Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Hội Ngộ - Thơ - Hoàng Xuân Đông


                               
           (… cho tất cả..và các anh chị em K9 SPQN )

            Nước non từ buổi cánh uyên bay 
            Đời bận chia xa  khó hẹn ngày .
            Cung kiếm ngổn ngang thân cát bụi,
            Bút nghiên hờ hững phận râu mày.
            Quê hương yêu dấu chùm hoa thắm,
            Đất mẹ ân tình giọt lệ cay.
            Trì thảo vấn vương hương tỉ muội,
            Bốn mươi năm ấy vẫn còn may…

                                 ***************************     
                Rất mong đồng môn K9 có một lần HỘI NGỘ 40 năm
           đông đủ , thấm đậm tình nghĩa SP thân thương…..
                                                     Hoàng Xuân Đông K9 (71-73 )
          

NGÔI TRƯỜNG LÀNG - Thơ - Ky Nguyen

-->

Đã thỏa ước mơ từ thuở bé .
Được làm cô giáo dạy em thơ .
Tôi về trường cũ  - xưa anh học .
Phấn trắng , bảng đen - vui tháng ngày ...

Những khi rỗi rảnh hay tựa cửa .
Nhìn dáng hàng cây - nhớ bóng anh .
Mimosa hoa vàng lá bạc .
Cây anh trồng đó - vẫn xanh tươi .

Tháng ngày trôi - hai con khôn lớn .
Lại học trường này - nơi một thời ,
Mẹ cha đã bảo ban , đèn sách .
Cây vẫn còn ...  người đã khuất xa !!!!

Nhìn con vui đùa dưới tán cây .
Tưởng như  bóng chàng vẫn còn đây .
Che mát cho con vui học tập .
Mai sau nối nghiệp mẹ - làm Thầy .

Trường làng - nay đã thành kỷ niệm .
Lưu giữ buồn vui - chuyện nhà mình .
Ở trên cao ấy ... anh nhớ nhé .
Phù hộ cho con ... chóng Thành Người .

Kynguyen - khóa 7

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

NGÔI TRƯỜNG MẾN YÊU !

-->
                                    Irene.

Tháng chín không chỉ là nắng nhạt, lá ngả sang màu, bầu trời xanh lơ với những đám mây... mà còn làm cho tâm hồn tôi bồi hồi và rồi lại nhớ đến Thanh Tịnh:
 Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…
Tháng chín gợi nhớ những ngày đầu tiên đi học. Tôi quên sao được, Qui Nhơn vào cuối thu năm 1960, ba tôi đèo tôi trên chiếc xe đạp chở tôi đến trường. Ngôi trường Nữ Tiểu Học Ấu Triệu tôi đã có một vài lần đến vì các chị tôi cũng học ở đây nhưng sao hôm nay tôi bỗng dưng thấy nó to lớn lạ thường.
 Cô giáo vui vẻ xoa đầu và đưa tôi vào lớp. Cô giáo ấy chính là cô Sự Hiệu Trưởng cũng là cô giáo dạy tôi đầu tiên ở bậc Tiểu Học, lớp năm (bây giờ là lớp Một). Cô Sự trong mắt tôi lúc bấy giờ là một cô giáo đẹp và sang trọng vô cùng.
Lên lớp tư (lớp hai) nửa năm đầu tôi học với cô Tư người Bắc. Cô rất dịu dàng, giọng nói của cô rất êm ái. Rồi cô về hưu và tôi học với cô Hồng (người Huế). Cô Hồng nhẹ nhàng và rất yêu thương tôi.
 Lớp ba, cô Ngọc Lan (con gái của ông Bửu Giá) dạy tôi và cũng trong năm này cô Lan lên làm Hiệu Trưởng thay cô Sự ( cô Sự lên làm Thanh Tra).
 Lớp nhì tôi học cô Hồng (người Bắc), cô hơi mập, cô rèn chữ cho chúng tôi rất kỹ và dạy thêu thùa, may vá.
 Sang đến lớp nhất, tôi được học với cô Bích (người Bắc chồng của cô là Nha sĩ Đào). Trong năm học này mỗi lần giờ Tập vẽ cô Bích giới thiệu một thầy giáo dạy sau này tôi mới biết đó là thầy Bùi Thường. Cả lớp chúng tôi ngưỡng mộ về những bài vẽ về hoa lá, phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… của thầy và ấn tượng đó khắc sâu trong tôi cho đến bây giờ.
Lúc còn bé trong mắt tôi cô giáo dạy tôi là đẹp nhất. Cho dù cô có ốm, mập, cao, thấp, già hay trẻ … cô vẫn là tuyệt vời!  
Ngôi trường Ấu Triệu nằm ở một góc đường Tăng Bạt Hổ-Trần Bình Trọng. Khi xưa, trường trồng rất nhiều dừa và những cây bông giấy đủ màu: hồng, cam, vàng, tím…trong sân còn có trồng một vài cây phượng. Ngôi trường rất yên tĩnh vì chung quanh trường là các công sở. Trường lại cách xa nhà dân. Trường có ba dãy gộp thành hình chữ U. Vì là trường con gái nên học sinh rất hiền lành. Những buổi học êm ả. Tuổi thơ tôi cũng phẳng lặng theo cây cảnh của mỗi mùa. Những ngày nắng ráo, giờ chơi nào tôi cũng thơ thẩn ra phía sau trường hái những cành hoa ti gôn màu hồng tươi tắn leo bên bờ rào tràn ra cả mặt đất, những bông hoa ngũ sắc, những hoa dại tim tím, vàng vàng… hay theo các bạn bắt bướm, chuồn chuồn… Chơi các trò chơi con gái như nhảy dây, ô làng, chuyền thẻ, u mọi, nhảy chuông… Những ngày mưa, che dù, đội mũ lội nước đi ra phía sau nhà ông cai mua một miếng khoai lang chiên nóng hổi hay một vài trái ổi sẻ chua chua giòn giòn hoặc một chùm me chín... Những món ăn của tuổi học trò thật là hấp dẫn và thú vị!
Mùa hè đến! Khi những chùm hoa phượng nở và những chú ve
 kêu râm ran là lúc chúng tôi tạm biệt mái trường được nghỉ hè ba tháng…
Từ ngôi trường Tiểu học này các cô giáo đã xây dựng cho tôi cái nền tảng vững chắc ban đầu. Dạy cho tôi nhiều kiến thức về việc học chữ nghĩa cho đến lịch sử, địa lý, quan sát… Các cô giáo đã dạy cho tôi cách đi đứng, ăn nói cho đến thêu thùa may vá… hình thành trong tôi tình yêu với gia đình, thầy cô, bạn bè trường lớp cho đến tình yêu đồng bào, đất nước… Cứ hàng năm, hàng năm tiếng trống trường vang lên rộn rã và ngày qua ngày tiếng trống lại êm đềm cứ thế, kéo dài suốt thời thơ ấu của tôi. Năm học 1964-1965, tôi tạm biệt mái trường bước lên bậc trung học…
Năm 1974, tôi học năm thứ hai trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lần này tôi có dịp quay trở lại ngôi trường Ấu Triệu là giáo sinh thực tập. Tuy vậy nhưng tôi vẫn mang trong lòng cái cảm xúc của một người học trò cũ về thăm lại trường xưa. Tôi bồi hồi nhìn từng lớp học, bảng đen, bàn ghế gỗ…. Nhớ từng chỗ ngồi, từng bậc thềm, ghế đá, khoảng sân chơi hay dưới những gốc cây quen thuộc ...
Rồi tôi tốt nghiệp ra trường lên đường đi dạy.
Sau 75 tôi tiếp tục đi dạy lại và điều bất ngờ là tôi có quyết định về trường Ấu Triệu.
Đợt đầu tiên về trường khoảng mười giáo viên nữ và một chị phụ trách trưởng. Tôi được giao chủ nhiệm lớp năm.
Dạo đó, lớp năm tôi chủ nhiệm, học sinh của tôi có một số là người Hoa ở phố Gia Long hay Bạch Đằng, một số em khác có cha đang đi học tập cải tạo, một số khác con dân chung quanh địa bàn khu vực Nhà Thờ Lớn hay xóm Nhà Đèn… Các em rất ngoan và chăm chỉ học hành. Tôi chỉ giảng dạy các em trong một khoảng thời gian ngắn là ba tháng (từ cuối tháng tư đến cuối tháng sáu) phải hoàn tất xong chương trình của bậc Tiểu Học. Cho nên cô trò ra ra sức dạy và học. Dù bận rộn nhưng cô trò quyến luyến và thương mến nhau vô cùng.
Tôi gắn bó với ngôi trường cũng như yêu thương học sinh của mình. Tôi biết rằng tôi chỉ có một hoài bão, một niềm đam mê duy nhất đó là con đường giảng dạy. Tuy rằng những ngày đầu tiên đó, tôi rất bỡ ngỡ với các phương pháp giảng dạy với công việc chủ nhiệm lớp và những kinh nghiệm của người thầy thì còn rất nhiều non nớt… nhưng với tâm huyết và lòng nhiệt tình tôi đã khắc phục từ từ những yếu kém.
Thú thật những ngày ấy nhà trường giao tôi việc gì tôi cũng nhận và cố gắng làm vì niềm vui sướng tột cùng là mình được dạy học sinh ngay chính ngôi trường mà mình yêu mến.
Thế nhưng trong bao nhiêu năm tháng trôi qua tôi cứ ngỡ rằng tên trường Ấu Triệu là tên của bà Triệu Thị Trinh cho đến một hôm nhà trường bảo bác bảo vệ khiêng ra một tấm bảng để tôi dán danh sách học sinh các lớp chuẩn bị năm học mới. Thì ra đó là bảng Tiểu sử bà Ấu Triệu. Bà không phải là Bà Triệu cỡi voi phất cờ khởi nghĩa trên núi Nưa ở Thanh Hóa như tôi nghĩ mà là một nhà yêu nước, một phụ nữ tên thật là Lê Thị Đàn hy sinh vì nước trong phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu đề xướng ở giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 20. Bây giờ tình cờ tôi đọc cuốn Nội San Hội Ngộ 50 năm Sư Phạm Quy nhơn (1962-2012) của Huế phát hành ngày 12/08/1012 có bài Câu Chuyện Về Cái Tên Trường Ấu Triệu của Hà Thanh Huyền (Hà Văn Thành), tôi càng hiểu rõ hơn về tiểu sử bà Ấu Triệu. Tôi xin cám ơn tác giả đã cho biết đầy đủ về người mang tên ngôi trường mà tôi yêu mến.
Năm 1976 trường đổi tên là trường PTCS cấp 1 Lê Lợi. Trường không còn là trường Nữ mà có cả Giáo viên và học sinh Nam . Tôi nhớ có nhiều lần cô Lê Thị Thuận Hiệu trưởng xin các cấp khôi phục lại tên cũ là Ấu Triệu nhưng không được vì tên trường phải gắn liền với tên của phường là Lê Lợi và bây giờ tên trường là Tiểu Học Lê Lợi Qui Nhơn.
Tuy tên trường đã thay đổi, dù hiện trạng cũ của ngôi trường  không còn, cho dù trường đã xây dựng lên những dãy lầu mới và cho đến bây giờ dù trường khang trang, to lớn đồ sộ hơn nhưng người dân ở dây vẫn quen gọi tên là Trường Ấu Triệu. Riêng tôi vẫn giữ mãi ký ức của ngôi trường mến yêu.
Suốt một thời gian dài giảng dạy dưới mái trường Ấu Triệu có rất nhiều chuyện vui buồn. Những buổi sáng đến trường sớm! Một mình tôi thơ thẩn dạo quanh sân. Ngắm những cây lá còn đọng những hạt sương đêm hay đang từ từ òa vỡ trong nắng sớm! Hay lắng nghe tiếng hót ríu rít của những chú chim trên cành cao. Những buổi học hăng say với bài giảng hay ngắm nhìn những khuôn mặt ngây thơ của học sinh khi chúng làm bài. Những buổi trưa yên ắng, một mình trong lớp học để dõi theo từng dòng chữ để chấm bài cho học sinh. Những buổi chiều, tan trường! Học sinh đã về hết, tôi cũng ngồi nán lại để hòa vào cái êm êm khi chiều xuống . Có lúc lại cùng cô bạn ngồi trên chiếc ghế đá tâm sự cho đến khi màn đêm buông phủ mới lên xe trở về nhà. Những đêm trăng, tan cuộc họp, chúng tôi vẫn còn nấn ná giữa sân trường. Dưới ánh trăng soi rọi qua những cành cây kẽ lá. Ban đêm, ngôi trường yên tĩnh quá! Dường như tôi nghe được tiếng đất trở mình và cả tiếng côn trùng rên rĩ.
 Tôi đã gần gũi với ngôi trường qua bao mùa mưa, nắng, gió, bão…qua bao sự đổi thay của cả cảnh và người. Buồn vui với sự ra đi hay đến của những đồng nghiệp. Vui buồn với lớp lớp học sinh vào trường hay ra trường…
…Và nay người chèo đò phải chống sào ngơi nghỉ vì sức tàn cạn kiệt… và trong những tháng ngày còn lại này, một sớm mai hay buổi chiều tà, trưa êm ả hay đêm tĩnh mịch dấy lên nỗi nhớ! Lòng tôi chợt ấm áp khi nghĩ về mái trường xưa. Cái nôi đã ru tôi suốt thời thơ ấu. Thôi, thì một lần này cho tôi xin được tri ân mái trường mà suốt cuộc đời này tôi yêu mến! Tôi xin cám ơn tất cả những cô giáo, những bạn bè, những đồng nghiệp và những học trò của tôi!
Hình ảnh về ngôi trường Ấu Triệu Qui Nhơn luôn sống mãi trong ký ức của tôi!

Sài Gòn, tháng 9/2012.
Irene.

Hình 1: Lúc Ren còn là học trò. R..đứng bên cạnh cô giáo, Thanh Bình mặc áo đầm cách R..một bạn, Hoài Thanh (học lớp 6/k11spqn) đứng hàng thứ hai sau Ren và Bình, sau lưng bạn mặc bộ quần áo sọc ngang.
Hình 2: Lúc này trường đổi tên là PTCSC1Lê Lợi- Ren mới đổi về trường giảng dạy năm 1975-1976.
Hình 3: Cô giáo và học sinh - Tên trường bây giờ là trường Tiểu Học Lê Lợi Qui Nhơn


Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Viết Ngắn - BUỒN VUI NỘI TRÚ


Năm ấy, nội trú mới vừa xong, chúng tôi được hân hạnh ở trước. Phòng ốc thật khang trang, giường tầng bằng gỗ khá cao.  Cô bạn H.A, một đêm đang ngủ rớt cái bịch... ôm  vai khóc mếu, lũ chúng tôi chẳng dám cười to, hôm sau thấy xuất hiện một hàng dây kẽm giăng ngang giường, mọi người tha hồ chọc ghẹo. Thầy Hiệu trưởng thỉnh thoảng đi thăm nội trú thấy lạ đã thắc mắc... khi biết sự thật, Thầy cười bảo tôi tưởng Cu Tí, cu Hải nhà tôi còn bé mới phải làm thế chứ....
Tháng 7, nội trú vắng hoe, chỉ còn các lớp nhị niên ở lại lo thi tốt nghiệp. 9 giờ tối đèn đã tắt, chúng tôi phải dùng nến hoặc đèn dầu học khuya... Đêm khuya thanh vắng, chợt có tiếng rao lạ tai " tiểu đây, tiểu nóng dòn đây.... ", mở cửa nhìn sang dãy lầu đối diện, một nhóm năm bảy bạn dắt díu nhau  trong ánh nến chập chờn đi về  phía nhà vệ sinh ở  góc mỗi lầu, mỗi lần rao xong lại có tiếng cười khúc khích... một cánh cửa mở ra, lại có thêm một hai bạn nhập bọn... thì ra bà con sợ ma... Nhắc đến ma, phòng tôi đã đùa  phòng bên cạnh một vố thật vui, chả là các bạn hàng xóm hay đi chơi khuya, chúng tôi trèo qua tráo đổi hết cả chăn màn của mọi người... khuya lắm họ mới về, lục đục một hồi rồi la toáng lên trời ơi, không phải màn của tao, ủa sao cái gối này lạ quá... rồi tông cửa chạy hết ra ngoài... đêm ấy các bạn đi - ngủ - nhờ, còn chúng tôi im thin thít, nhét gối vào miệng để nén tiếng cười... 
 Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ trò đùa và tiếng rao khuya hồi ấy... Kể lại kỷ niệm này để... may ra các nhân vật ngày ấy biết  mà liên lạc được với nhau thì thật là hạnh phúc.

Kynguyen - khóa 7

Trường Xưa - Thơ - Đặng Nam Phương


Trường Xưa  

Tôi về thăm lại trường sư phạm  
Đây mái trường xưa đã đổi tên
Đây lầu nội trú đứng chênh vênh 
Đây lối đi xưa người đâu nhỉ?

Tôi về thăm lại trường sư phạm 
Bùi ngùi đứng tựa hành lang vắng
 Bâng khuâng nhớ lại chuổi ngày thơ 
Áo trắng tung tăng giữa sân trường. 

Tôi về thăm lại trường sư phạm 
Nếp mình bên gốc phượng rưng rưng
Phượng đỏ ve rang trường vắng lặng 
Ai quay dùm lại bánh thời gian.

Đặng Nam Phương  K7  SPQN

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Thơ Áo Trắng - Thy Trang


                       
                       Tặng các sinh viên ĐH Qui Nhơn và cựu Giáo sinh SPQN


Sáng ấy mưa bay nhẹ cổng trường
Mưa về trắng áo thoảng hơi sương
Tóc mây trong gió bay nhè nhẹ
Ai hát nhau nghe khúc tựu trường ?

Bữa ấy mưa bay một góc vườn
Mây về trắng áo biển chiều vương
Lá rơi đan kín mùa thi sĩ
Áo trắng tinh mơ  trắng cổng trường

                         Thy Trang ( Võ Thị Đào )
                         Khóa XI-SPQN
                         SĐT: 0935039380
                         Gmail: vothidaotrang@gmail.com


Chào các bạn SPQN…!
Chào các bạn lớp 2 khóa XI……!

Lâu lắm rồi mình mới trở lại khu vườn xưa cũ!
Muộn màng phải không các bạn…?
Có phải như lời Trịnh Công Sơn đã hát trong bản tình ca …..
“ Sau cơn đau dài, thì tình như trút nắng. Sau cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông. Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau như bóng chim cuối đèo…”
Gần hai tháng trời ốm nặng, thân thể hao gầy, tinh thần suy sụp, sót đau hụt hẩng.
Đôi lúc chạnh lòng đưa tay réo gọi bạn bè cầu mong một lời an ủi, chở che. Nhưng tất cả đều thinh lặng.
Đôi lúc lại tự phong tỏa mình như một hàng rào khép kín, âm u….Và những lúc bị người đời ngẫu nhiên cô lập…
Nhưng thôi! Bây giờ mọi chuyện đã qua rồi, mình tự vươn vai đứng dậy và chia sẻ cùng các bạn đây.
Hạ sắp về gần bốn mươi năm lưu lạc, trôi dạt khắp nơi, tình cờ về lại ngôi truờng xưa cũ. Ngày 12/5/2012, có phải là ngày định mệnh cho buổi tao phùng không hẹn trước cũng giống như “ Đêm mãn khóa” rồi phải ra đi. Rời trường, chia tay bạn bè, chia tay “người ấy”…Hình ảnh khuông viên, ghế đá ngày nào với câu chuyên “ Lửa tàn” của thầy Hiệu trửơng như vẫn còn hiển hiện nơi đây.
Bên khóm trúc xinh và nhành hoa sứ ngọt ngào mùi hương kỷ niệm. Các ái hữu từ mọi nơi đổ về hân hoan như đàn bướm lượn. Xúc động nhất là trong buổi giao lưu lại được nghe hát lại bài  “ Trường cũ tình xưa”.
Nhặt cành hoa sứ trên tay, mình trân trọng phút giây này.
Riêng hình bóng một người thì không hề xuất hiện. Mình đột nhiên xao xuyến, bối rối,….
Hoa sứ trường xưa cứ nở bung
Người xưa sao vắng khúc tương phùng

                 Thy Trang ( Võ Thị Đào )
                   Lớp 2 khóa XI SPQN
                   SĐT: 0935039380
                   Gmail: vodaothitrang@gmail.com

THƯ MỜI HỌP MẶT

K9 SPQN HỌP M ẶT KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG
(1972 – 2012)

             Ban đại diện Khóa 9 SPQN tại thành phố Hồ Chí Minh trân trọng kính mời quý   Thầy Cô, bạn hữu và các anh chị cùng khóa về tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường (1972-2012) vào chiều thứ bảy ngày 17 tháng 11 năm 2012 (nhằm ngày 04 tháng 10 năm Nhâm Thìn) tại quán Café Hương Cát số 51 Trần Bình Trọng Phường 05, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08. 3885 7679)

                                                     NỘI DUNG
                     15h00 - 16h30    :   Tập trung, giao lưu, chụp hình lưu niệm.
                     16h30 - 19h00    :    Khai mạc: Ban đại diện K9 ngỏ lời chào và thông qua chương trình buổi lễ. Ôn lại ký ức K9… 40 năm qua.
                    1/ Giới thiệu thành phần tham dự, tặng hoa thầy cô.
                    2/ Phát biểu của đại diện CGS các tỉnh về tham dự.
                    3/ Phương hướng sinh hoạt của K9 (giao lưu, tương tế, gây dựng quỹ, họp mặt hàng năm…)
                    4/ Phát biểu của quý thầy cô.
                    5/ Liên hoan văn nghệ, bốc số trúng quà lưu niệm.
                    6/ Trình diện BLL và phương hướng cho lần họp tiếp theo.
                    7/ Dây thân ái… tạm biệt… hẹn ngày họp mặt năm tới…

(Ban đại diện K9 sẽ có thư mời đến quý thầy cô, bạn hữu và các anh chị K9 với ước mong có một lần họp mặt thật đông đủ… đề nghị quý anh chị chia sẻ thông báo này với các bạn cùng khóa).

Rất mong sự tham dự đông đủ của quý thầy cô, bạn hữu và các anh chị cgs K9 SPQN.

Ban tổ chức trân trọng kính mời.
                                                                    TM Ban tổ chức.
                                                                 - Nguyễn Tấn Đông
                                                                 - Đặng Lê Binh
                                                                 - Lê Bích Tuyền
-----------------------------------------------------------------------------------------
        Mọi chi tiết xin liên lạc với các anh chị sau đây:
 1- Anh Nguyễn Tấn Đông,  Phone: 0903327583, Email: dongtam4452@yahoo.com
 2- Anh Đặng Lê Binh       ,  Phone: 0907296539, Email: danglebinh51@gmail.com
 3- Chị Lê Bích Tuyền       ,  Phone: 0913677294, Email: haituyen1974@gmail.com   
                      …… ( Phí sinh hoạt: 150.000đ )              

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Quà tặng của Admin

Khi nhớ về những buổi chiều mưa kỷ niệm... bạn gái mình đã hát và gởi cho mình bài hát này... nghe thương quá đi!!!
Hôm nay cuối tuần, Admin xin gởi đến các bạn để cùng chia xẻ...
Thân ái!
Admin SPQN
(Viết thêm: Riêng tặng cho các bạn Nhị 2 - K 11 nhé!)

BÓNG CỘI CÂY GIÀ


 Bài thơ làm từ năm 2006, hôm nay xin đăng lại như một nén nhang để tưởng nhớ về một đời ghe bầu của Ba ( trước 1954) và lòng ngưỡng phục, biết ơn của con về người cha suốt đời tận tụy vì con cái. Ba ra đi nhẹ nhàng ở tuổi đời 97 vào năm 2011 trong sự tiếc thương của người vợ hiền đã gắn bó hơn 80 năm tình nghĩa cùng đàn con, cháu nội, ngoại.

Ba như bóng cội cây già
Chở che, dạy bảo : thật thà, thẳng ngay
Biển trời nào dễ đổi thay
Sinh thành dưỡng dục biết ngày nào nguôi
Chưa xa mà đã ngậm ngùi
Tuổi Ba già yếu bồi hồi lòng con
Dẫu rằng Ba đấy vẫn còn
Nhưng con cách trở nước non xa vời
Nhớ xưa Ba đã một thời
Đông, tây,nam, bắc biển khơi vẫy vùng
Trên ngàn con sóng muôn trùng
Vững tay lèo lái mịt mùng xa khơi
Thuyền buồm rẽ sóng chơi vơi
Ba lênh đênh kiếp nay mơi ghe bầu
Bán buôn xuôi ngược nơi đâu
Vợ hiền xa cách vẫn câu chung tình
Ba về sau chuyến hải trình
Lụa là gấm vóc cho người vợ yêu
Con thơ thì được Ba chìu
Đồ chơi, bánh kẹo thật nhiều lạ hay
Ba luôn dạy bảo điều ngay
Sống cho xứng đáng, có ngày vinh hoa
Bán buôn thì phải thật thà
Trời cho sẽ được nguy nga sang giàu
Cuộc đời có lúc buồn đau
Có khi tay trắng có nhau nụ cười
Bán buôn toan tính lỗ lời
Thợ thuyền Ba chẳng một lời kêu la
Mai sau dù có chia xa
Ba là bóng cội cây già đời con.

                    LẠI GIANG

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...