Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

THOÁNG NHỚ QUI NHƠN - Thơ - Hà Thắng

 Đêm đó chúng tôi không ngủ
Hành trang gác nhỏ bâng khuâng !...
Sáng mai giã từ trường cũ
Mắt ai nhòa bóng sương mù !

Kỉ niệm một thời để nhớ
Qui Nhơn trong anh trong em
Như những cánh chim rời tổ
Chia tay mà ngỡ như mơ

Hàng dương,biển xanh  ,sóng vỗ
Vương vương áo trắng ,tóc thề
Tình ai đã trao chưa ngỏ
Ấp e suốt cả đường về

Ngân nga hoài khúc "Diễm xưa"
Mắt xanh...,mưa bay...,tháp cổ...
Yêu trăng,ai ôm xuống mộ ?
Ngâm tràn,ngâm mãi,say sưa...

Khu hai,khu năm,khu sáu...
Chiến tranh ! Phố nhỏ ầm ào
Tiếng hát dập dìu,cứa xé
Tương lai ? Ai biết về đâu !

Sinh viên " Đại học Ghềnh Ráng" !
Nghiêm trang , dễ thương , lãng mạn
Vẫn vui tập tành nghề giáo
Mai đây về với bản làng

Chuyến xe gập ghềnh liên tỉnh
Ai ngược Cao nguyên mông mênh
Ai xuôi đồng bằng , phố thị
Vẫy tay , ngày ơi ! Buồn tênh !

Tháng năm dài theo năm tháng
Xa nhau càng nhớ nhau hơn
Hãy dành cho ta một thoáng :
Qui Nhơn ! Qui Nhơn ! Qui Nhơn !...
Hà Thắng - Lớp 10 khóa 7.

MỘT THUỞ HỌC TRÒ - Thơ - Hoàng Hảo

Cây bàng đỏ lá già nua từng buổi
Ai ôm mùa thu để lại sau lưng
Cái ngúng nguẩy chiều nao còn nóng hổi
Lòng bồi hồi xô lệch chuyện yêu đương


Cây bàng đỏ cứ dầm chân một chỗ
Cành đu đưa vẫy kỷ niệm xưa về
Kiến thức cũ nằm yên hoài trong vở
Chút tình câm lẳng lặng đến bao giờ?


Cây bàng đỏ khỏa thân chào đông đến
Lá nằm yên,ngất ngưởng đếm sao trời
Chân giẫm đạp lời giao mùa rụng xuống
Âm thanh buồn vang vọng ngút ngàn khơi


Cây bàng đỏ nhú lên mầm đo đỏ
Dịu dàng khoe son sắt tiễn đông tàn
Về trường cũ mang theo lòng rất cũ
Ước chi bàng giữ hộ dấu yêu hoang.


Hoàng Hảo- (Lớp 3 Khóa 12)

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GIÁNG SINH TÌNH YÊU

                                  Phương uyên.

    Trang điểm xong, Thư đứng tần ngần trước tủ áo một lúc lâu, chẳng biết nên chọn chiếc áo màu nào để đi dự tiệc Noel tối hôm nay. Thường ngày đi dạy, Thư rất dễ dàng trong việc chọn áo. Thư chọn màu áo theo mùa : Màu nhạt nếu trời nắng nóng, màu sậm khi trời lạnh. Trời buồn thì chọn áo màu tím, màu rêu. Trời trong xanh thì mặc áo màu xanh, màu hồng …Thư thường nghĩ mình ăn mặc đẹp là để cho mọi người nhìn nhưng có khi lại thấy rằng : Làm đẹp là đẹp cho chính mình, không cần biết đến ai. Tự nhiên Thư chợt mỉm cười vì sự mâu thuẩn của mình.
    Cuối cùng Thư chọn chiếc áo dài màu đỏ. Đã lâu lắm rồi! Thư không mặc chiếc áo này. Bởi lẽ, màu nó hơi chói nhưng hôm nay trời lạnh lại là ban đêm nên cũng phù hợp. Mặc vào, cái áo hơi rộng một chút. Khoác ngoài là chiếc áo móc len màu trắng, quấn chiếc khăn quàng cổ lông trắng nàng thấy mình nổi bật hẳn lên…
    Khi Thư đến thì mọi người đã đông đủ và ngồi vào bàn tiệc rồi. Thư mỉm cười chào mọi người :
- Xin lỗi mình đến hơi muộn!
    Thật ra, Thư cũng ngần ngừ không biết có nên đến dự tiệc tối hôm nay hay không? Bản tính Thư rất ngại đến chỗ đông người nhưng chìu theo ý Văn nên…
     Thấy Thư xuất hiện, Văn đến bên bạn :
- Văn sợ Thư không đến!
    Văn dẫn Thư đến chiếc ghế trống, chờ cho nàng ngồi xuống rồi kéo chiếc ghế ngồi sát bên cạnh. Thư ngước lên thoáng thấy có nhiều ánh mắt nhìn mình.

Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới

Nhân mùa Giáng Sinh và Năm Mới đến gần, BBT trang SPQN xin kính chúc Quí Thầy Cô cùng các anh chị đồng môn một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc cùng một Năm Mới an khang, thịnh vượng

MẤY NGÀY TRƯỚC GIÁNG SINH

Truyện Ngắn
MANG VIÊN LONG

Tại X. tôi được Linh Mục Hiệu trưởng cho giữ chức giám thị của trường trung học S. Trường S. là một ngôi trường tư thục lớn vào bực nhất nhì của X. Trường gồm hai dãy lầu, dãy bên phải dành cho học sinh đệ nhất cấp, cũng là khu cho nam sinh. Dãy trái, tầng trên là các lớp đệ nhị cấp chung cho cả nam nữ, và các lớp đệ nhất cấp nữ sinh. Dưới lầu, ở phòng tiền đường trống, kế bên phải là phòng của Giám học, phòng Hiệu trưởng, cũng dãy này, phòng dành cho giáo sư được xây thêm bên cạnh. Phía sau, giữa hai dãy lầu, là Văn phòng. Một dãy hàng rào gỗ ngăn chia khu vực học sinh và nhân viên làm việc. Tổng giám thị, giám thị, thu ngân, sổ sách, được chia ra từng ngăn riêng. Học sinh có thể liên lạc với từng phần hành bên này hàng rào gỗ, và cũng có thể từ cửa phía sau nếu cổng trường phía sau đã đóng. Trường có hai lối ra vào riêng. Cửa trước dành cho nữ sinh và giáo sư, cửa sau dành cho nam sinh. Trong giờ học, các cánh cửa đều được đóng. Có người gác coi sóc mở đóng khi đổi giờ học. Chỗ tôi làm việc cạnh bàn của Tổng giám thị. Thường thì tôi thay thế Tổng giám thị, giải quyết hết mọi việc. Theo Linh Mục Hiệu trưởng, tôi phải quán xuyến như vậy, để niên khóa tới, tôi sẽ thay thế vị Tổng giám thị của trường, bởi vị này bận dạy.
Công việc thường ngày của tôi rất bận. Trường ít giám thị mà học sinh trên bốn ngàn, tôi phải cực nhọc với những giải quyết nhiều lúc không là của giám thị nữa. Từ việc liên lạc với gia đình học sinh, tiếp xúc thân nhân, kiểm soát việc ghi điểm, kiểm diện, sổ phát, nhắc nhở trật tự, đến việc điều động công tác mỗi liên lớp, cấp giấy vào lớp cho học sinh vắng mặt hoặc đi trễ, giữ gìn sổ sách hồ sơ học sinh; tôi cảm thấy công việc đã xoay tôi như một con vụ. Nhưng tôi rất ham thích với công việc của trường học. Những sinh hoạt của nhà trường, tôi đều tham dự, và đôi lúc, đề nghị với Linh mục Hiệu trưởng những dự định mới mẻ khác, cốt gây được một không khí tươi trẻ, vui nhộn song song với việc học. Tôi tự đứng ra trông coi một tờ đặc san. Tôi tổ chức một ban văn nghệ. Những ngày lễ, tôi đã dành thì giờ để nói chuyện một đề tài nào đó về văn chương, hay giáo dục, cho học sinh của trường.

Tôi nhớ nhất là những ngày lễ Giáng Sinh năm đó. Một tuần trước ngày tới hôm lễ chính, tôi cho phát hành ở các lớp một đặc san. Nhân ngày lễ, ngoài các phòng triễn lãm tranh, đồ nữ công, bích báo của các lớp, tôi chuẩn bị một đêm văn nghệ thực toàn hảo. Đêm đó, tôi ở lại trại sinh hoạt liên hoan với các lớp mà không trở về nhà. Tôi bỏ lễ nửa đêm để nói chuyện với Lam.

Lam nói chuyện với tôi không được tự nhiên. Có lúc như sợ hãi, có lúc như ngượng ngập, cũng có đôi lúc Lam tỏ ra nồng nhiệt, mạnh dạn, cứng rắn đến nỗi tôi không hiểu được nàng. Mở đầu, Lam có vẻ trách móc, hoặc dỗi hờn, giận tức điều gì. Tôi không để ý, bởi vì, thực tình tôi không nghĩ gì về Lam ngoài việc cảm mến năng khiếu văn nghệ, đầu tóc demi garçon, vóc dáng nhỏ nhắn của nàng. Trong câu chuyện, dần về sau, Lam trách thẳng tôi. Nàng dùng mấy chữ “ độc ác,  lạnh lùng, vô tâm” để trỏ tình cảm của tôi với nàng. Tôt sửng sốt. Đến đây thì tôi đã hiểu được đôi phần thái độ của Lam lúc gặp tôi.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Rừng xưa...

Một bản nhạc của Lam Phương gợi nhớ nhiều đến ngày xưa... xin mời các bạn cùng nghe Hương Thủy trong 1 video clip và Hương Lan trong audio clip...





RỪNG XƯA
Tác giả: Lam Phương

Người về đâu hỡi người về đâu?
Có nhớ chăng một chiều bên suối mơ ?
Nghe gió cuốn mây trôi về nơi xa tít chân trời:
Tình đã trao không lời .

Rồi mùa thu thương tiếc quá .
Anh nỡ đi trong lòng hoa xác xơ
Ôi thắm thoát trôi qua
mười năm quá xa
mà tình mãi còn vương

Bao năm qua người ơi
mang tin yêu cho đời
Mong có ngày đoàn viên
giữa núi reo triền miên,
Về với em nghe nắng mai chan hòa,
nghe lúa vàng dâng tràn đầy hương yêu .

Người về đâu hỡi người về đâu?
Đây ước mơ của miền Nam mến yêu
Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình
tìm hạnh phúc ngày qua

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

MỘT MIỀN QUÊ.

                       Irene.      

          Sau những ngày mưa dầm, lạnh lẽo của mùa đông. Trời chỉ còn se se lạnh của những ngày cuối mùa. Mây bàng bạc khắp trời, sương mù vẫn còn giăng phủ trên những dãy núi xa xa.
          Đây là lần đầu tiên tôi biết đến quê chồng từ khi chúng tôi cưới nhau. Xuống xe tại chợ Bình Định, anh đạp xe chở tôi theo con đường đất đỏ về quê. Cơn mưa nhẹ đêm qua làm cho cây cỏ tươi mát. Hai bên đường những cánh đồng xanh ngát chạy dài, những đàn trâu, bò đang thung thăng gặm cỏ, những vườn rau mơn mởn, những mái nhà nằm rải rác khuất sau hàng cây xanh. Gió thổi lành lạnh mang theo hơi hướng của đồng nội. Không khí thật trong lành. Đi đến đâu anh cũng giảng giải về những địa danh…
          Xế trưa thì đến An Thái. An Thái thuộc xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn Bình Định. An Thái là một làng rất thơ mộng và cổ kính với những ngôi nhà của người Hoa đến đây từ thế kỷ18.Thời Trịnh Nguyễn phân tranh có thầy giáo Hiến mở lớp dạy học trong đó có ba anh em nhà Tây Sơn theo học.
          Dừng lại quán nước ở bến đò, chờ chuyến đò qua sông.
          Trên bãi cát ven sông Côn, những trại xay rất nhiều. Thì ra nơi đây đặc sản bún Song Thằng ( Song Thần ) :
          “ Nón ngựa Gò Găng, bún Song Thằng An Thái
           Lụa đậu tư Nhơn Ngãi, xoài tượng chín Nhơn Long”
          Theo truyền khẩu thì bún này có từ thế kỉ 18 lúc người Hoa đến An Thái sinh cơ lập nghiệp phát triển nghề làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Nước dùng lắng bột phải là nước trong và mát. Người ta còn nói rằng chỉ có nước sông Côn mới xay được bột tốt, nhất là nước lấy ở đoạn sông chảy qua An Thái. Mà cũng đúng như thế . Đoạn sông này, lòng sông toàn là cát sạn sạch nên nước trong như được lọc sẵn.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Làn Hương Tôn Nữ - Thơ - Huỳnh Vô Thường


      Em chợt đến nhẹ nhàng như cánh lá
      Như sương rơi ấm lạnh vai gầy
      Mắt em thăm thẳm trời thơ mộng
      Đẻ suốt đời ta là áng mây

      Em chợt đến hồn nhiên như cánh én
      Nhả mùa xuân xuống vầng trán thơ ngây
      Ta quên mất mùa vui đang thắp lửa
      Cứ cầm hoài ảo vọng trên tay

       Em chợt đến dịu dàng như nắng sớm
       Cho vườn hoang cây nẩy lá xanh đời
       Ta mê mải hóa thành con bướm trắng
       Cứ chập chờn đôi cánh giũa chiều rơi

        Em chợt đến phù du như bóng xế
        Ta bàng hoàng thức giấc giữa cơn mơ
        Em có để chút gì trên dấu cỏ
        Mà hương thơm bay suốt bốn mùa?

        Em chợt đi vô tình như gió mỏng
        Trái hồng nhan chín rụng đầy vườn
        Ta làm tên giữ vườn mơ mộng
        Nhặt suốt đời chẳng hết một mùi hương.
                                                                H.V.T ( khóa 5)

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Cuối cùng cho một tình yêu.



                                                 

  (Cảm nhận về nhạc phẩm “ Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Công Sơn - phổ thơ Trịnh Cung)
                                                           Huỳnh Vô Thường
          Trời vào đông. Chiều mưa phơ phất. Và gió, lành lạnh.
           Ta chợt nghĩ về người. Lại nhớ một điều gì đó mông lung, mơ hồ…
                             Ừ thôi em về
                             Chiều mưa dông tới…
           “ Ừ thôi”…Sao mà có thể nhẹ tên đến thế? Bóng em đang khuất dần vào ngõ sâu của góc phố rêu phong xa, xa vời…Mình ta, phần hồn nào chợt rụng rời, chấp chới giữa cơn mưa nhạt nhòa hư không.
                              Bây giờ anh vui- Hai bàn tay đói
                              Bây giờ anh vui- Hai bàn chân mỏi
                             Thời gian nơi đây
                                   Bây giờ anh vui - Một linh hồn rỗi - Tình yêu xứ này…
               Không biết khi họa sĩ Trịnh Cung đặt bút viết nên những câu thơ nhẹ tựa như lông hồng nhưng đầy ám ảnh, có phải đang vẽ nên bức tranh tâm cảm với cùng thứ tình cảm không định nghĩa được như ta không, để rồi qua những giai điệu mượt mà từ trái tim người cố nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn đi vào lòng nhẹ nhàng mà thương buốt, mà nhoi nhói…Ta đã nghe rất nhiều lần và hình như lần nào cũng chìm đắm trong những ca từ mộc mạc, chất giọng trầm lắng, đượm buồn từ Elvis Phương hay chất giọng khàn đục, ma quái của Khánh Ly, chìm cả vào bể cảm xúc vô định của lòng mình…
                Chưa khi nào em biết được những điều đó. Chưa lúc nào em hiểu được những điều đó. Ta lặng im, vẫn lặng im ngày hôm qua, hôm nay và có lẽ mãi mãi…Ta mệt mỏi, rã rời với phần hồn gắng lấp đi đôi mắt si khỏi những tia nhìn ngây thơ thanh khiết, nhưng ta vui với niềm hạnh phúc ngập tràn khi ôm ấp, nâng niu thứ tình cảm day dứt và tha thiết ấy…
                                  Giã từ giã từ
                                 Em ơi em ơi…
                  “ Ừ thôi”… Em là gió, là mây. Gió cứ thổi và mây cứ bay. Ta chẳng là gì giữa cái vô thường bao la của nhân gian…
                                  Làm sao anh nhớ
                                  Lời ca anh nhỏ
                                  Nỗi lòng anh đây…
                    “ Mưa ngoài song bay”. Mưa vẫn rơi và lòng ta vẫn nhớ. Một thoáng thấy em chợt hiện về, lại tan. Một thoáng thấy hồn vẫn trôi, lại đau. Chào em nhé, giấc mơ tim tím của lòng ta.
                      Cơn mưa đầu mùa lại về, làm dâng bão tố đâu đây. Cuối phố đơn côi, em quay lưng, tà áo tinh khôi thướt tha như thuở nào. Ừ thôi, em về…Ừ thôi…  
               ( Những ngày nằm ở Bệnh Viện Khánh Hòa- 12/2011)

                                                                                   H.V.T ( Khóa 5)

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Nghề thầy không bạc bẽo

                                  Truyện Ngắn
                               MANG VIÊN LONG
Năm
Tôi có chuyện buồn nên muốn đi xa năm mười hôm cho tâm trí ổn định, bình thường; và tôi đã chọn nơi tôi dạy học trước kia để dừng chân. Ở đó, tôi có nhiều bạn văn, bạn đồng nghiệp và những người học trò cũ…
 Ngày đầu tiên, tôi quyết định đến thăm chùa P.L nơi thầy Thiện Đạo làm viện chủ, mà đã hơn hai mươi năm tôi chưa có duyên gặp lại. Dự định là chỉ lưu lại với thầy một hai hôm thôi, vì tôi còn phải về thị xã để sống với bạn bè đang chờ. Tuy vậy, cảnh chùa yên tĩnh, xinh tươi – nhất là tình cảm ưu ái của thầy, các cô chú, và quý đạo hữu trong thôn làm tôi cứ nán lại hoài. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được sống ở đây.
  Một buổi sáng, thầy có việc về họp ở tỉnh hội, tôi thả bộ lang thang khắp xóm, hướng thẳng đến khu rừng bạt ngàn phía trước ; chẳng để ý đến thời gian. Bất ngờ, một toán người – có lẽ là dân phòng, chặn tôi lại, hỏi giấy tờ, và lý do tôi đến H.T. Tôi vui vẻ cho biết, tôi đến H.T. không có lý do gì   ngoài việc ghé thăm chùa P.L và thầy Thiện Đạo. Sau một lúc “hỏi thăm” kỹ về lý do – họ mời tôi về trụ sở xã để gặp vị trưởng công an.
 Ở xã, tôi chờ khá lâu, mà người cần gặp lại đi vắng. Tôi cũng không vội vã gì, ngồi ở ngoài hiên trụ sở, hút thuốc; nhìn ngắm quang cảnh mới lạ, bình yên trước mắt; lòng cảm thấy vui vui. Khoảng gần 11giờ trưa, có hai chiếc xe con chạy vào, người du kích bảo vệ vội chạy ra mở cổng. Toàn bộ cán bộ chủ chốt đều có mặt trước thềm để đón. Tôi nghĩ bụng, có lẽ khách quý đến thăm chăng?

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...