Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN MONG MANH.

                                    Irene.

         Bình minh bừng sáng, chim chóc hót vang như chào đón ánh mai hồng. Từng vạt nắng vàng nhàn nhạt bắt đầu xô đuổi nhau chạy đến gần, rồi trải dài xuống những cánh đồng, những đồi rẫy, những xóm nhà… Vòm trời cao xanh mênh mông. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau rặng cây ở phía trước nhà…trên con đường đất dẫn ra phố huyện, người người trong làng gồng gánh lũ lượt ra chợ sớm.
         Mùa Xuân đã về! Miền Nam không có rét mướt như ở miền Bắc hay miền Trung và lại càng không có lạnh tái tê như Cao nguyên mù sương mà chỉ hơi se se vào buổi sáng sớm hay lúc đêm về.
         Hôm nay là ba mươi Tết, Lan ngồi chải tóc một mình trước hiên nhà. Trong không gian yên ắng của một ngày cuối năm, nàng thấy lòng mình lắng đọng, man mác một nỗi buồn cho những thăng trầm của đời mình.
         Mùa Xuân năm nay, Lan dẫn con vào miền Nam ăn Tết với chồng. Anh Hoàng quê ở Bình Định. Anh học Sư Phạm khóa 5. Sau 75, do lý lịch anh không được đi dạy lại. Vì cuộc sống, anh theo gia đình đi kinh tế mới ở Long Khánh. Ngày ngày anh ra rẫy trồng trọt, chăm bón…Hồi mới vào, anh cũng thường xuyên về Pleiku thăm mẹ con Lan nhưng dần dần càng ngày càng thưa dần và năm vừa rồi thì không về hẳn.
         Nhiều lần Lan nghĩ có thể cuộc sống quá khó khăn nên anh sinh ra chán nản, “bất đắc chí” hoặc cũng có khi do Lan cứ lo dạy dỗ, lo chăm sóc con cái nên lơ là với anh hay là tại cái khoảng cách địa lý nên  “xa mặt cách lòng”…
Vì thế năm nay, nhà trường vừa cho nghỉ Tết là Lan lên xe đò dẫn con vào Nam với anh liền.
         Lan sinh ra và lớn lên ở Pleiku. Một phố núi nhiều cây xanh và đồi núi. Những con đường bụi đỏ và quanh năm sương mù bao phủ. Những con đường dốc lên xuống, những cành hoa dại màu tim tím hay những khóm dã quì nở vàng bên lối đi. Không khí lành lạnh, mùi hương hoàng lan quyện với hương café tạo nên một mùi thơm đặc trưng của quê Lan. Lan yêu mảnh đất hiền hòa đó. Chỉ hai câu thơ thôi mà Nguyễn Bắc Sơn đã tả đầy đủ những đặc trưng của Pleiku:

         Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh
         Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao…
        
         Sau khi Lan thi đậu Tú tài bán phần, người mừng nhất là mẹ. Lan vẫn nhớ mãi nụ cười rạng rỡ của mẹ khi mọi người đến chúc mừng. Tuy nghèo nhưng bà cũng cố gắng làm một bữa tiệc gọi là ăn mừng Lan thi đậu để thiết đãi bà con hàng xóm.
         Lan vẫn thích tiếp tục học nhưng gia đinh không đủ điều kiện để Lan học tiếp. Và rồi nghe lời người anh rễ khuyên, nên Lan đã thi vào Sư Phạm. Năm 1972 Lan xuống Qui Nhơn học Sư Phạm. Trường Sư Phạm Qui nhơn quá đẹp. Trường xây theo hình hộp chữ nhật. Có hai khu nội trú dành riêng cho nam, nữ. Sân trường trồng đầy hoa sứ. Xung quanh sân trường, những chùm hoa giấy đủ màu. Công viên rực rỡ với hoa vàng anh. Đêm về, nội trú tràn ngập mùi thơm của hoa sứ.
         Có thể nói giai đoạn học sư phạm là khoảng thời gian thơ mộng và đẹp nhất đối với Lan. Một khung cảnh nên thơ với công viên thoang thoảng mùi hoa sứ, dãy hành lang dẫn đến các lớp học hay con đường trước trường với những hàng dường rì rào reo vui. Đêm đêm từ biển khơi vọng lại tiếng sóng biển … Tuổi đôi mươi nhiều mộng đẹp. Lan có làn da trắng hồng của người con xứ cao nguyên nên trông rất xinh.
         Trong thời gian học Sư Phạm, có rất nhiều người thích Lan. Và rồi Lan có quen một người. Anh ấy là Trung Úy. Một sĩ quan phụ trách trong chương trình Đọc Chuyện Đêm Khuya của Đài Phát Thanh Qui Nhơn. Một chương trình mà Lan vẫn nghe say sưa hàng đêm. Rồi đêm đêm từ tầng hai của khu nội trú có người con gái miên man theo từng câu chuyện.
         Lan có cô bạn thân cùng quê và cùng học chung trường Sư Phạm. Cô bạn của Lan có người yêu là Sĩ quan nhưng hai người phải chấp nhận mọi khó khăn mới đến được với nhau. Nguyên do là ba của cô bạn đi “tập kết”. Hồi đó, các sĩ quan ngành đặc biệt hay là ngành Tâm lý chiến…thì khi lập gia đình mà vợ có ba má đi “tập kết” thì sẽ không được cấp giấy hôn thú và những đứa con sẽ không được hưởng lương( Lan nhớ như vậy không biết có đúng không?). Anh của Lan thấy thế nên sợ cho em gái mình vì ba Lan cũng đi tập kết. Gia đình và nhất là anh Lan không tán thành... Nhân lúc đó, có một người bạn của anh Lan giới thiệu anh Hoàng… Và thế là duyên nợ đưa đẩy Lan đến với anh Hoàng.
Lan nhớ, hôm chuẩn bị đám cưới, thiệp báo tin, thiệp mời đám cưới đã đưa đến tay mọi người thì trước hôm cưới một ngày, một hung tin giáng xuống : Ba của anh Hoàng qua đời. Thế là đám cưới chạy tang…
         Chiếc xe đón dâu đi từ Pleiku xuống Qui Nhơn. Khi đến đèo An Khê hết địa phận Pleiku thì xe bỗng nhiên dừng lại để cô dâu chú rễ choàng áo, bịt khăn tang vào…Lan đã khóc như mưa trong ngày hôm đó vì nàng lo sợ cho hạnh phúc của mình, sao mà nó mong manh quá!...
         -Em ơi! Vào sửa soạn đi chợ! Tiếng Hoàng cắt ngang những dòng suy nghĩ của Lan.
         -Dạ! Lan đứng dậy bước vào nhà.
         Hoàng đẩy chiếc xe ra ngõ đứng chờ vợ. Thật ra lúc sáng Lan đã đi chợ để chuẩn bị mâm cơm cúng ba mươi rồi. Bây giờ hai vợ chồng đi mua thêm một vài thứ cần nữa và mua mấy chậu hoa về chưng Tết.
         Con đường ra phố chợ tấp nập đông đúc. Người Việt nam mình có tục lệ là ngày Tết lúc nào cũng lo sắm sửa đồ đạc trong nhà rồi đến dự trữ thức ăn cho ba ngày tết. Nhà nào cũng đầy đủ như mong ước một năm mới đến luôn sung túc, vui vầy.
         Hoàng đứng chờ ngoài cổng chợ, anh nhìn mọi người tất bật sắm Tết trong ngày cuối năm mà nhớ quê . Sau 75, anh rời quê nhà vào Nam. Những ngày đầu tiên ở nơi đất khách quê người rất cực nhọc. Anh khai hoang trồng rẫy, trỉa ngô…Tay đã quen cầm phấn, quen với bảng đen, với học trò… bây giờ phải cầm cuốc…đầu phải đội trời, chân đạp đất, dầm mưa dãi nắng…Nhưng…“gặp thời thế, thế thời phải thế!” anh cũng cố gắng tập quen dần. Ngày qua tháng lại, đến khi thu hoạch cũng có cái ăn. Rồi anh mở thêm đại lý bán vé số…và cứ thế cuộc sống tạm ổn định.
         -Anh! Hoàng giật mình quay lại thấy Lan đến bên cạnh, tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc vừa mới mua sắm.
         Anh cầm giỏ cho vợ, treo vào xe.
-Bây giờ anh và em đi mua hoa về chưng Tết. Hoàng nói với vợ.
         Chợ hoa ngày Tết rất nhiều loại hoa. Rực rỡ vàng tươi là hoa cúc, hoa vạn thọ. Những chậu thược dược màu đỏ, màu hồng, màu cam… Dãy hoa hồng đủ màu: Cam, hồng, vàng, đỏ tươi tắn. Sang trọng và đắt tiền là những chậu mai kiểng lác đác đã nở hoa vàng rung rinh trước gió bên những búp xanh nõn nà…Hoàng ngắm nghía chọn một chậu vạn thọ nở đều bông, thân bụ bẫm, lá tươi tốt…trong khi đó thì Lan đứng ngắm say sưa những chậu mãn đình hồng, thân mọc thẳng, hoa nở bên những kẽ lá, hoa màu hồng đỏ nở một chùm từ ba đến năm hoa, hoa có nhụy vàng…người bán hoa còn cho Lan biết thêm một tên nữa đó là hoa Thục quỳ. Lan thật thích, nàng chọn một cây thân thẳng và cao, hoa nhiều màu đỏ hồng đậm…
-Em đừng mua cây hoa đó! Hoàng đến bên vợ nói nhỏ.
         -Nhưng em lại thích cây hoa này, anh xem hoa rất xinh và màu hồng rất là…
         -Ừ, thôi em thích thì em cứ mua. Hoàng cắt ngang câu nói của vợ nhưng trong lòng thì không vui.
         Trên đường về, hai người im lặng không ai nói với ai một câu gì cho đến khi về đến nhà.
         Ăn cơm trưa xong, Lan dọn dẹp và cho con đi ngủ. Lan xuống bếp sửa soạn mâm cơm cúng rước ông bà.
          Hoàng bưng mâm cơm lên bàn thờ đặt ở giữa phòng khách. Anh sắp lên bàn thờ đâu đó rồi thắp đèn sáng…Trước bàn thờ anh thành tâm khấn vái tổ tiên ông bà. Mùi nhang trầm hòa vào trong không khí yên lặng của căn nhà trong chiều ba mươi Làm cho Lan cảm thấy êm đềm và  ấm áp.
         Chiều xuống chầm chậm, nắng đã tắt chỉ còn một vừng sáng ở phía trời Tây. Từng đàn chim tung cánh bay về tổ ấm. Mùi thơm quen thuộc của cỏ, của đất lẫn với mùi thơm thơm của bắp từ dưới ruộng ngô theo gió thoảng lại trong một chiều cuối năm làm cho Lan nhớ quay quắt…Giờ này, ở nơi phố núi xa xôi, mẹ Lan một mình quạnh quẽ trong căn nhà…nghĩ đến mẹ tự nhiên Lan rơm rớm nước mắt, nhớ và thương mẹ vô cùng.
         Ăn uống xong, trời đã tối mịt. Các con đi ngủ, Lan bước ra phòng khách. Anh Hoàng đang lúi húi sửa soạn trang hoàng lại căn phòng. Anh đặt chậu vạn thọ giữa nhà.
         -Em thấy anh nên chưng cây mãn đình hồng giữa nhà sát bộ bàn ghế là đẹp nhất. Lan lên tiếng.
         -Anh thấy ngày Tết chưng vạn thọ là tốt nhất. Hoàng ngước lên nhìn Lan nói.
         -Nhưng vạn thọ chỉ dùng để cắm trên bàn thờ.
         -Theo ông bà ta thì vạn thọ có ý nghĩa là mong mọi người sống lâu trăm tuổi hay nói một cách nôm na là có cuộc sống trường thọ.
         -Nhưng loại bông này không dành cho người sống.
         Vừa nói Lan vừa bưng chậu mãn đình hồng vào giữa nhà và bưng chậu vạn thọ đặt trước tủ thờ.
         -Đó anh thấy chưa? Cây mãn đình hồng đã làm cho căn nhà sáng rực lên, trở nên đẹp đẽ và sang trọng.
         Hoàng im lặng ngồi xuống chiếc ghế vì không muốn tranh cãi với vợ nhưng…
Tiếng con khóc ở phòng trong, Lan vội vã quay vào để ru con…
Khi bước ra phòng khách Lan lại thấy chậu vạn thọ chễm chệ ngay giữa nhà và cây mãn đình hồng nằm chơ vơ bên góc. Nhìn thấy thế, trong lòng nàng bùng lên một sự tức giận khủng khiếp. Không kềm chế nỗi, Lan chạy nhanh bưng chậu mãn đình hồng đến đặt giữa nhà và bưng chậu vạn thọ đi.
-Làm gì vậy? Hoàng nói lớn gần như là quát, anh giựt chậu vạn thọ trên tay vợ và đặt lại chỗ cũ, đẩy cây mãn đình hồng qua một bên.
-Vạn thọ chỉ để trên bàn thờ. Lan nói cho Hoàng hiểu.
-Ngày Tết ở quê tôi không thể thiếu hoa vạn thọ. Hoàng gằn giọng.
-Thì tôi có nói gì đâu, nhưng không thể chưng vạn thọ ở chỗ này.
Sự tức giận trong mỗi người đã làm cho cuộc đối đáp từ từ to tiếng và thay đổi luôn cả cách xưng hô…
Hoàng nhìn Lan:
-Không hiểu tại sao cô lại thích một giống hoa mà nhìn như bông đậu bắp chỉ khác là cái màu sắc.
Lan cố giải thích:
-Người ta chưng mãn đình hồng là vì cầu mong cuộc sống của mình luôn nhẹ nhàng đơn giản và vô cùng vui vẻ như sắc màu tươi tắn của … Hoàng cắt ngang:
-Một loài hoa hữu sắc vô hương thế mà cứ ca tụng.
-Nhưng nó là một loại hoa của sự cao sang, giàu có còn hơn cái loại hoa dân dã kia…
-Thôi! Đủ rồi! Lần này thì Hoàng quát to gần như hét.
Lan choáng váng đứng tựa vào bức tường. Bàn tay Lan run rẩy nắm chặt các song sắt của chiếc cửa sổ để có điểm tựa cho những cơn đau nhói trong lòng...
-Mà tôi hỏi cô, ai là chủ trong cái nhà…
Lúc này thì tai Lan như ù lên, Lan không còn nghe rõ nữa… nàng lảo đảo đi vào phòng, hai hàng nước mắt lăn dài trên má…
Từ lâu nay, Lan đã biết rất rõ tính tình của Hoàng, hiền thì có hiền nhưng rất gia trưởng, cộng thêm tính độc đoán. Vì thế, có nhiều việc anh ấy quyết đoán, áp đảo vợ con…Tính Lan thì ngược lại thích sự tự do và độc lập cho nên hai vợ chồng lâu nay luôn có những cơn sóng ngầm ngầm như hỏa diệm sơn chỉ chờ dịp là bùng lên, phun trào… Vẫn biết như thế nhưng Lan cũng hết sức ngạc nhiên vì sự việc diễn ra như thế này? Lan lờ mờ thấy rõ con người thật của Hoàng…
Lan nhớ những ngày tháng ở Pleiku không có Hoàng. Một mình vừa đi dạy, vừa nuôi con. Những lúc con đau ốm một mình chăm sóc bồng ẵm suốt đêm. Khi nó sốt cao, một mình Lan lo lắng cho con trong bệnh viện…Lan mong ngóng có chồng bên cạnh để cùng xẻ chia. Nhưng khi Hoàng có mặt và mỗi lần anh ra đi thì nỗi thất vọng càng ê chề… Lan lại cố gắng nhẫn nhịn nhưng cũng chỉ có mức độ. Dù như thế nào đi nữa thì Lan cũng chỉ là một người đàn bà. Mà đàn bà thì bao giờ cũng mềm yếu, cũng cần một bờ vai để tựa mà Hoàng thì ơ thờ quá! Có nhiều lúc, Lan chỉ cần chồng mình là một người đàn ông nhẹ nhàng, cảm thông, quan tâm, dịu dàng…chỉ cần một cử chỉ âu yếm, vuốt ve… một câu nói thể hiện sự yêu thương cũng đủ làm cho Lan thấy ấm áp và hạnh phúc rồi …Thế nhưng Hoàng lại không làm được!

Tiếng chuông đồng hồ đánh mười hai tiếng. Thời khắc giao thừa đã đến! Một Mùa Xuân nữa lại về. Lan thấy mùa xuân về với mình sao mong manh quá! Nàng lo sợ cho ngày mai. Lan lo sợ cho cái gọi là hạnh phúc mà mình đang cố gắng vun vén…hình như nó cũng mong manh như mùa Xuân…Không dám nghĩ nhiều trong giây phút thiêng liêng này. Lan cúi xuống hôn và ôm chặt con vào lòng. Mùi thơm da thịt và hơi ấm của con truyền qua người nàng và Lan cảm thấy tình mẫu tử thiêng liêng, êm ái đã giúp nàng xoa dịu đi bao buồn phiền ngổn ngang trong lòng...
Mọi chuyện lo âu theo năm cũ rồi hãy qua đi. Lan chợt nghĩ đến một bản nhạc Xuân với những lời chúc tốt đẹp, nàng thì thầm hát như tự chúc cho chính mình:
“Thấm thoát là đây một mùa xuân mới với ngàn cánh mai vàng….Mình về mai sau xin đừng quên câu chúc nhau hạnh phúc đầu xuân” (Hạnh Phúc Đầu Xuân)

Sài Gòn, tháng một năm 2013.
Irene.

XUÂN NHỚ

Mừng xuân mới. Nam Phương kính chúc thầy cô, BBT, va các bạn đồng môn SPQN một mùa xuân an bình, hạnh phúc. Tràn ơn phước lộc như ý.

Đặng Nam Phương
 
 Từ khi xa quê hương yêu dấu. Xa giòng sông Hàn hiền hoà êm ả. Thấm thoát mà hai mươi mấy mùa xuân trôi qua trên đất khách. Cứ mỗi độ xuân về tết đến, lòng Phương lại bâng khuâng, nhung nhớ.

Xuân về Phương dệt mộng mơ
Làm con én nhỏ vẫn vơ lưng trời
Xuân về Phương nhớ xuân ơi
Nhớ mùa xuân củ chơi vơi cả lòng.

Meo ..! Meo ..! Meo ..!
Chú mèo tam thể dể thương đang ung dung đi đến bên Phương .
Meo ..! Meo ..! Meo ..!
Phương ôm chú mèo xinh đẹp và lòng. Phương vuốt nhẹ bộ lông mịn màng của chú. Chú mèo lim dim, còn Phương thì thả hồn mơ về bầu trời xuân thương nhớ củ.

Ngày xưa thơ bé Phương luôn háo hức, hồi hộp, chờ mong tết đến xuân về. Những ngày cận tết, Phương thường thả bộ dọc theo con đường Phan Chu Trinh rồi qua đường Hùng Vương. Phương lên chợ Cồn, Phương xuống chợ Hàn dạo chơi phố tết. Phương đi trong ánh nắng xuân rực rỡ. Mây trắng bềnh bồng trôi trên bầu trời xanh trong vắt. Gió xuân hiu hiu và không gian chan hoà mùi hương xuân thơm ngát. Từ sáng tinh mơ, chợ xuân đã đông đúc rộn rịp. Nào pháo đỏ mai vàng, câu đối, bánh chưng bánh tét, bánh ổ, trà, mứt rượu. Nào quần áo, hoa quả. Tiếng gà vịt kêu, tiếng heo la, tiếng người gọi nhau ơi ới. Người mua kẻ bán đủ thứ tấp nập xen lẫn tiếng nhạc xuân ầm ĩ. Từ những gian hàng, cửa tiệm bán đồ tết thật tưng bừng, huyên náo. Chiều về. Khi ánh tà dương mất hút, đèn đường lấp lánh những vì sao. Chợ xuân càng nô nức, lộng lẫy hơn. Phương chưa bao giờ quên bếp la hồng. Anh chị em Phương quây quần bên mẹ, nấu bánh , rim mứt. Mẹ Phương không những xinh đẹp, dịu dàng, phúc hậu lại còn rất khéo tay. Xuân về tết đến là mẹ làm tất cả. Từ cọng mứt dừa trắng muốt thơm béo ngọt ngào. Từ lát bánh tét, bánh chưng dẻo bùi. Từ miếng dưa món chua chua, ngọt ngọt. Món ăn chi mẹ Phương nấu cũng rất là ngon. Từ hai mươi ba tháng chạp trở đi, không khí tết càng thêm nhộn nhịp. Hết đưa ông táo, đến rước ông bà. Trên bàn thờ gia tiên hương trầm nghi ngút. Hoa quả, đèn nến lung linh huyền ảo. Rồi đón giao thừa. Đây là giây phút thiên liêng nhất giữa con người và trời đất , tổ tiên. Mồng một tết, cả nhà Phương ai cũng xúng xính trong bộ quần áo mới tinh thơm phức. Quây quần bên mâm cơm tết. Tiếng hạt dưa lách cách. Tiếng tha thít vì miếng mứt gừng cay. Tiếng cười vui hỉ hả khi mẹ phát bao đỏ lì xì. Khung cảnh gia đình thật là đầm ấm. Tiếp đến Phương theo mẹ đi chùa lễ Phật, hái lộc. Ngôi chùa trang nghiêm, cổ kính như tươi vui hơn, rộn ràng hơn với tiếng chim hót líu lo, với cỏ non tơ, với những nụ hồng, với những mầm xanh, với trời xuân xinh đẹp. Xuân đến sân nhà nào cùng toàn xác pháo hồng. Những chậu hoa mai, hồng, đào, lan, huệ, cúc thi nhau khoe sắc. Đường sá người qua kẻ lại áo quần bảnh bao. Xe cộ dập dìu. Người ni tới xông nhà, chúc tết. Người kia đến mừng tuổi thăm hỏi, chúc thọ. Tiếng reo cười vui vẻ của các em bé. Bong bóng xanh, đỏ, tím, vàng bay đầy trời, nổ lộp độp. Phương thích nhất mùa xuân trên sông Hàn với những lệ hội xuân như đua ghe, hát hò, múa lân, đốt pháo. Nơi đây Phương có thật nhiều kỷ niệm. Những chiều xuân, những ngày nghĩ hoc, Phương và các bạn thường đến bên bờ sông Hàn ngắm sông xanh với những ước mơ thiếu nữ. Tụi Phương còn tranh nhau ăn me, cốc, ổi dầm, mực khô tẩm tương ớt. Mặn, ngọt, chua, cay .. Chu choa ..! Ngon ơi là ngon.

Meo ..! Meo ..! Meo ..!
Phương giật mình nhìn qua song cửa. Tuyết phủ mịt mờ. Những cây cành khẳng khiu trong gió tuyết. Biết bao giờ Phương trở lại quê hương ? Trở lại bờ sông Hàn nhiều kỷ niệm thân thương đó hỉ ? Tất cả bên kia bờ đại dương. Tất cả đều xa tít tắp...

Xuân đây tuyết trắng lạnh lùng
Nhớ xưa tí tách pháo hồng đầy sân
Hương trầm lòng nhẹ lâng lâng
Biễn dâu xuân cũng phong trần xuân ơi.

Đặng Nam Phương K7/SPQN

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

THƠ - PHẠM MỘ ĐỨC


Kính gởi quý thầy cô giáo và các bạn giáo sinh trường Sư Phạm Qui Nhơn trước năm 1975!
Nhân dịp năm mới 2013, xin kính chúc quý thầy cô và các bạn MẠNH KHỎE-AN VUI-GẶP NHIỀU MAY MẮN.
Kính mời quý thầy cô và các bạn thưởng thức mấy bài THƠ TẾT viết theo “cổ thể” của tôi sau đây:

TẤT NIÊN CẢM THÁN.

Quý Tỵ tân niên sắp đến rồi
Ngồi buồn ngẫm nghĩ chuyện xa xôi:
Cầu trời : mưa gió luôn hòa thuận
Khấn Phật : dân lành được thảnh thơi
Quý vị tham tàn dừng tay lại
Các ngài vô cảm động tâm thôi!
Tượng đài, Cung cấm…thừa ra đấy
Trường, Trạm, Cầu, Cơm…thiếu quá trời!
Nếp sống nông thôn…đô thị hóa!
Môi trường phố xá…”bán khai” hồi!
An sinh xã hội? Ngoài tầm với
Thì ước mơ chi chuyện Đổi Đời?!

                           *

KHAI BÚT ĐẦU NĂM.

Hai lẻ mười ba! Quý Tỵ Niên

Nguyện cầu:
“Thiên Hạ Phúc Vô Biên”
Năm Châu hổ báo ngưng hung bạo
Bốn bể ngạc kình dứt đảo điên
Rừng núi-sông ngòi thôi lở loét
Nông thôn-thành thị bớt lao phiền
Tân niên khai bút
Mừng Xuân Mới
Kính gởi muôn phương một chữ:
“HIỀN”.

                           *

TÂN NIÊN TỰ TRÀO.

Trừ đi 4 chục,
chẵn 33
Hỏi: Đã già chưa?
- Dạ, chửa già!
Chân vẫn dẻo dai - Răng vẫn khỏe
Tai hơi nghễnh ngãng - Mắt chưa lòa
Vui cùng con cháu, cùng bè bạn
Sống với hiền thê, với mẹ già
Tay bấm phím đàn, tay nhắp chuột
Mắt thì đọc sách, mắt xem hoa…
Đôi khi cảm hứng… mần thi phú
Lắm lúc “yêu đời”…cất tiếng ca!

Mặc kệ ai say tuồng quyền lực
Trối thây kẻ đắm vỡ Nam Kha…
Quên đi 4 chục,
33 chẵn
Hỏi: Chịu già chưa?
- Dạ, chửa già!

Phạm Mộ Đức – Khóa 2-SPQN.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Dư âm ngày tháng cũ

Trần Quốc Dõng

Tuổi học trò, một khoảng thời gian dài đầy ắp những kỹ niệm vui buồn, theo dấu thời gian đã lùi dần vào dĩ vãng. Tuy vậy, dù ít hay nhiều những kỷ niệm ấy cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người chúng ta.
Làm sao quên được những ngôi trường đã trang bị kiến thức về cuộc sống hàng ngày nơi ta sinh ra và lớn lên, về cuộc sống quanh ta từ gần rồi xa xa tắp và rồi trang bị cho ta hành trang để vào đời,với những ước mơ, những hoài bảo, khát vọng về cuộc sống. Với tôi đó là những hành trang  để  bước vào đời  đầy ắp  tình người với tâm huyết những người thầy. Công ơn các thầy cô không ai có thể quên được. Sâu đậm nhất trong tôi là ngôi trường Sư phạm Quy Nhơn, khi mới vào để nộp đơn tôi đã không một chút cảm tình.
 Một ngôi trường gì mà bên bờ biển sóng vỗ ồn ào, bên kia những hàng rào kẽm gai là bãi cát trắng phau không có sự sống và khuôn viên trường cũng thế chỉ có những cây phi lao rì rào trong gió, những cây hoa sứ cằn cõi, những giàn hoa giấy hai màu,….trên những vùng cát trắng của khuôn viên trường.

Ngôi trường vắng lặng bên bờ cát
Chỉ có hàng dương với sứ cằn.
Và giàn hoa giấy đang khoe sắc
Để lại trong ta thoáng bất ngờ.

Sau hai năm học tập, được các thầy cô trang bị cho hành trang vào đời. Những hình ảnh không cảm tình ngày đầu ấy phai dần trong tôi và trở thành những dấu chân kỷ niệm, nay để lại trong tôi bao kỹ niệm thân thương và mãi đến bây giờ sau 39 năm xa cách, khi trở về thăm mái trường xưa.

         Đây cổng trường, bên hàng dương liễu rũ
         Ta đứng nhìn hoa sứ nở trắng xinh               
         Nơi đôi ta ươm mộng một mối tình....
         ....Ta đã  lật, lật từng VIÊN cát trắng
         Để tìm em mà chẳng thấy em đâu
         Ta hỏi sóng, sóng vội vã lắc đầu
         Và hỏi gió, gió ầm ừ không nói.
         Ta hỏi cát, cát âm thầm lặng lẽ
         Lại hỏi mây, mây cứ lững lờ trôi...

Làm sao quên được những gương mật thân thương , hồn nhiên mà suốt hai năm cùng nhau học tập.
Sau đêm mãn khóa với "Câu chuyện lửa tàn" của thầy Hiệu trưởng, mỗi người chúng ta về mỗi nơi, cùng hẹn nhau ngày gặp lại. Nhưng nào ngờ đâu, đất nước chuyển mình, mỗi người mỗi ngã. Chúng ta lại phải bon chen trong cuộc sống. Chỉ mỗi khi có một dịp nào đó trùng khớp với kỹ niệm xưa, ta lại nhớ về nhau. Nhưng cũng chỉ nhớ về nhau, và mỗi chúng ta có một cách nhớ khác nhau không ai giống ai.
Ba tám năm sau, nhân  kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, cùng anh chị em đồng môn 13 khóa về thăm lại trường. Bao kỷ niệm tưởng như đã đi vào quên lãng nay lần lượt hiện về.

Trường xưa ơi, nơi bao nhiêu bè bạn
         Hai năm dài ngồi chung lớp chuyên tâm
         Đời Giáo sinh, người ươm hạt gieo mầm
         Cho bao trẻ khi vào nghề Giáo học
                                             Lê Thị Hoài Niệm k8

Và từ đó mỗi lần ghé thăm Quy Nhơn, mỗi chúng ta không ai mà không đi ngang qua ngôi trường đầy ắp những kỷ niệm và cũng là nơi trang bị cho ta hành trang vào đời dù hình bóng của ngôi trường ngày xưa không còn nữa.
Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng quay về được trường xưa, như chị Lê Thị Hoài Niệm khóa 8 tâm sự:

Nhớ trường xưa biết ai bày tỏ
Bạn hữu đâu rồi kỷ niệm mờ phai
Ở nơi đây với những tháng năm dài
Dù thương nhớ cũng chỉ là hoài niệm.

                                             Trần Quốc Dõng
                                              Nhị 6 - khóa 11

MỘT THOÁNG NÀO XA.


                           Trần thị Tỏi.

         Bây giờ Quảng Ngãi trời đã vào cuối đông. Từng cơn gió man mác chuyển mùa, từng cơn mưa nhè nhẹ lất phất bay…Trời như muốn tươi mát dần lên để chào đón nàng Xuân xinh đẹp trở về. Mùa Xuân đến làm cho mọi vật như hồi sinh sau những ngày tháng lạnh lẽo giá rét của Mùa Đông. Những lúc Tết đến, tôi lại thường bồi hồi nhớ lại quãng đường mình đã đi qua.
         Quê tôi ở Tịnh An - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, một vùng quê nghèo. Người dân nơi đây quanh năm tay lấm chân bùn, một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẩm mới làm ra được hạt thóc, hạt gạo...Nhưng rồi thiên tai mưa bão, lũ lụt, hạn hán liên tiếp xảy đến càng làm cho khổ cực, vất vả trăm bề.
         Cha mẹ tôi muốn tôi thoát khỏi cuộc sống của người nông dân nên cho tôi ăn học. Năm 1972 tôi đậu Tú Tài và đậu vào Sư Phạm Qui Nhơn.
         Nhớ ngày nào tôi khấp khởi rời Sơn Tịnh đi qua Thiên Ấn, xe chạy qua cầu Trà Khúc đến Phú Thọ đi ghe vào Qui Nhơn. Vì dạo đó đường bộ không được an ninh. Trên ghe có rất nhiều bạn cũng vào Qui Nhơn học Sư Phạm. Tôi gặp Lệ Thu sau này học cùng lớp nhưng lúc đó chúng tôi chưa quen biết nhau.
         Xuống ghe rồi đến trường. Chúng tôi thật bất ngờ! Ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn quá bề thế! Quá uy nghi! Quá đẹp! Trong khi chúng tôi từ ghe lên, bạn nào mặt mũi thì bơ phờ, áo quần thì nhăn nhúm, luộm thuộm…Riêng tôi nhìn thấy ngôi trường thì quá thích! Đứng trước cổng trường mà say sưa ngắm… Không ngờ mình được học một ngôi trường to lớn như thế này! Qua cái cổng phụ, đi vào bên phải một vườn hoa sứ thơm lừng, rồi đến hàng dương. Bên trái là một dãy lầu cao… trong khuôn viên trường gặp các chị khóa trên, chị nào cũng đẹp nhìn lại mình thì sao mà quê mùa quá!
         Theo dãy hành lang mát rượi, đi vào nội trú. Trời ơi! Nội trú với những dãy lầu, sao mà sang trọng quá.  Bãi cỏ xanh tươi ở giữa cũng rất là xinh. Tôi được phân phòng 114b. Phòng rộng rãi thoáng mát, đầy đủ tiện nghi. Trong phòng tôi gồm có 4 người đều cùng quê Quảng Ngãi: Thương lớp7, Bích Vân lớp7, Phan Thị Bé lớp1 và tôi. Lúc đầu chúng tôi không quen biết nhau nhưng dần dần trở nên thân thiết.
         Đến ngày khai trường, tôi được phân vào lớp nhất niên 6. Lớp 57 bạn cả nam lẫn nữ ở mọi nơi. Từ Quảng Tín, Quảng Ngãi, từ Bình Định, Phú yên, từ Pleiku…
         Nữ chỉ có 11bạn, tuổi trên dưới đôi mươi, trông bạn nào cũng thùy mị, hiền hậu và xinh xắn.
         Nam thì đa phần quá nhỏ con và quá hiền.
         Tôi được sống và học trong môi trường quá dễ thương nên tâm hồn tôi cũng nhẹ nhàng, bay bổng. Những buổi sáng bình minh reo vang, chim ca ríu rít trong vòm lá. Những buổi trưa đùa vui cùng các bạn rồi những bữa cơm nội trú thâm tình. Những buổi chiều nắng vàng vương nhạt xuống hàng cây. Đêm về, từ biển khơi vang vọng tiếng sóng biển hòa với những tiếng tâm sự vui buồn cùng nhau. Ôi một thời thơ mộng không bao giờ quên!
         Giữa năm nhất niên, một người chị khóa 9 dạy ở Phù Cát-Bình Định, giới thiệu cho tôi một anh khóa 9 dạy cùng trường với chị. Những ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ, anh ấy thường vào trường thăm tôi. Những ngày ấy tôi thật là vui. Chúng tôi thường đi dạo những con đường trước trường dưới những hàng dương rì rào trong gió, ghé thăm cầu Vị Thủy hay thăm mộ Hàn Mặc Tử hoặc ngồi trên bãi cát vàng mịn màng ngắm nhìn biển xanh bao la. Tình yêu làm cho tôi yêu đời thấy đời là một màu hồng. Thế rồi xa xôi cách trở, càng ngày càng xa dần, có nhiều điều không hợp nên chẳng ai bảo ai và cứ thế đường ai nấy bước.
         Năm 1973, tôi lên năm nhị niên, tôi càng gắn bó với các bạn trong lớp tôi. Từ những lúc đi thực tập giảng dạy tại trường Sư Phạm Thực Hành rồi đến những cuộc đi du ngoạn…tất cả đều để lại nhiều kỷ niệm khó phai.
         Tôi nhớ có một lần đi thực tế Giáo Dục Cộng Đồng. Lớp tôi về miền quê Tuy Phước-Bình Định. Bạn Nguyễn Tài trong nhóm  đang đi bạn bỗng dừng lại kêu mệt... Chúng tôi mất hồn! Tất cả góp tiền lại, bạn Nguyễn Đình Tuấn đi mua nước ngọt, mua bánh kẹo…vì nghĩ rằng chắc là đi sớm bạn chưa ăn sáng? Bạn Tuấn đưa bánh kẹo cho bạn ấy ăn, lấy nước cho bạn uống, chúng tôi ngồi chung quanh quạt cho bạn…không ngờ là bạn giã vờ. Khi biết ra chúng tôi cùng nhau cười như nắc nẻ.
         Tôi còn nhớ mãi những lần đi du ngoạn tại Tu Viện Nguyên Thiều, những buổi ăn trưa bánh mì cari do hai bạn Hoài Thanh và Ren nấu ngon ơi là ngon. Chúng tôi đa phần ở nội trú ăn cơm với canh”toàn quốc” nên tất cả đánh chén một bữa thật no nê.
         Làm sao tôi quên được tiết mục văn nghệ của lớp, cả hội trường cười vang khi bà mai Tâm Thanh cùng ông mai Kim Thạch nhảy ra, liếc qua, liếc lại…bà mai ngoe nguẩy…ông mai lắc lư cái dù… rồi màn rước dâu hoành tráng với những người bưng quả, cầm lọng. Một cô dâu Hoàng Phượng e thẹn đẹp mê hồn trong áo dài gấm, khăn vành đỏ đi bên chú rễ ra dáng thư sinh con nhà giàu áo dài thụng khăn đóng xanh, theo sau là nhà trai nhà gái…Phải gần nữa lớp tham gia trong tiết mục Miếng Trầu Duyên đó.
         Thế rồi chúng tôi thi ra trường. Ngày chọn nhiệm sở, chúng tôi mỗi người một vùng quê, một ngôi trường làng…
         Tôi chọn về Kỳ Sanh - Quảng Tín. Ngôi trường tôi dạy thuộc miền núi.
         Nơi tôi dạy, xung quanh toàn là dừa, cây cối xanh tươi, không khí mát mẻ. Trường có 14 phòng, có 16 giáo viên. Hiệu Trưởng vui vẻ, mọi người quí mến nhau. Học sinh ngoan hiền, dễ thương. Người dân nơi đây rất quý, tôn trọng thầy cô giáo. Tôi nhớ mãi tôi ra trường khoảng tháng mười ta. Bắt đầu rằm tháng mười cho đến tháng chạp là hầu như hai ba ngày lại có phụ huynh đến mời thầy cô đến nhà, khi thì ăn giỗ, khi thì chạp mã…
Tôi cứ nghĩ rằng sau khi ổn định chỗ dạy, chúng tôi sẽ về gặp lại nhau nhưng nào ngờ đâu! ?

         Mùa Xuân năm 75 như một cơn lốc cuốn chúng tôi bay xa mãi…
         Riêng tôi thì bị vùi dập trong cơn lốc! Do lý lịch nên không được dạy. Vì cuộc sống, tôi làm đủ nghề, từ đi buôn, làm ruộng, chăn nuôi…nhưng dù làm nghề gì, tôi cũng luôn giữ phẩm chất đạo đức của người thầy mà các thầy cô trường Sư Phạm đã dạy tôi.
         Dù suốt ngày tôi tay lấm chân bùn, có khi bụng đói meo nhưng nghe họp mặt Sư Phạm ở đâu? thì lòng tôi cũng náo nức, nôn nao đi cho bằng được, để đến gặp mặt bạn bè và để gặp các anh chị em đồng môn.
         Tôi còn nhớ có một lần họp mặt ở Quảng Ngãi, lúc đó tôi không có tiền đi xe về chỗ họp. Thế là tôi đạp xe đạp khoảng mấy chục cây số để đến họp với các bạn bè, các anh, các chị…là tôi thấy mình như trẻ lại tuổi đôi mươi. Rồi sau đó, khi trở về nhà, tôi quay lại với cái cuốc, cái cày, con trâu, cánh đồng, bùn đất rơm rạ…mà trong lòng tôi cứ lâng lâng, bồi hồi với kỷ niệm của một thoáng nào xa.
         Mùa Xuân sắp sửa về! Năm nay tôi thấy vui hơn những xuân qua! Vì gần 40 năm, nay tôi mới biết tin tức và tìm gặp hết thảy bạn bè lớp 6 khóa 11. Mong sao ngày tháng qua mau! Mong sao chân cứng đá mềm, trời êm bể lặng…để tháng 7 /2013 tôi trở về Qui Nhơn thăm lại trường xưa, gặp lại các bạn thân thương của tôi.

Quảng Ngãi, tháng 1 năm 2013.
Trần Thị Tỏi.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Thông Tin

Ban Liên Lạc SPQN Kính mời quí Thầy Cô, quí anh chị CGS SPQN đến tham dự buổi cafe gặp gỡ cuối năm và chúc mừng năm mới Quí Tỵ - 2013. 
Thời gian: từ 8 giờ sáng đến 11 giờ ( có thể kéo dài...) ngày Chúa nhật 3/2/2013, nhằm ngày 23 tháng chạp. 
Địa diểm: Nhà hàng Trầu Cau Gia Định, số 298 Nguyễn Văn Đậu, F11, Q. Bình Thạnh.

Để có cơ hội gặp gỡ và chúc mừng nhau trong năm mới, kính mong đông đảo quí Thầy Cô và các bạn đến tham dự. 

TM BLL 
Nguyễn Dũ

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

XUÂN ĐÃ VỀ - Trish Thùy Trang

MÙA XUÂN KỶ NIỆM.


                                    Diệu Thơ.
        
         Trời ấm dần lên! Mùa Xuân đã về! Cây cối vụt rạo rực, đâm chồi nảy lộc. Chim chóc choàng tỉnh dậy hót vang rồi ríu rít gọi nhau từng đàn bay lượn trên vòm trời xanh thẳm. Cứ mỗi lần Xuân về tôi lại nhớ những cái Tết ở quê nhà rồi lại bồi hồi nhớ đến Tết khi tôi còn học ở Qui Nhơn.
Cách đây 45 năm, năm 1968, tôi đang học năm cuối Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Còn phải hơn hai tuần nữa mới đến Tết mà các giáo sinh đã lo thu xếp, mua sắm… để về quê ăn Tết. Nội trú rộn rịp hẳn lên. Đêm đêm, các bạn không ngủ nói chuyện bàn tán xôn xao về chương trình vui Tết khi trở về nhà làm cho mọi người nôn nao xao xuyến trong lòng, mong chờ từng ngày.
Trong phòng chúng tôi hầu hết các bạn đến từ Nha Trang. Một số ít đến từ Đà Nẵng và Huế. Suốt hai năm trời, chúng tôi sống với nhau rất êm đềm , gắn bó thương yêu nhau như ruột thịt.
Các bạn tôi, ai cũng may mắn hơn tôi nhiều, vì có cha, có mẹ lo lắng gửi  tiền đề về cho sớm, sum họp cùng với gia đình.
Sau đó, lần lượt, mọi người hết tốp này đến tốp khác rời phòng trọ trở về nhà. Riêng tôi vẫn còn lại trong phỏng vì đang chờ đợi anh chị gửi tiền vào để mua vé. Tôi sinh ra vốn mồ côi cha mẹ từ bé, cho nên sống trong sự đùm bọc của các anh chị em.
Cùng lúc đó, trong trường, tôi cũng thấy có một số nam sinh vẫn còn ở lại trường, có lẽ họ cũng thiếu may mắn như tôi hay là vì một lý do nào khác…chưa về với gia đình được.
Trước Tết khoảng hơn một tuần, anh Du đến phòng chúng tôi và đề nghị rằng:
-Mấy chị nào chưa về nhà ăn Tết được, thì hãy cùng theo với đoàn lên Pleiku để úy lạo các chiến sĩ.
Tôi nghĩ, ở lại nội trú cũng buồn nên đồng ý đi.
Thế là vào một buổi sáng cuối năm, đoàn chúng tôi gồm khoảng hơn 10 người cùng đi trên chuyến máy bay quân sự lên miền đất đỏ Cao Nguyên mù sương .
Mùa Đông ở Cao Nguyên rất lạnh. Trời đầy sương mù. Xung quanh toàn là núi đồi và rừng cây trập trùng. Khi đến nơi, chúng tôi được phân chia ở trong trại của Sĩ Quan. Tôi và một số bạn nữ ở chung phòng. Căn phòng này của một sĩ quan cấp tá đã nhường lại cho chúng tôi ở tạm.
Ban ngày, chúng tôi đi tham quan chỗ này, chỗ nọ. Khi đêm xuống, ở đây, thật buồn và lạnh. Đường phố hiu hắt mù mù, những con dốc vắng vẻ, đìu hiu. Chúng tôi, co ro đi bên nhau lên xuống những con dốc…Có một đêm, chúng tôi cùng nhau đến một quán ăn trong hẻm để ăn đêm. Ngoài trời lạnh, tô bún bò nóng, cay, thơm thơm mùi sả…rất đậm đà, rất ngon đã làm tôi cứ nhớ mãi... Bây giờ, nhiều khi nghĩ lại có lẽ vì hồi đó đời sống nội trú của chúng tôi quá thiếu thốn cho nên thấy ngon tuyệt cũng nên.
Ngày tiếp theo, chúng tôi lại được mời tham dự một buổi dạ vũ. Trong buổi tối hôm đó, toàn là cấp tướng, cấp tá trở lên. Khung cảnh thật là ấm cúng! Dàn nhạc đánh lên một bản với điệu nhạc du dương. Tôi thả hồn mình trong bài : Em đến thăm anh một chiều mưa của Nhạc Sĩ Tô Vũ
“…Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về...”.
Trong ánh đèn màu, trong cái lạnh của Pleiku. Ôi, Thật là lãng mạn!
Nhìn xuống sàn nhảy, cô bạn gái của tôi đang nhảy cùng một anh Thiếu tá rất phong độ và đẹp trai. Hai người có vẻ tâm đắc. Thật là đẹp đôi. Tôi vốn quê mùa, không biết nhảy nhót, chỉ biết nghêu ngao những bản nhạc tình thời tiền chiến mà thôi.
Sau đêm dạ vũ trở về trại, tôi cũng háo hức cho nên cô bạn tôi đã dìu tôi những bước tập tễnh của một điệu nhảy Slow. Thật vui! Đó là lần đầu tiên tôi tập nhảy đầm. Sau đó, chúng tôi lăn ra ngủ vì quá mệt. Sáng hôm sau thức dậy, tôi không còn nhớ gì đến điệu nhảy nầy nữa.
 Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, chúng tôi vẫn đang ở đây, nhưng trong lòng rất là nôn nóng, mong sao có máy bay để sớm được về nhà. Lúc này chiến trường nóng bỏng, phương tiện chuyên chở không còn . Chúng tôi ai cũng buồn và chờ đợi. Một, hai ngày… trôi qua. Rồi 28 tết, chúng tôi đã có phương tiện trở về nhà. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Đà nẵng. Sau đó, tôi cùng chị tôi về đến Huế vào đúng chiều 29 Tết.
Đến nhà, mọi người đang quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng khói lên nghi ngút. Nồi bánh thật lớn.
Tôi lo ủi áo dài mới để mặc trong ngày mai. Gần 10 giờ đêm tôi đã vào giường nằm, trong đầu óc tôi đang tính toán là sáng mai thức dậy , tôi sẽ đi chùa, đi thăm bà con , ăn mứt bánh, hột dưa và đi gặp người bạn trai… Giấc ngủ đến với tôi lúc nào không hay....
Vào lúc nửa đêm, tiếng mọi người gọi nhau nhốn nháo ngoài đường, thay tiếng pháo giao thừa … mọi mơ ước cho ngày Tết tiêu tan.... Xuân Mậu Thân 1968, một mùa Xuân nhiều kỷ niệm về cuộc chiến về cảnh chết chóc tang thương. Cành cây cầu Tràng Tiền gãy nhịp và…. Sau gần một tháng nằm dưới hầm, tôi đã trở lại trường bình an và tiếp tục học năm học còn lại. Tôi đã gặp lại đầy đủ bạn bè thân thương.....
Sau khi ra trường, tôi đã về dạy học ở Đà nẵng. Pleiku đã xa vời vợi trong tôi, 45 năm trôi qua tôi chưa một lần trở lại thành phố này... nhưng thành phố đó đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp của một chuyến đi… thời còn là giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn.
Mùa xuân lại về với quê nhà! Tôi thèm một chút hương vị của ngày Tết.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Được ngắm hoa mai nở vàng, rồi xúng xính trong bộ quần áo mới,  nghe tiếng pháo Giao Thừa vang vang rộn rã cả lòng, đi lễ chùa đầu năm và quây quần bên bà con, bạn bè ăn những món ăn ngày Tết… rồi ao ước sao cho mình trở lại thời còn bé thơ…
Năm mới đến, Diệu Thơ cầu chúc các bạn trong và ngoài nước hưởng trọn mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc và vạn sự như ý!

Úc Châu 20 tháng 1 năm 2013.

Ảnh tác giả gởi kèm bài viết.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Tình Bạn

Hàn Diệu Phương
Thương tặng Các bạn Lớp Nhị Sáu Khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn

Căn villa nằm trong một xóm vắng thơ mộng với những hàng phong và thông xanh. Những tia nắng vàng lung linh nhảy múa, chói chang chiếu qua hiên, rọi vào trong căn villa thoáng có nhiều cửa rộng của tôi mọi ngày, hôm nay trốn đi đâu mất ? Qua khung cửa của các phòng nhìn ra ngoài chỉ thấy toàn một màu trắng . Tuyết ! tuyết ! tuyết ! Tuyết khắp mọi nơi trắng xóa. Tuyết trên đường phố, trên nóc những ngôi nhà quanh xóm, trên sân trước, sân sau, trong khu vườn đầy khóm hoa đủ màu sắc của tôi mấy tháng trước giờ chỉ còn thấy màu trắng của tuyết. Tuyết lấp lánh, trắng như bông bám đầy trên cành cây của hàng phong trên đường, trên hàng dậu nhà, trên hai cây thông lớn ưa thích của tôi, một nhọn, một tròn trông thật đẹp ! Đây đó có cả những người tuyết, lớn nhỏ, được đội mũ và quấn chiếc khăn quàng đỏ với cái bụng tròn có hàng nút áo và mắt, mũi, miệng gắn bằng trái cây…do bàn tay các cậu bé hàng xóm làm. Khi hai con còn nhỏ, vào mùa tuyết tôi cũng thường giúp chúng đắp người tuyết hay nắm thành những trái banh nhỏ quăng, trêu chọc nhau. Những tiếng cười rộn rã của hai đứa con yêu như vẫn còn đâu đây trong ký ức của bà mẹ “già” tuổi sắp lục tuần.
Ngắm nhìn tuyết rơi, đẩy nhẹ khung cửa slide door patio qua một bên, giơ bàn ra đón những hạt tuyết lành lạnh, mềm mại đang rơi tôi chợt nhớ lại đầu mùa cơn tuyết năm nay tôi quên múc tuyết ăn nên bị cảm lâu chăng ? Lúc còn làm trưởng phòng ở một Daycare tôi thường nghe các cô giáo Canada nói ăn tuyết đầu mùa mình sẽ không bị cảm lạnh. Tôi không biết có đúng không nhưng năm nào ngày đầu có tuyết tôi cũng múc hai tô tuyết trộn với đường để cho hai đứa con tôi ăn với ước mong hai đứa khỏi bệnh vào mùa Đông. Tôi như vẫn còn nghe  tiếng cười khúc khích, đầy thích thú với khuôn mặt láu lỉnh của Huy Đạt, đứa con trai đầu và khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương của con gái kế Thanh Trúc. Hai thiên thần bé nhỏ của tôi khi ăn tuyết hay luôn miệng khen: “Yum, yum, delicious !” Thấy tôi nhăn mặt hai đứa vội sửa: “Ngon, ngon, ngon quá má ơi ! “ ( hai đứa bị cấm nói tiếng Anh ở nhà). Mới đó mà hai cháu đã thành nhân. Huy Đạt có gia đình đã dọn ra riêng. Thanh Trúc tốt nghiệp Sư phạm và đã đi làm…
Những năm đầu xa quê hương, mỗi lần Đông về, tuyết rơi là tôi lại buồn, khóc vì da diết nhớ quê hương, gia đình và bạn bè …
Năm nay thì không còn thấy tủi buồn mà thấy lòng vui, ấm áp chi lạ. Vì sao các bạn có biết không ? Vì bây giờ tôi đã liên lạc được các bạn bè cũ ở SPQN. Thu đi, Đông về, thời gian qua mau có nghĩa là ngày hẹn họp mặt Lớp nhị sáu , khóa 11 của chúng tôi đã thu ngắn.
“Đừng thấy một mái nhà có tuyết phủ mà tưởng bên trong thiếu lò sưởi”
Vâng, bên ngoài nhà tôi tuyết phủ đầy nhưng bên trong ấm áp lắm các bạn ơi ! Ngoài cái máy sưởi gas toàn nhà mở 24/24 vào mùa Đông và lò sưởi đốt bằng củi mở thêm khi cần có không khí lãng mạn…tôi còn có một gia đình hạnh phúc mới hai đứa con ngoan và bạn bè rất đông trên 53 người.
Trời hôm nay, ở đây lạnh dưới 10 độ âm, đang bệnh mà tôi thấy lòng ấm áp và như khỏe lại vì nhận được mấy cái email của các bạn nhị sáu:
“ Chúc mừng bạn nhé Diệu Phương
Xuân về hạnh phúc dặm đường quê xa
Rập rờn bướm nở màu hoa
Nghe trong khoảng lặng lòng ta bồi hồi…’’(B.V.T.)
Vậy là một năm cũ đã qua, năm mới lại về. Mới hôm Giáng Sinh không có một hạt tuyết. Dân Canada ở Tổ Rồng To ( Toronto ) đã lo lắng kháo nhau, năm nay “Green Christmas” chắc không may như những năm có “White Christmas” rồi (Giáng sinh xanh, ý họ nói chỉ thấy cỏ và thông xanh ?). Vậy mà vài ngày sau, ngày đầu của năm mới 2013 chúng tôi đã có “ White New Year” Mình sẽ có một năm hên rồi !
Hôm Giáng sinh H.T cũng gọi điện thoại chúc Noel và nói tôi “nhõng nhẻo” với ông xã (người ta bệnh gần chết mà H.T và Dzung nói tôi nhõng nhẻo ) Bạn đã an ủi tôi với những lời lẽ rất chân tình…
Một email đầu năm khác cũng gởi tới:
“Phương ơi ! Đừng bi quan, cố gắng uống thuốc, nhớ giữ gìn sức khỏe.
Các bạn lớp 6 khóa 11 rất quí mến bạn, còn riêng mình rất yêu quí Phương…
(R. send from my ipad)
Hơn tháng nay bệnh cảm cúm của tôi cứ dây dưa hoài không hết. Hôm Noel ham vui, đến nhà con trai mở quà, về nhà bệnh nặng hơn, làm tôi trở nên bi quan, cho nên khi nhận được các email của bạn bè, tôi thấy thật là ấm lòng .
“Món quà lớn nhất của Thượng đế tặng cho con người là Tình bạn. Một Tình bạn thân thiết, dịu dàng sẽ xoa dịu cho ta nhiều nỗi lo buồn, đau khổ hay nhọc nhằn trong cuộc sống, trong tình trường” phải không các bạn ?
“Trong những hạnh phúc lớn nhất của đời sống là Tình bạn , và trong những hạnh phúc lớn của Tình bạn là có một người để gởi gắm một bí mật, một tâm tư “. (Manzôni)
“Many people will walk in and out of your life, but only true friends will leave footprints in your heart.”
Những câu nói về tình bạn trên của ai đó thật là chí lý !
Cám ơn B.V.T, cám ơn Ren, cám ơn H.T và các bạn !
Với tôi, ngoài tình quê hương, tình mẹ cha, tình con cái, tình yêu đôi lứa…Tôi nghĩ, Tình bạn cũng không kém phần quan trọng trong cuộc đời mình.
Đêm giao thừa, khu Etobicoke của tôi thật yên tĩnh, không nghe tiếng pháo nổ hay thấy mọi người ôm hôn nhau chúc Tết như ở City Hall (Tòa đô chính) hoặc đường lớn như Bloor .Cả nhà đã đi ngủ chỉ còn mình tôi thao thức. Năm nay bệnh nhiều tôi không thiết gì và cũng không còn sức để trang hoàng nhà cửa hay làm cây Noel sau những ngày mệt mỏi ráng sức đi làm... Giờ này, mọi năm nếu không qua New York sum họp Giáng sinh,Tết với Má và 10 anh em thì gia đình tôi đang ở nhà một người bạn nào đó ồn ào trò chuyện, ăn uống chờ “Countdown “ cho Năm Mới và xem văn nghệ, pháo bông toàn thế giới…
Sau tấm màn voan của phòng khách rộng, Ông xã tôi giăng một dây đèn điện dài xếp theo hình con bướm cho nhà có sinh khí, cho ra Tết, anh nói. Những ánh đèn nhiều màu sắc nhấp nháy sau tấm màn voan trông tuyệt đẹp như tấm thảm được dát ngọc minh châu. Tôi cũng đã thấy một bức tranh còn đẹp hơn nữa. Đó là lần đầu tiên thấy được cảnh đèn đêm ở  Hồng Kong khi ngồi trên chiếc thuyền vượt biển cập bến vào Tháng 10 năm 1978. Ngày kỷ niệm đại gia đình tôi đến được bến bờ tự do, cũng là ngày tôi thực sự xa quê hương, xa vĩnh viễn người cha già kính yêu và bạn bè…
Không biết từ lúc nào tôi có thói quen check email nhiều lần mỗi ngày: sáng, trưa, chiều, tối hay bất cứ lúc nào tôi rảnh ? Hình như sau khi tôi quen Anh Thơ, Kim Khánh trong phôn rồi hẹn đi Houston, Texas dự ” Đại hội 15 năm nhìn lại “, ngày họp mặt của cựu học sinh hai trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn ?
À, mà không, từ khi tôi liên lạc được với Ren và các bạn cùng Lớp ở Sư Phạm Qui Nhơn thì đúng hơn.
Tôi còn nhớ hôm ấy vào một ngày nắng đẹp đầu Tháng 7 năm rồi (2012) ở Toronto . Tôi nhấc phôn về VN, gọi một số phôn mới và hồi hộp chờ người bạn cũ xa cách hơn 38 năm trả lời :
“ A lô, xin lỗi có Ren ở nhà không ? Cho tôi nói chuyện với Ren”.
Một giọng Huế dễ thương trả lời :“ Vâng, Ren đây, ai đọ ? “
Tôi mừng run, mỉm cười một mình đáp: “Đoán thử xem ai đây Ren ?”
Sợ bạn không đoán được tôi gợi ý: “Một người ở xa, một bạn cũ cùng học Sư Phạm với Ren ngày xưa “
Câu trả lời như tiếng reo vui :“Ạ, Hàn Diệu Phương phải không ?”
Tôi thật ngạc nhiên không biết tại sao “ Chuông Nhỏ “ (nick name chúng tôi gọi Ren) lại nhớ và nhận ra tôi tài quá vậy ? Sau đó hỏi ra mới biết một người bạn cũ cùng học ở Nữ Trung Học QN là Kim Loan kể cho Chuông Nhỏ nghe đã gặp tôi ở Houston, Texas và cũng chính Kim Loan cho số phôn của Ren để tôi mới có cơ hội liên lạc với bạn …
Mừng quá ! chúng tôi ríu rít thăm hỏi, tha hồ tâm sự ,nhắc lại chuyện xưa thuở cùng học trường SPQN (1972 -1974).
Những ngày tiếp theo, cứ khi nào rảnh tôi lần lượt phôn thêm các bạn cùng lớp khác, ít nhất cũng hơn ba chục bạn. Những câu đối thoại đầu của chúng tôi cũng tương tự nhưng không ai đoán được ra tôi trừ Chuông Nhỏ …
Mỗi lần được nói chuyện với một người bạn – hoài niệm lại những kỷ niệm xưa tôi thấy mình như trẻ lại và vui không sao tả được. Tôi vui theo hoàn cảnh của mỗi bạn và cũng buồn theo những lận đận, khốn khó của mỗi bạn…
Không ngờ bây giờ các bạn của tôi nhiều người rất thành danh, khá giả như trưởng lớp Đào văn Tuấn làm chủ một công ty lớn. Quảng Đình Tú là một doanh nhân lớn có cả những hãng xưởng điện tử, bóng đèn… Nguyễn văn Thái làm Tỉnh ủy, Huỳnh Ngọc Tượng thành một Nhạc sĩ với những bài ca nổi tiếng được nhiều người biết đến. Anh hiện làm chủ nhà hát lớn ở Pleiku. Vương Hữu Thành làm Trưởng phòng nông nghiệp ở Đác Lắc. Huỳnh Văn Triên, Nguyễn Thu Tịnh làm ở Bộ Giáo Dục. Nhiều bạn khác làm Hiệu trưởng như Võ Thủ Tịnh, Bùi Văn Tạo, nhà thơ đồng quê làm Hiệu trưởng ở một trường ở Quảng Ngãi. Hiền Tuấn chàng giáo sinh hiền lành , búng ra sửa (nhỏ nhất lớp) nay thành phó Hiệu trưởng một trường lớn và bây giờ văn thơ đầy mình…Trần Đình Tín chủ tiệm vàng với thu nhập khá ổn định còn kiêm luôn giữ quỹ Tương tế lớp, Vậy mà lo giữ tiền quỹ cẩn thận còn hơn giữ tiền nhà. Trần Văn Thanh trở thành một kỹ sư giỏi bên Mỹ…Và rất nhiều những bạn khác trở thành những Giáo sư, Giáo viên dạy giỏi v. v…Tôi rất hãnh diện và cảm phục các bạn !
Ngoài công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, chúng tôi có được một nhân cách tốt, kiến thức cao, thành danh trên đời ngày hôm nay là nhờ Quí Thầy Cô từ Tiểu học, Trung học, Đại học và Sư Phạm Qui Nhơn đã tận tâm dạy dỗ chúng tôi… Chúng con xin ghi lòng tạc dạ công ơn của Quí Thầy Cô và kính chúc Quí Thầy Cô luôn dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc. Những lời dạy tâm huyết, thâm sâu của thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn trong đêm mãn khóa năm 1974 là hành trang quí báu con mang theo trên cuộc đời xa xứ và đã áp dụng trong gần 30 dạy học ở quê nhà và hải ngoại… Con xin hẹn tâm sự với Quí Thầy Cô nhiều hơn trong bài : “Tình Thầy Trò”.
Bên cạnh nỗi vui và hãnh diện về các bạn thành đạt, giàu sang tôi cũng xin chia xẻ nỗi buồn vì cũng còn một số bạn cuộc sống vẫn còn khó khăn. Tôi chúc các bạn ấy một Năm mới 2013 sức khỏe dồi dào, hạnh phúc hơn, bớt khổ hơn và mọi sự may mắn , tốt đẹp, thành đạt hơn những năm qua…
Cứ mỗi ngày, gọi phôn và điện thư nói chuyện với các bạn, những kỷ niệm xưa lại hiện về. Tôi thấy thật vui khi hồi tưởng lại những sinh hoạt với Lớp, như cùng các bạn học ở giảng đường, dạy mẫu, cọng tác với bạn khi thuyết trình về khoa học. Những buổi đọc sách, tham khảo bài vở ở thư viện. Những lần đi cộng đồng cùng chia xẻ những quả xoài xanh khi đi qua những ruộng lúa thơm mùi quê hương với một bạn nam cùng lớp.
“Phương còn có nhớ mùa Xuân trước ?
Đường quê hương lúa nắng bên sông
Xoài xanh chia nửa từ dạo ấy
Xa người khắc khoải nỗi chờ mong “…
Những lần sinh hoạt, ca hát với các bạn ở Tu viện Nguyên Thiều, Qui Hòa, Cù Lao Xanh v. v…Nói đến Cù lao xanh lại thương Hiền Tuấn vì nghèo bụng đói, ham bơi mà suýt chết đuối ở đảo…
Những chiều cuối tuần các bạn Lệ Thu, Tỏi đến nhà tôi ngủ và mấy cô nhỏ thức suốt đêm tâm sự, kể cho nhau nghe về các cây si hay mối tình của mình. Có lần nửa đêm tôi hát một câu trong bài “Căn nhà ngoại ô” mà các bạn cười hoài:
“ Những đêm thức giấc ngỡ ngàng, nghe lòng thương nhợ biết rằng mình yêu “.
Hôm tôi phôn về Tỏi và Lệ Thu mừng quá đỗi. Tôi nhắc hai bạn về họp mặt Tháng 7/2013 Lệ Thu nói : “ Sao lâu quá vậy ? Tháng sau gặp nhau được không ?” Tôi cũng nôn như Thu vậy. Ước gì có đôi cánh tôi sẽ bay về liền chứ không cần đợi tháng sau hay tháng 7. Tiếc thay, tôi không có đôi cánh và bây giờ đang ở cách xa quê mẹ ngàn trùng…
Mỗi lần các bạn giáo sinh SPQN đến ở chơi Má thường giúp tôi làm bớt việc nhà để tôi và các bạn gái có thể đi hóng gió biển , đi dạo phố hay đi cine , ăn chè …
Những buổi tan trường cùng về với Sen nghe Sen đọc bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan :
Nàng có ba người anh đi bộ đội…”
Hoặc “Hai sắc hoa ti gôn”của TTKH một bài thơ mà thời đó các cô bé mê thơ như chúng tôi rất thích :
“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn…”
Sen là người bạn học mà tôi thương mến nhất lớp lúc học Sư Phạm. Sen có mái tóc dài, đôi mắt to tròn với lông mi cong vút. Tính bạn rất dễ thương và chìu bạn bè, ăn nói tế nhị. Có lần Sen đến nhà tôi chơi thấy phòng tôi bề bộn Sen nói : “Phương sống nghệ sĩ ghê há ! “Tính tôi hay quên , Sen nói : “Thiên tài hay đãng trí ! “ Sen và Mẹ Sen thường khen đôi bàn tay “tháp bút” và đôi gót chân son của tôi . Bác ấy nói : “Con nhỏ có tướng sang chắc sau này sung sướng ! ” Bác có ngờ đâu từ khi xuất ngoại tôi “cày” như trâu…
Ngoài Sen ra tôi cũng chơi thân với Lệ Thu, Tỏi, Hoàng Phượng, Phượng là cô dâu của Nhị sáu trong vũ khúc “Miếng trầu duyên“ của lớp, lúc đó tôi cũng có tham gia. Lần đó lớp tham gia dự thi Văn nghệ ở trường và được hạng nhất. Hoàng Phượng có nước da trắng trẻo, khuôn mặt ưa nhìn đã làm bao nhiêu chàng giáo sinh ngơ ngẩn. Thế rồi “cô ấy theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Lớp tôi còn có Hoài Thanh, cô bạn có dáng sang và đôi mắt rất buồn. Bạn có hôn phu là một sĩ quan Phi công như tôi nhưng Thanh ít may mắn hơn là người ấy đã vĩnh viễn ra đi trong một công vụ… Nên từ đó, đôi mắt bạn tôi đã buồn lại càng buồn hơn. Tôi biết cuộc tình buồn của H.Thanh và biết bạn vẫn thường hay đi thăm mộ chàng nhưng không bao giờ dám hỏi vì sợ chạm đến nỗi đau của bạn. Từ khi liên lạc lại với nhau, H.Thanh thường phôn và email cho tôi nhiều nhất. Bạn vẫn nhiệt tình và ngọt ngào, tốt bụng với bạn bè như xưa. Hoài Thanh ơi ! Nhớ Thanh và thèm được ăn đậu phọng da cá bạn đã làm cho lớp ăn khi xưa lắm !
Vĩnh Phước thường gởi điện thư với tôi đều từ khi liên lạc lại .Bạn ấy có chung một kỷ niệm khó quên trong một dịp chúng tôi đi “ Ủy lạo chiến sĩ “ ở Pleiku …
Tâm Thanh cô bạn người Huế tốt bụng, lí lắc, có nụ cười xinh, cũng là “bà mai” trong hoạt cảnh Miếng Trầu Duyên của lớp. Nghe bạn Võ Sao Tây kể ,Tâm Thanh là ân nhân của bạn ấy trên đường di tản năm 75 về lại quê nhà.
Cám ơn Ren, cám ơn H. Thanh, Vĩnh Phước, Triên, Tự Tín, Tịnh Võ , Hiền Tuấn, Tín, Tạo… lâu nay và hơn tháng nay thường xuyên email thăm hỏi, an ủi tôi khi tôi bệnh…Cám ơn V.T với bài “Thu Nhớ “, P.V Tấn đã thảo một kế hoạch chu đáo, đặc sắc cho ngày họp mặt và đã cảm tác bài “ Thu cảm” của tôi và tặng lại bài “Cảm Thu”.
Tôi quí mến tất cả các bạn nữ trong lớp. Phải tự hào mà nói 11 bạn nữ trong lớp Nhị sáu của chúng tôi ai cũng thân thiện, dịu dàng và chơi với nhau rất là hòa nhã … Đã gần 40 năm xa nhau tôi không hình dung ra khuôn mặt của tất cả những bạn nam trong lớp nhưng về các bạn nữ thì tôi nhớ khá rõ . Xin tặng các bạn nữ thân thương của lớp tôi một bài thơ ngắn. Những câu trong bài thơ sau đây ít nhiều đã nói lên được cá tính hay kỷ niệm xưa cùng tôi chung học:
THẬP NHẤT THƯƠNG
Nhất thương ai cũng ngợi khen,
Văn hay, hát giỏi nàng Ren ấy mà.
Nhị thương Vĩnh Phước hài hòa,
Vui buồn cũng thế chỉ là cười thôi.
Tam thương Ánh Tuyết yêu đời,
Xinh xinh, xắn xắn dáng người thon thon.
Tứ thương nàng Tỏi tròn tròn,
Yêu đương rộ nở, tình vương vơi đầy.
Ngũ thương liễu rũ tóc mây,
Lệ Thu hiền thục, dáng gầy thương thương.
Lục thương sen trắng, Sen hường,
Thi thơ đầy bụng, văn chương đầy mình.
Thất thương tình lại trói tình,
Diệu Phương trăng trắng, xinh xinh, nõn nà.
Bát thương nhớ tiếng người xa…
Hoài Thanh lắm nỗi phong ba giữa đời.
Cửu thương trà chúc, rượu mời,
Tâm Thanh miệng lưỡi, ngọt lời mối mai.
Thập thương Hoàng Phượng trên ngai,
Hoàng cung cùng bạn khảy bài “ Tiếng xưa”.
Dư thương càng ngắm càng ưa,(*)
Nàng Phúc xinh đẹp lại vừa hiền ngoan.
Ai về xứ Nẫu có còn…
Vương vương, vấn vấn “thập nhất” thương chăng là ?...
( * Dư – thứ dư – đứa con thứ 11 )
Như một phép lạ trong vòng mấy tháng chúng tôi đã liên lạc được với nhau 53 người. Trừ 4 bạn đã đi về Thiên quốc như Duy Trinh, Kim Tín , Đình Tuấn , Ngọc Thuyết .
Nói là một phép lạ cũng chưa đúng hẳn mà một phần chính là nhờ “Chuông nhỏ” đã gióng chuông hô hào, các bạn mỗi người một tay dò tìm các bạn khắp nơi từ quê nhà đến hải ngoại. Chuông nhỏ đã ra thông báo số 1, số 2 , 3, 4 , 5 ,6 rồi số 7 để chuẩn bị ngày họp mặt 39 năm, khuyến khích các bạn viết bài để làm cuốn kỷ yếu , báo cáo số bạn tìm được, đóng góp quỹ tương trợ Lớp vân vân và v.v…
Tội nghiệp Chuông nhỏ, cô bạn đa tài ,nhiệt tình, tốt bụng của lớp tôi ! Hát hay, giỏi văn chương nên cô nàng kiêm luôn làm chủ nhiệm và chủ bút, sửa bài dùm cho một số các bạn, mỗi lần các bạn cho ra đời một “ Đứa con tinh thần “.
Hi. hi. hi !...dở như tôi thì đâu có ai làm phiền phải không Ren và các bạn ?
Công lao tìm bạn lớn nhất phải nói là Huỳnh Kim Thạch, cô dâu nhị sáu dễ thương Phú Vang, Trần Trọng Thái, Trần Đình Tín, Nguyễn Sĩ Tạo, Huỳnh Văn Triên, Lê Tự Tín, Hiền Tuấn … Các bạn không ngại khó khổ băng rừng , vượt suối , đói khát nhiều ngày trên đường tìm bạn. Phú Vang, hiền thê của Kim Thạch phải phôn hàng trăm cú phôn để truy tìm địa chỉ mỗi bạn. Bạn ấy còn mang máy ảnh cùng chồng đi tới nhà những bạn nào chưa có hình để chụp cho đủ dung nhan trong cuốn kỷ yếu . Hoan hô Phú Vang ! Hoan hô các bạn đã góp công cho lớp Nhị sáu để ngày về trọn vẹn niềm vui !
Cám ơn Anh Thơ ,Thiệu Tuyết, Kim Khánh, Anh Hai, Dzung , Lê Huy- Kim Loan và các em học trò cũ của cô: Tina, Bonnie, Phát đã thường xuyên sưu tầm, gởi nhiều bài hát, bài thơ đầy ý nghĩa, tin tức hay, lạ cho tôi mỗi ngày. Đặt biệt là cám ơn Thơ, Khánh ở Houston, chưa một lần gặp mặt mà dám mời P đến ở nhà, dẫn đi chơi, đãi ăn…Anh Thơ là người chịu khó nhất mỗi ngày sưu tầm gởi hàng mười, hai chục email…Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về tình bạn, tình thầy trò . Kiến thức tôi mỗi ngày một tăng tiến từ ngày được quen biết với các bạn, liên lạc với các bạn. Tôi rất trân quý những tình cảm, những ưu ái mà các bạn đã dành cho tôi trước kia và bây giờ…
Bên ngoài tuyết tỏa sáng khắp mọi nơi như có lân tinh hay như có ánh trăng. Những ánh đèn màu Noel, Tết giăng đầy xung quanh nhà của những người hàng xóm vẫn tiếp tục nhấp nháy, như reo vui nói : Happy New Year ! Chúc Mừng Năm Mới ! Chúc mừng tình bạn của chúng ta đã nối kết sau gần bốn thập niên…
Tuyết vẫn rơi, lạnh lẽo và rét buốt, riêng tôi thấy ấm áp vì được sưởi bằng tình bạn...
Cầu chúc các bạn luôn sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều niềm vui trong tuổi già !
Mong thời gian qua mau để “ngày về” tôi được gặp mặt đông đủ các bạn. Mong TÌNH BẠN của chúng ta mãi mãi tồn tại với thời gian:
Tình yêu có thể mất nhưng tình bạn của chúng ta sẽ không bao giờ mất phải không các bạn Nhị sáu khóa 11 SPQN ?
Ngày đầu năm 2013
Hàn Diệu Phương

Gởi tặng các bạn vài tấm hình HDP chụp với mùa đông Canada:


 

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...