ngoan và chăm học. Tôi chú ý đến Quốc là khuôn mặt thông minh với nụ cười vui. Quốc nhanh nhẹn, giỏi Toán lại viết chữ đẹp. Tôi thường gọi em lên bảng giải những bài toán tập. Em trình bày bài giải gọn gàng, mạch lạc, rõ ràng. Để khích lệ tôi thường thưởng cho em những quyển vở mới, giấy vàng ố mà tôi được nhận từ văn phòng phẩm của giáo viên vào mỗi quí. Chỉ có thế thôi ! Chứ lúc đó cô trò đều nghèo!
        Nhìn theo cậu học trò bé nhỏ với chiếc xe đạp khuất dần, tôi thờ thẩn bước vào nhà. Giọng Khánh Ly từ cái cattsete trên phòng vang vang :
       “ Trời còn làm mưa , mưa rơi mênh mang từng ngón tay buồn , em mang em mang đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn , còn ai còn ai … ”

        Một buổi sáng, bước vào lớp, tôi nhìn thấy trên bàn của mình một bình hoa ti gôn. Cành hoa màu hồng lẫn màu trắng tươi thắm! Ôi! Sao mà dễ thương đến lạ! 
Khi hỏi ra thì mới biết! Hôm nay đến phiên Quốc trực nhật. Em đã đi tìm và hái những cành hoa ti gôn mọc dại ở phía sau trường. Rồi em cắm vào cái bình mà tôi đã để lăn lóc trong góc tủ. ( Vì vào những năm đó làm gì có hoa tươi mà cắm ! ) 

        Hôm đó, lớp học như bừng sáng và đẹp hẳn lên vì được tô điểm thêm nhờ những cành hoa ti gôn mềm mại rồi thấm đẫm luôn trong những lời bài giảng của tôi và tiếng đọc bài vang vang của học sinh. Bắt đầu từ đó, thấy tôi thích hoa nên ngày nào các em học sinh lớp tôi cũng đặt trên bàn cô giáo những bình hoa dại : Lúc thì những đóa hoa nhỏ xíu tim tím hay vàng vàng. Có khi thì những đóa hoa ngũ sắc của hoa ô tàu … nhưng thích nhất vẫn là cành hoa tigôn. Tôi để ý là mỗi khi Quốc trực nhật là trên bàn cô giáo lại có bình ti gôn… Tôi yêu màu hồng, màu trắng tươi tắn của những đóa hoa li ti đó hay là vì tôi quá thích bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của TTKh?
“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn…”

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Đừng Quên Con Nhé, Mẹ Ơi…!

                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Châu Thị Thanh Cảm
                                                                   
                         

             Trời đã vào đông. Đã chạm vào hơi lạnh của những ngày mùa đông se gió. Tháng Mười Một, thành phố chưa đi vắng những cơn mưa. Sáng sớm, từ tầng cao này, sương trời giăng kín, bạc trắng cả không gian. Dưới mảnh sân rộng của khu chung cư, lá vàng thưa thớt rụng, những bông hoa trứng cá ngậm ướt sương đêm mềm mại nằm yên ngoan trên những bậc thềm. Thu úa theo làn gió nhẹ, mấy chiếc lá sake rung rung, vài hạt sương trong veo lăn tròn, thanh khiết…

          Mùa đông ở đây đến thật nhẹ nhàng. Nó đến khi tôi chưa kịp nhận biết thu đã tàn phai. Nó đến khi những hàng cây vẫn còn quyến luyến từng chiếc lá vàng, khi những cơn mưa lạc mùa vẫn còn âm thầm rả rích. Buổi sớm, từ trên cao thấy không gian bàng bạc mờ sương. Thấy các cô gái trên những chiếc xe tay ga, những chiếc xe đạp điện chầm chậm chạy qua cổng bảo vệ, trên vai điệu đà thả rơi chiếc khăn choàng cổ…Gió sớm, bỗng nghe rùng mình ngần ngại khi bước xuống bậc thềm. Có chút gì đó khang khác, chút gì đó đổi thay, của không gian, của đất trời…Chợt tư lự, bâng khuâng…Thu chưa qua mà đông nay đà tới…! 

          Tháng Mười Một, nhìn qua cửa thấy đông đã thấp thoáng ngoài hiên, ngập ngừng trước ngõ. Tháng Mười Một, ngày còn ở quê nhà tôi vẫn thường thích thú đón đợi từng đợt gió mùa đông bắc tràn về, để được cảm nhận cái vị lạnh se sắt, được choàng qua vai những chiếc khăn gió ấm đủ màu, được khoác lên mình những chiếc áo dạ, áo len mấy mùa rồi ngủ quên nơi góc tủ. Chiều xám, rủ vài đứa bạn thân lang thang trên những con đường mùa đông, ngẩn ngơ giữa hai hàng cây trụi lá, cùng hít hà giữa gió bấc mưa phùn, giữa ngày trời trở lạnh…Đêm muộn, cùng kéo vào quán quen gọi mấy ly đậu nành bốc khói, mấy cái bánh pateso nóng hổi vàng ươm, rồi thích thú áp lòng bàn tay vào ly sữa nóng vừa xuýt xoa từng ngụm vừa tận hưởng cái vị béo ngậy giòn tan của mấy cái bánh nướng thơm vàng mà nghe lòng bình yên đến lạ… 
                                                                                Ở cái thành phố này, khi mà tờ lịch cuối cùng của một ngày tháng Mười rơi xuống, là khi thức dậy, bầu trời như thấp lại, vài hạt mưa đầu mùa lất phất rơi nghiêng. Trên lưng con phố nhỏ, nhẹ nhàng bóng dáng của một mùa đông mong manh, sương khói… quay về. Mùa đông ở đây, không có những cơn gió buốt nhói nhưng cũng đủ làm ai đó tái tê. Không có những cơn mưa dầm dề nhưng đủ làm cho mình ướt áo, đủ để tôi biết hơi lạnh mùa đông đang thấm vào da thịt, để cảm nhận rõ hơn sự ấm áp khi nhớ về từng lứa học trò cũ ngày xưa mỗi khi đông gọi tháng Mười Một trở về...

           Hơn ba mươi năm làm cô giáo, tôi đã đi qua nhiều ngôi trường… thôn quê… thành thị… ở đâu và nơi nào khi rời xa cũng để lại trong tôi mênh mang niềm nhớ. Nhớ những ngôi trường cũ kỹ tạm bợ nền đất vách tre bên hàng dừa soi nghiêng, bên ruộng mía một màu lau trắng hay giữa bãi mỳ vàng cháy ở vùng quê nào xa hút. Nhớ những dãy lớp học đẹp đẽ xanh xanh tường vôi bên sân trường in bóng mấy hàng xà cừ, phượng vĩ, bằng lăng… bình yên phố thị. Mỗi một ngôi trường, mỗi một nơi tôi ở lại, thời gian tôi đến rồi đi dù nhiều hay ít, dù ngắn ngủi hay dài lâu, đều dệt thêu trong tôi bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu khoảnh khắc khó quên của một đời làm thầy bên từng lứa học trò nhỏ thân yêu.

         Ngày mới ra trường, bước chân bỡ ngỡ đến với một miền quê ngã bóng dừa của quê hương Bình Định. Hoài Thanh là ngôi trường đầu tiên tôi đến và bước lên bục giảng làm thầy. Thời ấy, quê hương còn chiến tranh, huyện lỵ xác xơ vì bom đạn, học trò tôi chân quê đến trường thoáng nỗi âu lo. Và thế, những khuôn mặt ấy, những đôi mắt trong veo với cái nhìn ngơ ngác vương chút thảng thốt ấy nó đã đi theo tôi, đau đáu trong tôi một nổi niềm trong suốt cả cuộc đời dạy học của mình. 

          Chiến tranh qua đi, tôi trở về quê hương và tiếp tục cái nghề mà tôi đeo đuổi. Ngôi trường thứ hai tôi đến như mặc định vùng đất mặn mòi nồng thơm mùi muối biển, Hải Cảng đón tôi bước về làm cô giáo. Những ngày ấy, thị xã còn ngỡ ngàng sau một cuộc đổi thay, thế nhưng, biển quê tôi vẫn khúc hát mỗi ngày, từng vòng xe đạp nhẹ nhàng vẫn quay mỗi sáng và tà áo dài theo gió sớm vẫn nhẹ bay. Bốn năm, thời gian tuy ngắn ngủi với một đời người nhưng cũng đủ cho tôi góp nhặt yêu thương, gói ghém kỷ niệm… để một ngày tôi tạm biệt ngôi trường này mà theo chồng làm dâu xứ khác. Bốn năm, đủ để cho tôi kịp nhận ra bao yêu thương gắn bó bên anh chị đồng môn, bên bạn bè đồng nghiệp. Bốn năm, thời gian không dài nhưng kỷ niệm chất chứa của cô trò, tôi vẫn đủ cất giữ để mang theo. 
          Một ngày thu úa, tôi tạm biệt gia đình, bỏ lại ngôi trường có hàng phượng đỏ rực, có tiếng ve râm ran mỗi độ hè về, bỏ cây bàng đơn côi vàng thu trước ngõ, bỏ đàn học trò nhỏ quấn quít yêu mến bấy lâu, bỏ lại cả một thời con gái để theo chồng về miền quê  xa cổi ấy. Nghĩa Dõng và năm năm nhọc nhằn bao nỗi, tôi lại chuyển về Hành Nhân quê chồng, miền quê nghèo của vùng đất trung du Nghĩa Hành… Những vùng đất mới, những ngôi trường mới và tôi vẫn tiếp tục cái nghề mà tôi yêu quý. 

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

MẸ QUÊ.

                                                                                                                                            Irene
                                                                                     
          Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
        Mẹ quê. Mẹ quê vất vả trăm chiều
        Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu…(Bà mẹ quê-Phạm Duy).
        Bài hát làm tôi nhớ đến mẹ chồng tôi. 
        Nhà chồng tôi ở một vùng quê có những cánh đồng lúa chín vàng, có những lũy tre xanh soi bóng xuống dòng sông Côn trong vắt êm xuôi. Mẹ chồng tôi là một người đàn bà quanh năm vất vả, tay lấm chân bùn, một nắng hai sương bận rộn với công việc ruộng đồng. Một người mẹ suốt đời luôn tần tảo, khó nhọc.
Khi tôi biết bà, lúc đó bà cũng đã gần sáu mươi tuổi. Dáng bà cao, gầy. Vô số nếp nhăn hằn lên khuôn mặt đen sạm vì dầm mưa dãi nắng. Bà thường mặc chiếc áo bà ba màu nâu bạc màu, quần đen…
Sau ngày cưới của tôi là bà vội vã về quê, bà nói:
-Má dìa nghen! Dìa để gặt nốt đám ruộng…
Lần đầu biết bà là đã thấy bà bận bịu với công việc… 

          Tháng chín năm đó, tôi về quê nhân dịp giỗ cha chồng. Xe đò đi từ Qui Nhơn đến chợ An Nhơn dừng lại. Chúng tôi dùng xe đạp đi tiếp nên về đến nhà thì trời đã trưa. Nghe chúng tôi về, bà từ nhà sau chạy lên vui mừng khôn xiết:
-Đi đường mệt không con, đã ăn gì chưa?...
-Dạ…dạ…
Bà quay xuống bếp, một lát sau bưng lên một mâm…để cho chúng tôi lót dạ buổi sáng.
-Hai đứa ăn đi! 
Rồi vội quầy quả ra sau, tiếp tục sửa soạn các món để cho ngày giỗ…
Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi biết đến một ngày giỗ ở quê. Một mình bà đảm đương chuyện nấu nướng. Các loại bánh trái thì đã làm từ vài ngày trước. Ngoài ra không biết bao nhiêu là món ăn! Năm, bảy nồi lớn nấu những món chính và điều làm tôi ngạc nhiên là các món xào! Rất nhiều loại : có đến hàng trăm dĩa xếp chồng lên nhau...Tôi tự nhủ: -Không biết làm gì mà nhiều thế? Nhưng khi bà con, mọi người đến ăn giỗ, lúc đó tôi mới hiểu ra. Ở nông thôn là một quần tụ họ hàng sống xúm xít bên nhau, sống từ bao đời nay. Tất cả đều có quan hệ mật thiết với nhau nên ngày giỗ rất đông, hầu như cả làng, cả xóm, xa gần cùng kéo nhau đến giỗ. 
Về đây, tôi mới biết được những công việc của nhà nông. Không biết một ngày ở đây bắt đầu từ lúc nào và kết thúc từ đâu?! Cứ thấy làm lụng suốt ngày. Hết chuyện này cho đến chuyện nọ. Ăn cơm tối xong, trăng vừa lên, mẹ đã ra phía trước nhà cắt rau. Khi cả nhà đi ngủ vẫn thấy bà thấp thoáng trong vườn…Không biết bà có đi ngủ không? mà gà gáy lần thứ nhất, đã thấy bà nhóm bếp. Ánh lửa hồng bập bùng, tiếng gạo sôi lụp bụp, bóng bà in nghiêng trên vách…gà gáy lần thứ hai, bà trở ra vườn…gà gáy lần thứ ba…gánh đôi quang thúng lên vai, chân bước nhanh ra ngõ cho kịp buổi chợ phiên buổi sớm mai.
Thân gầy gò, trên vai đôi quang gánh. Trong thúng chỉ là rau, quả, trái cây…trong vườn. Thế mà ngày này qua tháng nọ, những bước chân của mẹ tất bật khắp mọi nơi: từ chợ An Thái qua Bình Nghi, Cây Xoài Một… Chợ Mỹ Yên cho đến chợ Thuận Truyền…lặn lội mua bán kiếm từng đồng tiền nuôi cả đàn con ăn học.
                                          


Buổi sáng ở quê. khi nắng đã lên ngang đầu ngọn tre, bước ra vườn, không gian trong lành thoáng đãng. Gió thổi mát mẻ. Tiếng chim chóc hót ríu rít. Ong bướm bay chập chờn trên những khóm hoa vàng của giàn bầu bí…đi men theo bờ ruộng, hai bên đồng lúa xanh mướt. Dưới ruộng tiếng quẫy đuôi của chú cá hay tiếng bì bõm của ếch nhái…Từ xa, mẹ chồng tôi đã về. Chân đi thoăn thoắt, tay ôm đôi quang thúng…
“…Và bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre. Và bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về…” 
-Má đi chợ về sớm?
-Ừa, phiên chợ chỉ họp một lát thôi. Hai đứa đã ăn gì chưa?
-Dạ chưa!
Bà vào bếp, một lát sau bưng lên một mâm để ăn sáng gồm mấy tô cháo đậu xanh và đĩa cá bống kho khô má đã nấu lúc khuya...  
Ăn xong, tôi theo bà xuống bếp, trong thúng, chỉ có vỏn vẹn một mớ cá. Vừa làm cá bà vừa nói:
-Cá ở sông Côn quê mình mùa này rất béo và ngon.
Mẹ sửa soạn bữa trưa. Thoáng chốc, bưng lên một mâm đầy thức ăn gồm tô canh cá đồng nấu chua, đĩa trứng tráng, một dĩa cá rô chiên giòn, tô mắm chưng, rau muống luộc, đĩa rau sống, chén nước mắm trái ớt xanh…Những quả trứng vịt, trứng gà là do gà vịt nuôi trong nhà, còn tất cả các loại rau đều hái ở trong vườn. Bữa cơm thật ngon!
Buổi trưa bà chẳng chợp mắt. Tìm bà là ra vườn…Khi thì bà lom khom dưới ruộng, có lúc quanh quẩn bên giàn mướp, giàn đậu…, lúc đang lúi húi bên luống cà, luống rau hay đang chăm sóc đàn gà …
Nghỉ hè, chúng tôi thường về quê và ở lại lâu hơn. Tôi hay theo bà ra thửa ruộng bên nhà. Đến vụ mùa, mẹ suốt ngày ở dưới ruộng, gặt lúa, bó lúa, đập lúa…phơi lúa. Hết vụ, lại thấy má làm đất, làm cỏ, gieo, sạ…Một lần nọ, thấy mẹ vất vả cả ngày, tôi quyết định xuống ruộng làm giúp. Không ngờ mới bước xuống, chân đã lún sâu trong sình không sao nhấc lên nổi, rồi không biết luống cuống thế nào mà lại vấp trúng đá chảy máu…từ đó bà không cho tôi bước chân xuống ruộng nữa.
Hôm tôi sinh cháu đầu lòng, mẹ mừng lắm! Tất tưởi thu xếp công việc trên quê để xuống. Mẹ xông, hơ…cho cả hai mẹ con. Lo nấu ăn, giặt giũ cho cả nhà, mọi việc lo tất tần tật… hồi đó khổ không có chuyện thuê người làm như bây giờ nên cáng đáng hết mọi việc…Vừa lo cho tôi, vừa lo việc ở quê, một cảnh hai quê thật là vất vả cho mẹ vô cùng ! Rồi cứ mỗi lần thư thả công việc trên quê bà lại xuống thăm con, thăm cháu. Mấy đứa con tôi mừng lắm vì mỗi lần như thế chúng lại được ăn những món quà quê nhà . Có gì trong vườn thì để dành đem cho con cho cháu: nào là mớ đậu ngự, buồng chuối dạ hương, chục trứng gà so, mấy trái sabôchê chín cây, mấy trái ổi, trái cam sành… 

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

THU NHỚ

                                                                                                                                        Hàn Diệu Phương
                                           
                  Thu về lành lạnh mưa bay
                  Phong vàng rơi ngập Farley Crescent
                  Ngập ngừng lá quyện bước chân
                  Xạc xào trong gió bâng khuâng hỡi người
                  Chia tay đếm đã bốn mươi
                  Sương đời điểm bạc mỉm cười nhớ nhau
                  Bây giờ cho đến Thu sau
                  Tình anh nỗi nhớ... nhuộm màu vàng Thu

             


SƯ PHẠM QUY NHƠN ĐÀ NẴNG hội ngộ


Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

SƯ PHẠM QUY NHƠN với chủ nhật đầu tháng 11-2014

                                                   

Trang Nhà cảm ơn Các Anh Chị cùng các Bạn Sư Phạm Quy Nhơn đã chia sẻ ( hình ảnh ) trên Mail , Facebook ..... ( đặc biệt là Anh Hồng Nguyễn , Chị Minh Diệp , Anh Chí Hải và Bạn Đàm phước Lương , Thanh Cảm .... ) với những hình ảnh thân thương và ấm áp này .

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

CẢM XÚC MÙA ĐÔNG

                                                                                                                                       Irene
                                                       


         Những cơn mưa chiều thường làm cho trời trở nên mát mẻ, dễ chịu. Đêm xuống, gió thổi nhiều hơn. Gió len lõi qua hàng cây, lùa qua từng con đường, góc phố. Trong sương đêm lành lạnh, dường như mùa đông về? Cảm giác Mùa đông về mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc.
Trời se se lạnh, buổi sáng, tôi thích ra quán café ngồi một mình? Hình như ai cũng có những cảm quan về cuộc sống nhưng sao lúc còn trẻ, thế hệ của chúng tôi thường là phải che dấu, phải dồn nén cảm xúc riêng tư, nên nhiều lúc chẳng bộc lộ ra. Chẳng dám nói, chẳng dám làm, đi đâu cũng sợ, cũng ngại ngần ngay cả việc đến một nơi nào đó để ngồi suy tư một mình cũng chẳng dám! Cho đến một ngày khi tuổi đã lớn, tôi mới nghiệm ra rằng, những lúc ngồi một mình ở những nơi như thế này, thấy thú vị làm sao! Mới có những giây phút sống rất thật cho chính mình. Mới có những khoảnh khắc thư giãn, thật lắng đọng…giống như cảm nhận của William Carlos Williams : When I am alone, I am happy. (Khi tôi ở một mình, tôi hạnh phúc.)
Sài Gòn được ví von là thành phố không ngủ, lúc nào cũng ồn ào. Ở đây, có rất nhiều quán Café nhưng để tìm một cái quán có khoảng không gian xung quanh yên bình thì cũng không đến nỗi khó lắm. Tôi thường đến một quán quen. Chọn cho mình một góc ở ngoài hiên, xung quanh là cây cối. Thật thoải mái trong hơi sương lạnh, một vài cơn gió thoảng qua ở trên cao. Gió như muốn đánh thức hàng cây. Chòm lá lao xao lay động trở mình vươn vai một lát rồi lại im lìm ...
  Bầu trời khoáng đãng, mát mẻ, trong lành… Tiếng nhạc nho nhỏ của cái loa gắn bên tường phát ra một bản nhạc tình xưa, thật lãng mạn! Thỉnh thoảng nghe đâu đó có tiếng bước chân trên lối đi của một  người khách đến quán.
Nắng lên, nhìn ra phía trước mặt, bất chợt bắt gặp một loạt những chiếc lá vàng rơi rơi nhè nhẹ xuyên qua từng mảng nắng nhạt đầu tiên rọi xuống. Đẹp vô cùng!
Bãi cỏ ba lá xanh mướt lốm đốm hoa vàng trải dài như một tấm thảm nhung. Một chú sóc từ trên cây tuột nhanh xuống, lúng liếng đôi mắt, nhảy lóc cóc qua một gốc cây khác...
Trên cành, hai chú chim chụm đầu bên nhau…rồi ríu rít hót thánh thót. Một bức tranh thiên nhiên sống động, tươi vui và bình yên quá.
Tinh khôi và thư thái… Có điều gì đó chạm khẽ vào trái tim và thấy mình như trôi bồng bềnh... 
Thoắt cái, chỉ trong chớp mắt, cơn mưa xuất hiện xuyên qua vạt nắng vừa mới lóe đầu ngày như một bức rèm mỏng xuyên suốt. Từng hạt nước lắc rắc giọt xuống đám cỏ non xanh.
Sài Gòn nắng mưa bất chợt. Nắng thật dịu dàng và mưa cũng thật mềm. 
       Nếu ai đó hòa quyện với thiên nhiên thì sẽ thấy những sự thay đổi thời khắc của đất trời, sẽ nhận thấy được sự giao thoa giữa các mùa, sẽ thấy được sự trăn trở của cảnh vật cho dù là rất nhẹ! 
Vì vậy, thấy se lạnh trong làn sương sớm tinh mơ là cứ tưởng như mùa đông đang đến! Nghe trong không khí hơi nước mát và nhìn lên trên cao thấy xuất hiện nhiều đám mây trắng bồng bềnh. Cái cảm giác man mác của cơn gió là lạ thổi qua. Nghe được cái rét trong hơi thở của mỗi đóa hoa thạch thảo tím trong vườn. Rồi  bâng khuâng bắt gặp chiếc lá vàng trên cành đổi sắc đỏ hay nhìn thấy một vài cành cây trơ trụi lá…
Ngồi ngắm từng giọt mưa rơi rơi…mưa thường đưa tôi trở về những ngày mùa đông ... 
        …Tuy đã qua lâu rồi sao tôi cứ nhớ mãi những cơn mưa phùn gió bấc. Những làn gió rét buốt thổi qua trên những chuyến xe lam hàng ngày đến lớp…cảm giác hơi giá len vào trong người qua chiếc áo len, chiếc khăn quàng cổ…sân trường mưa bay, thoang thoảng trong làn hơi ẩm ướt, mùi hoa sứ…hành lang lộng gió…lớp học rộn rã tiếng cười…ánh mắt thân thương...Những chiều thứ bảy dạo phố một mình…Sáng chủ nhật cuộn mình trong chăn ấm nghe nhạc Trịnh: “Trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi. Từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai…”
        Có những ngày mùa đông rét buốt đạp xe đến trường đi dạy, học sinh và ngôi trường gắn bó suốt những năm tháng với rất nhiều kỷ niệm. Qua ô cửa sổ lớp học, ngắm hàng cây trơ trụi lá hay nhìn những giọt mưa rơi…Những tháng ngày êm đềm, bên học trò trong từng bài giảng, bài làm… lớp học trở nên ấm áp gần gũi. Những tình cảm thân thuộc của từng thế hệ học sinh lần lượt đi qua để lại trong lòng tôi nhiều màu sắc tươi tắn, trong sáng như những đóa hoa mới nở. Tất cả những hình ảnh, những con người nơi vùng đất ấy mãi mãi khắc sâu trong tôi.
“Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lạnh
Chút  lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi…” 
        Chỉ cần có những rung động để cảm nhận thu đã tàn và chớm đông sang. Hay chỉ một chút se se cũng đã làm làm cho tâm hồn mình bãng lãng…Mùa đông là con thuyền chở tôi trở về lại những ngày xưa với biết bao hoài niệm nơi ấy.
Tất cả đã qua rồi! Một thời tuyệt đẹp, một thời để nhớ! Luyến tiếc nhưng cũng không thể nào có thể quay bánh xe thời gian để trở về lại nơi chốn cũ? Chỉ còn lại những nỗi nhớ mênh mang trong ký ức gợi lên trong lòng nhiều xúc cảm bồi hồi.
Theo dòng chảy của thời gian, trải qua bao nhiêu chông chênh, rồi khi phải chứng kiến nhiều điều xảy ra trong cuộc sống thường nhật: đó là những cuộc đoàn tụ hay chia lìa - đến rồi đi - hạnh phúc hay khổ đau - những cái được, cái mất - những cái có, cái không…
 Rốt cuộc chợt nhận ra rằng, điều quí nhất trong cuộc đời này là cuộc sống bình yên.
“Bình yên một thoáng cho tim mềm…”
 

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...