Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Xin trả lại em

                                                                                                                          Vân Dung khóa 12
                                 

                                             





Xin trả lại em
Xin trả lại em ngây thơ ánh mắt 
Với nụ cười tươi thắm tuổi đôi mươi 
Xin trả lại em ân tình cũ xa xôi 
Để nhung nhớ, để yêu thương hờn dỗi
Xin trả lại em giọt nắng vàng muôn thuở 
Ngủ trên vai mơ mộng mị tương lai 
Xin trả lại em bình yên buổi sớm mai 
Với tiếng hót, tiếng chim ca rộn rã
Xin trả lại em bờ cát vàng óng ả 
Mỗi hoàng hôn nghe sóng vỗ ru êm
Xin trả lại em buổi tối đón trăng lên 
Bên tách cà phê nghe du dương tiếng hát
Xin trả lại em cánh hoa thơm ngát 
Đã âm thầm ép trong vở chờ ai 
Xin trả lại em một quãng đời dài 
Của một thời xa xưa vụng dại
Nếu có ngày bình minh trở lại 
Chính là ngày hạnh phúc vẫy chào em!
                                         Văn Dung 
                                                              Sáng 29-7-2017

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

NGÀY HỘI NGỘ - 55 NĂM TÌNH ĐỒNG MÔN SƯ PHẠM QUI NHƠN

     NGÀY HỘI NGỘ -55 NĂM TÌNH ĐỒNG MÔN SPQN

     Bây giờ thì chúng ta đã tuổi già xế bóng,tóc ngã hai màu,mắt mờ chân run,người nhỏ nhất cũng đã ngoài sáu mươi,có huynh trưởng đã chạm ngưỡng tám chục ..Ngọn lửa tình đồng môn trong mỗi trái tim của người cựu Giáo Sinh SPQN luôn luôn bùng cháy ! Thao thức về trường cũ ,tìm lại bạn xưa luôn.......
     Ngày hội ngộ sắp đến,mong rằng ngọn lửa ấy không bao giờ tắt khi trái tim chúng ta còn nhịp đập ....
                                        ( Khoa Đinh)

     Trường đã xa rồi tuổi ấu thơ
     Muôn trùng hoài niệm ngỡ trong mơ.!
     Từ khi xếp bút đời trăm ngã..
     Mấy thuở tao phùng dạ ngẩn ngơ.!
                                          Duy Khoa


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

BỨC TÂM THƯ CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG

CÂU CHUYỆN LỬA TÀN
(trích đoạn bài diễn văn của Thầy Hiệu Trưởng)
Của Thầy Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Quy Nhơn nói với các giáo sinh khóa 11 trong ĐÊM MÃN KHÓA hạ tuần tháng 6 năm 1974.
Anh chị em giáo sinh khóa 11 thân mến.
Đêm đã khuya, lửa cũng gần tắt, trước khi chia tay, tôi muốn nói với anh chị em đôi lời trong câu chuyện lửa tàn đêm nay.
Nhìn khu trường với những hàng thông trầm lặng, từng chứng kiến bao bước chân anh chị em đi về. Những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè, dẫn vào những căn phòng nội trú, rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê. Nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi. Những hình ảnh và âm thanh đó như thì thầm nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn Anh Chị Em đã có nơi đây, gợi lại bao sinh hoạt đã cùng nhau tham dự: nào những tối cuối tuần ngồi bên chén trà “hội hữu” hay “bạn đường” nghe thơ nhạc hay nghe nhau kể lễ chuyện đời. Nào những ngày đi công tác xã hội hay thực tập giáo dục cộng đồng bận rộn với dân quê, những buổi du ngoạn tươi mát ý đời, những đêm văn nghệ rộn ràng niềm vui, cũng như nghững sáng chiều thường xuyên thảo luận, học tập về chuyên môn…tất cả đều nói lên những tâm tình Anh Chị Em đã có với nhau, với ngôi trường này.
Sau đêm nay, Anh Chị Em sẽ rời ghế nhà trường chia tay về hè để sau đó vào đờichứ không còn trở lại trường cũ như mùa thu năm trước. Chúng tôi cầu cúc Anh Chị em gặp nhiều niềm vui trong đời, những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có hơn là từ bên ngoài mà nên.
Tục ngữ ta có câu: “Câu chuyện nên quen, chuyến đò nên nghĩa”. Anh Chị Em đã cùng nhau đi chung một chuyến đò dài. Nay tuy chưa đến bến cùng của sông nước nhưng mỗi người phải chia tay sang những con thuyền khác để lại tiếp tục hành trình dẫn tới quê hương xa.
Giây phút phân ly nào chẳng đượm buồn và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế. Nhưng như trăng khuyết rồi tròn, ly hợp cũng là lẽ thường của cuộc sống, miễn sao trong cách xa mà vẫn không xa cách, và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng. Anh Chị Em hãy chấp nhận nỗi buồncách xa trong tim, vẫn còn những niềm vui gặp gỡ đây đó trên bước đường nghề nghiệp, ở một nẻo nào trên dải đất quê hương này.
Đời Anh Chị Em còn dài, dài đủ để không uổng công thắp sáng niềm tin trong đêm tối thiếu những ánh trăng sao soi dẫn bước chân Anh Chị Em đi.
Anh Chị em hãy thỉnh thoảng nhớ đến trường cũ và nhất là luôn luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường đời.
Trong những ngày Anh Chị Em sống nơi đây, chúng tôi không nghĩ là đã làm được tất cả cho Anh Chị Em nhưng chúng tôi đã hết lòng với Anh chị Em.
Phần Anh Chị em trong hai năm qua đã cùng nhau đi trên một chuyến đò mà trong hành trình có những chiều xuống đêm về, cắm sào dừng nghỉ ở nhiều bến nước, ngắm trăng thanh gió mát cho vui trên bước giang hồ mà vẫn nhắn nhủ nhau rằng những bến nước ấy chưa phải là bến cùng của quê hương xa.
Nay chuyến đò chung đã đến lúc rẽ bến. Mỗi lữ khách phải rời đò để đi tiếp lộ trình còn dài. Chặng đường sẽ vắng vẻ hơn và lữ khách sẽ cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn trên đường đời. Nhưng Anh Chị Em nên nhớ thân phận con người là cô đơn, trong cô đơn ta gặp được mình, ta gặp được người, ta gặp được trời. Nhưng cô đơn mà đừng cô độc. Muốn vậy Anh Chị em hãy luôn luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường đời.
Anh Chị Em thương mến,
Trên con đường nghề nghiệp đã chọn, Anh Chị Em hãy can đảm bước lên, niềm tin của Anh Chị em ấy là niềm tin của chúng tôi và cũng là ý đợi của quê hương này.
Cuộc đời là một cuộc đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản. Trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.
Thương mến từ biệt Anh Chị Em
Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Trần Văn Mẫn.
PAGE SƯ PHẠM QUI NHƠN 1962-1975
TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU
Cô Phan Liên : Hội ái hữu SƯ PHẠM QUI NHƠN BẮC CALI
SAN JOSE , CA
11-06-2017
Kính cáo :
NGUỒN VIDEO : JOHN PHAN
An huu Tran biên tập lại thành từng clip ngắn .
( CÒN TIẾP )
Xin mời quý thầy cô , quý ACE cựu giáo sinh Trường đón theo dõi .


HỘI NGỘ HÈ 2017 _ SƯ PHẠM QUI NHƠN BẮC CALI


                                                                 SAN JOSE , CA
                                                                    11-06-2017






Thí sinh đặc biệt

                                                                                                                 Trần Văn Quế khóa 4



                         





     Có lẽ tôi là thí sinh đặc biệt kỳ thi vào SPQN năm 65...thi viết tại H.Đ thi Huế (trường Nguyễn Tri Phương)...vì điều kiện gia đình,anh bạn xin cho tôi việc làm tại Qui nhơn,nên phải vào gấp...mà kết quả thì chưa có,đành bỏ thôi,đi làm gần hai tháng thì gia đình bảo về Đà nẵng ra Huế thi Khẩu vấn,đường xa tốn kém,việc làm thì mới xin được...mà bỏ việc về thi chắc chi...bao suy nghĩ,tôi lên trường SP rất may mắn gặp thầy H.T Nguyễn Trọng Lương(sau tôi mới biết Thầy)...trình bày hoàn cảnh...thầy bảo cho thi Khẩu vấn tại H.Đ Qui nhơn,nhưng phải qua chánh chủ khảo tại Sài gòn,vì Thầy chỉ Phó...tôi vô cùng mừng,vì tiện được rất nhiều việc.Ngày thi tôi là thí sinh thi cuối cùng,thi tại giảng đường...phòng ăn nội trú nữ,thầy Lương là giám khảo của tôi...đọc một bài,đi qua đi lại...một vài câu hỏi,tôi liếc nhìn thầy cho A.A.A....Tôi cám ơn Thầy...Về tiếp tục đi làm thêm gần hai tháng nữa,khi có kết quả các Bạn khắp nơi tâp trung học hơn một tháng tôi mới vào....vì làm thêm kiếm ít tiền để chi tiêu...
     52 năm trôi qua,không biết thầy H.T giờ này ra sao,nhưng tôi luôn nhớ hình ảnh thầy như in...Tôi nghĩ mình là Giáo sinh đặc biệt K4!

SƯ PHẠM QUINHON NAM CALI , Tháng 7 _ 2017


     Ngày Chủ Nhật 16/7/2017, Hội Ái Hữu Sư Phạm Qui Nhơn Hải Ngoại đã Tổ Chức Buổi Hội Ngộ Kỳ 26 Năm 2017 tại Nhà hàng Paracel Seafood Restaurant trong không khí tưng bừng vui tươi đầm ấm.
     Năm nay có tham dự của Quý Thầy Cô Trường Sư Phạm .






                 




Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

NHỚ TRƯỜNG XƯA

Hồng Vinh 
Khóa 5
NHỚ TRƯỜNG XƯA
Ngôi trường cũ bao năm vẫn nhớ 
Nhớ bạn bè – khu nội trú thân thương
Bao năm rồi nỗi nhớ vương vương
Sư phạm Qui Nhơn đong đầy kỷ niệm
Nhớ bạn chung phòng chung lớp học
Tóc thề áo trắng thật dễ thương
Giờ cơm nước - giờ dạo công viên
Đến giờ lên lớp vẫn thường chờ nhau
Tiếng nói tiếng cười vui rộn rã
Giảng đường hàng ghế đợi giáo sinh
Trước dãy hành lang lồng lộng gió
Nam thanh nữ tú mắt trữ tình
Tuổi trẻ một thời bao kỷ niệm
Ngày đêm làm bạn với sách đèn
Ra trường là cả trời thương nhớ
Luyến lưu hẹn ước buổi chia tay
Thấm thoắt bao năm xa trường cũ
Tường rêu gạch vửa nhuốm phong sương
Giờ đây đã chuyển mình thay đổi 
Cao rộng cho trường đẹp xinh hơn
Nhưng vẫn nghe lòng bao tiếc nuối
Hoài niệm có bao giờ nhạt phai
Hình ảnh trường xưa trong tâm tưởng
Thương nhớ vơi đầy mãi không thôi.
===========
Hồng Vinh
EMAIL CỦA HỌC TRÒ 
GỬI CÔ GIÁO

Cô ơi
Ngày nhà giáo đến rồi
Em ở phương trời xa
Nhưng trong lòng luôn nhớ
Được gặp cô thăm cô
Cho thỏa lòng mong mỏi
Cho thỏa lòng ganh tị
Bạn Lành, bạn Hiếu, bạn Linh…
Đã thăm cô nhiều lần
Khoe mãi khiến em nao lòng
Nhưng em cũng vui mừng
Vì biết cô còn khỏe
Cô không khác ngày xưa
Dáng cô rất xinh thương
Tóc xỏa mới ra trường
Chúng em thương cô nhất
Thời gian vốn thờ ơ
Em cũng giờ tóc điểm
Đã có con có cháu
Cali giờ tuyết rơi
Mùa đông đã đến rồi
Cô nhớ mặc áo ấm
Khăn quàng cổ nghe cô
Xứ Trung mình mưa nhiều
Phải lội nước qua đồng
Mới đến nhà em ở
Như ngày xưa lội lụt
Cho kịp giờ đến trường
Vui quá chừng cả đám
Áo dài cô không ướt
Tóc thề cô không ướt
Vì cô đi Honda
Áo mưa che kín cả
Làm sao em quên được
Kỷ niệm tuổi học trò
Những ngày xưa yêu dấu
Em mong ngày qua mau
Đến ngày em về nước
Cô gắng gìn sức khỏe
Để cô trò gặp nhau.

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

MÙA TUYỂN SINH.

                                                                                                               Ky Thi Nguyen

                 






     Cháu tôi đã tốt nghiệp đại- học- chữ- bự. Nhận được cái “ Giấy gọi nhập học lớp 1” mà hết hồn, ngỡ đâu giấy gọi nhập ngũ ngày xưa…
     Mấy hôm nay theo dõi tin tức trên đài, báo…thấy cảnh phụ huynh mang theo chiếu gối thức canh cổng trường từ nửa đêm để kịp nộp đơn xin  cho con vào lớp 1 mà ái ngại quá.
 Nhớ lại thời còn đi dạy, vào mỗi dịp tuyển sinh thế này, phụ huynh chỉ việc đến trường nộp 1 tờ khai sinh là đủ, rồi thì các giáo viên phụ trách lớp 1 sẽ tự phân phối học sinh vào từng lớp, rất công bằng và minh bạch.
      Làng tôi  hồi đó sống về nghề nông, trồng rau là chính, trẻ con nhà nghèo mới 5, 6 tuổi đã phải theo cha mẹ lên rẫy cuốc đất, trồng khoai, dọn cỏ…có mấy ai nghĩ đến việc kèm cặp con cái đâu…của đáng tội…có những gia đình con cái dốt”truyền thống”, nên mỗi lần chia lớp chúng tôi phải lựa riêng những học sinh có “gien”học giỏi, học dốt riêng biệt( dựa theo thành tích học tập của các anh chị lớp trên) rồi  chơi trò bốc thăm…thế là vui vẻ cả làng.
      Ngày Khai trường, cô giáo cầm xấp giấy khai sinh gọi từng em đứng vào hàng, vậy mà rất nhiều lần cô phải gọi đi , gọi lại, lũ trò nhỏ cứ trố mắt nhìn, không nhúc nhích, mãi đến khi phụ huynh nắm áo đẩy vào hàng, các cô cậu nhỏ mới biết tên đi học của mình không phải là Cu Tí, cu Tèo, Gái lớn , Gái Nhỏ…
      Những ngày đầu, có em không biết cả cách cầm bút, cứ như nắm cái que, quẹt mạnh một đường: trang giấy rách toạc, bút chì gãy đầu…cô giáo xoay như chong chóng, hết gọt bút chì lại kẻ vở, có lúc phải dỗ dành, chùi cả mũi , dãi cho học trò…Cứ thế mà tôi đã trụ được với nghề đến vài chục năm. Vui, buồn đủ cung bậc…Nhưng chẳng bao giờ quên được những ánh mắt trẻ thơ, từng ngày, từng ngày quấn quýt bên nhau, lúc học, lúc chơi…Cô , trò cần nhau như cần không khí vậy.
      Cháu tôi sắp vào lớp 1.  Cả nhà sắp bước vào  cuộc-chiến- trường- kỳ rồi. Cái học ngày nay khác xưa nhiều quá! Chỉ còn biết …nương theo…nương theo …
                                                     Kynguyên
                                                   ( hè 2017)

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

TIN BUỒN


                                                             








                                         TIN BUỒN.
     Được tin, anh Benedicto Nguyễn Đình Khôi, cựu giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn Khóa 4 đã qua đời ngày 14-7-2017 tại Huế, hưởng thọ 76 tuổi.
     Lễ nhập quan lúc 9h ngày 15-7-2017. An táng vào ngày 19-7-2017.
     Lễ tang được tổ chức tại tư gia số 52 Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế.
     BLL Sư Phạm Qui Nhơn tại Huế xin được chuyển tin buồn này để quý anh chị và các bạn đồng môn đến viếng và chia buồn.
Thành kính phân ưu cùng tang quyến và nguyện cho hương linh anh Nguyễn Đình Khôi yên nghỉ trong an bình và sớm được về hưởng Nhan Thánh Chúa.
                                                       BLLCGS. SPQN

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

MƠ XANH

                                                                                                                         Manh Thanh


                               




                                         MƠ XANH
     (Viết cho ngày hội ngộ đồng môn SPQN kỉ niệm 55 năm thành                                                                       lập trường 1962-2017)
     Tháng Tám này anh có về thăm
     Ngôi trường cũ một thời chung bóng
     Lối thu xưa vấn vương còn đọng
     Hương thơ ngây tự buổi xuân thì

Tháng Tám về anh sẽ đi qua
Dãy hành lang đưa vào lớp học
Lời thầy cô khuôn vàng thước ngọc
Hành trang cho mình thành nhà giáo đó anh!

     Tháng Tám về nối lại ước mơ xanh
     Ra "Gió Khơi" nằm nghe biển hát
     Tìm dấu chân hồn nhiên trên cát
     Của một thời hoa mộng...đã xa

Tháng Tám về dẫu tóc phôi pha
Từng sợi bạc trong đêm lặng lẽ
Vẫn thao thiết một thời son trẻ
Ngâm thơ Hàn hò hẹn với trăng sao

     Nắng thu vàng ngời ngợi trên cao
     Mây bềnh bồng trôi theo lối gió 
     Quy Nhơn phố đang chờ anh đó
     Nhớ kịp về-Tháng Tám nghe anh!

                                    Lê Trầm Thanh
                                    Saigon 2017
                                    *Hàn:cố thi sĩ Hàn Mặc Tử

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

SƯ PHẠM QUI NHƠN.SÀI GÒN, 20 MÙA PHƯỢNG THẮM...

                                                                                                                 Cam Chau Thi Thanh



             






     Tháng Bảy, hạ đã đậm màu, những con đường trưa xõa nắng và chiều về bất chợt những cơn mưa...

     Giã từ tháng Sáu, giã từ những cơn mưa đầu mùa... Mưa tháng Bảy mềm ngọt như đôi môi người thiếu nữ, nồng nàn như cánh phượng thắm đỏ trên cành và êm đềm như từng mùa hạ thong thả đi qua...

     20 mùa... 20 mùa cứ thế lấp đầy những yêu thương. Sư Phạm Qui Nhon.Sai Gon cũng đã 20 lần rồi cùng nhau trở lại. Thật lòng mà nói, tôi tuy định cư ở cái vùng đất phương Nam này đã mười sáu năm, thế nhưng những năm đầu mới đến, tôi cứ như con ốc nằm sâu trong chiếc vỏ bọc... lạc lỏng... im lìm...!

     Mười năm đầu tiên, chưa thực sự hòa nhập với vùng đất mới... tôi cứ thế lặng lẽ, âm thầm... Và rồi, như một cái duyên đưa đẩy, bất chợt gặp một vài người bạn cùng khóa... rồi dần kết nối với bạn bè ngày xưa, tôi trở lại với niềm đam mê của mình qua cái việc trải lòng mình trên bàn phím... để rồi từ đó, tôi tìm thấy tôi bên bạn bè, giữa cuộc sống chung quanh... Tôi tìm thấy những niềm vui, tuy nhỏ nhoi nhưng cứ thế mỗi ngày niềm vui ấy nhân lên, mang lại cho mình niềm yêu trong cuộc sống...!

     20 mùa hạ, 20 cái tháng Bảy và cũng là 20 lần Sư Phạm Qui Nhơn.Sai Gon họp mặt. Ấy vậy đấy, mà tôi thì thực sự đến với các bạn chỉ mới sáu, bảy lần gần đây thôi... chính xác là từ lần về trường cũ 2012, để rồi từ đó... tôi thấy tình đồng môn sao mà sâu đậm, để rồi từ đó... tôi ngày càng gắn bó hơn với Sư Phạm Qui Nhơn.Sài Gòn, ngày càng thấy yêu thương hơn với tình đồng môn, với những lần họp mặt ở mỗi một Tỉnh Thành mà Anh Chị Em cựu giáo sinh SPQN mình tổ chức. Và cũng từ đó... tôi nhận được sự yêu thương của những người anh người chị đồng môn, tìm thấy thêm những người bạn... những tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp lại...!

     Tháng Bảy lần này, Sư Phạm Qui Nhơn.Sài Gòn gặp gỡ với con số 20 tròn trỉnh vun tràn. Một con số góp nhặt gom đầy yêu thương và nỗi nhớ... một con số trẻ trung của những người bạn một thuở, đã già...

     20 năm...! 20 mùa hạ bước qua...! 20 lần tìm về kỷ niệm của những người con Sư Phạm Qui Nhơn biệt xa ngôi trường Mẹ...! 20 lần góp nhặt gom đầy một miền ký ức, một đời hoài niệm... và 20 lần, ta đi tìm chút hoài niệm cũ thoáng chốc đã hư hao...!

     Tháng Bảy hôm nay ta về để mong chờ một ngày tháng Tám... một tháng Tám Qui Nhơn có cái gió đầu thu nhẹ hẫng, có những con đường rộn ràng với những đứa con xa cũ tìm về...

     Ta sẽ tìm về một Tháng Tám 55 Năm Tình Đồng Môn ấm áp dang rộng vòng tay... và biển trời Qui Nhơn tháng Tám yêu thương với hàng ngàn cánh chim thiên di tìm về miền nắng ấm...

                                 Sài Gòn chiều nay không mưa... nắng chợt xanh và mùa hạ chợt vàng...
                                 Tháng Bảy vẫn cứ đong đưa...

                                                                          Sài Gòn, tháng Bảy...
                                                                          Châu Thị Thanh Cảm

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

THÁNG BẢY

                                                                                                                          Phúc Vinh



                     




THÁNG BẢY
Tháng bảy về nắng vẫn còn say
Mưa vẫn trút chiều ngàn nỗi nhớ
Tiếng ve gầy hạ buồn muôn thuở
Phượng rơi đầy ngốc nghếch hoen mi
Tháng bảy về nửa đời hoang phế
Mây lang thang bạc trắng cơ đồ
Biển có còn những ngày cuồng nộ
Rừng hoang vu trên bước đường về
Bây giờ có phải là mùa thu...
Tháng bảy nằm nghiêng lời ru em vỡ
Cà phê không nhau đâu mùi hương nhớ
Ngồi nghe nhân gian ru khúc lạc lầm
Em ở đâu và anh ở đâu
Hãy tìm nhau xô nhàu tháng bảy
Còn gì nữa đâu mà tính gì được mất
Để mưa khóc nắng cười......
Mình lạc mất một mùa ngâu !
                             Sg 03/7/2017

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

CẢM NGHĨ NGẮN

                                                                                                            Nguồn : Ba Đức
                                                                                             SƯ PHẠM QUINHON QUẢNG NGÃI

                       




Kính thưa quý đồng môn cựu gs SPQN các bạn thân thương của Ba Đức
Thưa các bạn không có gì vui bằng ngày hôm qua chúng ta được đi du lịch thăm chơi sông nước miền tây, một chuyến dã ngoại thật vui, được đi ô tô, được đi thuyền lớn trên sông Tiền, được thăm nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng, kẹo dừa, được bố trí 6 người trên 1 xe ngựa để đến thưởng thức giao lưu đờn ca tài tử, rồi lại 4 người trên 1 con đò nhỏ tự chèo ven sông lạch , được ăn trưa tại xứ dừa, chụp thật nhiều ảnh đẹp, thật nhiều trãi nghiệm...các ace ví von: Thật có 1 chuyến đi ngon bổ rẻ, cảm ơn ban tổ chức, xin cảm ơn cô Diệp, cô Đông Oanh
Hôm nay ngày 1/7/17 đồng môn chúng ta họp mặt tại Đông hồ EDENT gặp gỡ nhau với nhiều lời chào hỏi, nhiều cái bắt tay siết chặt, nhiều lời hỏi thăm sức khoẻ...
Ôi thân thương làm sao, ôi đồng môn sp, ôi đẹp làm sao nhiều gam màu sặc sỡ, nhiều bông hoa tươi thắm của các nàng tiên nữ spqn của chúng ta
Thưa các bạn chúng ta tuổi cũng đã về chiều, trên dưới u 70, và những dịp họp mặt, hội ngộ như thế nầy tạo cho ace chúng ta nhiều niềm vui, giảm căng thẳng, nhất là quên đi tuổi già: xin cám ơn SAI GON , đã tổ chức hết sức hoành tráng, hết sức thành công, để lại trong lòng ace nhiều kỹ niệm đẹp, họp mặt lần thứ 20 nầy đã thành công tốt đẹp
Đôi lời Ba Đức muốn thay cho lời kết: " Dưới ánh mặt trời không có nghề nào ưu việt bằng nghề dạy học"không có tình đông môn nào trong sáng và tươi đẹp như tình đồng môn CỰU giáo sinh SPQN Chúng ta sẽ luôn chọn cho mình một cách sống có ý nghĩa nhất, để giữ mãi tâm hồn trong sáng, tươi thắm như màu mực đỏ, thắm tươi, đặc trưng của nghề giáo, xứng đáng với danh xưng cao quý " kỹ sư tâm hồn " đã được người đời dành tặng,chúng ta cố gắng hết sức, luôn có mặt khi các ban LL SPQN các tỉnh thành vẫy gọi Tổ chức họp mặt nghe các bạn,


                                   



Vì rằng "ĐOÀN SP CHÚNG TA VINH DANH KHẮP NƠI"
Ba Đức kính chúc quý đồng môn đại diện cho 13 khoá sp, các bạn các tỉnh về đây tham dự nhiều sức khoẻ, thành công trong cuộc sống
Xin cảm ơn
(Fb Ba Đức)

HỘI NGỘ LẦN THỨ 20 _ 01-07-2017

SƯ PHẠM QUINHON 1962-1975 SAI GON , HỘI NGỘ LẦN THỨ 20 .
Họp mặt truyền thống hàng năm lần thứ 20
* Thầy Dũ
* Toàn cảnh hội trường
* Hợp ca HÀNH KHÚC SƯ PHẠM QUI NHƠN .

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUI NHƠN SAI GON


                                       
      Trân trọng kính mời quý thầy cô ( cựu giáo sư Trường Sư phạm Qui Nhơn )
    Quý anh chị em cựu giáo sinh Trường Sư Phạm Qui Nhơn 1962-1975
    cùng gia đình , thân hữu đã gắn bó với Trường xưa .



               




Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Thứ Sáu Ngày Mười Ba

                                                                                                                     Kim Loan



                                   






Hôm nay là thứ Tư ngày 14 tháng 6 gợi cho mình nhớ lại cũng vào ngày này tháng này của năm 2014, chỉ khác là thứ Bảy mà thôi.

Một tai nạn bất ngờ ập xuống gia đình mình, đó là “ông xã” bị heart attack nên phải mổ tim. Vì thế dòng hồi ký Thứ Sáu Ngày Mười Ba này chỉ là những tâm sự vụn vặt của một người mẹ là tôi, khi “được” các con ghẹo là “Má Xẩm”, nên có gì lẩm cẩm mong bạn đọc thông cảm cho.

* * *

Anh…

Sáng nay thức giấc, nhìn ra phòng khách em thấy trên bàn thờ gia tiên trong ánh sáng lờ mờ của cặp đèn điện hình trái ớt màu đỏ đã bật lên là em biết ngay anh nhắc khéo “Hôm nay ngày có giỗ”.

Nhìn vào tờ lịch bên cạnh bàn thờ em chợt phì cười, thì ra mình cũng đã cẩn thận gấp chéo góc tờ lịch để tự nhắc mình, nếu nhà có giỗ thì sẽ cúng theo ngày Âm Lịch đó mà.

Nhớ mãi lời anh lẩm bẩm với các con “Nghĩ cũng ngộ, bất cứ ngày Anniversary nào hay Sinh Nhật của cha con mình thì má sẽ “OK”, tổ chức vào ngày cuối tuần, không cần đúng ngày gì cả. Nhưng đến khi cúng giỗ những người đã khuất của hai bên gia đình thì nhất định là phải đúng y ngày tháng Âm Lịch mới được. Các con thấy má có “lạ” không chứ !”. Chẳng biết giải thích thế nào với cha con anh. Thôi thì em đành cười trừ vậy... Biết sao hơn !

Viết đến đây em chợt nhớ lời thắc mắc của Gái Em :
- Hôm nay mới có 31 tháng 5 sao má đã cúng ông nội rồi ? Con nhớ là ông mất ngày 9 tháng 6 năm 2008, sau kỷ niệm Sinh Nhật của con hai ngày mà !
Với cô con gái “thế hệ một rưỡi” em chỉ giải thích đơn giản như thế này :
- Vì mỗi lần cúng giỗ má theo ngày của lịch Ta, nên không có năm nào trùng với ngày của lịch Tây đâu con !
Chẳng biết Gái Em có hiểu gì không mà chỉ nghe con gái lẩm bẩm :
- Sao má “xẩm” vậy... Gia đình mình sống ở xứ này lâu lắm rồi mà má vẫn còn ngày Tây ngày Ta làm gì cho thêm khó nhớ.
Bởi duy tâm nên em chỉ trả lời ngắn gọn với con là :
- Theo tục lệ của người Việt mình thì, đối với người chết mình phải cúng theo lịch Ta trước một ngày họ qua đời thì hương hồn họ mới về được.
Gái Em đành chào thua, không hỏi nữa vì không thể nào hiểu được những câu trả lời của em đó anh.

* * *

Giờ em quay về với “Thứ Sáu Ngày Mười Ba” đây.
Ba năm về trước, vào dịp mừng Sinh Nhật thứ hai - mươi - ba của Gái Em, lần đó may mắn lại nhằm vào thứ Bảy cuối tuần, Gái Em reo lên thích thú, em cũng vui lây.
Anh còn nhớ chứ ? Vào Chủ Nhật ngày 8 tháng 6 năm 2014 vì có việc cần phải xuống Little Saigon vào buổi sáng nên mình hẹn với Gái Em sẽ tổ chức mừng Sinh Nhật cho con vào chiều tối.
Nào ngờ, khi đến viếng tang lễ thân mẫu của người bạn, vừa thắp xong nén nhang thì anh nói em đưa anh ra ngoài vì cảm thấy ngộp và khó thở quá. Em nghĩ, có lẽ anh bị ảnh hưởng bởi khói nhang trong nhà quàn. Qua chừng hơn nửa giờ nằm nghỉ trong xe ở parking lot vẫn chẳng thấy thuyên giảm chút nào, em bắt đầu hơi lo và thầm nghĩ hay là chứng nóng ngực tái phát do hơi acid trong bao tử trào lên. Em định chở anh về vùng mình gặp bác sĩ gia đình gấp – (Ấy quên... Chủ Nhật phòng mạch đâu có mở cửa).
Anh bàn : “Hay là mình đến chỗ Hội Ái Hữu Tây Sơn đang họp, có anh bạn là Bác Sĩ Vỹ ở đó, may ra được ảnh giúp cho”. Vậy là em đưa anh đến đó.
Gẫm lại, em thật thấm câu “Sống chết đều có số cả” đó anh.
Nếu như hôm ấy mình không ghé Hội Ái Hữu Tây Sơn thì làm gì gặp được anh Khoáng đã sốt sắng nhanh nhẹn chạy ra xe lấy đồng hồ đo huyết áp khi nhìn thấy gương mặt bơ phờ, mệt mỏi và tái nhợt của anh.
Lại nhờ quyết định của Bác Sĩ là đưa anh đến bệnh viện Fountain Valley để cấp cứu gấp sau khi đã uống hai đợt, mỗi đợt hai viên thuốc hạ huyết áp cấp thời (tình cờ anh Khoáng mang theo sẵn) mà chỉ số trên đồng hồ đo vẫn tiếp tục tăng cao. Em quýnh cả lên vì mình đâu có rành đường sá vùng này nên phải nhờ anh Khoáng giúp, chớ biết sao hơn.

Ngày đầu ở phòng cấp cứu, y tá cho anh uống thuốc làm loãng máu và lấy khá nhiều máu của anh để xét nghiệm định bệnh. Qua các kết quả xét nghiệm, bước đầu bác sĩ thông tim cho anh nhưng không được. Sau khi làm CT Scan, thấy được mức độ trầm trọng của bệnh là nghẽn mạch máu tim nên bác sĩ quyết định giải phẩu. Cô y tá người Việt nói với em : “... Vậy là phải cần thời gian làm cho máu trở lại tình trạng bình thường thì mới làm phẩu thuật cho chú được, cô à !”.
Nhìn anh nằm “xẹp ngọn” bất động trên giường, em lo quá, cứ luôn cầu xin Ơn Trên phò hộ cho anh sớm bình phục.
Một hôm cô y tá cho biết : “Hôm nay là thứ Hai, lịch mổ cho chú là thứ Sáu tuần này, nghen cô”. Vậy là Tí Anh sẽ tiếp tục ở lại bệnh viện hằng đêm với anh để em yên tâm về nhà nghỉ ngơi.




                                     



Vẫn thói quen thường lệ vào buổi sáng, hôm nay em bóc lịch, rồi chợt nhớ lời nói của cô y tá, em lật xem những tờ lịch tiếp theo và giật mình khi thấy chữ Thứ Sáu với số 13 to tướng giữa tờ lịch. Từ đó em cứ suy nghĩ miên man một mình về “Thứ Sáu Ngày Mười Ba ” chứ không nói với con làm gì để lại bị ghẹo là “Má Xẩm” nữa.
Đôi khi em lại lẩm cẩm suy diễn bi quan, rồi sau đó lại tự trấn an mình “Thứ Sáu Ngày Mười Ba chỉ có Tây Phương mới kỵ”, chứ người Việt mình thì có tục kiêng cữ là “Mùng năm, mười - bốn, hăm - ba, Đi chơi cũng thiệt, nữa là đi buôn”

Rồi cũng đến “ngày đó”. Thứ Năm em đến trực thế cho con thì cô y tá báo tin “Ngày mai chưa giải phẩu cho chú được, sẻ dời sang thứ Bảy, vì máu của chú chưa bình thường, nghe cô !”. Vì “Máu Xẩm” có sẵn trong người nên nghe vậy em mừng thầm trong bụng và nỗi ưu tư về “Thứ Sáu Ngày Mười Ba” đã được giải tỏa.
Em lại rất hy vọng về sự thành công của ca giải phẩu sắp tới đây khi nghe cô ấy nói tiếp “Chú rất may mắn khi được gặp Bác Sĩ Tuấn Lâm lên ca trực giải phẩu ngày hôm đó. Ông ấy “mát tay” lắm cô à ! Gia đình cứ yên tâm và cầu nguyện cho chú nha !”.
Mừng thì mừng vậy thôi chứ lo thì em vẫn cứ lo, nên cả đêm em thao thức ngủ không được. Thôi thì dậy sớm thắp nhang trên bàn thờ cầu nguyện mọi sự an lành đến với anh. Khoảng 11 giờ trưa, đang chờ đợi trong hồi hộp lo âu thì Tí Anh gọi về báo tin với giọng reo vui làm em mừng muốn khóc.
- Má ơi... Ba đã được cứu sống rồi !
- Bác Sĩ giải phẩu vừa báo tin và chúc mừng gia đình mình ca giải phẩu đã thành công tốt đẹp.
Nghe xong em thở phào nhẹ nhỏm và thúc hối hai con cùng vào thăm anh ngay thì Tí Anh nói :
- Bác Sĩ dặn chiều nay gia đình mới được vào thăm, vì phải chích thuốc mê nên ba chưa tỉnh đâu.

* * *

Cả nhà đến bệnh viện, vào Phòng Chăm Sóc Đặc Biệt (ICU) chỉ được nhìn anh mười - lăm phút thôi, chứ không được hỏi hay nói gì cả; nên khi ra về ai cũng buồn thiu với tâm trạng lo lắng tiếp cho sức khỏe của anh sau khi mổ.
Trên đường ra bãi đậu xe Tí Anh nói :
- Suốt tuần nay cả nhà mình bận rộn lo lắng cho ba, giờ thì tạm ổn rồi. Vậy tối nay mình đi “ăn mừng” ba thoát nạn và chúc mừng Sinh Nhật “trễ” Gái Em luôn. Con biết ở vùng này có tiệm ăn Việt Nam ngon lắm.
Nghe con đề nghị có tình có lý, và để an ủi phần nào về sự rủi ro của anh trùng vào Sinh Nhật của Gái Em, nên em bằng lòng ngay, chứ bụng dạ nào mà ăn với uống khi anh vẫn còn mê man trên giường bệnh.

Đến phần chụp hình kỷ niệm thì Tí Anh nói :
- Biết là hôm nay thiếu ba nên con đã rủ bạn con đến thăm ba và mừng Sinh Nhật Gái Em luôn. Vậy là “đủ bốn” rồi nghe má !
Gái Em tiếp lời :
- Anh nhớ kỹ ghê vì má “xẩm” lắm, xưa nay đâu có chịu chụp hình chỉ có ba người thôi.
Các con lại ghẹo em đó anh. Em cười xòa, nhắc :
- Thôi ăn đi kẻo nguội mất ngon... Còn về nghỉ ngơi, thay nhau chăm sóc ba nữa chứ !

* * *

Thay lời kết cho hồi ký này, mời các bạn đọc đoạn trích từ internet dưới đây và cùng suy gẫm nhé :

“Người theo đạo Thiên Chúa có truyền thống rất cảnh giác với ngày thứ Sáu bởi vì đó là ngày Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá. Thêm vào đó, một số các nhà Thần Học còn tin rằng Adam và Eva đã ăn trái cấm vào ngày thứ Sáu, và rằng trận Đại Hồng Thủy bắt đầu vào ngày thứ Sáu. Còn trường hợp nổi bật nhất là Abel bị Cain giết vào thứ Sáu ngày 13. Trong quá khứ, rất nhiều người Thiên Chúa Giáo không bao giờ bắt đầu những dự án mới hoặc những chuyến đi vào ngày thứ Sáu, sợ rằng họ sẽ bị phá sản ngay từ đầu”.

Thân chào các bạn.
Kim Loan
(Los Angeles, tháng 6/2017)

LỖI CỦA AI

                                                                                                                                Đan Thanh




                                     





Một ông tây hẳn hoi. Mắt xanh , mũi cao, tóc vàng hoe, lẽ ra phải có cái tên : Hen ri , Rô be, Đờ Gôn gì đó . Nhưng không, ông này có  tên : Cậu ba , già trẻ lớn nhỏ , bé choi cùng gọi là Cậu ba . Thế thôi.
Ông cùng vợ, mợ ba giạt đến vùng này sau 75, Chẳng ai hỏi họ từ đâu đến , ai cũng nghèo hơi đâu mà hỏi . Một cái chòi lá lè tè ,dựng cạnh miếu thổ thần , dựa vào gốc cây bồ đề là nhà của họ. Gốc bồ đề xưa nay là nơi tụ hội của ông táo , bình vôi,nồi hương , chai lọ và vô số những vật dụng đã qua thời già nua điếc lát từ lâu . Mùa mưa thì quá khổ , còn mùa hè đủ tiêu chuẩn ánh sáng và thoáng mát . Nhiều đêm mưa họ vào miếu thổ thần , một khoảng nhỏ đủ cho hai người ngồi tựa vào bức tường , không xoay trở được nhưng không bị ướt , Miếu thổ thần linh thiêng , trong xóm trẻ con người lớn hễ chặp tối là không dám bén  mãng , theo lời họ thì nơi này không thiếu loại ma nào . Từ ngày có người ở , miếu bớt đi vẻ trầm mặc u uất
Kiếp trước người xóm núi ăn ở ra sao mà kiếp này chịu tội , hai vợ chồng nhà Tây này giạt tới và chịu  tội cùng họ
Sau 75 , người , đất đai, trâu bò , hoa lá... cùng vào hợp tác xã . Họ đi làm theo kẻng và nhận công điểm . Tiếng kẻng mở đầu và kết thúc mọi thứ .  Hồi trước họ cũng nghèo nhưng không đói rách thảm hại như tá điền của Bá Kiến, Cửu Hội của ông Ngô Tất Tố . Nay thì những nhà đông con đói  vàng mặt , tình cũng cạn như gạo trong hủ. Cha mẹ già ăn xong lưng chén , cố đưa cái chén sạch trơn về phía con dâu, khi nào mỏi tay thì bỏ đũa đứng lên, anh con trai cúi gằm nhai nuốt trệu trạo không nói một lời
Mùa hạ , trời không mây, không có gió chỉ có một khối cầu lửa treo lơ lửng trên đầu , nắng trút xuống chói chang , oi bức . Trên nhưng thửa ruộng khô quánh , họ đứng thành hàng ngang không ngừng bập những lưỡi  cuốc mạnh mẽ vào đất . Mồ hôi đổ ra thành dòng , mồ hôi đổ ra từ thịt từ da có khi từ xương , nhễ nhại ướt đẫm .
Ông Kiểm tuy già mà cuốc nhanh nhất ,đã tới đầu bờ, ông ngồi bệt xuống, mắt hoa,  tai ù ông nhớ mang mang lời của chủ nhiệm hợp tác xã , lặp đi lặp lại trong hội trường thôn, cái ưu điểm của xã hội : làm việc tuỳ sức ăn tiêu tủy cần . Ông chửi mẹ cái ưu điểm đó rồi vấn thuốc
- Phong kiến , đế quốc đã cút đã nhào rồi hả cháu
   - Bác nói gì ?
- Thì tao nói bọn bóc lột, đàn áp đã tiêu rồi
Chưa biết nói sao thì bác hỏi tiếp :
- Sao mày bỏ học , nghe nói mày thi đậu rồi , sao bỏ học con ?
_ Lý lịch có vấn đề bác ạ
- Vấn đề, vấn đề gì
Giọt mồ hôi chảy vào mắt cay xè, cô gái nhắm mắt lại , ánh sáng biến mất nhưng có vô số đốm nhỏ lập loè bay loạn xạ trước mặt
Một con chim dang rộng đôi cánh chao nghiêng, chừng như không tìm thấy gì nó bực tức , giận dữ lao vút lên như muốn đâm thẳng vào khối lửa trên cao kia
Cùng với mọi người cậu mợ Ba ngồi chen nhau trong bóng mát lưa thưa của bụi tre đầu bờ . Lá queo lại rủ xuống , kiệt sức dưới cái nắng như nung . Cả hai đều kiệm lời . Cậu Ba ngu ngơ ,ai nói gì cũng cười , nhưng rất tốt bụng cậu sẵn sàng giúp mọi người . Có lần cậu bớt lúa công điềm của mình cho dâu nhà bác Kiểm mới sinh con . Không hiểu sao chủ nhiệm biết được , họ gọi cậu Ba lên viết kiểm điểm , câu không biết viết thế là họ phạt bằng cách trừ công điểm .
Chỉ có bác Kiểm đến hỏi ông chủ nhiệm lý do bị phạt , chủ nhiệm trả lời :
- Việc này của lãnh đạo , không phải là việc của bác
Ông quay đi và chữi thầm .
- Bác chữi ai ?
- Tao chữi mẹ cái thằng Tây Cậu Ba , đói mà còn bày đặt cho lúa người khác .
Cậu Ba có những cử chỉ , việc làm giúp đỡ mợ Ba nơi đông người , mợ Ba đã quen nhưng với bà con xóm núi thì thật lạ lẫm , cái gene văn minh trở thành trò cười . Họ cười , cậu Ba cũng cười
- Sao không về Tây ?
- Tây gì , tây đui thì có
- Ừ thì tây đui, tui đây cũng đủ rồi
Không máu mũ ruột rà nhưng ai cũng thương hai vợ chồng nhà Tây này .
Cuộc sống cơ cực tưởng sẽ trôi đi ...

Một hôm, chừng đã khuya, có một nhóm người đến lều Cậu Ba , họ la mắng nạt nộ rồi lôi cậu Ba đi , mợ Ba chạy theo van xin, họ gạt ra đuổi về nhưng mợ cứ chạy theo.
Mợ Ba ngồi bệt xuống thềm , nghe tiếng được tiếng mất : gián điệp, cài cắm , khảo cho ra ...
Mợ ngồi suốt đêm ở ngoài cổng và cả ngày hôm sau không ăn, không uống , khóc lã người ,
Lúc gần chiều  mợ hé mắt nhìn một bóng người xiêu vẹo bước ra, áo quần rách bươm, mặt mày sưng húp ...lúc đầu mợ Ba ngờ ngợ nhưng kịp nhận ra mái tóc vàng , mợ nhào tới vừa lúc câu Ba khuỵ xuống ,
Không bước đi được họ ngồi tựa vào nhau bên đường . Cũng may gần một tiếng đồng hồ sau, có một chiếc xe bò chở rơm ngang qua :
- Trời ơi, Cậu Ba
Bác Bốn cùng cậu con trai bỏ hết rơm xuống chỉ lót một lớp trên xe , họ khiêng cậu ba lên và giục mợ Ba đi về ...
Xóm núi xơ xác phủ một màu vàng , rớt xuống từ đám mây cháy xém trên bầu trời . Những mái nhà bạc phếch, hàng rào đổ nghiêng, những cái tơi , cái nón buồn bã không biết mắc vào đó tự bao giờ . Mấy đụn rơm vàng vọt, những người đàn bà lam lũ trên đường diễu qua trước mắt , tất cả đều thê lương .
Cả người Cậu Ba bầm tím , hai mắt cá chân sưng to . Vệt máu bên khoé miệng khô lại đen xỉn . Đến khi đút cho Cậu  Ba muỗn cháo , mợ Ba mới thấy hai cái răng cửa không còn , mợ khóc nấc lên. Cậu Ba khó nhọc đưa cánh tay quàng lấy mợ


- Hay là mình tìm một nơi khác .
Mợ Ba hơi bất ngờ vì lần này cậu Ba nói nhiều , nói dài , mợ hiểu
Đi đâu ,ở đâu cũng cơ cực cũng đói nghèo , xóm núi này mình đã quen rồi .
Mợ Ba chỉ còn biết khóc ,hai mảnh đời đau khổ tìm đến nhau tưởng cái khổ sẽ vơi đi , ai ngờ lại tăng lên ngùn ngụt , không có điểm dừng .
Bóng tối đặc quánh nuốt chửng  cả cây cối nhà cửa. Họ ngồi im mắt mở to mà không trông thấy gì .

If you born poor , it's not your mistake
But if you die poor, it's your mistake ( Bill Gates )
Có khi trật lất .


P/S Ông Bill Gates có nói câu này không , tui chưa biết rõ

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

TỰ TÌNH

TỰ TÌNH
Phạm Mộ Đức
Sư phạm Qui Nhơn Nha trang _ Khánh hòa .


Tôi tận hưởng những giây phút ấy :
Những phút - giây - sống - giữa - bạn -bè
Cùng đùa cợt như thuở còn trẻ dại
Thèm chuyện trò như một nỗi đam mê !
Tôi sẽ nói những điều mình muốn nói
Để được nghe bao nhiêu chuyện bất ngờ
Dù sau đấy trên đường về thui thủi
Lòng chợt buồn và nghĩ vẩn suy vơ ...
Rồi mai mốt cây - đời - tôi héo úa
Tôi xa bầy đi làm " kẻ - nghìn - xưa "
Thân thành Đất ...sớm chiều hong nắng - lụa
Hồn lên Trời ...thao thức giọt - sao - khuya !
Xin Đa Tạ kẻ thương , người ghét
Kẻ hửng hờ , đồng cảm , tin , nghi ...
Tôi vẫn sống như - trước - giờ - ly - biêt
Trải lòng mình theo mỗi bước chân đi ....

Thơ & Nhạc : Pham Mộ Đúc
Biểu diễn : Thái Hòa
NGUỒN VIDEO : AN HUU TRAN
NGUỒN : MP3 : Pham Mo Duc gửi qua Mail SPQN 1962

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUINHON THÀNH PHỐ HUẾ

                                                                                                                    CHỊ TRẦN THỊ TRÂM
                                                                                                                                Khóa 7



                                             







BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUI NHƠN THÀNH PHỐ HUẾ _ Tỉnh Thừa Thiên - Huế .
Chị : Trần Thị Trâm
Qua trang : chuyển tải đến Ban liên lạc Suphamquinhon Tỉnh Bình Định _ Thành phố Qui Nhơn ( Hon Quach , Thanhtuyen Le , Châu Hải Vũ , Thanhnhan Ho , Nguyễn Dũng .......
NỘI DUNG :
" Tôi Khóa 7 , ở trong ban liên lạc Huế nhờ An đăng ki cho Đoàn Huế : 2 tiết mục văn nghệ tại buổi họp mặt kỉ niệm 55 năm thành lập trường SPQN 
1- Tiếng Sông Hương( hợp ca)
2- Thương quá Việt Nam(hợp ca+ hoạt cảnh)nếu có thời gian Nguyễn Đình Niêm khóa 3 và là nhạc sĩ : sẽ đơn ca.Cám ơn An. " .
Trân trọng cảm ơn Quý vị

BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUI NHƠN BÌNH ĐỊNH

                   

                                   













Kính thưa quí thầy cô cùng các đồng môn SPQN
Như đã thông tin ,ngày 12/8/2017 tới đây sẽ là ngày Hội họp mặt " Về thăm trường cũ" của cựu Giáo Sinh SPQN trên khắp mọi miền đất nước ,nơi đây năm 1962 khóa học đầu tiên được khai giảng -Nhân sự kiện đặc biệt này ,những giáo sinh SPQN đang sinh sống trên mảnh đất được xem là cái nôi của Sư Phạm Quinhon xin được vinh hạnh đứng ra thực hiện sự kiện này với tiêu đề "HỘI NGỘ - 55 NĂM TÌNH ĐỒNG MÔN SPQN " , bên cạnh đó với tấm lòng hảo tâm cùng chung tay góp sức của quí đồng môn về vật chất cũng như tinh thần là một khích lệ rất lớn để ngày Hội được hoành tráng ,thành công mỹ mãn
Theo đó
-Đón tiếp ,bố trí chổ nghỉ , làm thủ tục tham dự ,liên hoan tiếng hát giáo sinh SPQN (tùy thuộc số lượng tham gia ) : ngày 11/8/2017
- Sinh hoạt chính thức tại Hội trường ĐHQN ( thực hiện các nghi lễ của buổi họp mặt -có văn nghệ xen kẻ)-Tiệc liên hoan tại Nhà hàng Trầu Cau 2 (cách 300m ): 13h30 ngày 12/8/17
-Tham quan du lịch ( phương tiện Ô tô) 3 địa điểm : Đàn Tế Trời ,Bảo Tàng Quang Trung ,Khu du lịch Sinh Thái Hầm Hô ,dùng cơm trưa tại Nhà hàng Hiếu Ngọc-Chia tay và hẹn ngày gặp lại - xe chở G/s về lại vị trí xuất phát : 07h30 =>14hoo ngày 13/8/2017
Thành phần nhân sự của ngày Hội :
- Phụ trách chung :
Lê Thanh Tuyến - 0984338198
-Thường Trực :
Quách Văn Hớn - 0935107779
- Phụ trách Văn Nghệ - Truyền Thông
Vũ Hải Châu - 0914218416
-Tiểu ban Tham quan -Du lịch :
Hồ Quang Trí - 0975069686
Lê Văn Dưng - 01667537593
- Tiểu ban tiếp tân và tài chính :
Nguyễn Dũng - 0913439336
Đinh Khoa - 0913422678
Hồ Thị Thanh Nhàn - 0903188528
cùng nhiều thành viên khác
- Tài khoản sử dụng cho ngày Hội : 1901000028799000
Chủ TK : Quách Văn Hớn
Tại : Ngân hàng VIỆT Á -Quinhon
Kính mong quí thầy cô và anh chị em cựu giáo sinh SPQN cùng về tham dự
Trân trọng .
,
TM Ban Tổ Chức
Lê Thanh Tuyến

KỈ NIỆM THI Ô - RAN VÀO TRƯỜNG SƯ PHẠM QUY NHƠN NGÀY ẤY.

                                                                                                                Nguyễn Thị Minh Tân



                     








     Đỗ Tú tài II, tôi xin ba mẹ cho thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn Khóa 73- 75 vì tôi luôn ước mơ trở thành cô giáo và cũng bởi gia đình con đông, khó khăn, tôi không thể xin ba mẹ cho đi thi ở các nơi xa khác!
     Qua khỏi đợt thi kiến thức khá dễ dàng nhưng tôi rất lo lắng cho đợt thi ô -ran sắp tới vì nghe qua thông tin từ các anh chị đi trước: " Khó lắm em ơi! Nhiều người đỗ đợt đầu điểm rất cao nhưng vào ô - ran vẫn rớt đó em!v.v.. và v.v..." Mang tâm trạng như thế, trong lúc ngồi trong phòng chờ giám khảo đến, tim tôi gõ trống thình thình trong lồng ngực! Nhỏ Thanh, bạn rất thân từ hồi học trường Nữ, ngồi bên động viên tôi:" Chắc không khó lắm đâu, đừng sợ!" Nhìn sang, thấy mặt bạn ấy cũng " xanh lè", tôi phì cười...
Lát sau, hai thầy giám khảo vào phòng. Mọi người đứng dậy chào mà vẻ lo lắng, hồi hộp chan chứa trong ánh mắt... Có lẽ vì hoảng quá nên tôi không còn nhớ tên vị giám khảo ngồi gần cửa ra vào, chỉ nhớ có thầy Anh ( sau này thầy hướng dẫn lớp Nhất 7 chúng tôi), ngoài ra, cũng vì thầy có vẻ mặt thật hiền hòa lúc ấy, làm chúng tôi bớt sợ...
Các thầy đã gọi từng thí sinh lên bảng, yêu cầu họ đi qua đi lại, viết lên bảng đen 1 câu ca dao, tục ngữ mình thích, trả lời thầy 1 vài câu hỏi hoặc hát múa v.v... Ngồi bên dưới, chúng tôi thỉnh thoảng phải che miệng cười vì cái tính hồn nhiên của tuổi trẻ làm cho nỗi lo sợ biến mất trong chốc lát khi thấy một vài bạn trai cố lấy dáng vẻ đạo mạo, chững chạc, các bạn gái thì gắng sao cho dịu dàng, yểu điệu thục nữ hơn trong từng bước đi... Hoặc có bạn viết 1 câu mà như sóng biển lượn trên bảng, hát thì như "vịt cồ" gọi mái... Nhưng cũng công nhận có khá nhiều bạn thực hiện các yêu cầu của thầy giám khảo rất tốt, điều ấy khiến tôi lại càng lo âu vì cuộc thi cũng là cuộc chơi mà sẽ có kẻ đỗ ở lại trong vui sướng, người hỏng sẽ vô cùng xót xa...
     Đến phiên tôi, sau khi đã đi qua đi lại một vòng, tay cố giữ tà áo dài trắng đang cứ muốn bay lên theo gió của chiếc quạt trần lúc này được tăng số vì trời nóng, thầy Anh đã yêu cầu tôi:
- Chị viết lên bảng 1 câu ca dao hay tục ngữ mà mình thích!
Tôi lượm viên phấn lên bảng mà tay run tưởng như không giữ được nó! Tôi cố nắn nót viết câu tục ngữ ngắn nhất: " Có học phải có hạnh"(Một câu tục ngữ ấn tượng làm tôi nhớ mãi của năm tôi thi vào Đệ thất trường Nữ Trung Học phải bình giải mà bao nhiêu bạn đã bị lạc đề vì nhầm với "có hành"!) May mắn là hàng chữ viết trên bảng của tôi nhìn cũng thẳng hàng, chữ rõ nét không run lắm! (Tôi thầm cảm ơn ba, người đã thường cho tôi chép đề toán lên bảng cho học trò của ba làm bài khi chúng học thêm ở nhà nên tôi cũng khá quen khi viết bảng!) Vị giám khảo ngồi gần cửa gật gật đầu bảo tiếp:
- Cô hiểu thế nào về câu tục ngữ này?
Tôi đã cố gắng bình tĩnh trả lời thầy sao cho mạch lạc nhất và chú ý nhấn mạnh " người có học cần phải có ý thức giữ gìn hạnh kiểm tốt và sống có đạo đức ở đời..." Lần này, tôi len lén quan sát và phát hiện cả hai thầy đều gật gù, tôi thầm thở phào nhẹ nhõm... Chưa thoải mái được vài giây, thầy Anh lại yêu cầu tôi:
- Giờ chị hát 1 bài hoặc 1 đoạn của bài hát nào chị thích cho mọi người nghe đi!

                            



     Trời ạ! Với tâm trạng thế này mà hát thì có mà... đổ nợ! Tôi than thầm trong lòng nhưng đành phải thực hiện yêu cầu của giám khảo thôi, làm sao được! Vậy là ... sau vài giây " bắt ấn tay" cho đỡ run, tôi giới thiệu và hát bài " Con bướm vàng"! Có tiếng các bạn bên dưới cười ồ, tôi càng mất bình tĩnh hơn! Chắc các bạn cười vì từ sớm tới giờ chưa có bạn nào hát nhạc thiếu nhi như tôi!
Hát xong, tôi lại thấy thầy Anh cười, nụ cười của thầy hiền hòa làm sao! Chính nụ cười đó đã mở cửa cho hồn vía của tôi quay về! Chưa ổn, thầy cười xong thì bảo:
- Chị có biết múa minh họa cho bài hát ấy không? Nếu biết thì thực hiện tiếp đi!
Tôi kêu khổ trong lòng nhưng cố nhoẻn nụ cười méo mó và vừa hát vừa " múa" minh họa! Không biết tà áo tôi có bay bay theo cánh bướm vàng tay tôi hay không, chỉ biết rằng vừa dứt là không những các bạn vỗ tay mà hai thầy giám khảo cũng vỗ tay cười... Tôi cảm thấy mình nóng ran cả mặt, chắc bây giờ thành " con bướm hồng" rồi chứ vàng gì nữa!...
     Vậy là đợt thi ô - ran đó có lẽ tôi đạt điểm cũng không tồi nên tôi đỗ trọn kì rất cao! Hú hồn! Những diễn biến của kì thi hôm ấy đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn quay về trong giấc mơ đẹp đẽ của tôi các bạn ạ!...
                                                                   Tháng 6/ 2017.
                                                                       Minh Tân

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

GIA ĐÌNH SPQN K9 _ 45 năm ngày ấy .

GIA ĐÌNH SPQN K9 _ 45 năm ngày ấy .

                                                                                                                Nguồn : Sâm Bùi
     Thời gian quá ngắn không đủ xẻ chia và nhắc nhớ những khuôn mặt ngây ngô ngày ấy... 45 năm một thời giáo sinh với bao ước vọng "Nghề Thầy" Một nghề cao quí. Thời gian, rồi chiến tranh, mỗi bạn một nơi. Gặp lại nhau trong bùi ngùi, xúc động - Những đứa con của GIA ĐÌNH SPQN K9. 
     Một số hình ảnh ghi lại những dấu chân kỷ niệm và nhớ mãi những đồng môn thân thương. ·



                                     


                           






NHƯ KHÚC RU MÙA HẠ...

                                                                                                                Châu Thị Thanh Cảm



                         





      Tôi trở lại Quảng Ngãi vào một ngày cuối tháng Năm. Mùa hạ ấm nồng chan nắng cả một vùng quê hương của khúc ruột miền Trung yêu dấu, miền quê hương mà suốt 20 năm dài đã đỡ nâng tôi đi qua gian khó một đoạn đời.
Quảng Ngãi, cái nắng đầu hạ cứ tưởng sẽ nóng rát, cứ tưởng sẽ chói chang oi ả, mà không, trời tháng Năm vẫn thật dịu dàng, dịu dàng như những tà áo dài tha thướt của những nữ cựu giáo sinh chúng tôi bay bay giữa Sa Huỳnh gió lộng.
      Thật ra, mỗi năm tôi đều có dịp trở về nơi này, trở về cái nơi tôi đã từng một quãng thời gian dài gần gủi và gắn bó, nhưng trở lại họp mặt cùng đồng môn thân yêu thì đây là lần đầu tiên. Một cảm xúc khó tả đan xen khi taxi đưa tôi đến khách sạn Ninh Thọ, nơi anh chị em chúng tôi lưu trú trong suốt thời gian trở về. Đón tôi là nụ cười tươi tắn rạng rỡ của quý đồng môn trong BLL. SPQN/Quảng Ngãi, là cái ôm thật chặt của Chị, là cái nắm tay thân thiết của Anh, là ánh mắt nồng nàn của Em của Bạn và là cái không gian ấm cúng đầy những yêu thương của đất Quảng quê mình!
Trở lại Quảng Ngãi tôi như được trở về nhà, trở về nơi đã cho tôi lãng đãng một miền hoài niệm. Quảng Ngãi, nơi các con tôi sinh ra và lớn lên, nơi tuổi thơ chúng vẫy vùng bên dòng sông bến nước, nơi mỗi chiều bên triền đê cánh diều no gió cứ liện chao, nơi mà nhiều thế hệ học trò đi qua đời tôi đã từng bước trưởng thành... và cũng là nơi ôm lấy mộ phần ba mẹ chồng tôi bao năm rồi yên nghỉ!
Đêm tháng Năm ở đây yên bình đến lạ! Cái gió nhè nhẹ mang theo mùi hương của những bụi hoa ven đường xõa dài theo những bước chân. Chúng tôi, một nhóm đến trước của đoàn SPQN/ Sài Gòn cứ thế lang thang và cuối cùng ghé vào một quán don nhỏ nép sâu trong một con đường vắng, yên bình... Những tô don bốc khói, mùi ớt xanh nồng cay, tiếng bánh tráng bẻ vui rộn ràng, món ăn tuy dân dã đơn sơ mà ôm trọn tình quê, ôm trọn vị nhớ vị thương, vị đậm đà của một miền quê hương khúc ruột.
Nhẹ nhàng đêm và một giấc ngủ sâu êm ái, buổi sáng trở dậy với không gian trong trẻo dịu dàng. Vẳng lên, có tiếng cười nói, có lẽ các anh chị trở về đã nhiều hơn hôm qua. Trong bình yên buổi sáng, thời gian như lặng im, tình yêu len lỏi qua từng ngóc ngách tâm hồn, thấm đậm ngọt ngào qua từng giọt cà phê tình bạn...!
8 giờ sáng ngày thứ hai tôi đến, tour ra đảo Lý Sơn của nhóm hơn 50 anh chị em cựu giáo sinh chúng tôi khởi hành đến cảng Sa Kỳ, một cảng biển cách thành phố Quảng Ngãi 20km. Cách bờ biển 30km và gần một giờ trên con tàu cao tốc Biển Đông, chúc tôi bước chân lên hòn đảo được ví như đảo tiên giữa biển đông xanh màu ngọc bích. Một cảm giác vô cùng dễ chịu khi được hít thở cái không khí mang hơi ấm của biển, thoảng mùi muối thơm tho mằn mặn của huyện đảo quê hương. Những bãi cát trắng phau, những núi đá hang động hùng vĩ, camhr thiên nhiên ở hòn đảo này như một bức tranh đẹp đã níu hồn du khách khi lần đầu đặt chân lên đảo.


                                    





      Buổi chiều, chúng tôi được đưa đi thăm thú những di tích lịch sử cùng cảnh cảnh đẹp ở hòn đảo còn đậm nét nét hoang sơ này.
Đây là Hải đội Hoàng Sa, nơi lưu giữ những kỷ vật của Hải đội, một địa điểm văn hóa lịch sử thiêng liêng của tổ quốc, với cột mốc chủ quyền được khắc bằng chữ Hán Nôm " Vạn Lý Hoàng Sa ".
Đây là Chùa Hang, một ngôi chùa ngự ở lưng chừng ngọn núi Thới Lới, một ngọn núi lửa im lìm ngủ quên hàng ngàn năm trên hòn đảo Lý Sơn. Cảnh chùa u tịch, tiếng kinh trầm buồn mỗi chiều của những người vợ có chồng đang lênh đênh trên biển cứ buồn trôi theo gió, tràn qua những ngọn bàng vuông, len lỏi qua những hàng cây phong ba sừng sững che chắn giông gió giữa trời.
Kia là Hang Câu, một địa điểm tham quan lý thú. Nằm dưới chân núi Thới Lới, hang được sóng và gió biển bào mòn khoét sâu vào lòng núi và hình thành từ hàng ngàn năm trước. Xung quanh hang là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, giữa một bên là biển, một bên là núi, tuy tĩnh lặng nhưng Hang Câu đã hút hồn bao du khách đến thăm.
      Và kia, Cổng Tò Vò... một cổng đá trầm tích núi lửa tự nhiên mà chưa sự tác động nào của bàn tay con người, một điểm đến không thể bỏ qua khi ta có dịp du lich đến huyện đảo Lý Sơn. Cổng Tò Vò có thể nói là một kiệt tác hiếm có mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho đảo tiên, cho vùng biển còn hoang sơ mà đầy sức quyến rũ và huyền bí!


                        






Lý Sơn, bước chân lên đảo, lưu lại đó chỉ đôi ngày thôi, tuy ngắn ngủi, nhưng tôi cảm nhận được nét đơn sơ bình dị mà vô cùng hấp dẫn của đảo, cảm nhận được một sống thanh bình an nhiên mà vùng biển này mang lại. Lý Sơn, tôi yêu vùng biển này không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, bởi ánh mặt trời đỏ rực chìm dần xuống biển qya Cổng Tò Vò, cảnh u tịch đến nao lòng khi hoàng hôn xuống ở Chùa Hang, tiếng gió thét gào xiết quất vào lòng Hang Câu huyền bí, sự uy nghiêm của tượng đài Hải đội Hoàng Sa khẳng định cột mốc chủ quyền kiêu hãnh sừng sững trước sóng biển và nắng gió... mà còn là bởi nụ cười ấm nồng hơn nắng, là ánh mắt thân thiện, là giọng nói mộc mạc chân thành của người dân bản xứ và cả lòng hiếu khách của cư dân trên hòn đảo Lý Sơn đầy sức quyến rũ này.
      Trở về từ Lý Sơn sau hai ngày rong ruỗi, chiều, bạn cùng lớp lại rủ nhau về với Mỹ Khê, ghé thăm nhà đồng môn, rồi cùng ra biển, ngồi dưới hàng dương xanh rì, nhìn ngắm từng lớp sóng xô bờ mà vui buồn câu chuyện cuộc đời bể dâu, dâu bể...
Chiều xuống, mảnh sân rộng trước khách sạn Ninh Thọ bỗng vui và rộn ràng hơn hẳn. Anh chin em chúng tôi trở về đã đông hơn để chuẩn bị cho đêm giao lưu thân mật trước ngày họp mặt chính thức. Thật vui và cũng thật ấm cúng trong một không gian đầy tình như thế. Tôi thấy trên môi những anh chị lấp lánh nụ cười. Tôi thấy trên mắt các bạn các em thoáng những niềm vui và tôi thấy trên gương mặt đồng môn tôi nét rạng rỡ yêu thương của một lần gặp lại.
Rồi tiếng hát tiếng đàn, rồi những lời tâm sự cũng dần trôi vào đêm. Một đêm đầy yêu thương nhẹ nhàng mang theo vào giấc ngủ!
Buổi sáng ngày thứ tư, đón chúng tôi đến họp mặt là một Sa Huỳnh đầy nắng và gió, một Sa Huỳnh thơ mộng còn đậm nét hoang sơ, một Sa Huỳnh với những triền cát vàng óng mịn ôm bờ biển vào lòng, với những hàng phi lao đỗ dài in bóng!
Sa Huỳnh sáng hôm ấy đón gần 300 anh chị em cựu giáo sinh chúng tôi. Sa Huỳnh hôm ấy ôm vào lòng gần 300 con tim nôn nao nhịp đập... Mặc cho naengs gió nơi này, mặc cho thời gian vô tình lặng trôi, thì nơi này, hôm ấy, vẫn rộn rã tiếng cười, vẫn xiết nóng những cái ôm, vẫn chặt tình những cái nắm tay chưa buông vội. Tôi như nghe môi mắt mặn cay. Mặn vù vị nồng của biển hay cay vì nước mắt chực ứa cho một lần hội ngộ vội vàng rồi lại rời xa...?
Sài Gòn mấy hôm nay mưa hoài.... từng cơn mưa kéo dài tận đêm... mưa mùa này cứ rả rích làm tôi nhớ lắm miền Trung quê tôi mỗi khi mùa mưa quay trở lại, làm tôi nhớ lắm cái buổi chiều chúng tôi vượt đèo Eo Gió để lên Minh Long tham quan Thác Trắng cũng một chiều mưa... Và, làm tôi nhớ cái đêm cuối cùng chúng tôi còn lưu lại Ninh Thọ, cũng thoáng một cơn mưa, nhẹ nhàng thôi... nhưng đã làm tôi bật khóc ngon lành khi bước ngang qua khu sảnh vắng im lìm, nơi mà mới đêm trước ấy thôi, chị em chúng tôi còn rộn ràng tập luyện để góp vui cùng đồng môn, để ấm lòng thêm cho cái tuổi về chiều...!
      Bây giờ xa rồi... xa rồi để tôi nhớ hoài đảo nhỏ Lý Sơn, xa rồi để tôi mơ về một Sa Huỳnh nắng gió với những cánh đồng muối ngời ngời in bóng đôi quang gánh tảo tần của diêm dân ở đó. Và tôi nhớ, nhớ bạn bè tôi, nhớ học trò cũ của tôi, nhớ cái cảm giác ngày bạn bè cô trò gặp lại sau từng ấy năm dài... Và nhớ lắm, nhớ quý anh chị SPQN/Quảng Ngãi đã rất nhiệt tình và lo lắng để anh chị em đồng môn chúng tôi có được những ngày họp mặt ý nghĩa, đông vui, mang nhiều kỷ niệm!
      Tạm biệt nhé Quảng Ngãi! Tạm biệt nhé một Quảng Ngãi bình dị chân tình! Tạm biệt một miền quê hương chân chất góp đầy yêu thương, nơi bạn bè đồng môn tôi đôi ngày gặp gỡ, tay bắt mặt mừng rồi vội vã chia tay...!
Tạm biệt nhé! Tạm biệt những buổi trưa dịu dàng như khúc ru mùa hạ, tạm biệt một miền quê mà tôi đã yêu thương gắn bó một đoạn đời...!
      Không hẹn, nhưng nhất định tôi sẽ trở về, tôi sẽ trờ về Quảng Ngãi, của tôi...!
                                             Sài Gòn, một chiều mưa tháng Sáu...
                                                       Châu Thị Thanh Cảm

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Suphamquinhon QUẢNG NGÃI _ 28-05-2017

Vũ khúc TIẾNG TRỐNG TÂY NGUYÊN
Đoàn văn nghệ Sai Gon trình diễn trong buổi họp mặt tại Khu du lịch Sa Huỳnh _ Tỉnh Quảng Ngãi .
Ngày 28-05-2017 .

Sư Phạm Qui Nhơn QUẢNG NGÃI _ 28-05-2017 .

Hội ngộ lần thứ 22 tại Khu du lịch Sa Huỳnh _ Quảng Ngãi .
Anh Dũ 
Ban liên lạc cựu giáo sinh Suphamquinhon 1962-1975 , phát biểu .

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Thư Mời - Hội Ái Hữu SPQN Hải Ngoại- Hội Ngộ Kỳ Thứ 26 Năm 2017.

                                                                                                             Nguồn : Diệp Đặng Thi


                         






Chủ đề: Trả lời: Thư Mời - Hội Ái Hữu SPQN Hải Ngoại- Hội Ngộ Kỳ Thứ 26 Năm 2017.
Rất cám ơn Anh Quán đã chuyển thư mời kèm theo tình cảm gia đình quý mến
Thưa các anh chi đồng môn trong ban liên lạc Hội Ái Hữu SPQN ở Hải ngoại USA
TÌNH CẢM SÂU ĐẬM CỦA GIA ĐÌNH SPQN RẤT QUÝ
MINH VÀ DIỆP SẼ IN THƯ MỜI CỦA BLL ĐỂ GỞI ĐẾN CÁC ĐỒNG MÔN Ở VIỆT NAM AI CÓ ĐIỀU KIỆN THÌ XIN LÀM THỦ TỤC
RẤT CÁM ƠN LÒNG MONG ƯỚC HỘI NGỘ CỦA QUÝ ANH CHỊ Ở HẢI NGOẠI
THÂN CHÀO ANH QUÁN VÀ QUÝ BAN LIÊN LẠC
" Chị Diệp và anh Minh thân mến,
Anh Hội Trưởng Hội Ái Hữu SPQN Hải Ngoại Nam California Phạm Nghĩa Hùng
nhờ Quán gởi Thiệp Mời này cho anh chị để sử dụng và nhờ anh chị chuyễn tiếp đến
các anh chị đồng môn SPQN những ai có nhu cầu làm 1 chuyến vừa thăm nước Mỹ
vừa tham dự Hội Ngộ SPQN để có dịp gặp lại những người bạn cũ...
Về phần 2 bạn nếu có điều kiện qua tham dự Hội Ngộ kỳ này thì Quán hứa sẽ đón
rước về nhà lo ăn ở và chở đi...chơi. Chúc 2 bạn cùng Gia Đình luôn vui khỏe và an
lành. Mong sẽ gặp 2 bạn ở Cali. Quán. " .


                                 
TRANG TRÂN TRỌNG CHIA SẺ

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...