Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

THẦY GIÁO NGHÈO TỰ SỰ



(Viết theo thể phú)
Nhớ khi xưa:
Từ lúc học xong bậc Tú tài, nhờ gia đình định hướng nên sư phạm theo nghề,
Kể sau ngày thống nhất quê hương, do Nhà nước yêu cầu mà giáo viên giữ nghiệp.
Thời son trẻ, dẫu tình yêu chi phối vẫn lấy sách vở làm việc tâm đầu,
Lúc thành niên, dù vợ con bận bịu vẫn xem nghề thầy là điều ý hiệp.

Công việc thường ngày:
Lo trò dốt, đến lớp ráng gân cổ răn đe,
Sợ bạn cười, ở trường cố dự giờ tiếp tiếp.
Môn toán kia, công thức, biểu thức giảng giải dồi dào,
Bài văn nọ, từ ngữ  cú câu kiểm tra sát kịp.
Bài soạn công phu, hồ sơ đầy đủ vốn sẵn tay nghề,
Văn chương phong phú, sổ sách chi li lo chi thất nghiệp.
Tổ chuyên môn thao giảng phân công, thường sẵn sàng chẳng nệ phàn hà,
Họp đoàn thể bình bầu trợ cấp, vẫn e dè chịu phần thua thiệt.
Việc nâng cao tay nghề sư phạm, dự giờ thăm lớp, yêu cầu luôn võ luyện văn ôn,
Việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đọc báo nghe đài, mục đích cho ngày càng mẫn tiệp.
Trong ăn nói, đứng đi không bờ chờ bợp chợp, cần xem rằng vốn nếp sống văn minh,
Ngoài áo quần, nón mũ tránh lếch thếch lôi thôi, vẫn phải giữ ra điều con nhà lịch thiệp.

Thế nhưng:
Năm tháng qua đi, thấm thoắt trên ba chục năm dư,
Công lênh tính lại, ì à độ vài nghìn lương nguyệt.
Khổ một nỗi, kinh tế gia đình còn lắm khó khăn, nhu cầu chưa thỏa đáng vì lực bất tòng tâm,
Cực một điều, công việc làm ăn còn nhiều lận đận, chưa theo kịp thị trường mà hóa ra tắt tịt.
Dẫu còn nghèo vẫn không thể bon chen, nghề “mô phạm” đi “mô cũng phạm”, dài mỏ khó kiếm ăn,
Tuy túng thiếu nhưng nan bề xoay xở, nghiệp “giáo chức” phải đành “giức cháo”, ta biết người chẳng biết!

Bởi thế cho nên:
Dép giày cũ cũ, đế cùn da tróc, kéo lếch thếch lê thê,
Xe đạp trành trành, sên dãn líp mòn, đạp kẽo cà kẽo kịt.
Thực phẩm nửa gạo nửa khoai, chục ký ăn dư,
Tiền lương ba cọc ba đồng,  trăm nghìn tiêu liếp!
Rượu bia không hề uống, quán xá chẳng hề ăn, nào kẻ sánh bằng,
Chè xanh luôn đầy ấm, nước giếng mãi đầy lu, ai người sánh kịp?
Ngoài giờ dạy, cuốc cuốc cày cày, “tiêu khiển” trọn buổi toát mồ hôi,
Trước lúc ngơi, bài bài vở vở, “xem chơi” vài giờ ngồi ngủ thiếp.
Lấy thế bật, thú điền viên, vài sào ruộng, nước nôi phân giống, cày bừa ví thá lung tung,
Tạo chỗ đứng, việc cải thiện, ít con heo, tắm rửa cọ kì, cám rau ỉ ê rộn rịp.

Ấy thế mà:
Ngày ngày vẫn lên lớp đều đều,
Đợt đợt vẫn thi đua nhộn nhịp!
Sướng ơi là sướng, giá cả lương tiền dù có trượt cũng chẳng hề kêu,
Nhàn ơi là nhàn, hồ sơ sổ sách nếu chưa xong phải lo cho kịp,

Nghĩ rằng:
Xưa, thời buổi kinh tế tập quyền, quan liêu bao cấp, việc khắc phục khó khăn là chuyện bình thường,
Nay, vận hội nước nhà thời mở cửa, kinh tế thị trường, việc khen thưởng động viên là điều bức thiết.
Cổ nhân thường nói: “Dĩ thực vi tiên”, nếu thiếu ăn thì trí đoản gia bần,
Cũng có câu: “Thực túc binh cường”, nên đủ đầy mới an tâm hành nghiệp.
Huống chi “Trồng người là chiến lược lâu dài”, đầu tư thích đáng thiết nghĩ chẳng bõ công,
Lại còn “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đáp ứng kịp thời, cố nhiên là được việc.

Nay thì:
Nhờ đổi mới, chính sách mới cho ngành giáo dục đã được thực thi, sự nghiệp trồng người đã được quan tâm,
Qua chuyện cũ, kỷ niệm cũ của người dạy học cũng muốn sẻ chia, để nhớ lại một thời trong cơn bĩ cực.
                                                
  Quảng Nam những ngày cuối xuân đầu hạ 2013
  ĐOÀN VĂN THÁI
  (Cựu giáo sinh SPQN khóa 1972-1974)

Ghi chú: Trong bài có dùng nhiều phương ngữ đặc trưng xứ Quảng (in nghiêng), mong anh chị thông cảm!

29 nhận xét:

  1. Một bài phú thật hay, thật khí khái...Rất thích

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua anh Thạch, Thái được biết Cát tuy đồng khóa nhưng không đồng lớp mà vẫn thường xuyên vào trang Blog của trường ta, thật là một điều đáng cho Thái học tập. Không biết vào 27/7 tới đây, bạn có về cùng tham dự chung với lớp Nhị 6 của mình không. Minh chúc Cát luôn vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống.

      Xóa
  2. Bài này làm tôi có cảm giác như trẻ lại hơn ba mươi năm. Nghề làm thầy kỵ được người khác khen hay, nhưng đây là thứ thiệt! Nhất là phần " Bỡi thế cho nên,.."
    Khổ nhất và nghèo nhất của người dạy học là cứ nghĩ mình làm thầy kẻ khác, cho nên lời tự sự này không phải là của người thầy nghèo khổ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sáng nay, đang sắp xếp hồ sơ chuẩn bị Tỉnh về kiểm tra trường chuẩn quốc gia thị Thạch a-lô cho biết là Thầy có mấy lời nhận xét về bài phú của con. Con xin cảm ơn Thầy về những nhận xét tinh tế và sâu sắc. Tuy nhiên nội dung bài viết của con đã phản ánh sự thật về cuộc sống của những giáo sinh SPQN nói riêng và cả những GV tân tuyển nói chung sau giải phóng là như thế. Cho nên có nhiều GV không thể bám trụ nổi đành phải bất đắc dĩ rời bục giảng để xoay sang lĩnh vực khác để đỡ khổ hơn. Chính con nếu không vì ba của con cũng được đi dạy lại mà vẫn vui với cuộc sống đạm bạc nên con không nỡ nào phụ lòng "định hướng" của ba được. Thời gian cái gì rồi cũng qua đi, theo quy luật, hết bĩ rồi lại thái. Nay thì con đã giàu chứ không còn nghèo nữa Thầy ạ! Tài sản vô giá của con bây chừ là đã lo cho cả 3 đứa con (2 gái và 1 trai) đều đã ra trường và có việc làm ổn đinh. Biết là khổ nhưng 2 đứa con gái cũng vẫn muốn nối nghiệp cha.
      Cho nên con hiểu ngụ ý của thầy muốn bảo với con (và nhiều người khác) rằng cái nghèo của kẻ sĩ khác với cái nghèo của 3 thành phần còn lại.
      Con xin được chúc Thầy luôn sức khỏe, sống lâu để cho chúng con được nghe những lời giáo huấn của thầy, một người Thầy dạy Tâm lý ngày nào.

      Xóa
  3. Một bài phú diễn đạt đầy đủ hình ảnh ,tâm tư ...của nhà giáo thời bao cấp . Nhà giáo " ngày 3 bữa bụng rau vỗ bình bịch ..." Cảm ơn Thái đã nói thay nhà giáo chân chính ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Tịnh ơi! Chiều nay nếu không bị cơn mưa dông kéo dài thì Thái cũng phải ra trường, chưa thể trả lời ban được. Đúng là nhà giáo thời bao cấp là như vậy đó. Nay thì đã được cải thiện nhiều rồi. Trước đây tuy vất vả trong cuộc sống nhưng với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và những kiến thức sư phạm được một trường Sư phạm nổi tiếng trang bị nên mình rất tự hào mà cố gắng khắc phục. Cụm từ "SPQN" đã luôn là một hiện tượng đáng tự hào. Chính sự tự hào đã đuổi xua đi ý tưởng của mình có lúc muốn rẽ sang ngả khác rồi. Hẹn gặp nhau vào 27/7 tới. Chúc bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc.

      Xóa
  4. Bạn của nhị 6lúc 16:21 11 tháng 5, 2013

    Từ ngày có trang mạng này tới nay, theo sự tìm hiểu của tôi thì đây là bài viết theo thể phú đầu tiên xuất hiện. Tác giả viết rất hay, nội dung sâu sắc, gợi được nhiều kỷ niệm về đời người thầy "giàu nhân cách, nhưng nghèo về vật chất". Cám ơn bạn nhiều,mong sẽ được đọc thêm nhiều bài nữa của bạn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thái cũng cảm ơn bạn, nhưng bạn lại không cho biết quý danh cũng như quê quán hoặc Email của bạn. Mong bạn đáp ứng cho mình các yêu cầu trên. Bạn biết không, thời gian đi dạy sau giải phóng rất là khó khăn về vật chất cho nên phần nhiều phải chấp nhận "chân ngoài, chân trong" mà đôi lúc "chân ngoài" lại dài hơn "chân trong" mới lạ chứ! Riêng mình thì phải cố giữ sao cho "2 chân" dài bằng nhau. Đúng là để có thể bám trụ được với nghề, vợ chồng mình ngoài đi dạy ra còn phải "tranh thủ" làm thêm 4 sào ruộng và chăn nuôi heo nữa để có thêm thu nhập nuôi 3 đứa con ăn học cho nên người. Làm anh "nông dân trí thức", mình trải nghiệm thêm một điều là bà con phụ huynh, chòm xóm họ cảm thông và giúp đỡ mình nhiều lắm.
      Nay thì mình đã không còn làm "anh 2 lúa" nữa rồi nhưng vẫn còn nghèo về vật chất vì quá trình đầu tư cho con khá là dài. Trước thì do bận bịu công việc đồng áng, giờ thì lại do áp lực công việc của trường nên mình không thường xuyên viết bài, chỉ viết cho báo tường của trường mà thôi. Mình thường được giao cho việc Biên tập và điểm bài cho tập thể nghe mà thôi. Chắc là lúc nghỉ hưu mình sẽ thử dành thời gian để viết.
      Chúc bạn vui, khỏe và bình an trong cuộc sống.

      Xóa
  5. Phục bạn quá! Một " Hàn nho phong vị phú" thời hiện đại rất hay và rất thật. Cám ơn bạn đã nói hộ " những tâm tư " của nhà giáo một thời ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thái cũng rất cảm ơn về lời khen của bạn. Đúng thực tế là vậy như mình đã tâm sự với người bạn ở trên. Khi đã mang "cái nghiệp nhà giáo" thì dù có khó khăn cũng phải toàn tâm toàn ý vời nghề. Và mình trụ được đến bây giờ cũng vì lòng tự hào là giáo viên SPQN đó.
      Xin được chúc bạn luôn khỏe và hạnh phúc.

      Xóa
  6. Huỳnh Kim Thạchlúc 17:01 11 tháng 5, 2013

    Bài phú đã chứng tỏ tài học của một ÔNG TÚ ngày trước.
    cảm ơn Thái nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. So với lời bạn kể
      Tôi sung sướng hơn nhiều
      Không chó gà vịt heo
      Không nước nôi phân giống
      Bạn lạc quan phần chấn
      Không than trách kêu ca
      Bạn Thái thật đúng là
      Một con người chân chính
      Bài phú thật hoàn chỉnh
      Tôi phục quá trời luôn

      Xóa
    2. Thái không phải để điểm danh các bạn nữ cùng tên Thanh của lớp Nhị niên/6 vì lớp Nhị niên 6 chỉ có 2 bạn gái tên Thanh là Hoài Thanh và Tâm Thanh mà thôi nên biết chắc bạn ở lớp khác rồi phải không. Nếu mang quyển Kỷ yếu ra tra thì chắc là biết được thôi, nhưng vì đang còn bận việc trước mắt khá là nhiều nên mong bạn thông cảm!
      Trước tiên xin cảm ơn bạn về sự sẻ chia với hoàn cảnh của Thái. "Mỗi cây mỗi hoa" nhưng chúng ta (tất cả giáo sinh SPQN) đều được ươm mầm từ vùng đất tốt nên cho dù có "mỗi nhà mỗi cảnh" thì chúng ta cũng luôn giữ vững khí tiết của một nhà giáo phải không bạn?
      Chúc bạn luôn tươi trẻ và yêu đời.

      Xóa
    3. Cuộc sống của tôi cũng thanh bần thôi, nhưng không vất vả như Thái
      Đúng là trường SP đã trang bị chúng ta một nhân cách trong sáng cho nên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn biết tự trọng biết gìn giữ tư cách của một con người. Tôi không cùng khóa với Thái .Hy vọng trên website này chúng ta được gặp nhau thường xuyên

      Xóa
    4. Nhận thêm những sẻ chia của Thanh, lần nữa Thái cảm ơn sự đồng cảm đối với Thái. Chúc Đan Thanh mãi tươi trẻ và yêu đời!

      Xóa
  7. Chào bạn cùng lớp, bài phú mới lạ và hay.
    Hôm trước Tr và HTuan ghé thăm bạn mà rất tiếc chưa được gặp, hẹn tháng 7 này nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lẽ ra khi nghe tin bạn Hiền Tuấn thấy thân mình làm áo giáp cho bầy ong đốt thay cho HS mà phải nằm viện thì mình phải vào thăm nhưng do nhiều việc trường quá nên không đi được. Hôm trước Tuấn có điện thoại cho mình và cho biết đã khỏe, mình an tâm. Cảm ơn lời khen của bạn về bài viết. Hẹn gặp nhau tại ngôi trường cũ nhé! Chúc bạn luôn khỏe và hạnh phúc.

      Xóa
  8. Bài phú của Thái làm mình nhớ đến thời gian còn đi dạy tất bật với công việc, với cuộc sống khó khăn thời bao cấp.
    Một bài phú rất hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Ren ơi! Thái rất cảm kích và ghi nhận sự quan tâm không riêng gì Thái mà còn tất cả các bạn trong lớp mình nữa cho cuộc gặp mặt vào hạ tuần tháng Bảy tới. Thái có sửa và thêm thắt đôi chút, mong Ren đưa lên trang Web bài vừa gửi lại giùm nhé, cảm ơn nhiều!

      Xóa
  9. Lời tự sự của một thầy giáo qua bài phú mô tả cuộc sống rất chính xác , H.Hoa rất thích .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thái rất cảm ơn về lời khen của bạn. Tuy nhiên Thái thấy chưa thỏa mãn với những từ nên Thái đã có đính chính và nhờ bạn Ren đăng lại. Chắc là nó hoàn chỉnh hơn. Chúc H. Hoa luôn vui, khỏe!

      Xóa
  10. Bạn Thái ơi! Bài phú của bạn rất hay, Bố cục bài đầy đủ các phần từ Lung đến Kết.
    Cũng như:
    ",,,Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch
    Đêm năm canh an giấc ngáy o o..."

    Trả lờiXóa
  11. Biết nói gì với bạn đây nhỉ? Mình đã kể lại những khó khăn thời bao cấp đó thôi. Thời ấy có nhiều bạn đã phải bỏ cái nghề mà minh đã chọn để tìm một việc làm khác cho đỡ khổ hơn và mình nhận thấy hầu hết những bạn đó (có cả những anh học trước mình vài ba khóa) đều thành đạt và giàu có. Điều đó cũng đúng thôi, vì với những kinh nghiệm cộng với vốn kiến thức "đa năng" được đào tạo trong trường SP như trường anh em mình học thì dù có bị quăng đâu cũng có thể thích nghi và tồn tại được. Thái thì cũng cố thích nghi để tồn tại trong môi trường giáo dục mặc dù biết là khó đổi đời được nếu cứ trụ bám mãi với nghề đã chọn, bởi vì bản tính Thái thì rất nhút nhát, không dám mạo hiểm. Thôi thì đành phải theo đuổi cái nghề cao quý nhưng thanh bần này. Nay thì cuộc sống đã khá lên nhiều rồi. Viết bài để nhớ lại một thời đã qua mà thôi. Chúc bạn Tín vui, khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  12. Một bài phú rất hay, "độc nhất vô nhị" ở trang nhà và cũng có thể nói "Hàn Sư phong vị phú" của bạn không thua kém so với các cụ xưa. Tuyệt vời! Tôi rất thích!

    Trả lờiXóa
  13. Chào Thái Đoàn. Nay mình mới mở trng mạng vì đang lo đấu khẩu với ông Tungski.
    Lâu quá không thấy ông xuất hiện. Mà xuất hiện với một bài phú rất hay nói lên tất cả cho những người còn nghiệp giáo. Cảm ơn ông rất nhiều. Chúc ông sức khỏe, vui vẻ. TT

    Trả lờiXóa
  14. Chào bạn Thái
    Trước tiên vì có lời bàn của Thầy Đàm Khánh Hỷ nên xin có lời kính chào Thầy và chúc Thầy luôn vui khỏe.
    Đọc bài phú này ngay từ ngày đầu , quá hay nhưng không biết phải còm sao cho đủ . Gần 40 năm ra trường nay các bạn nhị 6 sắp gặp lại chỉ bài phú này thôi là bao điều muốn nói của một đời dạy học của bạn đã tỏ tường hết rồi . Lúc ấy bạn về nên cũng còn có ruộng để cày để vui thú thanh bần , còn những bạn xuôi Nam thì ngược lại :
    Khi thất nghiệp ,lúc bảy nghề
    Làm thầy giáo , tháo giày nơi cửa chợ .
    Nghĩ lại thời bao cấp cũng vui
    Chúc vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thái bữa nay bận việc quá nhưng cũng tranh thủ mở trang web của trường SP ra đọc, thấy bạn có lời khen bài phú của mình, minh rất là cảm ơn. Còn có câu này nữa cũng nòi lên thực trạng của nghề giáo trong quá khứ: "Thầy giáo tháo giày đi chân đất
      Nhà trường nhường trà uống nước trong".
      Đúng là nhắc lại để thấy sức chiến đấu của đội ngũ nhà giáo chúng ta thật dẻo dai bạn nhỉ!
      Chúc Bạn vui, khỏe!

      Xóa
  15. Cám ơn anh đã cho tôi được thưởng thức bài PHÚ thời hiện đại. khen anh viết hay thì thừa vì mọi người đã khen quá trời rồi. Tôi chỉ xin chia xẻ với những ... mà anh đã trải qua để đứng vững với nghề thầy tới hôm nay. chúc anh vui và khi có thời gian rảnh anh viết tiếp nhiều bài nữa nhé

    Trả lờiXóa
  16. Biet viet chi day ho Thai!Mot am huong mot thoi co cuc ma minh khong duoc nhan chung...Buon va ngam ngui!chia xe cung ban,hen ngay tai ngo!

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...