Tìm về.
Irene.
Chiếc máy bay đảo mạnh rồi đáp xuống đường băng trượt dài theo phi đạo, trong máy bay Minh nhìn qua cửa sổ, sân bay Phù Cát mù mịt trong mưa.
Lúc còn ở Việt Nam, những chiều mưa bao giờ Minh cũng tìm đến Trâm. Mưa ở Quy Nhơn buồn da diết và cũng rất lãng mạn, Minh và Trâm mặc áo mưa hoặc che dù đi bộ hết con đường này đến con đường khác. Lúc thì huyên thuyên tâm sự, lúc thì lặng im mỗi người đeo đuổi suy nghĩ riêng. Có lúc mưa to quá, hai đứa lại đụt mưa dưới những mái hiên nhà ai đó, ngắm đường phố trong mưa … chờ mưa nhỏ hạt rồi lại đi tiếp cho đến khi mỏi rã cả chân, chịu hết nỗi Trâm đứng lại “ thôi về ”. Minh đưa Trâm về tận nhà rồi nhảy chân sáo vòng qua đường Lê Lợi, Phan Bội Châu về nhà leo lên giường, cảm giác thật thoải mái và giấc ngủ đến thật bình yên …
Trước khi gặp Trâm, Minh cũng quen biết vài cô bạn gái, cũng có vài mối tình, sâu đậm có, nhè nhẹ, thoang thoảng cũng có… nhưng rồi cứ lần lượt đi qua, đi qua “ như những giòng sông nhỏ ”. Anh không buồn, không níu kéo, chẳng nuối tiếc cứ để nó trôi đi.
Quen biết Trâm thật tình cờ. Thời gian đó, anh thất nghiệp ở nhà, buồn quá nên thỉnh thoảng tổ chức tiệc tùng mời bạn bè cũ, mới chuyện trò cho vui. Vào một buổi chiều, Trâm xuất hiện đi cùng với Thanh hai cô vừa đi dạy về, Thanh là hôn thê của Tuấn em họ Minh. Hôm đó, thật vui lần lượt hết người này đến người khác hát. Ngọc ngâm bài thơ: Hai sắc hoa ti gôn của TTKH. ( Ngọc là cô giáo học cùng khóa 12 Sư phạm với Minh ) . Thanh hát bài: Rồi như đá ngây ngô của Trịnh Công Sơn. Đến lượt Trâm, cô ôm đàn hát bài “ Biển nhớ’’. Minh rất thích bài hát này. Lúc đó, Minh mới nhìn kĩ, Trâm có khuôn mặt bầu bầu thấy hiền hiền, dễ thương, chiếc áo dài lụa màu tím ôm lấy “ đôi vai gầy guộc nhỏ ”. Năm ngón tay nhỏ nhắn bấm trên cần đàn hòa với giọng hát mộc mạc, bình dị không trau chuốt nhưng sao anh có cảm giác êm ái, nhẹ nhàng, có một cái gì đó sâu lắng. Anh thấy thích cô ngay!
Sau hôm đó, Minh lại muốn gặp Trâm. Toàn bạn của Minh lại dạy cùng trường với Trâm. Anh lấy cớ tìm đến trường gặp Toàn. Dường như biết ý anh, nên sau vài lần vừa thấy anh đến là Toàn vội đi tìm Trâm cho Minh, nói đôi ba chuyện gì đó rồi Toàn tìm cớ chuồn mất. Từ đó, thỉnh thoảng Minh đến gặp Trâm vào những buổi chiều tan học, chờ học sinh ra về hết, hai đứa dắt xe đạp lững thững đi ra biển. Ngồi trên bãi cát mịn màng, gió thổi từ biển vào nghe mằn mặn. Bên Trâm lúc nào anh cũng thích ngồi yên lặng, thấy tâm hồn mình bình yên thanh thản, cảm nhận thật sung sướng khi mình được hít thở cùng một khoảng trời với cô, cùng lắng nghe Trâm nói. Trâm có lối nói chuyện lôi cuốn, với giọng Huế nhè nhẹ, êm êm. Cũng có lúc, cả hai chỉ ngồi nghe tiếng sóng biển vỗ rì rầm, ngắm những con dã tràng chạy loăng quăng hoặc nhìn đất trời như xích gần lại lúc hoàng hôn hay ngắm trăng từ từ lên sau dãy núi … Và rồi không biết từ lúc nào Minh thấy gặp Trâm là cần thiết.
Từ đó, Minh tránh gặp mặt các cô bạn gái, không còn thích la cà với bạn bè ở các quán café, không còn hứng thú tổ chức tiệc tùng tập trung các bạn vào cuối tuần nữa … mà chỉ muốn gặp Trâm.
Biết Trâm thích hội họa Minh hăng say vẽ. Những góp ý của Trâm, Minh có đề tài cho ra những bức tranh rồi nhờ cô ấy anh đã dần dần tạo ra những tác phẩm có hồn hơn. Anh bắt đầu thấy cuộc đời vui hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, không còn tẻ nhạt, không buồn bã, không vô vị như khoảng thời gian qua.
Minh bắt đầu thích đi làm. Lúc trước khi người ta từ chối anh, không cho anh đi dạy vì lý lịch, anh bất cần, chẳng quan tâm nhưng bây giờ quen Trâm anh lại thích có nghề nghiệp để đi làm như cô. Anh sẽ học để tìm cho mình một cái nghề thích hợp . Anh thực hiện điều đó và lên đường đi học. Khoảng thời gian những năm học ở Quảng Ngãi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất của anh: những ngày xa Trâm nhớ nhung vu vơ, rồi những ngày nôn nao chờ đợi đến ngày lễ, Tết, nghỉ hè… để về gặp Trâm. Bên cô, Minh vui vẻ, thấy hạnh phúc dâng trào và cả những nỗi buồn khi phải tạm biệt, rời xa Trâm quay trở lại trường học.
Minh xách valy lên taxi về nhà, trời vẫn còn mưa nhưng nhè nhẹ . Không khí mát mẻ dễ chịu. Hai bên đường những cánh đồng xanh rì chạy dài đến tận chân trời, những mái nhà ngói đỏ tươi xen lẫn những mái nhà tranh lụp xụp ẩm ướt thấp thoáng sau lũy tre xanh, những hàng cau, hàng dừa sũng nước. Xa xa, những dãy núi mờ mờ khuất sau màn mây mù. Quê mình đẹp, có nhiều thay đổi nhưng sao vẫn còn nghèo quá!
Về đến nhà thì cũng đã hơn chín giờ sáng. Thấy anh, chị Liên ngạc nhiên:
- Sao cậu về mà không cho chị biết ?
- Em có việc, đi gấp quá nên chẳng kịp báo tin. Vừa nói
anh bước vội lên lầu.
Chị Liên lật đật chạy theo:
- Để chị dọn phòng đã, còn em đi tắm đi!
Căn phòng của anh vẫn khóa trái từ khi anh ra nước ngoài.
Mỗi lần trở về, anh đều thích ở trong căn phòng này. Nằm ở đây để nghe tiếng chim hót ríu rít trên tán cây trước nhà mỗi sáng khi thức dậy, rồi nhớ lại những ngày tháng cũ, thời còn là cậu học sinh Cường Để, thời còn tham gia sinh hoạt Hướng Đạo, rồi vào Sư Phạm Qui Nhơn khóa 12. Anh quý và trân trọng những vật dụng cũ: cái kệ sách, những bức tranh Minh vẽ, cả cái máy đĩa …cái gì cũng để lại cho anh nhiều kỉ niệm của một thời trai trẻ.
Tắm xong, anh mặc chiếc áo sơ mi trắng, quần sậm màu.
Nhìn vào gương anh sựng lại khi thấy mình đã là người đàn ông đứng tuổi. Lấy tay vuốt vuốt mái tóc để che đi những sợi tóc bạc lộ ra ngoài và Minh nói như an ủi: “ Vẫn còn trẻ chán!’’.
Bước xuống nhà, Minh ăn sáng, uống li cà phê vội vàng, lấy
chiếc Honda. Thấy em ăn mặc chỉnh tề chị Liên định hỏi nhưng biết tính cậu nên lại thôi. Chị đưa chiếc mũ bảo hiểm rồi nói vói theo:
- Nhớ đi cẩn thận nghe Minh!
Anh cho xe chạy qua các con đường quen thuộc của Quy
Nhơn: Phan Bội Châu, Lê lợi,Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn vòng xuống Tăng Bạt Hổ, Minh cảm thấy hồi hộp khi con đường dẫn đến trường Trâm dạy càng lúc, càng xích gần lại. Chiếc xe dừng lại trước cổng, ngôi trường bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Nhớ ngày nào, anh cứ đứng đợi ở cổng trường, chờ tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra về và lòng anh lại rộn lên khi thấy bóng Trâm thướt tha trong tà áo dài tím, khuôn mặt tươi vui của nàng khi nhìn thấy anh.
- Anh hỏi ai? Chú bảo vệ mở cái cổng phụ thò đầu ra hỏi.
- Chú cho tôi hỏi thăm…cô giáo Trâm, sáng nay có đi dạy
không ?
Chú bảo vệ bước ra khỏi cửa đến gần ôn tồn:
- À, cô Trâm hả ? Cô ấy nghỉ dạy luôn rồi.
Minh ngẩn người.
- Cám ơn chú!
Anh đứng tần ngần một lát rồi lên xe chưa biết phải làm gì ? đi về đâu ? Cuối cùng anh nghĩ: – Thôi đi ra biển. Anh quay xe trở lại. Vẫn con đường ngày xưa nhưng hai bên nhà cửa khác trước: nhiều nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng, quán café … Ồ! vẫn còn đây, chiếc ghế đá và cây bông giấy màu đỏ tía, ngày xưa nhiều lần anh và Trâm ngồi ở đây ngắm biển, suy nghĩ vẩn vơ … rồi cứ thế liên tiếp những kỉ niệm từ quá khứ hiện về:
Một buổi tối, Minh và Trâm đi bộ dọc theo con đường Nguyễn Huệ, con đường vắng người, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua hàng dương hòa với tiếng sóng biển. Một chiếc cyclo chầm chậm bánh xe lăn rào rạo, ánh điện đường leo lét hắt chéo in rõ xuống đường, một bóng người gầy còm cố rướn người đạp, người và xe kéo dài từ từ trôi đi, trôi đi như kiếp người lao động thời bao cấp. Trâm chỉ hình ảnh đó và nói với anh rằng, cô liên tưởng đến những bức tranh của Picasso về những vết hằn năm tháng …. Đêm đó, Minh thức trắng để hoàn thành bức tranh “kiếp người”. Trâm đã cho anh những ý tưởng thật độc đáo.
Đi hết đoạn đường, anh vòng theo con đường đến Nhà Thờ.
Sáng Chủ nhật, thường lệ Minh đến Nhà Thờ lễ sáng. Bên trong đông kín người. Theo dòng người anh đứng phía ngoài vòng tay im lặng. Bất chợt ai đó chen vào, quay sang, bất ngờ, ồ Trâm! Anh lẳng lặng dịch sang nhường chỗ, cô nàng nhón chân chăm chú nhìn vào trong nên không biết anh bên cạnh. Trâm là người ngoại đạo. Anh lấy làm ngạc nhiên, cô nàng đi đâu thế này ? Cô mặc chiếc áo dài màu tím. Chiếc áo dài ôm lấy bờ vai nhỏ nhắn xinh xắn. Không biết từ lúc nào anh yêu màu tím.
- Ai cho cô vào đây ?
Trâm giật mình nhìn sang, trông thấy anh, cô ngượng ngùng, cười cười giọng cô nho nhỏ chỉ đủ cho anh nghe:
- Đi học chính trị gần đây, được nghỉ nên ghé sang chơi.
Sau khi tan lễ, anh đưa Trâm đi dạo, cô nàng tò mò hỏi anh đủ điều về Thiên Chúa, về giáo lí … Buổi sáng hôm đó thật vui.
Những hồi tưởng trong kí ức cứ dồn dập hiện về làm cho đầu óc anh suy nghĩ miên man. Chiếc xe cứ đưa anh đi hết con đường này đến con đường khác.
Ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn một chiều hè, Minh và Trâm ghé thăm. Cái cổng trường vẫn vậy, vẫn những cây hoa sứ , những cây bông giấy, cái hội trường dư âm của những đêm diễn văn nghệ, dãy văn phòng, dãy phòng học, hai khu nội trú vẫn thế!… cảnh cũ mà thầy cô, bạn bè xưa đâu rồi! Nhớ lại buổi tranh luận với Trâm: Trâm học khóa 11 còn Minh học khóa 12.Trâm cho rằng Minh học khóa sau nên Minh là đàn em của Trâm, Minh không chịu, cải lại … nghĩ đến đây Minh bật cười về sự trẻ con của mình.
Con đường Nguyễn Du một buổi tối ngày nào, Minh tìm đến Trâm với ý định rủ cô cùng đi vượt biên ra nước ngoài. Nhìn Trâm hồn nhiên, vô tư, vui vẻ với cuộc sống tha thiết với nghề giáo … Cuối cùng anh đành nín lặng chia tay cô ra về. Đêm hôm đó, khi Trâm và cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ thì Minh đã bồng bềnh trên một chiếc thuyền rời bến đi xa.
Minh không biết mình có yêu Trâm hay không nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, anh lại khám phá ra ở Trâm những tính cách hay hay : nhân hậu, chân thật … hay anh thích khuôn mặt, mái tóc, dáng dấp, con người đó, cái lối nói chuyện sâu lắng, thông minh lôi cuốn … có thể Trâm cũng thích Minh, nhưng lúc đó cả hai đều hãnh tiến, Minh sinh ra lớn lên trong một gia đình khá giả, được nuông chìu từ bé, trong gia đình ai ai cũng thương yêu anh …đối với bạn bè, mọi người đều quý Minh, còn các cô bạn gái của anh, người nào cũng yêu anh … còn anh thì lúc nào cũng tỏ thái độ phớt tỉnh, bất cần. Với Trâm anh cũng vậy, suốt thời gian quen cô, có lúc anh muốn nói nhưng rồi có điều gì đó trong anh trỗi dậy anh lại thôi. Nhiều khi Minh lại nghĩ hay mình cứ xem Trâm như là một người bạn thân, rất thân thế thôi! và anh đã bỏ lỡ cơ hội …
Ba mươi mấy năm ra nước ngoài, khó khăn lắm mới hòa nhập với cuộc sống, Minh phải tự lập, không có người thân bên cạnh. Suốt ngày đi làm kiếm tiền quần quật. Sống nơi đất khách quê người, vui ít, buồn nhiều. Rồi lại đổ vỡ chuyện gia đình càng làm cho anh thấm thía những cay đắng, xót xa của một đời người. Những lúc quá tuyệt vọng anh thường nhớ về một thời đã qua mà trong đó anh đã sống một cách dững dưng, thờ ơ với tình cảm của mọi người. Anh quay quắt tìm về nhưng lần nào cũng vậy: “ Vội vã trở về, vội vã ra đi ”. Cứ hết lần này, lại đến lần khác, ngày ngày, tháng tháng, trôi đi trôi đi … mái tóc bây giờ đã bạc. Rồi bất ngờ nghe tin chồng Trâm đột ngột qua đời, nỗi nhớ trong anh bùng lên, Minh bỏ hết mọi công việc, không kịp từ giã mọi người, hấp tấp lấy vé máy bay trở về.
Minh đứng tần ngần trước nhà Trâm, vẫn ngôi nhà xưa, có một vài lần về nước anh đã ghé thăm. Sao cánh cổng khóa bên ngoài, tường phủ rêu xanh ? Bà cụ nhà bên thò đầu ra nói vọng:
- Cậu tìm cô Trâm hả ? – Cô đi Sài Gòn rồi! cô ấy không
còn ở đây và cũng không bao giờ trở về nữa.
Trái đất như quay một vòng rồi chao đảo dưới chân anh.
Minh ngước lên nhìn bầu trời – sao nó rộng và mênh mông quá!
“ Trước đây, mỗi lần, tôi trở về thành phố, tuy không gặp em, tôi vẫn vui vì biết rằng có em hiện hữu trong thành phố này. Bây giờ, chỉ còn lại mình tôi cô đơn, lạc lõng với những kỉ niệm với những con đường với những ngày tháng cũ hay tôi chỉ còn gặp lại em trong những hoài niệm ? Tôi sẽ đi tìm em, dù em ở tận chân trời nào, tôi cũng sẽ đi tìm! ”
Mây xám giăng giăng kín cả bầu trời Quy Nhơn, mưa bắt đầu rơi rơi từng hạt, từng hạt . Minh quay đi và thầm thì với chính mình: Trâm ơi! Trâm ơi!
Sài Gòn, những ngày cuối năm 2009.
Irene.
Truyện hay và ngậm ngùi! Chị Ren ơi! Cứ cố gắng tìm về nữa rồi cũng sẽ gặp, phải không chị?
Trả lờiXóaHôm trước em có ghi tên trang SPQN nhưng mãi đến hôm nay em mới mở xem . Đọc truyện chị viết hay quá ! Em thích nhất là truyện Phải chi...
Trả lờiXóaChúc chị vui khỏe .
Có "Tìm về " cũng chẳng thể nào bắt gặp ngày xưa vì tất cả ( không còn có ở đó ), vì tờ lịch vẫn phải bóc đi mỗi ngày và ta vẫn đi tới - dù chân không muốn bước .Dông Oanh ơi , Ren ơi dừng thèm tìm về nữa nha .
Trả lờiXóaLãng mạn ...buồn đến nao lòng. Buồn cho một kiếp người , buồn cho những trắc ẩn ...Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của của Trâm của Minh vẫn ấm áp, và vẫn hạnh phúc trong tận cùng của cô đơn ...
Trả lờiXóaXúc động quá Bà Ren ơi. Tưởng tìm về sẽ gặp lại người xưa, ấy thế mà............
Trả lờiXóaKỷ niệm ngày xưa, còn nguyên là thế.
Biết đâu tìm về em chẳng còn đây.
Pho bien than thuong, "Em ra di bo lai con duong".Co Tim Ve cung chi con Ta voi Ta.
Trả lờiXóaPH. k12.CALI