Irene,
Ngoài trời, nắng đã bắt đầu gắt, những chùm hoa phượng nở đỏ rực trong sân trường, trên đường phố và tiếng ve kêu râm ran báo hiệu hè về. Kết thúc năm học, học sinh nghỉ học cũng là lúc giáo viên bước vào khóa học chính trị hè đầu tiên năm 1975.
Hội trường đông nghịt giáo viên của cả ba cấp học, trong cái gió Nam nóng hầm hập, lèo tèo vài ba cái quạt không đủ mát cho cả ngàn con người ngồi trong hội trường này. Tiếng giảng viên chính trị đều đều nêu lên những tội ác của Mỹ-Ngụy… Mọi người cắm cúi ghi ghi chép chép, Lan cũng cố gắng ghi nhưng hai con mắt cứ “ríu” lại. Cố chống chọi với cơn buồn ngủ, cô vội viết vào góc vở :
- Cúc ơi! Chiều nay học xong hai đứa mình đi biển chơi!
Rồi chuyền đưa sang cho bạn ngồi bên cạnh. Cúc xem xong nhìn Lan gật đầu.
Hội trường bắt đầu ồn ào hẳn lên, mọi người không chịu được cái nóng bức hay là vì bài chính trị không lôi cuốn hay phải chống lại cơn buồn ngủ …nên nói chuyện. Sợ ảnh hưởng đến bài thuyết giảng, tổ chức lớp học đứng lên nhắc nhở các trường, Chẳng mấy chốc hội trường im lặng trở lại. Bất chợt Lan thấy anh Hiệu, anh ở trong ban lãnh đạo. Anh đi lên đi xuống, khi đi ngang chỗ Lan ngồi, hình như nhận ra, anh gật đầu mỉm cười. Lan cười đáp lại rồi tiếp tục ghi chép.
Ăn cơm chiều xong, Lan lên phòng mình nằm nghỉ. Mấy ngày đi học chính trị căng thẳng, học suốt ngày thêm cái nóng bức nên cô thấy mệt mỏi. Cái mệt mỏi thể xác không bằng cái mệt mỏi về tinh thần đã làm cho Lan chán chường đến cùng cực.
- Lan ơi! Tiếng mẹ gọi.
- Dạ! Cô vội xuống lầu. Nhà có khách, Lan vội vàng chế bình nước trà.
Bước vào phòng khách, thì ra người khách đó là anh Hiệu.
- Chào anh!
Anh Hiệu có nụ cười thật tươi :
- À, Chào Lan.
Lan rót nước mời mọi người, anh nói giọng thật nhẹ :
- Cám ơn em! Thấy cô định lui ra nhà sau, anh nói :
- Em ngồi xuống đây chơi.
Cô kéo cái ghế và ngồi xuống bên cạnh ba má.
Anh Hiệu là bạn của chị Vân, lúc trước khi Lan còn bé anh hay đến nhà chơi. Trong những phong trào tranh đấu của học sinh sinh viên vào giữa thập niên 60, anh hăng hái kêu gọi sinh viên, học sinh, đồng bào Quy Nhơn xuống đường tuyệt thực, biểu tình đòi sự tự do dân chủ, đòi hòa bình cho Việt Nam.
Anh kể lại khoảng thời gian đấu tranh lúc đó anh đang là học sinh Cường Để. Sau đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm tình hình miền Nam chuyển biến rất là phức tạp. Năm 1964 tướng Nguyễn Khánh truất phế Nguyễn Ngọc Thơ lên làm thủ tướng. Thời gian tướng Nguyễn Khánh cầm quyền, miền Nam lộn xộn, biểu tình khắp nơi…Đến giai đoạn luật sư Nguyễn Văn Lộc, Trần Văn Hương rồi đến Trần Thiện Khiêm…dạo đó chính quyền ra sức bắt bớ, đàn áp biểu tình anh phải trốn vào Sài Gòn tiếp tục đấu tranh...Anh kể rất lôi cuốn, Lan ngồi nghe say mê thật ra thời gian đó cô đang là học sinh tiểu học cũng theo ba và các chị lên chùa đấu tranh. Những năm Lan học ở trường Nữ Trung Học cũng tham gia bãi khóa, xuống đường phản đối việc lính Mỹ bắn chết học sinh Nguyễn Văn Minh ở Quy Nhơn ngày 7/12/1970.
Anh về rồi, ba má Lan cứ khen ngợi anh là một thanh niên yêu nước, có lý tưởng.
Hôm nay là buổi thảo luận tổ đầu tiên sau những ngày nghe giảng của các chính trị viên. Không khí của buổi thảo luận tổ trầm lặng, có lẽ giáo viên chưa quen cách phát biểu. Cô phụ trách trưởng chủ trì cuộc thảo luận cho đọc lại tài liệu nhưng chẳng ai xung phong phát biểu. Cuối cùng cô cầm danh sách và nói : - Đã đi học, có ghi chép thì phải có ý kiến, mỗi người ít nhất một lần và người nào phát biểu cô sẽ đánh dấu vào danh sách, người nào không phát biểu xem như chưa hoàn thành cuộc học chính trị.
Đa phần giáo viên sau 75 là giáo viên miền Nam. Sống dưới chế độ ở Miền Nam, họ thuộc thành phần trí thức lại là nhà giáo, không quen với những lời chỉ trích nặng nề, không quen với lối xưng hô chuyển “ông” thành “thằng” …cho nên ai cũng ngại khi phát biểu.
Ở trong hoàn cảnh đó, nên lần lượt mọi người phát biểu, thật ra họ chỉ đọc những gì đã ghi lại trong vở, hết người này đến người khác đọc. Thế là ai cũng được người chủ trì chéo một dấu vào danh sách. Mục thắc mắc có một thầy giáo hỏi : Vì sao gọi Mỹ là tên sen đầm ? Chẳng ai biết! Cô phụ trách trưởng cũng không biết! Cuối cùng cả tổ thống nhất ghi vào biên bản nhờ trên giải đáp.
Hết buổi thảo luận, Lan và Cúc tíu tít ra về. Hai cô đi hết con đường Trần Phú vòng xuống Nguyễn Huệ ra biển. Biển buổi chiều mát mẻ Lan cảm thấy đầu óc thanh thản. Ngồi trên chiếc ghế đá nhìn ra biển khơi, cô bỗng nhớ lại những ngày đầu Quy Nhơn giải phóng khi gia đình cô từ Cam Ranh quay về. Một bãi biển ngổn ngang áo quần, xác người, xe cộ … Bây giờ ngồi đây Lan vẫn cứ nhớ lại và ngậm ngùi.
Chiều xuống chầm chậm, hoàng hôn bắt đầu rãi xuống, màu biển sậm dần …
- Hôm nay bao nhiêu mà có trăng nhỉ ?
Nghe bạn nói, Lan ngước nhìn, Mặt Trăng tròn to từ từ nhô lên trên dãy núi Phương Mai. Gió thổi lao xao qua hàng dương,những con sóng vỗ nhẹ vào bãi cát thật yên bình … Hai cô ngồi như thế không biết trong bao lâu nhưng khi về đến nhà thì trời đã tối mịt.
Bước vào nhà, Lan thấy anh Hiệu ngồi nói chuyện với ba má :
- Sao con về trễ vậy ?
- Dạ, con đi chơi với cô bạn. Lan vén tà áo dài ngồi xuống chiếc ghế trống.
- Em đi học chính trị có mệt không ? Anh quay sang hỏi cô với giọng nhẹ nhàng.
- Dạ, không sao.
Rồi anh kể, những ngày tranh đấu khốc liệt, bị đàn áp, bị bắt bớ ráo riết. những người bị bắt thì giam vào tù, đày đi côn đảo…Anh phải trốn vào Sài Gòn tiếp tục đấu tranh, tiếp tục đi học đại học. Anh bảo, đây là thời kỳ gian khổ nhất sống trốn chui, trốn nhủi … Lan thấy anh thật hay, mạnh mẽ có chí hướng …Mắt cô bỗng dừng lại chiếc mũ cối anh để trên bàn, nhìn xuống chân anh đôi dép cao su.Tự nhiên trong cô có một điều gì đó vừa lóe lên, Lan cố gạt đi, cố nhớ lại trước mắt mình hình ảnh một anh thanh niên với chiếc áo chemise trắng với chữ thêu màu xanh TRƯỜNG TRUNG HỌC CƯỜNG ĐỂ và bên dưới là những ngôi sao đỏ (lớp ). Khuôn mặt rạng ngời nhưng đầy cương quyết cầm micro đứng trước hàng ngàn sinh viên học sinh với giọng hùng hồn, sôi sục, nhiệt huyết của tuổi trẻ kêu gọi đấu tranh vì đất nước vì tự do vì sự an vui của đồng bào. Tiếng hát của anh vang rền :
“ Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào, hát qua đêm thiên thu …” ( Hát cho dân tôi nghe – Tôn Thất Lập ).
Một tháng học chính trị trôi qua rất chậm.
Sáng nay, tất cả giáo viên của khóa học viết bản thu hoạch. Lan vừa lật vở ghi chép vừa hí hoáy viết. Tất cả các câu hỏi đều có trong bài nên viết cũng dễ dàng. Chỉ có câu hỏi cuối cùng :
“Anh chị có nhận thức sâu sắc gì qua đợt học chính trị hè lần này?”
Mấy chục bài, biết cái gì là sâu sắc ? Mà nếu mình bỏ một điều gì đó thì ban lãnh đạo sẽ cho rằng mình nhận thức chưa tốt. Tâm lý của tất cả giáo viên lúc bấy giờ là thế! Chưa được vào biên chế, chưa ổn định chỗ dạy. Tất cả chỉ là tạm thời. Từ lúc đi dạy lại đến nghỉ hè là ba tháng giáo viên vẫn chưa có lương. Ai cũng nơm nớp cảm thấy bất an …cũng vì câu hỏi này mà lãnh đạo lớp học cho kéo dài thêm ba ngày giáo viên mới hoàn thành bản thu hoạch.
Tối nay anh Hiệu lại đến chơi, ba má Lan rất quí anh nên tiếp anh rất nồng hậu, mọi người nói chuyện rất vui vẻ. Ba cô hỏi anh :
- Hiệu này! có khi nào năm đến Lan nó bị đổi đi trường khác hay là ra đảo dạy không con ?
Anh Hiệu thoáng nhìn Lan với ánh mắt thân thương, anh nói :
- Không đâu bác! Con ví dụ để hai bác hiểu là trong mâm cơm người cán bộ cách mạng sẽ gắp xương nhường thịt cho nhân dân.
Nghe anh nói thế! Ba má Lan vui mừng, tin tưởng … Cuộc trò chuyện giữa mọi người vui vẻ, ba má ra nhà sau, anh vẫn ngồi lại chuyện trò, giọng anh nhỏ nhẹ lôi cuốn :
- Sau những cuộc đấu tranh vì mọi người, bây giờ đất nước hòa bình, anh cũng là một hiệu trưởng, ba má anh vừa cho anh một căn nhà, cuộc sống thế là quá tốt phải không em ?
- Dạ.
Lan nghe anh nói và trả lời.
- Anh muốn thỉnh thoảng xuống nhà nói chuyện với em.
- Dạ.
Thấy cô ngồi trầm ngâm,suy tư anh nói :
- Rạp Lê Lợi có phim hay lắm! Anh muốn mời em chiều mai đi xem.
Không thấy Lan nói gì, anh vội nói :
- Em yên tâm! anh sẽ xin phép ba má, đi nghe em!
Lan nhìn anh, giọng chậm rãi :
- Ngày mai, em có việc bận.
Anh thoáng ngỡ ngàng chỉ một giây thôi rồi khuôn mặt anh vui vẻ trở lại :
- Thôi để lần khác!
Lan đưa anh ra tận cửa, nhìn anh trên chiếc xe đạp, chiếc mũ cối đôi dép cao su mờ dần dưới ngọn đèn đường hiu hắt rồi khuất dần, khuất dần… Đó là lần cuối cùng anh đến nhà Lan và cho đến bây giờ trong cô vẫn giữ mãi một hình ảnh đẹp, chàng trai yêu nước đầy lý tưởng, sẵn sàng đấu tranh vì dân tộc vì tổ quốc…
“ Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm. Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang … ” ( Việt Nam quê hương ngạo nghễ - Nguyễn Đức Quang ).
Sài Gòn, tháng 8/2011
Irene.
Hôm nay mình lại ghé thăm spqn. Chà đúng là một câu chuyện tình thời bao cấp.
Trả lờiXóaSao anh lại ngỏ lời, vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc, một vầng trăng không tròn.
Chào Thủy Tiên !
Trả lờiXóaCám ơn Thủy Tiên ! Mời bạn thường xuyên vào trang spqn để xem . Mình rất thích hai câu thơ của bạn . Chúc bạn luôn gặp mọi niềm vui trong cuộc sống .
Chị Ren ơi !
Trả lờiXóaĐọc bài viết của chị làm em nhớ lại những buổi đi học chính trị của trường mình . Bây giờ nghĩ lại thấy cũng vui . Ồ ! sao chị bỏ lỡ một cuộc tình đẹp và lý tưởng như vậy nhỉ ???
Rất đồng cảm với bạn . Lúc mới giải phóng mình cũng gặp những nhân vật như bạn viết và nếu là mình , mình cũng chọn giải pháp như Lan . Mình rất thích những đoạn kết trong các câu chuyện của bạn . Thân ái .
Trả lờiXóaNgọc Long ơi ! Cám ơn Long đã xem bài viết của chị. Ồ ! Hình như chị bỏ lỡ cơ hội chứ không bỏ lỡ một cuộc tình đẹp ...Hôm nào vào Sài Gòn nhớ ghé nghen .
Trả lờiXóaCám ơn Giang Lam đã đồng cảm với mình . Chúc bạn vui khỏe .
Anh Hiệu ơi đến bây giờ cán bộ có còn gắp xương nhường thịt cho nhân dân không hay ngược lại?Không phải chỉ có anh Hiệu mà Trần Văn Đậu ,Trần Thị Quýt K8 cũng hành động xuông đường bãi khóa làm phiền nhà trường rồi khi tiếp xúc với thực tế nghiệt nghã thì cảm thấy quá bẽ bàng! Đậu không biết về đâu? Còn Quyt được kết nạp rất sớm nhưng sau đó bỏ đi thật xa!
Trả lờiXóa