Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

BỐC MỘ

-->
                           Ky Nguyen

       Từ khi học đệ Thất ( lớp 6 bây giờ ) tôi đã được học bài văn Bốc mộ của tác giả Nguyễn thị  Vinh, tôi nhớ mãi đoạn văn " mảnh vải đen nổi lềnh phềnh trong áo quan..." tôi sợ chết khiếp, nhưng vẫn phải học để trả bài cho cô giáo. Ai ngờ, mấy chục năm sau tôi lại có mặt trong một lần bốc môt cho người thân. Bà là thông gia của mẹ tôi,  mất đã mấy chục năm. Nay con cháu muốn cải táng, đưa bà về quê, chôn cất trong khuôn viên mộ của gia tộc.
       Tháng 11, trời Đalạt lạnh buốt, sắp Noel mà. Chúng tôi, ai cũng áo đơn áo kép mà vẫn run cầm cập... Hai giờ sáng đã phải rời khách sạn, lên xe đến nghĩa trang cách thành phố 8km. Trời tối om, gió vù vù, mỗi người một cái đèn pin, rồng rắn nhau đi lên đồi. Đường khó đi, chốc chốc lại có người trượt chân, la oai oái, thêm tiếng chó sủa râm ran, càng làm cho khung cảnh thêm phần rờn rợn.  Anh tài xế ban đầu ngồi lại trong xe cho đỡ lạnh, nhưng khi chúng tôi lên đến mộ đã thấy
anh ta sau lưng rồi, thì ra cu cậu cũng ... sợ ma!
        Sau phần cúng vái, xin phép được động thổ, nhang vừa tàn, mấy ông thợ bốc mộ đã bắt tay vào việc. Tiếng búa khô khốc gõ vào thành mộ, xi-măng rơi ào ào, rồi tiếng cuốc bổ xuống, đất đồi khô cứng làm nhát cuốc cứ nẩy tưng lên. Họ làm rất chuyên nghiệp, chả mấy chốc đã thấy nắp quan tài. Đám phụ nữ từ đầu chỉ biết niệm Phật, lúc này càng niệm to hơn, nhiều hơn vì sợ rằng khui nắp hòm ra mà thấy thịt vẫn còn dính theo xương thì thật là "đại họa". Một là phải đy hòm lại, chờ cho đến khi thịt rã hết, hai là " róc thịt " tại chỗ để khỏi phải lỡ-ngày-lỡ-việc. Sợ quá đi thôi!  Điện thoại ngoài quê gọi vào liên tục hỏi thăm tình hình. Thật may, ông thợ cả hô lên " xương khô ", mọi người thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy tôi mới dám lò dò lại gần, nhìn xuống đáy mộ, một bộ xương đen nằm ngay ngắn trên nền đất. Cảm giác của tôi lúc đó thật khó tả, vừa chua xót, ngậm ngùi, vừa thấy chán ngán. Kiếp người là thế này ư?
      Bộ  xương được  đưa lên, xếp trên mấy tờ báo,  theo đúng thứ tự trên dưới để kiểm lại xem có thiếu phần nào. Xong đâu đấy, họ gói từng phần lại bỏ vào túi ni- lông, ghi rõ:  đầu, tay phải, tay trái... Rồi bọc tất cả lại trong một vuông vải đỏ, bỏ gọn trong cái túi du lịch mới toanh, trên phủ một lớp trầu tươi thật dày. Xong việc, trời vừa hừng sáng. Chúng tôi lên xe về thẳng SG, gửi hài cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm, nhờ nhà chùa tụng niệm, đợi đến 9 giờ tối là lên tàu ra Bắc.
     Tại  ngôi miếu nhỏ đầu nghĩa trang, bà con họ hàng đã chờ sẵn để làm lễ hạ huyệt. Bó nhang lớn cắm ở hàng rào trước cửa miếu bốc cháy ngùn ngụt, mọi người cười reo " hóa chân nhang rồi ", thế là bà đã mãn nguyện. Tôi không tin lắm, vì hôm ấy gió  rất to và trời cũng rất lạnh. Đến lúc hạ huyệt, lại một bó nhang nữa bốc cháy... Xong việc, mọi người kéo về chùa dự cái lễ " Quy âm ", tức là quy y cho người đã khuất. Lần này,  bó nhang tôi cắm vào cái đỉnh đồng lớn đặt trước gian Tam Bảo lại bốc cháy...Tôi đã tin là linh hồn cũng biết vui, biết buồn.
     Mươi ngày ở lại quê, thăm thú hết nơi này, nơi khác, chúng tôi trở về Nam. Lòng dạ ai cũng bần thần, vừa vui, vừa buồn. Đưa bà về quê rồi đâu dễ thăm viếng thường xuyên nữa. Thôi đành lưu giữ hình ảnh bà trong tim vậy, để được thấy bà vẫn luôn bên con cháu.

6 nhận xét:

  1. Chị kynguyen ơi! Đọc bài này em vừa đọc vừa hồi hộp. Đọc xong em nghĩ nếu chị viết "truyện ma" thì chắc là hay lắm! Biết đâu chị trở thành cây viết như Nguyễn Ngọc Ngạn. hì hì...

    Trả lờiXóa
  2. Không dám đâu bạn ơi.Phải gặp ma thật thì mới viết chuyên ma hay được. Mình thì rất dở cái khâu " tưởng tượng ", mà nếu gặp được ma thật, chắc mình đã" thành ma" trước rồi..." nàm thao" mà viết được nữa , hihi

    Trả lờiXóa
  3. Mình chưa bao giờ chứng kiến hay nghe ai nói về chuyện "bốc mộ" . Bây giờ đọc bài của kynguyen mình thật thích và sợ . Rất cám ơn bạn !

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Phong tục này là của người miền Bắc. Thường chôn được 3 năm là bốc mộ, còn gọi là sang cát, lúc ấy xương cốt được rửa sạch bằng rượu, xếp vào 1 cái tiểu sành, kích thước khoảng 30- 60cm,bằng đất nung, màu đỏ sậm. Lúc này mới là chôn cất vĩnh viễn...Mỗi lần bốc mộ phải coi ngày, coi tuổi, nhiêu khê lắm, không như bây giờ... THIÊU...vừa nhanh , gon, vừa đỡ ô nhiễm môi trường, và cũng đỡ tốn tiền... mua đất!!!

    Trả lờiXóa
  5. Đọc bài của chị em mới biết là xương khô mới bốc được . Vậy nhỡ xương ướt thì làm sao mình biết được lúc nào khô mà bốc hả chị "?

    Trả lờiXóa
  6. Bạn ơi, hồi đó mình được mấy " chuyên viên " bốc mộ giải thích là: nếu xương còn ướt, tức là thịt vẫn còn , chưa rã hết... lúc đó, hoặc phải chôn lại, chờ vài ba năm nữa, hoặc phải róc hết thịt ngay ... nếu đã coi được ngày lành, tháng tốt!!! Mà cái chuyện thịt không rã hết, dân gian gọi là " mộ kết", là điềm lành cho con cháu, nếu bốc lên thì ... xui xẻo ráng chịu!!!. Tóm lại, đó là tục lệ của mỗi vùng, miền... mình chỉ biết đến thế thôi. Cám ơn bạn nhé. Thân chào.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...