Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

TIẾC THƯƠNG NHẠC MẪU

                                                                                                                Phạm Mộ Đức

                                           


                                                                         Điều lo sợ từ lâu đã đến :
                                                                         Mẹ âm thầm tách bến phù sinh !
                                                                        88 năm - cuộc hành trình
                                                                        Dặm dài bao nỗi gập ghềnh , xót xa ...
                                                                                                0
                                                                        Nhớ xưa mẹ con nhà khá giả
                                                                        Lấy chồng rồi vất vả , gian lao
                                                                       Cuốn theo vận nước  bể  dâu
                                                                       Ly hương ngàn dặm
                                                                                                  dãi dầu mưu sinh ...
                                                                                                0
                                                                       Dù gian khổ , thiệt mình ... cũng mặc
                                                                       Mẹ không hề oán trách , thở than
                                                                       Chắt chiu bạc cắt thành ...vàng
                                                                       Mua nhà , sắm "  xế " *...,thi gan với đời !
                                                                                                 0
                                                                       Rồi tai nạn " trên trời " giáng xuống
                                                                       Chân bất tuân ý muốn mẹ rồi !
                                                                       Ngồi nhìn ngày tháng năm trôi
                                                                       Mẹ dần dần tắt nụ cười héo hon !
                                                                                                  0
                                                                      Mẹ như thể mất hồn từ đó
                                                                      Cuộc sinh tồn như có như không !
                                                                      Những khi con cháu vui đông
                                                                      Nhìn hình dáng mẹ mà lòng xốn xang !
                                                                                                  0
                                                                      Mẹ tuy đã suối vàng khuất dạng
                                                                      Đức Tính còn soi sáng cháu con :
                                                                      Chí Tự Lập
                                                                                         Dạ Sắt Son
                                                                      Lo  Xa -- Kiên Nhẫn
                                                                                             Giấu  Buồn -- Quên Thân !

                                                                                                Phạm  Mộ Đức
                                                                                           ( Nhatrang , 08/3/2013 )
                                                             -------------------------------------------------------------------------
                                                            * Xế : xe Honda
                                                                                               

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

XE LAMB

                                                                                                                                Đỗ Hữu

                   


      Hơn 44 năm , chưa một lần thăm lại mái trường xưa, dù chỉ dừng lại một chút thôi, trước cổng trường. Một chút thôi mà sao quá đỗi !
Nếu...nếu...
      Âm vang nhẹ đâu đó, như lá chắn, ngân nho nhỏ, nói thì thầm, tan trước cổng trường, như mơ hồ sóng ôm bờ cát biển Qui Nhơn, như nước mặn trong xanh Ghềnh Ráng rì rào, như gió lùa hàng cây phi lao ôm nhẹ dáng sân trường !
      Còn đâu bóng dáng xe lamb già cần cù ghé bến cổng trường Sư phạm ngày xưa. Ôi ! Tiếng máy xe lamb, tiếng nổ poong...poong rất giòn , trong, quấn quýt mùi gió biển, mùi dầu xe lamb phảng phất rất riêng ...Những chuyến xe đi đi...về về bến đậu , bến chờ , làm con đò đưa đón giáo sinh. Ô hay ! mùi xăng ấy có khác chi mùi xăng bây giờ ? 
Xe lamb đông khách . Khách lại là giáo sinh SPQN ! chú tài vui lắm hỉ ? Chú lại nhích sang bên trái, nhường chút cho giáo sinh nữ " ngồi ké " và...cũng có lúc cũng là...tôi ? Ôi ! Lại là chỗ ngồi ké kỷ niệm của hai năm thanh xuân sư phạm ngày nào, của bạn ? Và của tôi !
Các bạn của tôi ơi ! Hôm nay, người còn, người ở xa và có người đi...đi mãi :
Ai đem năm tháng chia đôi ngả
Một chút hồn nhiên rũ tóc buồn
Ai đem con sóng xô bờ cát
Bỏ mãi ta về với tịch liêu
       .....Hơn bốn mươi bốn năm...xe lamb. Chú tài xe lamb, nước da ngâm ngâm, cái nón nhàu nhàu, miệng cười hiền khô. Mỗi sáng , chiều, dù nắng hay mưa, sau lưng chú tài luôn có dáng ngồi của giáo sinh nữ , bóng trai trẻ của giáo sinh nam , nói nói, cười cười . Chú tài ơi ! Chú có vấn vương giáo sinh sư phạm chúng tôi sau những ngày đón, lần đưa những tâm hồn trẻ, rất trẻ , dạt dào niềm yêu thương luôn hướng về phía trước trên những " chuyến đò xe lamb " in dấu kỷ niệm ngày nào !
                           


       ...Xa quá rồi ! Xa gần bằng một thế kỷ chia đôi ! Con đò cũng ì ạch với gió và sương. Lâu...lâu rồi...bờ cũng bên bồi bên lở...
                                                                    (Đã chỉnh sửa, rút gọn)
                                                                               Đỗ Hữu

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Dáng Mẹ

                                                                                                                                         Ky Nguyen
           



Một đời Mẹ tảo tần.
Nuôi con rồi nuôi cháu.
Đêm trăng sáng vằng vặc.
Mẹ ngỡ đã đến giờ.
Dậy hâm cơm, đun nước.
Ăn rồi, ngồi đợi mãi.
Trời vẫn sáng trăng suông.
Con cháu say giấc nồng.
Vẫn vùi trong chăn ấm…
Chén trà nóng chuyền tay.
Mẹ thay phiên ấp mắt.
Mắt Mẹ dần mờ đục.
Bởi vất vả chất chồng...
Dáng Mẹ vẫn còn đây.
Phảng phất nơi nhà cũ.
Có lúc chợt giật mình.
Sao…ta giống Mẹ quá?!
K.N
( Vu Lan 2015)

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

                                                                                                                           Yth Nguyễn Thy Tứ

                                                                                       


      Trốn Bố Mẹ, anh em chúng tôi ra đầm Thị Nại bắt cá. Thường vào buổi chiều, thủy triều rút xuống, để lộ ra một giải cát ướt. Nước đọng vào chỗ trũng, tạo thành vô số những vũng lớn, nhỏ.
Chúng tôi đi chân không, chạy ùa xuống bãi. Mỗi đứa cầm sẵn một cái vỏ lon sữa bò để đựng cá. Dễ dàng nhất, là tìm những chú cá bống, nằm thập thò trong khoang các mảnh chén vỡ, gáo dừa lật úp. Con cá chỉ ló ra một phần đầu. Chúng tôi nhanh nhẹn giơ tay chặn trước mặt cá, nó vội thụt vô trong. Thế là chỉ việc ngửa bàn tay, luồn vào tóm gọn lấy nó, bỏ trong lon đã có sẵn nước và một ít rong rêu.
Cá chạy “đường trường” khó bắt lắm. Ít nhất, phải có hai đứa hợp sức bao vây, mới dồn đuổi cá trốn chạy, nép vào một vật gì đó. Rồi mỗi đứa, xòe hai bàn tay theo thế “gọng kìm” sẽ từ từ, khép vòng vây lại. Đôi khi, háo thắng, một đứa chụp vội, thừa thế sơ hở, cá vùng chạy thoát! Nó “khôn” lắm: Vẫy mình môt cái, màu da xám trắng, thoắt đã biến thành từng khoang xám, khoang nâu, khoang đen, khó nhận dạng lắm rồi! Cũng có những con cá, ẩn mình trong đám rong rêu, hoặc một loại cỏ mọc xanh rì, cao khoảng gang tay người lớn. Chúng tôi đưa ngang bàn chân, cầu may, tạt ngược vào bờ. Vui thích lắm, khi nghe tiếng con cá giãy đành đạch trên cạn. Nhưng chơi kiểu này, có lúc cũng rợn người: Lỡ gặp vỏ sò hay mảnh chén vỡ, bàn chân sẽ bị cứa rách một đường dài, tươm máu như chơi!
      Ngoài ra, cũng có thể bắt những con “đầu cua đít ốc”, đúng như tên chúng tôi đặt cho nó: Bên trong vỏ là mình ốc, lộ ra ngoài là hình cua. Có người gọi là “ốc mượn hồn”. Chúng tôi cũng chẳng cần tìm hiểu xem: Vốn, Trời sinh nó như thế, hay do lang thang không nhà, nó đã tìm được một chỗ nương thân?
Cả bọn đang mê mải theo dấu những con cá, bỗng tiếng con Thơ kêu ré lên: “Trời ơi! Chết em rồi”! Nó ôm chân, ngồi bệt trên cát ướt, mặt méo xẹo! Thơ vừa bị “cá Mau chích” rất nhức buốt, đã rớm nước mắt! Anh Huân vội nặn máu nơi vết thương, là 1 dấu đỏ dưới lòng bàn chân. Rồi dìu con Thơ đứng dậy. Chẳng ai bảo ai, bọn chúng đành bỏ dở cuộc vui, tiếc rẻ ra về! Lên tới bãi cát khô, đứa nào đưa nấy nhanh chóng vùi chân vào cát, phủi sạch, cho chân khô ráo. Con Thơ còn ráng căn dặn:
- “Nếu ai mách với Bố Mẹ, sẽ… mắc tội trọng đấy”!
Về tới cổng nhà, cả bọn lấm lét nhìn quanh. Thấy yên ắng, từng đứa lẻn nhanh
vào trong sân, tìm góc khuất giấu mấy lon đựng cá. May quá, Bố Mẹ không biết gì (?)
Mọi sự đều trót lọt. Cho đến tối, tiếng con Thơ khóc rấm rứt trên giường ngủ. Mẹ nó hỏi:
- Thơ! Con bị sao vậy?
Nó òa khóc: - Mẹ ơi! Con bị cá Mau chích, đau nhức lắm!
Rồi xong! Mọi “chiến hữu” đều tuyệt đối im lặng để giữ tròn lời hứa, chính con Thơ bội ước, tự thú nhận tội lỗi mình.
Bố giận mắng: - Cho chết! Ai bảo trốn đi bắt cá?
Rồi Bố vội vã chạy đi hỏi thăm trong số những dân chài giàu kinh nghiệm, là phụ huynh học sinh của Bố. Họ bày cho Bố tới tiệm hớt tóc của ông Hương xin một mớ tóc vụn. Bố hối hả trở về, giục Mẹ Thơ ra chuồng gà, quét gom lấy một ít phân gà khô. Bọn anh chị em nó xúm lại, bưng bếp lò ra, nhen lửa, đốt vỏ bào, bỏ lên một nhúm than hoa, quạt lia lịa. Than vừa bén lửa, Bố cho phân gà vào, đốt cùng với tóc. Khói bốc lên, con Thơ ngồi trên ghế dựa, Bố cầm bàn chân nó, hơ qua hơ lại, hứng lấy làn khói.
Công hiệu như thần! Khói tỏa đến đâu, con Thơ thấy cơn đau dịu đi đến đấy. Mặt nó tươi hẳn lên, lẫn chút ngượng ngùng, xấu hổ. May, nó nhát gan, đã thú tội…trước nửa đêm, khỏi phá giấc ngủ của cả nhà! Chúng quen miệng gọi: “Cá Mau chích”, nhưng thực sự, cả bọn chưa đứa nào nhìn rõ hình dáng con cá Mau ra sao. Chỉ thấy có một đụn cát vun lên, chính giữa là một vòi nước nhỏ trào ra liên tục, như 1 cái giếng phun bé xíu. “Nhà” của con cá Mau đấy! Có lẽ ngạnh hay vây cá đâm phải đó thôi. 
Sáng ra, những con cá “chiến lợi phẩm” chiều qua, được nuôi trong lon sữa bò đã chết cứng, nổi phềnh trên mặt nước váng rỉ sắt. Bố bắt cả bọn gom cá lại, rồi Bố lấy mấy lớp lá chuối tươi, gói vuông vức, đem nướng “ối ái” trên than hồng. Con mèo tam thể của Bố được một bữa ngon lành!

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Khóc Mẹ

                                                                                                                    Mùa Vu Lan lại về
                                                                                                                    Thơ Đào Văn Tánh k7
                                       

Ảnh nguồn : Anh Hồng Nguyễn 

Mình hạc sương mai một tấm lòng 
Nghĩa tình trung hậu mẹ thủy chung 
Ra đi không đợi mùa xuân đến 
Chẳng gặp con yêu phút cuối cùng 
Năm xưa bên mẹ câu kinh kệ 
Tiếng mõ hồi chuông nhất tâm cầu 
Nay mẹ tiêu dao miền lạc cảnh 
Con về tim buốt lạnh lòng đau ! 
Mẹ ơi ! sinh tử lẽ vô thường 
Nhưng ân tình Mẹ nặng vấn vương 
Thắp nén tâm hương lòng khẩn nguyện 
An lành hồn Mẹ cõi Tây Phương 
Mẹ ơi ! còn lại những người con 
Bên bóng thân sinh tuổi đã mòn 
Xót xa quần tụ như giông bão 
Thôi suốt đời con những héo hon ! 
                                                                              7 - 12 Nhâm Thân
                                                                               ( Trang facebook : Hồng Định )

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

TÔI MUỐN....

                                                                                                                                  Do Phuc Van

                     


      Đã từ giã công việc. Đời sống với cơm áo gạo tiền đã không còn là những lo toan . Nhưng sao vẫn còn những đêm thao thức mất ngủ 
      Hình như trong lòng đang dậy lên những " Tôi muốn " mà đã ấp ủ nhiều năm ở quê người. 
Tôi muốn về thăm lại thị trấn Đập đá. Nơi cất tiếng khóc chào đời. Nơi có giòng sông của tuổi thơ. Tưởng chừng như mới hôm qua tiếng trống của trường tiểu học Đập đá vẫn còn giục giã. Tưởng chừng như mới đây thôi Mẹ mua cho cái áo mưa có đủ cánh tay và nút áo ( trước đó chỉ là miếng nylon cột vào cổ ) . Suốt một tháng trường mân mê chiếc áo : " Trời không mưa con cố lạy trời mưa " nhưng trời không mưa thật. 
      Thị trấn nhỏ bé nghèo nàn nhưng cũng để lại những dấu ấn thật đẹp từ những người bạn thủa " ở truồng tắm mưa " . Một Nguyễn Thái Dương đã có một chỗ đứng trang trọng trên thi đàn. Một Trần Văn Quý một thời đã là " ông lớn " của ngành giáo dục Bình định . Một Tống Anh Hoàng nhiều năm lẫy lừng trên sân cỏ với những cú đánh đầu ghi bàn tuyệt đẹp. Còn những Bùi văn Trí, Văn công Đức, Nguyễn văn Thạnh giờ ra sao ?
      Ngược cao nguyên, tôi muốn lên Ban mê thuộc. Tôi muốn dọc quốc lộ 14 để thăm lại thị xã Gia nghĩa của tỉnh Quảng Đức cũ. Nơi tôi nhận nhiệm sở đầu tiên và cũng là nhiệm sở cuối cùng của một nền giáo dục Nhân Bản Thị xã tăm tối đìu hiu một thời chết với cái tên " Đường không tên , nhà không số , phố không đèn " . Nghe nói người bạn cùng lớp Nhị 5 Tạ văn Nam đã từ lâu có cơ ngơi ở đó, đủ lớn để gọi là " đại gia " .
Tôi muốn tìm xem ra sao xã Phú Mỹ, Bà rịa. Nơi mà một đêm nào của 1982 tôi đã được đưa xuống đó để run rẫy ôm con bước xuống chiếc thuyền gỗ vượt đại dương. 
      Tôi muốn về Qui nhơn thăm lại trường Hải Cảng. Nơi tôi từ giã nghề dạy học vì biết rằng mình không bao giờ trở thành một "giáo viên 
tiên tiến " vừa hồng vừa chuyên. Tôi muốn thăm những người bạn mới chưa một lần gặp mặt. Tôi muốn thăm những người bạn cũ và nhất là những người bạn của 2 năm sư phạm , mà đã 41 năm qua chưa một lần gặp mặt kể từ ra trường Tôi muốn . Thăm đủ. Thăm hết. Thăm không ngại ngần dù bạn đang là " đại gia", " trung gia" hay " tiểu gia " .
      Nhưng thôi thúc mảnh liệt nhất vẫn là bãi biển Qui nhơn. Nơi những tình yêu lớn nhỏ bắt đầu. Thủa mới lớn ấy. Thủa " thèm yêu hơn thèm ăn " thì bãi biển Qui nhơn là chỗ đẹp cho những cuộc hẹn hò. Bãi biển có đường cong tuyệt đẹp, tua tựa đường cong đâu đó ở những cô gái độ xuân thì. 
Tôi muốn ngồi một mình. " lặng lẻ nơi này "nhìn mênh mông biển trời để nhớ Tô Thùy Yên. 
" Ta tiếc đời ta sao hữu hạn 
Đành không trải hết được lòng ta "
      Tôi muốn ngồi nhìn những đợt sóng lăn tăn đuổi bắt vào bờ. Tôi muốn ngồi ngắm hàng giờ những con sóng hiền hoà như thế. 
      Bạn ơi ! Sóng đời thì cuồng nộ nhưng sóng biển Qui nhơn ngàn năm chỉ dạt dào.
                                                                           
Thu 2015
                                                                                         Do Phuc van

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Khúc vui

                                                                                                                                          Bay Nguyen
                               
                                               


Mây thu tháng tám mưa chiều
Giọt thương giọt cảm ít nhiều giọt đau
Chân mây góc biển tìm nhau
Mưa rơi như trút gánh sầu trong tôi
Mỗi người riêng một khung trời
Gió thu man mác ru lời đong đưa
Trong tim vẫn có chỗ thừa
Phập phồng bong bóng cơn mưa nghiêng chiều
...
Một thời giông bão qua rồi
Khúc vui lại đến nay thôi hững hờ
Biển đời như thực như mơ
Ngày mai mây trắng tuổi ngà rong chơi
Thời gian liều thuốc tặng đời
Câu thơ ý nhạc mấy lời tặng ai.
                                                                                    Hương Đài

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Quê Ngoại, Ơi Con Sông Ngàn Nhớ…


Châu Thị Thanh Cảm
                        
    Có lẽ cũng như nhiều người, in sâu trong ký ức tuổi thơ của mình là những kỷ niệm về một miền quê xa lơ nào đó, miền quê mà ở đó mỗi sáng mỗi trưa thiu thiu bên cánh võng có câu hát ầu ơ của bà, có những khúc dân ca thắm đượm tình quê của dì của mẹ, những khúc hát đã nuôi dưỡng trong ta chất ngất tình yêu về một miền quê hương yêu dấu. Và với tôi cũng vậy, những năm tháng đầu đời, tôi lớn lên có phần hồn được ủ ngọt trong lời ru của bà, trong câu hò của mẹ, được dưỡng nuôi trong hương đất tình người của một miền quê yên ã nằm bên bờ con sông Lại hiền hòa… Bồng Sơn! Quê ngoại ấy, của tôi…!
      Quê ngoại tôi, một miền quê êm đềm có hàng dừa xanh thả bóng buông mình xuống dòng Lại Giang mềm mại. Con sông dài uốn lượn như một dãi lụa xanh lơ vắt ngang đôi bờ dốc trĩu nặng ân tình. Sông hiền lành và bao dung như có ai đó đã từng ví “Lại Giang như vòng tay mẹ dang rộng để ôm ấp chở che cho đàn con nhỏ”. Mùa hè, sông dịu dàng đằm thắm, sông êm ã lắng trôi, mùa mà dòng sông như “Cô gái đương thì đang trải nằm tắm nắng, để lộ nét đẹp hoang sơ mộc mạc mà rất ư là quyến rũ!” Mùa đông, cũng như bao con sông quê khác của miền Trung, mưa trắng trời cùng ù ù những cơn gió xé qua bờ bãi, lũ dữ kéo về và con sông trắng xóa đôi bờ nhấn chìm thôn xóm, sông lúc này ầm ào hung hãn, sẵn sàng nuốt trôi và cuốn phăng mọi thứ xung quanh. Nhưng rồi, sau phút giây đỏng đảnh giận dỗi ấy, sông lại hiền lành mơn man vỗ về triền cát, lại phủ đầy hương ngọt phù sa tràn lấp đôi bờ!

      Ngoại tôi có tất cả ba người con, hai gái và một trai, mẹ tôi là chị cả và dì là em út. Mẹ và dì  tôi ngày đó được tiếng là hai trong những cô gái xinh xắn trong thôn, dì và mẹ có giọng hát ngọt ngào và tiếng đàn mandolin trong vắt của hai chị em mẹ cứ làm tôi mê tít! Có lẽ mẹ và dì đã may mắn thừa hưởng nét đẹp dịu dàng và năng khiếu bẩm sinh ấy từ ngoại của tôi ? Dì hơn tôi mười tuổi, tôi vẫn nhớ đến dì với một khuôn mặt đẹp và nụ cười hiền! Không biết có phải các cô gái Bồng Sơn ngày đó lớn quyện cùng ngọt ngào hương mía hương dâu, hay nồng say trong ngất ngây hương dừa, hương bưởi của những ngày tháng ba nắng chói? Mà sao đôi mắt của họ cứ trong veo? Nụ cười của họ cứ như mật ngọt, cứ lung linh tỏa nắng?  Những nụ cười, đôi mắt đã từng níu bước bao người…!
     
   Nhà ngoại tôi nép mình dưới những hàng dừa cao vút, nó lọt thỏm an lành giữa một khu vườn rộng bên con đường làng cong cong ở thôn Phụ Đức yên bình, một trong hai thôn nổi tiếng với loại cây trái mọng nước, loại trái cây thủy chung xanh vỏ đỏ lòng, một loại bưởi ngọt thanh mà dân gian đã từng ca tụng…
     “ Ai về Phụ Đức, Trung Lương
        Ai lên Thế Thạnh, An Thường buôn tơ
        Bưởi ngon ít có ai ngờ
        Quà quê thưởng thức bao giờ cho quên…!”
                    

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

MỘT VÀI Ý NGHĨ KHI ĐỌC “HƯƠNG THỜI GIAN ”

                                                                                                                                                Hac Ngan

                                             

Vừa qua  rất hân hạnh nhận được tác phẩm  Hương Thời Gian của Cô Châu Thị Thanh Cảm
gởi tặng., tôi rất mừng .Trước tiên Xin chân thành cảm ơn CôThanh Cảm .  
                                                                                     
 * Sách dày 270 trang,khổ 20x30 thật tao nhã
Đọc từng lời,rất thú vị với cú pháp –văn phong mà Thanh Cảm đã viết  .Tổng số 45 hồi ký và 1 truyện ngắn    Đầu tiên là lời giới thiệu của nữ văn sĩ trẻ Việt Hà.
 *Tôi vốn không hay viết văn,và nhất là nhận định về một tác phẩm .Nên bài viết này có tính cách giáo khoa ,nhiều luộm thuộm,sơ sót,Mong cô Thanh Cảm thông cảm nhé

      I/Tổng quát  … Tình muôn thuở còn vươn
                                 Hương thời gian thanh thanh
                                 Màu thời gian tím ngắt …(Đoàn phú Tứ )
 Đọc thơ củaThi sĩ Đoàn Phú Tứ bạn sẽ thăng hoa tư tưởng rồi hoà lẫn với những trang sách của Thanh Cảm , bạn sẽ nghe tiếng ngọt ngào thi  thứ văn chương Nào mời bạn cùng tôi dạo qua một lượt vào HươngThòiGian * Phàm khi đọc 1 quyển sách ,việc đầu tiên là xem phần trình bày và ấn bản sản xuất 
* a/-Nhà xuất bản Văn Học là nơi uy tín nhất trong văn học nước nhà Thường những tác phẩm được Văn học ấn hành luôn có uy tín về  nội dung hay tác giã (Tôi còn nhớ hồi còn thanh niên Khi vào tiệm sách ,bọn SV chúng tôi,cứ hễ thấy sách của Lá Bối hay An tiêm ấn hành là mua cho bằng được Vì họ đã sàng lọc và chọn những tác phẩm đăc sắc nhất)
* b/- Hình bìa Hương Thời Gian thật ấn tượng và tao nhã:  Một ký ức êm ả của thiếu nữ áo tím, bình thản nhìn về chân trời xa xăm, Biển khơi với từng đợt sóng trắng,xa xa một cánh buồm nặng trĩu ,bồng bềnh những kỷ niệm  một thời :“ Buồn trông cửa bể chiều hôm Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…Chân mây mặt nước một màu xanh xanh…(Nguyễn Du)
     Ngay cả cách phối màu cũng được tác giả cân nhắc .Sự đối kháng trong bố cục màu theo đinh luật phản phục của triết học đông phương ( Có dịp chúng ta sẽ phân tích nhiều hơn Vì trang viết có giới hạn,và nói nhiều e lạc đề ,xin quý bạn thông cảm)
II / Chi tiết    …
     “…  Khói lam chiều buông chơi vơi… Đã đã mấy chiểu thu lá vàng ngập lối…”
Tiếng hát Phương Dung với bản “ Khói lam chiều “ làm tâm hồn tôi ngất ngây, nhìn khói thuốc oằn mình trong gian phòng chật hẹp,  mình đã có đủ hương vị để thưởng thức  Hương thời gian,
Hầu hết các đề tài Thanh Cảm viết là những hối ức về thời niên thiếu ,những kỷ niệm thời sinh viên , khi dạy học và các lần hội ngộ tri âm : SPQN 
(Theo ý riêng tôi )  Khi đọc Hương Thời Gian , tôi xin chia làm 5 phần như sau”
                              1/-Tình gia đình       2/- Tình thiên nhiên
                              3/-Tình yêu              4/- Tình xã hội(Thầycô Đồng nghiệp con người)
                              5/-Tình mình
 III/- Cảm nhận   “…Vườn thơ của tôi rộng rinh… càng đi xa,càng ớn lạnh (Hàn mặc Tử)  Và xin mời bạn cùng tôi, chúng ta đi xa vào những trang sách, thênh thang  tìm những nét đẹp tiềm ẫn của  :Hương Thời Gian

           1/-  Tình gia đình :            Cánh cò cõng nắng cõng mưa
                                                     Mẹ cha cõng cả bốn mùa gió sương ( Ca dao VN)
*Thanh Cảm có một người cha đáng kính,Thật tuyệt vời khi ở nữa đầu TK 20,lúc nhiều người vẫn còn mang ý thức hệ bảo thủ ,thì Ông Cụ lại phóng khoáng trong giáo dục gia đình .Gần gủi,hướng dẫn con cái theo phong cách nhân bản và khai phóng . Là người trai thế hệ,Ông đã hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước ,rồi mới dấn thân chăm lo hạnh phúc riêng mình .        Một gia đình (Cha tôi trang 13)
 Một người mẹ suốt đời tảo tần lo cho chồng con ,Trong chiến tranh,cũng như lúc kinh tế khó khăn chật vật Bà vui với niềm vui của con cái,và chia sẽ nỗi niềm ưu tư của con mình ,khi con đi xa vẫn nở nụ cười buồn thương nhớ (T57)  Tôi xin chúc mừng CôThanh Cảm với tuổi thọ “Cổ lai hy” của hai Bác

*Với chồng con  :       Nhơn cầu kim ngọc trùng trùng mãn
                                    Ngã nguyện nhi tôn cá cá hiền       ( Cổ thi)
Đó là phương châm sống của người trí thức trong giai đoạn văn hóa đông tây giao thời, mà những giáo sinh thời ấy, ai cũng thuộc nằm lòng và TC đã hiện thực hóa : một gia đình với sự thành đạt của con cái
     *  Suốt quyển sách Tác giã không nói nhiều về chồng con ,duy nhất trang 228 TC đã viết “ Đừng quên con nhé mẹ ơi “ Nói lên tình cảm của mình với nhạc mẩu
Và trang25+ 27 +145 thấy dung nhan người đàn ông đep trai, phong độ (Tôi nghĩ đó là chồng TC ( Nếu không đúng cho xin lỗi trước nhé) 
     * Với 3 cậu trai thành đạt và 1 rồng nhỏ mới chào đời, Thanh Cảm rất hạnh phúc,Trong hàng Cựu giáo viên tụi mình ,ít có người đựơc như thế
Ông bà ta thường nói : “Hửu phước kháng nhi tôn” Chỉ nhìn vào sự thành đạt của con cháu là biết nhà đó hưởng phước đức thế nào .Xin chúc mừng Thanh Cảm

  2/- Tình yêu  :                              Quan quan thư cưu tại hà chi châu
                                                       Yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu (Kinh thi Khổng tử)
Từ ngàn xưa tính lãng mạng đã là huyết mạch tâm hồn Và tình yêu trong Hương Thời Gian cũng diễn bộc được sự yễu điệu của thục nữ Yến Lam cùng chàng quận công Trí (Nỗi nhớ dịu êm trang 76) Khi chập chững vào đời ,mấy ai trong chúng ta là không có một vết hằn lưu luyến  (Tôi xin chia buồn với mấy vị chọn người tình đầu cho trọn kiếp trăm năm ) Bởi vì các bạn sẽ không có được cảm giác của YếnLam,khi ngồi trên cầu ,trông vời con nước chảy mà ngâm thơ Hoài Khanh :      “Con sông nào đã xa nguồn
                                                                                          . Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi …”
(Còn tôi :  Bây giờ  đang ngất ngây với tiếng hát Hoàng Oanh ,trong ca khúc “Bến giang đầu” của Lê trọng Nguyễn và đọc chuyện tình Yến Lam)

 3/-  Tình thiên nhiên   :: Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
                                     Bởi vì em vận áo lụa Hà đông …(Nguyên Sa)
* Nắng Sài gòn thật gay gắt như nắng miền trung ,và cũng bực bội khó chịu Chỉ có NS khi gặp lại aó lụa Hà đông là chợt mát, Nào mời bạn cùng tôi nghe TC diễn tả nhé : “Mấy hôm nay trời bổng nắng như đổ lửa,cái nắng gay gắt như thiêu đốt,mang theo làn gió nóng xát vào da thịt…”(trang 200)
           “Sài gòn nắng!Cái nắng đầu hạ hanh hao từng con phố…Nắng như một làn sương  mỏ   mỏng lãng đãng,lững lờ phủ xuống mặt sông vào những trưa lặng gió …”(124)
          Các bạn có thể tham khảo thêmcác trang,137  130 vv…       
         *  Nắng quy nhơn : Tháng 5 Quy nhơnvới những con phố nhỏ nhuộm màu vàng chở đầy sắc hạ…Gió từ biển khơi lùa về mang theo vị mặn chua chát ở đầu môi… “
         *Nắng Miền trung : Nào Sông cầu,Quãng ngãi nơi nào cũng có nét đẹp cả
            Những kỷ niệm trong HươngThờiGian mà Thanh Cảm thường nhắc đến là Nắng 
Ngoài ra còn có những đọan văn mô tả trời Mưa hay các cơn gió lạnh se lòng Vì trang viết có hạn,nên tôi chi tóm tắt sơ lược ,các bạn  sẽ cảm nhận sâu sắc hơn tôi   
         *Những địa danh và cảnh trí mỗi nơi Thanh cảm đi qua,đều  có những nét đặc thù riêng ,và chỉ có ngòi bút Thanh Cảm  là diễn tả được mỗi đặc trưng của mỗi vùng miền  .
                                                                


            Di Linh Đà Lạt hay phố phường Hà nội .khí hậu miền Trung,các nơi ấy chúng tôi  đều có dip đến thăm,Và  Hương Thời gian, như thay tôi ghi lại những  nét văn hóa riêng biệt mà tôi không thể diễn đạt được   (Khoảnh khắc mùa thu HN -,Ở 2 đầu nỗi nhớ vv )                        
           * Ngày còn đi học  những  năm xa xôi,Thầy giáo thường cho chúng tôi học thuộc lòng những bài văn tả buổi bình minh của Trần Tiếu, Tôi đi học củaThanh Tịnh hay  Tự lực văn đoàn  Các vị văn sỹ ấy đã giúp tôi sống hòa với thiên nhiên Về sau này,tôi ít khi thấy những ai lột xác được cảm xúc ấy. Và đến nay đọc Hương Thời Gian, tôi như tìm lại được sự ấm áp của văn chương tả thực dưới ngòi bút Thanh Cảm 

            4/- Tình xã hội             Tình xã hội mà tôi muốn nói là tình đồng môn Sư phạm, tình yêu thương đổng bào và tinh Thầy giáo mà Thanh Cảm đã diễn đạt trong văn chương


 **Cháy lên đi ngọn lửa yêu thương  T232 (Một truyện ký mà tôi đồng cảm nhất)

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày ra Trường của Khóa 2 Sư Phạm Quy Nhơn

 Họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày ra Trường của Khóa 2 Sư Phạm Quy Nhơn
                          tại Thành phố Huế ngày 15-08-2015 .
                                                                                                                 Nguồn ảnh : Chị Sen Pham



                                 

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...