Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

THÈM NGHE GIỌNG NÓI QUÊ MÌNH

                        -Tản mạn- Nguyên Đạt K5 - SPQN Bắc Cali


Hồi còn ở Việt Nam, nhân một lần cùng anh bạn đồng nghiệp vào Sài Gòn lo công chuyện. Sau khi hoàn tất, anh rủ tôi cùng đi thăm thú mấy người bạn đồng hương đang sinh sống và làm việc tại đây. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cả bọn kéo nhau ra làng nướng miền Tây thưởng thức các món đặc sản Nam Bộ gọi là để mừng ngày gặp gỡ...
Xa ngái lâu ngày, nay được dịp “tha hương ngộ cố tri” ai cũng háo hức muốn hỏi han trò chuyện để biết chuyện quê hương, làng nước, bầu bạn nên chỉ sau mấy tuần rượu “rô-đa”, mọi người đã bắt đầu hưng phấn, nói cười rôm rả, có lúc mải mê đến độ giành nhau nói chẳng ai thèm nghe ai nhưng mọi người vẫn thấy sướng. Ngồi bên cạnh tôi ở bàn tiệc buổi ấy có một anh bạn ăn mặc khá sang trọng, khuy cài măng-sết miệng cứ ngậm tăm không dự vào câu chuyện, dáng bộ phấp phỏng đứng ngồi không yên, hình như trong bụng anh ta có gì đó không ổn. Rồi... sau cùng, có lẽ chịu đựng hết nổi, anh bực bội huơ tay ra hiệu:
-“Suỵt” Các bạn nói nho nhỏ chút chứ?
-Ủa! Đây là quán nhậu, người đông, nói nhỏ làm sao nghe đặng? Vả lại, rượu vào thì lời ra, gì đâu phải áy náy?
Câu chuyện đang vui vẻ hào hứng đột nhiên bị tắt ngang khiến mọi người hụt hẫng.
-Nhưng... “Giời ạ!”. Anh bạn “măng sết” điệu bộ khổ sở khoát tay thì thầm: -Thì cũng phải để ý canh canh nhỏ giọng chút chứ! Cái tiếng Nẫu đặc sệt như mấy người mà cứ oang oang không sợ người ta cười cho à?
-Giọng Nẫu, giọng nẫu thì đã sao hả? Tiếng quê mình thế nào ta nói zdậy, mắc mớ gì mà sợ?
Tuy mạnh miệng vậy, nhưng kể từ lúc đó dường như mọi cười đều cụt hứng, chẳng ai còn thiết chuyện trò nữa. Cuộc vui đang rộ lập tức bị chững lại bởi một quãng lặng kéo dài...
... Ngồi chứng kiến cuộc tranh cãi từ đầu tới cuối, tự nhiên tôi bỗng cảm thấy chạnh lòng khi liên tưởng tới tình huống tương tự của mình trong một lần gặp gỡ, bù khú với đám bạn bầu thời trai trẻ khi về lại quê xưa:
-Nì!... Mi nói giọng chi mô mà lạ rứa? Tau nghe dị dị khó lọt tai lắm!
-Thì tiếng Huế rặt ròng chứ Tây u gì đâu?!
-Huế mô mà Huế! - Mấy đứa bạn nhíu mày hùa nhau “vặt” tôi:
-Không phải! Mi giả giọng! Mi bán Huế mất rồi! Tiếng nớ là tiếng Huế lai! Huế lai…
Rồi có đứa bày đặt ví von:
-Một thằng Huế lai bằng mười hai thằng Huế thiệt mà lị! (Dĩ nhiên, rõ đây là một lời khen... ngược).
Những lời trách cứ không mấy nhẹ nhàng của đám bạn hữu quả có làm tôi bẽ bàng chốc lát nhưng không đến nỗi buồn lòng bởi tôi biết nhất thời họ không thể hiểu và thông cảm đó thôi. “Nhập gia thì phải tuỳ tục chứ!”. Nhớ buổi đầu tiên vào Phú Yên dạy học, tôi đem hết khả năng ra sức giảng bài, thấy học trò đứa nào cũng ngoác miệng chăm chú lắng nghe. Ngỡ sự truyền đạt của mình có hiệu quả, tôi càng khoái chí thao thao bất tuyệt, không ngờ khi hỏi lại: “Các em hiểu rõ chưa?” thì đứa này đưa mắt nhìn đứa kia vừa ngơ ngác vừa sợ sệt, rồi một đứa mạnh dạn đứng lên: -Dạ thưa thầy, thầy nói tiếng trọ trẹ gì ấy em nghe không rõ ạ!
Mấy người bạn thời Trung học ở quê có lẽ không để ý; hơn mấy chục năm ăn ở, tiếp xúc sinh hoạt chung đụng với bà con địa phương làm sao tôi không ít nhiều ảnh hưởng tới âm giọng, lời ăn tiếng nói cùng phong cách, lối sống của họ cơ chứ! Anh bạn Huế của tôi tuy có hơi khắt khe, hơi cực đoan trong nhận xét, nhưng nói cho cùng còn dễ thương hơn cái anh chàng khuy cài măng-sết sợ nói giọng Nẫu quê mình kia nhiều.
Bước chân lên nước Mỹ chưa được bao lâu mà đã cảm thấy nhớ thương quê nhà da diết. Mấy câu thơ của ai đó đã lãng quên nay bất chợt hiện về trong trí tưởng:
Khi ra đi ta mang cả hồn quê
Nơi đất khách bao đêm dài nhung nhớ
Để câu thơ trầm buồn như hơi thở
Mãi dọc dài theo năm tháng chia xa…
Hằng ngày, con cái đi làm hãng, về nhà ăn cơm, chuyện trò dăm câu ba chuyện rồi vội nhảy vào phòng nghỉ sớm, lấy sức mai làm việc tiếp; hai vợ chồng già suốt ngày quanh quẩn trong mấy bức tường tận lầu 3, nói với nhau hoài cũng hết chuyện. Ngôi nhà thuê lại nằm lọt thỏm giữa mấy gia đình người Mễ, mỗi lần ra cửa gặp, thấy họ lich sự lên tiếng “Hai! Hai”, tôi đoán ra là lời chào cũng vui vẻ đáp lại “hai” chứ nào đã kịp tra Tự điễn để biết nghĩa sao đâu.
Ôi! Thèm giọng nói quê nhà.
Đang cảm thấy bức bối và e sợ cái nguy cơ dẫn tới bệnh trầm cảm thì hôm chủ nhật rồi bỗng một anh bạn gọi điện mời cả gia đình đi dự cuộc họp mặt đồng hương mùa hè do hội Ái hữu tổ chức; và chính nhờ gặp lại mấy người bà quen, những đồng môn, đồng nghiệp và bạn bầu ngày cũ, thời còn mài đũng quần ở băng ghế trường Trung học mà tình cảm thăng hoa khiến cho mọi vấn vương hầu như tạm thời giải toả.
Gặp nhau chỗ đất khách quê người, dù lạ hay quen, thân tình hay sơ ngộ, ai cũng tay bắt mặt mừng, xoắn xuýt, tới tấp thăm hỏi, nào là chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng chuyện nước, ai còn, ai mất… thôi thì đủ thứ làm mình không kịp thở. Bãi bờ ký ức được dịp khơi gợi khiến lắm lúc có người chợt lặng buồn, len lén đưa tay… quệt mấy giọt nước mắt rỉ rả rơi rớt chơi vơi theo giòng tâm sự.
-Cám ơn chị. Chị vẫn còn đặc sệt giọng Phú Yên.
Một người bạn vừa thút thít, vừa nắm riết bàn tay bà xã bịn rịn trước giờ từ giã:
-Lâu… lâu lắm rồi em mới nghe lại giọng “Nẫu” thân thương quê mình đấy chị ạ!
Những người Huế xa quê như chúng tôi có cái thông lệ mỗi lần gặp nhau là bày trò thi nói giọng Huế bằng thổ ngữ cho đỡ nhớ rồi sướt mướt đọc thơ Tô Kiều Ngân:
Nếu được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chưa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành chẳng nuối tiếc chi mô…
Người xa quê dẫu bất cứ lý do gì đi nữa, bao giờ cũng luyến nhớ cội nguồn, quê hương bản quán, và nếu như bất chợt ta bắt gặp đâu đó ai nói tiếng xứ mình lập tức mừng rỡ và cảm thấy thân tình ngay. Giọng Nẫu cũng dịu dàng, cũng ngọt lịm như ai miễn là lời nói của ta gói ghém đầy tình cảm làng nước xóm giềng trong đó.
Bài “Nẫu ca” Than thân trách phận đặc sệt chất giọng Phú Yên nổi tiếng khắp miền ai cũng thích, người xứ khác tập hoài mà đâu có hát hay và đúng giọng bằng những người bạn Nẫu.
Ở nước Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một vài người Việt mình hoặc là vì thói quen, hoặc là do muốn “thể hiện”, khi trò chuyện với nhau thường nói rặt tiếng nước ngoài, thậm chí ở thang máy hoặc ngay trong gia đình cũng dùng tiếng Anh đối thoại với con trẻ. Có lúc, cảm nhận ít nhiều sự bực bỏ của bạn bè khách khứa, họ thanh minh thanh nga: “Biết sao được anh. Phải “luyện” cho chúng nhuần nhuyễn chứ? Tương lai, sự nghiệp và cuộc sống của con cái đều tùy thuộc cả vào vốn liếng tiếng Anh đấy mà”. Điều đó cũng đúng nhưng nếu như các cháu biết sử dụng lưu loát cả hai ngôn ngữ thì “tuyệt vời” biết mấy? Nhiều lúc theo dõi những cuộc phỏng vấn, trò chuyện trên Đài truyền hình, một số các cháu thanh-thiếu niên đang nói tiếng Việt ngon lành, gặp chỗ “bí” bèn tiếp luôn một tràng tiếng Anh khiến các cụ nhà ta ngơ ngác, chẳng hiểu trời trăng mây nước. Nhớ hôm nào mới qua, hai đứa cháu ngoại suốt ngày líu lo hỏi han đủ thứ chuyện bằng tiếng mẹ đẻ khiến chúng tôi đôi lúc choáng tai nhức óc nhưng trong bụng thì lại rất vui, còn thấy khoái chí nữa. Thiệt tình, nếu như không “được” bận cãi cọ, giải đáp thắc mắc liên tu bất tận với mấy đứa nhỏ, chắc là chúng tôi buồn chán và nhớ quê nhà lắm lắm. Từ khi hai cháu tới tuổi đến trường, ngày càng ít được nghe chúng nói tiếng Việt, và thay vào đó bằng thứ tiếng Anh (Yes, No, You, Not) lạ lẫm khiến chúng tôi chẳng hiểu chúng nói gì và cũng chẳng biết nói gì cho nó hiểu nữa; dần dà hai đứa xa lạ với cả ông bà. Không còn được gần gũi các cháu như xưa, thâm tâm chúng tôi cảm thấy ít nhiều buồn lòng và hụt hẫng...
Ôi! Thèm sao giọng nói quê mình!
*
“Tất cả chúng ta, ai cũng có một tình yêu đầu đời để ôm ấp, mọi người đều có một góc trời quê để nhớ, để thương; có thể đó là cây đa, bến nước ven sông. Có thể quê hương là con đò nhỏ đưa khách sang sông mỗi sớm mỗi chiều đã để lại vô vàn ký ức thật êm đềm những khi ta chui vào hoài niệm”, nhưng khi nói tới hồn quê, ngoài những điều nhắc nhở trên, rõ ràng, tiếng nói với cái âm sắc, âm giọng rất riêng không lẫn vào đâu được của mỗi miền quê xứ khiến ta dễ dàng nhận ra là đồng hương của nhau. Ấy chẳng phải chính là hồn quê đó sao?

                          Thung lũng hoa vàng những ngày đầu xa xứ
                                        Tháng 9/2009

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

NHỚ QUI NHƠN - Thơ - Nguyễn Văn Thức


Về lại trường xưa không có em
Dặm đường thương nhớ chút hồn nhiên
Loanh quanh Gềnh Ráng say hương biển
Tưởng như em, bè bạn bên mình

Nội trú buồn ôm bao nhan sắc
Chênh vênh ghế đá bóng hình ai?
Những ô cửa nhìn nhau xa lạ
Còn đâu áo trắng em bay bay

Năm tháng qua đi không hò hẹn
Nhớ thầy cô, nhớ những bạn bè
Hoa phấn điểm màu tóc ngã bạc
Nghiêng lòng ở mãi với Qui Nhơn!

Nguyễn Văn Thức
Khóa 7 – Tel: 0904143297

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Thơ - Bạch Xuân Lộc.


Có Biển 1

Có mấy khi ta mùa đông ra biển,
Gió mưa buồn lạnh xé thịt cắt da,
Nếu chẳng may biển chôn lấp đời ta,
Vẫn là phước ta muôn đời có biển.
Bên cát biển sóng vổ về tha thiết,
Da diết yêu thương, muôn kiếp mặn nồng,
Khi yên vui, lúc sóng vỗ cát tung,
Vẫn giữ mãi mối tình chung biển cát.
 
08/2008
 
 
Có Biển 2

Lê đôi chân trên cát mền xào xạc,
Thả hồn mình hòa cùng biển mênh mông,
Chờ mùa lên cho trời nước xanh trong,
Và nắng ấm làm hồng bao mong ước.

Gió reo như trao lời đưa của nước,
Vốn rộn ràng vẫn tập nập âm vang,
Vốn trầm ngâm vẫn mộng mị- mơ màng,
Vốn thư thả vẫn dịu dàng-mềm mại.

Dấu yêu ơi,ta một đời khờ dại,
Bởi yêu em như yêu biển muôn trùng,
Bởi yêu em,trân quí nét thủy chung,
Đã chối bỏ cho đời thêm phiền lụy.

Mà như thể có phải ta ích kỷ,
Biết yêu em mà tránh nhận khổ đau,
Thì thế nhân sao không khỏi u sầu?
Không oán trách ta là người bội bạc.

24/04/2011 
Bạch Xuân Lộc

Hình Ảnh Sinh Hoạt của Khóa 10 SPQN

BBT: Chúng tôi vừa nhận được thư và một số hình ảnh cũ của khóa 10 SPQN, do chị Nguyễn Thị Hương gởi về. Những hình ảnh quá tuyệt, đầy ắp kỷ niệm của những ngày cùng nhau sinh hoạt... xin rất cám ơn chị Hương đã cộng tác và gởi về cho chúng tôi những hình ảnh quí giá này.
Thân ái.

Kính gởi ban tổ chức
Đây là những hình ảnh xưa cũ mà tôi còn lưu giữ được, vở kịch thơ Huyền Trân Công Chúa do hai nội trú nam và nữ kết hợp với trường cùng diễn vào năm 1972 đã gây được nhiều sự chú ý và được ông Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Chức rất khen ngợi, hy vọng các bạn diễn khác còn lưu niệm được những hình ảnh về vở kịch thơ này.
Tôi gởi thêm một số hình ảnh kỉ niệm những ngày còn học ớ SPQN,. Chúc các anh nhiều sức khỏe để hoạt động cho trang Web của trường ngày càng phong phú.
                                                                       Nguyễn Thị Hương  K10

Giáo sinh lớp Nhị 6 trước sân trường

Tàu hải quân chở GS đi Cù Lao Xanh
cắm trại ở Cù Lao Xanh1972
G. Sinh trước sân trường.

Trong khuôn viên Nội trú Nữ

Một góc Nội trú Nữ
vở nhạc kịch Huyền Trân Công Chúa tổ chức tại giảng đường SP 1972 (do GS K10 trình diễn)

một vai trong vở kịch Huyền Trân công chúa

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Thơ - Vũ Hùng K10



Quy Nhơn ngày hội ngộ 

(Hướng đến kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN ( 1962-2012) và chuyến về thăm trường cũ ( từ 11-13/5/2012)

Đâu có phải xứ thần tiên nào cả
Đường tơ dệt bao tháng ngày vất vả
Tia nắng ấm cho mùa xuân rộn rã
Ở nơi đó , còn bao điều mới lạ
Em hãy về -đón nhận ánh sao khuya
Các con chữ-theo chân anh từ ấy
Khắp phố phường thôn bản mãi xa xôi
Quê hương mình phải đẹp hẳn lên thôi
Anh đã thấy những điều mình học hỏi
Để lại cho đời mật ngọt tình thương
Dẫu chông gai hay ngang trái đời thường
Những bất cập ,chông chênh đầy phiền muộn
Hỡi trái đắng theo ta vào dĩ vãng
Vẫn còn lại đêm bài ca sư phạm
Ánh sao nào tỏa khắp vùng tăm tối
Miền cao nguyên hay những nơi lầy lội
Tiếng hát trẻ thơ bao người mong đợi…
Này người bạn ở nửa vòng trái đất
Nước mắt rưng rưng mỗi độ xuân về 
Nhớ lúc chia tay , nụ cười mãn khóa
Ở xứ người , vẫn nhớ mãi ngàn hoa …
                       **
Em Quy Nhơn mừng vui ngày hội ngộ
Đã qua rồi những cơn sóng nhấp nhô
Ai mất, còn,nửa thế kỷ ,hỏi ai ?
Nụ hồng đọng ,trong tim ta thắm mãi …

Thanh yên – Dương Đàn
(Hội viên CLB sáng tác VHNT VN )
Võ Hùng (Nhị 9-K10 )

Nếu …

Nếu mai Thầy không đến trường
Lá bàng khô vẫn rụng
Bầu trời vẫn màu xanh
Đêm qua có kẻ độc hành
 Bâng khuâng nhớ bạn , còn thương nụ cười .

Nếu mai thầy không đến trường
Ai hỏi thăm em khi trời trở lạnh
Ai đến với em khi lớp học ồn
Lá vàng có một nụ hoa
Chiều hoàng hôn xuống , vừa qua hiên nhà

Nếu mai thầy không đến trường
Ai nói với em những câu chuyện thường ngày
Những khó khăn , những điều trăn trở
Chuyện học hành và cả chuyện ngày mai .

Nếu mai Thầy không đến trường
Hàng cây lặng lẽ , giọt sương âm thầm
Giọt buồn thôi đọng trên mi
Sông xưa còn đó , người đi chưa về .

Thanh Yên – Dương Đàn
(Hội viên CLB sáng tác VHNT VM )
(Nhị 9 – K9 )

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Món Quà


Chồng tôi hay cười, ăn nói nhẹ nhàng và thích đùa tếu. Đối với anh chuyện gì cũng nhẹ như bông. Tôi thì khác hẳn,  dù cũng giống anh, ăn nói nhẹ nhàng nhưng việc gì  vào tay tôi thì cũng phải cho đàng hoàng và chỉn chu.  Anh hay nói tôi quan trọng hoá vấn đề.
Hai đứa quen nhau sau năm 75 khi cùng dạy một trường. Tôi hơn anh hai tuổi nên ngày ấy nói chuyện với nhau đều xưng tên và tôi đã không hề ngờ rằng anh chàng nhỏ tuổi hơn này sau đó là chồng tôi.
Đến một ngày, anh mời tôi đi uống cà phê và nói:
-         Ba Xuân biết Thu. Ba nói ba má Xuân biết gia đình Thu rất rõ.
Tôi ngạc nhiên:
      - Vậy à?
Anh cười cười nói tiếp:
-         Ba còn nói ba má Xuân muốn làm sui với ba má Thu đó!
Tôi tiếp tục ngạc nhiên:
-         Hả?  Thiệt hông? Đừng có giỡn chuyện này à nghen!
-         Thiệt mà! Hổng tin bữa nào Thu hỏi ba Xuân coi!
Tôi nghĩ thầm hổng biết anh chàng này đang nói giỡn hay là đang tỏ tình với mình đây.  Làm sao dám đem người lớn ra mà nói giỡn, còn tỏ tình mà kiểu này thì thiệt là…kì cục!Tôi ngồi im không trả lời. Chặp sau anh hỏi, giọng có phần bối rối:
-         Thu…Thu…thấy sao? Xuân đang chờ Thu trả lời!
Tôi đáp nhanh:
-         Bất ngờ quá. Thu cũng không biết nói sao!
Bỗng nhớ ra một điều quan trọng, tôi nhìn thằng vào anh. Lúc ấy mặt anh đỏ như  gấc. Tôi cũng thấy mặt mũi mình nóng ran lên. Tôi ngập ngừng hỏi nhỏ:
-         Đó là …ý của ba má Xuân! Thu…Thu…muốn biết  còn ý của Xuân thì  sao kìa!
Hình như chỉ chờ có câu hỏi đó. Anh chàng vội vàng trả lời và tự nhiên bị…cà lăm:
-         Ồ! Xuân…Xuân…muốn Thu…muốn Thu…từ…từ…lâu rồi!
Tôi bật cười. Anh cũng cười. Rồi cả hai cùng cười to. Tôi hẹn một tuần sau trả lời! Và thế là sau đó chúng tôi thành vợ chồng!

Sau này tôi mới biết được đó là lần đầu tiên và duy nhất anh tỏ tình và cầu hôn theo kiểu ấy. Anh bạo gan ngỏ ý với tôi đúng là nhờ sự động viên và cố vấn của cha chồng tôi. Trước đó cũng có nhiều cô thích anh, trong số đó có một cô tên Sa rất yêu anh và tấn công anh bằng cách lấy lòng má anh. Hằng ngày cô đến phụ má anh dọn hàng ra chợ bán. Hồi đó má anh có gian hàng bán đồ khô ở Chợ Lớn. Ngày Chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy, cô chạy đến khóc với má anh và cùng ngồi với má anh ở chợ để bươi lại đống tro than của gian hàng hầu kiếm lại chút gì còn sót! Anh kể lúc ấy anh cũng cảm động lắm nhưng chẳng thấy thích Sa có lẽ vì anh nghĩ ai lại cọc đi tìm trâu! Tính anh cũng nhút nhát. Bông lơn là vậy nhưng khi đụng tới chuyện con gái là im thin thít. Nghe nói sau này cô Sa có chồng và cùng chồng vượt biên sang Mỹ, hai vợ chồng không có con và họ đã li dị.

Chúng tôi có hai con trai. Cuộc sống của vợ chồng tôi nói chung cũng ổn, dù rất nhiều khi tôi  thấy mệt mỏi vì tính vô lo của chồng. Có khi tôi có cảm giác mình là người mẹ đơn thân có ba người con trai. Sau giờ dạy anh không bao giờ từ chối những chầu cà phê hay những cuộc vui lai rai với bạn bè. Vì anh vui tính nên anh có rất nhiều bạn bè. Những việc trong ngoài gia đình đều do một tay tôi bươn chải, từ việc dạy học, kiếm sống cho đến việc quán xuyến trong nhà. Những khi tôi phàn nàn thì anh  không giận mà chỉ nói vì em lo ngon lành hơn anh nên anh để cho em lo luôn! Chán thật! Nhưng cũng may là tôi luôn tự an ủi mình, thôi kệ, dù sao anh cũng không có thói trăng hoa và vũ phu như một số chồng của bạn tôi. Anh cũng không khó chịu xét nét bắt bẻ mà hay chọc cho tôi cười xoà mỗi khi tôi bực mình. Dù sao anh cũng là một người chồng chung thuỷ và là một người cha dễ chịu và yêu con hết mực!

Một hôm, sau khi uống cà phê với bạn bè, anh hí hửng về nhà xoè ra trước mặt tôi hai tờ giấy 100USD ( lúc ấy tương đương khoảng  bốn chỉ vàng ). Anh nói:
-         Em cầm tiền này muốn mua sắm gì trong nhà thì mua.  Anh thấy mình chưa có máy giặt và đầu máy video đó!
Tôi ngạc nhiên:
-         Tiền đô-la ở đâu anh có vậy?
Anh cười hể hả:
-         Tiền đô-la thì là ở Mỹ chớ ở đâu!
Tôi cau mày:
-         Thôi đừng giỡn nữa Tiền này ai đưa cho anh?
Anh ngập ngừng một hồi rồi nói:
-         Anh mới gặp Sa. Cổ mới ở Mỹ về và tình cờ gặp anh ở quán cà phê. Cổ nói muốn tặng anh một món quà mà lâu quá rồi nên không biết anh thích gì! Cô bảo đưa món tiền này về đưa em nhờ em mua sắm giùm cổ món  gì còn thiếu trong nhà mình. Coi như là tấm lòng của cổ!
Tôi sững sờ, cảm thấy người lạnh ngắt! Và đó là lần đầu tiên tôi to tiếng với chồng:
       - Nhà này nghèo thiệt, còn thiếu nhiều thứ thiệt. Nhưng tôi không cần món quà này! Anh cầm tiền này đi làm gì đó thì tuỳ anh, tôi không cần biết! Thật không thể hiểu nỗi! Anh nghĩ sao mà cầm món tiền này từ tay cô Sa , mà lại còn đem về đưa cho tôi nữa!!!

Trần Thảo Nguyên ( 26/3/2012

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

the top 25 immigrants in Canada!


 BBT: Chúng tôi vừa nhận được thư của bạn Trần Thiên Ái, là con trai của thầy Trần Văn Mẫn, xin đăng lại thư cùng bài viết của báo Nguồn Việt viết về những nỗ lực và thành tựu của Ái để có thể dẫn đến thành công ngày hôm nay - lọt vào vòng chung kết Canada’s Top 25 Immigrants -
Xin chúc mừng đến Thầy Cô Trần Văn Mẫn, bạn Thiên Ái và cầu chúc bạn đạt được kết quả cao nhất trong vòng bầu chọn này.

...........


"Kinh thua BBT,

Dau thu em xin thanh that cam on BBT da viet ve nomination cho giai thuong 25 Nguoi Di Dan Hang Dau Canda tren trang mang SPQN.  Em cam thay that vinh du khi BBT da viet ve nomination cua em. 

Em xin gui den toa soan bai viet moi nhat ve viec em duoc may man duoc chon lua vao vong chung ket (tu hon 500 nguoi duoc ung cu).  Bai nay duoc dang tren Nguyet San Nguon Song tai Oklahoma, Hoa Ky. 

Hien tai hiep hoi Alumni cua truong dai hoc hang dau Canada McGill University, noi ma em da tot nghiep nganh cong tac xa hoi voi bang danh du (Honors), cung dang giup em van dong voi nhieu ngan thanh vien cua ho de bo phieu online cho em.  Chieu thu Tu (March 29), em se co phong van voi dai truyen hinh SBTN tai Toronto. 

Mot lan nua, cam on BBT rat nhieu.  Em se den California vao April 04 de tham Ba Ma em.  Em cung se den tham co Hieu, lan dau tien sau hon 34 nam.  Em hy vong se duoc thua chuyen voi BBT nhieu hon khi em co dip sang California lan nay.

Kinh,
Tran Thien Ai"

.................


Tại đất nước Canada, từ năm 2009 có một giải thưởng được lập ra nhằm vinh danh những người dân nhập cư vào Canada (immigrants) về các thành tích hoạt động cho cộng đồng và những cống hiến cho đất nước Canada. Giải thưởng này công nhận những thành tựu của những người nhập cư từ mọi tầng lớp xã hội. Mỗi năm số người được đề cử từ các cơ quan hoặc cá nhân khoảng hơn 800 người. Sau khi sơ khảo, 75 người sẽ được chọn vào vòng chung kết. 25 trong số những người được chọn vào chung kết sẽ được trao giải Canada’s Top 25 Immigrants. Giải thưởng là 500 dollar Canada, nhưng giá trị tinh thần và niềm tự hào cho cộng đồng thì vô giá.
Một niềm vinh hạnh cho cộng đồng người Việt tại Canada nói riêng và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung là trong số những người được chọn vào vòng chung kết cho 2012 Canada’s Top 25 Immigrants có anh Trần Thiên Ái, người Việt Nam đầu tiên được bình chọn.
Trần Thiên Ái bắt đầu ra nước ngoài khi anh vừa 20 tuổi. Trong suốt hơn 12 năm đăng đẳng tại trại tỵ nạn Philippines, đối mặt với muôn vàn thử thách, anh luôn giữ một tinh thần lạc quan, tận dụng khả năng ngoại ngữ của mình để hướng dẫn, giúp đỡ những người Việt tỵ nạn đồng hương trong trại học tiếng Anh. Từ đó, Thiên Ái bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp xuất sắc của mình trong công tác xã hội với tư cách là một cố vấn cho Community Family Services, một tổ chức nhân đạo quốc tế có trụ sở tại Philippines. Mặc dù bận rộn với công việc thiện nguyện, bất chấp bao nhiêu khó khăn vì là một người tỵ nạn không quốc tịch (stateless refugee), anh Thiên Ái vẫn cố gắng theo đuổi chương trình học chuyên ngành tâm lý học tại Trinity College và giành được một suất học bổng cho thành tích học tập của mình
Vào năm 2001, Thiên Ái đến được Canada. Bắt đầu từ một nhân viên tại một kho hàng của một công ty tại Montreal, chỉ sau bốn năm anh đã trở thành Human Resources Coordinator của công ty. Từ một người đã từng tuyệt vọng tìm kiếm một công việc cho chính mình, anh trở thành một người trong những người điều hành, phụ trách việc tuyển dụng nhân viên cho công ty.
Tuy làm việc full time, anh Thiên Ái vẫn dành thời gian để theo học ngành công tác xã hội (Social Work) tại McGill University và đã tốt nghiệp với bằng danh dự. Được xếp hạng trong số 15% sinh viên ưu tú, anh Thiên Ái được công nhận là một thành viên trọn đời của Golden Key International Honor Society. Năm 2006, Trần Thiên Ái là một trong số 10 sinh viên trên thế giới đã giành được học bổng quốc tế của Golden Key International Honor Society dành cho các thành viên nổi bật đạt được thành tựu học tập xuất sắc trong khi vẫn duy trì tốt các công tác khác ở gia đình và nghề nghiệp. Năm 2007, anh được tạp chí Thời Báo bình chọn là một trong những sinh viên Việt Nam nổi bật tại Quebec để trao học bổng.
Từ 2006 đến 2009 tại Montreal, ở cương vị là một Social Worker, Trần Thiên Ái đã được đánh giá rất cao cho công tác vận động cho quyền lợi của các cụ cao niên từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Trong năm 2007, anh tình nguyện giúp đỡ những người xin tỵ nạn tại Covered Garden, YMCA, Montreal. Đến năm 2008, anh Thiên Ái được bổ nhiệm làm phụ tá một nhà nghiên cứu tại McGill School of Social Work. Vào năm sau, anh đạt giải thưởng Aronoff Sadie của McGill University về kỹ năng lãnh đạo.

Qua những thành quả đạt được Trần Thiên Ái đã được bổ nhiệm làm Giám Đốc Điều Hành của Vietnamese Canadian Federation và Vietnamese Canadian Centre vào năm 2009. Gần đây nhất, anh đã chứng tỏ khả năng của mình trong vai trò nhân viên của Ministry of Community and Safety Correctional Services của cơ quan chính quyền Ontario. Năm 2011, những đóng góp của anh Thiên Ái được công nhận bởi Citizen Advisory Committee, Ottawa Parole, Correctional Services của chính phủ Canada.
Trên cương vị là một Social Worker, anh Ái đã chứng minh kỹ năng của mình trong việc đánh giá nhu cầu của những người dân thuộc các sắc dân khác nhau từ các tình trạng cá nhân đến vấn đề sức khỏe. Điểm mạnh của anh là xác định và phát triển các phương thức thích hợp cho các cộng đồng văn hóa đa dạng, cũng như thảo ra các kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi, và hỗ trợ từng cá nhân và gia đình để xác định vấn đề cần phải làm từ đó phát triển các kế hoạch hành động thích hợp để giúp người dân có được đời sống tốt hơn.
Trần Thiên Ái và những cống hiến của anh cho đất nước Canada là một tấm gương cho người dân trong cộng đồng và những di dân mới nhập cư đang trải qua những bước đầu thử thách như anh đã từng trải qua.
Hiện nay, anh Ái lại tiếp tục lao vào các hoạt động thiện nguyện khác nhau tại Ottawa để giúp gây dựng các cầu nối giữa các cộng đồng và khuyến khích sự giao thoa hòa hợp các nền văn hóa tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân Canada.
Thành tựu của anh Ái là thêm một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta. Nếu quý đồng bào muốn tham gia vào cuộc bỏ phiếu bình chọn cho anh Trần Thiên Ái, quý đồng bào có thể vào website sau để bỏ phiếu:http://canadianimmigrant.ca/canadas-top-25-imms-2012/vote

Người thầy dấu yêu !


          Trí nhớ của Con thuộc dạng không tốt lắm ! Chỉ còn nhớ tên Thầy , Thầy Nở dạy môn Sư Phạm lí thuyết , Thầy không được cao lắm , như hầu hết các Thầy trường SP dạo ấy đều có dáng như thầy  , nhưng sao thật tuyệt vời , một vầng trán rộng ,  một trí tuệ tuyệt hảo , một tâm huyết người Thầy rạng sáng , một hình ảnh suốt đời Con nguyện noi theo . “Không phải mèo khen mèo …” Nhờ Thầy khó (… Cúa 1 ) , Con nhớ như in , bài kiểm tra viết con 18,5 ( điểm 20 ) , Thầy cũng không tin , gọi lên bàn , đứng xuôi tay , đọc trình tự các môn dạy làu làu , Thầy gật đầu mỉm cười , cho về chỗ . Bạn nào hơi vấp , a lê hấp về chỗ ngay , cho nợ , lần sau, liệu hồn , nếu 3 lần không thuộc , cơ may xách gói ra trường sớm , mất dạy cả đời !
          Nhờ vậy 40 năm giảng dạy , 36 năm làm quản lí , kiến thức Thầy dạy , Con nhớ như in , bí chỗ nào , kiến thức xưa soi sáng chỗ ấy , thật tuyệt vời ! Làm hiệu trưởng tiếp nhận hàng trăm giáo sinh ,ra trường trình diện , điều đầu tiên Con trao đổi là :  Anh , chị trình bày  sơ nét về trình tự bài dạy , các em đều chữ thầy trả cho Thầy , lơ mơ câu được câu mất . Bài học tiếng Anh ngày xưa  con còn nhớ … : -Thầy giáo là một nghệ sĩ , nghệ sĩ đứng trên sân khấu thế nào , Thầy giáo đứng trên bục giảng cũng vậy . Kịch bản không thuộc  thì làm sao diễn  tốt được ! làm sao thu hút được khán giả ! Thầy thật chí lí khi yêu cầu giáo sinh phải thuộc nằm lòng trình tự các môn dạy tiểu học .
          Cách đây 5 năm , có dịp trở về Nha Trang thăm trường cũ ngày xưa mình dạy . Tình cờ ,Thăm Thầy Tiền , Chánh thanh tra giáo dục tỉnh Khánh hòa ngày ấy , mới biết Thầy hiện sống tại Thành ,huyện Diên Khánh ,  gần chợ Thanh Minh , nơi ở trọ của Tôi ngày đầu đi dạy .Gặp Thầy một buổi chiều ,Thầy đang tưới cây kiểng , với bước đi khó khăn , Thầy bị tai biến ! Sau trên 30 năm gặp lại , Thầy vẫn như xưa , vẫn ánh mắt như hút hồn người người tiếp xúc , Thầy ân cần hỏi thăm , Thầy rất vui khi nghe tin Tôi còn dạy học , dù tai biến đi lại khó khăn , nhưng Thầy vẫn  nhận dạy phụ đạo  học sinh gỏi tiếng Anh của huyện ( hình như Thầy đã từng du học trời Tây … )
          Hôm nay, qua thông tin của bạn  Thạch , Thầy đã vĩnh viễn ra đi …( hẹn gặp Thầy cõi vĩnh hằng ) …nhưng Thầy vẫn còn in dấu mãi mãi trong con . Suốt đời con không quên công ơn của Thầy . Để trả nợ  ơn Thầy , Con chỉ biết làm tốt nhiệm vụ của mình , mặc dù rất gian nan , nhưng không khác được vì là học trò của thầy ! hai năm nữa , con đường phục vụ sẽ kết thúc , mong sao giữ trọn lời Thầy !!! 

.Suối nho , 27/3/2012.
Võ Thủ Tịnh người học trò của Thầy .

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...