Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

NHŨNG THÁNG NGÀY ĐI DẠY



                                                                             Trần Đình Tín.

          Tháng tư đã về! Miền Trung bắt đầu nắng. Bầu trời thì trong xanh mênh mông. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngày trời dìu dịu nhờ xuất hiện một vài đám mây trắng bồng bềnh trôi kèm theo những cơn gió mát từ biển khơi thổi vào.
          Tôi không có thói quen uống café sáng. Hôm nay thức dậy, tự nhiên tôi muốn đến một cái quán nào đó thật yên tĩnh để ngồi một mình.
Đường phố Qui Nhơn sáng sớm như còn ngái ngủ. Khi tôi bước vào Tiếng Thời Gian dường như chỉ có một mình. Tôi chọn một cái  bàn nằm ở góc khuất. Trong khi chờ… tôi lơ đễnh nhìn ra ngoài. Xe cộ đã bắt đầu qua lại. Học sinh tung tăng đi học. Đã bao lâu rồi, tôi không còn nhớ một thời nào đó mình đã từng là thầy giáo, đã từng đứng trên bục giảng và mùa khai trường cũng rộn ràng, nôn nao đến trường dạy học.  
           Tôi còn nhớ! Năm 1974 tốt nghiệp Sư Phạm ra trường đi dạy
học. Nhiệm sở của tôi lúc đó là Ty Giáo Dục Quảng Tín nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Tôi dạy khoảng 6 tháng thì đất nước Giải Phóng. Tôi khăn gói trở về quê. Quê tôi thuộc Bình Tường-Tây Sơn-Bình Định. Lúc đó tôi định tiếp tục dạy ở quê. Ở đó sẽ thuận tiện hơn vì tôi có ông anh rễ là Chủ Tịch Xã. Nhưng suy nghĩ mãi có nên ở lại quê hay xuống Qui Nhơn. Cuối cùng, tôi quyết định xuống Qui Nhơn dạy học.
Ở Quy Nhơn, ngôi trường đầu tiên tôi dạy là Trường Tiểu Học Mai Xuân Thưởng sau đổi tên là trường Cấp Một Lê Lợi 1. Dạy đúng một niên khóa thì có quyết định chuyển sang Đảo Nhơn Châu rồi sau đó đổi sang Nhơn Hải rồi đến Hải Giang qua Hải Minh về lại đất liền dạy Hải Cảng cuối cùng là trường Tiểu Học Đống Đa.
Có lẽ tôi là một giáo viên có được diễm phúc dạy nhiều trường nhất từ những hải đảo xa xôi đến các bán đảo rồi đến các trường nội thành trong một thời gian ngắn nhất.
Năm 1990, tôi xin nghỉ dạy vì rất nhiều lý do. Tôi đến Phòng Giáo Dục Qui Nhơn gặp thầy Thừa người phụ trách Tổ Chức, để trình bày hoàn cảnh:
- Thưa thầy! Em công tác trong ngành Giáo Dục tương đối cũng lâu rồi. Cuộc sống hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nên em không thể tiếp tục vì vậy em đến đây xin nghỉ dạy. Thầy giải quyết lương bỗng của em thế nào?
-Chắc không có đồng nào đâu? Vì đây là thầy tự nghỉ, không theo chế độ.
-Em biết vậy, nhưng thưa với thầy là em đã phục vụ ngành giáo ngần ấy năm mà không giải quyết cho em được vài tháng lương về mua mấy ký gạo ăn à!
-Khổ quá! Đã nói với thầy rồi, không thể giải quyết được.
          Tôi lủi thủi đi về. Thầm tủi bản thân mình. Hai năm đèn sách học nghề thầy, mười sáu năm đi dạy. Bây giờ về tay không!!!
          Tiếng hát Tuấn Ngọc vang lên trong giai điệu bài Bản Tình Cuối của Ngô Thụy Miên đã ngắt nguồn suy nghĩ của tôi…
          Không biết từ bao giờ tôi rất thích bài hát này và cứ mỗi lần nghe là tôi lại nhớ những tháng ngày học Sư Phạm Qui Nhơn… Thật sự mà nói ngày tháng đó sao mà êm đềm, sao mà tâm hồn mình vui tươi, yêu đời đến kỳ lạ. Dưới mái trường Sư Phạm, tôi được ấm áp vì có tình bè bạn, có những rung động êm dịu của con tim, có những bài học làm người… mà bây giờ vẫn theo tôi đi suốt cuộc đời…
          Tôi còn nhớ! Năm nhất niên. Một hôm, trong giờ Giáo Dục Cộng Đồng do thầy Tính giảng dạy. Thầy là người nỗi tiếng nghiêm khắc. Thầy phân công tôi và bạn Huỳnh Văn Triên phụ trách việc thuyết trình. Không biết bài thuyết trình của hai đứa tôi nó dở như thế nào? Hay là tại vì lần đầu trình bày trước lớp mà nhất là trước các cô giáo sinh xinh đẹp nên tôi và Triên run lắm, cứ lập cà lập cập sao đó? Mà vừa kết thúc, chúng tôi chưa kịp về chỗ thì thầy Tính phán một câu giữa lớp:
-Bài thuyết trình của trò Tín và trò Triên không những không có điểm mà còn bị điểm trừ.
          Lời phê bình của thầy làm tôi lùng bùng lỗ tai và lảo đảo đi về chỗ ngồi. Từ đó tôi cứ suy nghĩ mãi về lời thầy và nó trở thành một bài học nhớ đời. Nó đã giúp tôi nhận thức và trách nhiệm khi làm bất cứ một công việc gì? Sau này tôi thường khuyên bảo các con tôi rằng:
          -Phàm làm bất cứ một điều gì? Một công việc gì? Các con phải tìm hiểu cho thật cặn kẽ, phải chú tâm làm cho thật tốt để khỏi thua kém bạn bè.
          Như trên tôi đã nói, tôi dạy rất nhiều trường. Trường nào cũng để lại cho tôi một vài kỷ niệm nho nhỏ thật đáng yêu nhưng nhớ nhất là trường Hải Giang thuộc bán đảo Phương Mai.
          Nói là trường chứ thật ra đó chỉ là một túp lều thì đúng hơn. Học sinh thì lèo tèo mỗi lớp vài ba em. Tôi dạy một lần ba lớp. Thật là tội nghiệp! Nói cho cùng thời nào cũng vậy, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… bao giờ cũng hẩm hiu cả.
          Tôi tá túc nhà ông trưởng thôn. Ông này thuộc diện khá nhất trong làng. Hàng tháng, tôi chỉ nộp 13kg gạo thôi, thức ăn miễn phí. Gia đình có gì ăn nấy. Thực đơn rất là đơn giản, những món như đậu phụng giã trộn chung với một ít muối, canh lá giang nấu với cá chốt (một loại cá giống như cá trê nhưng nhỏ bằng lóng tay). Sáng trưa chiều đều như thế!
          Một hôm, ông chủ nhà nói với tôi:
-Tôi thấy thầy ốm yếu, ăn uống lại đạm bạc. Sợ thấy kham không nổi quá! Sức đâu mà dạy mà phụ giúp bà xã.
Dân biển là thế đó! Chất phác, nghĩ sao nói vậy. Tôi nghĩ thầm: -Chắc ông không để ý chứ khi mới vào tá túc nhà ông. Đến bữa cơm, ông bảo với tôi:
-Mời thầy ngồi ở đầu bàn để mấy cháu nó xới cơm cho.
-Dạ, không sao, con ngồi đâu cũng được.
Thời ấy, người dân họ sống rất khó khăn. Làm ra hạt gạo tay lấm chân bùn! Nhưng tấm lòng họ rộng mở và tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” vẫn sâu đậm trong tâm tưởng của họ.
Thời gian sau, tôi tự động ngồi sát nồi cơm để tự xới vì tôi ăn hoài mà không thấy no mà ngồi xa thì cứ đưa cho mấy đứa cháu nó xới hoài thấy cũng kỳ. Chẳng thà anh nông dân ăn nhiều không ai quở, còn mình là thầy giáo!!! Có hôm mấy đứa nhỏ thì thầm nói với ông chủ nhà:
-Ông nội ơi! Sao thầy T..ăn khỏe dữ?
-Không sao đâu con, ăn như vậy thầy mới dạy tốt cho các con được.
          Tôi nhẹ cả người! Từ những bữa cơm đạm bạc như thế! Tôi sống những ngày tháng với tình cảm của những phụ huynh chân chất đầy sự kính trọng thầy cô giáo.
          Hồi ấy, cuộc sống khó khăn, không ai nghĩ gì nhiều về mặt dinh dưỡng. Sau này tôi mới nhận ra rằng, cá chốt nấu với lá giang là món ăn rẻ tiền mà vô cùng bổ dưỡng. Cũng nhờ thế, nó giúp tôi có thể lực bền bĩ để vượt qua mọi công việc.

  Sau khi từ biệt bục giảng trong sự luyến tiếc. Vẫn biết rằng nghề dạy học là nghề cao quý nhưng tôi không thể trụ lại và đã chọn công việc kinh doanh cho nên tôi phải quyết tâm làm thật tốt công việc và trời đã không phụ lòng tôi.
          Thời gian vẫn trôi nhưng những kỷ niệm trong tôi không phai mờ theo năm tháng và có lẽ nó theo tôi đến hết cuộc đời này.
          Bây giờ đã gần bốn mươi năm rồi mà mỗi khi ngồi với T.., với R.. nhắc lại những kỷ niệm xưa khi còn đi học ở trường Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi vẫn cứ ngỡ nó vừa mới xảy ra đâu đây, vẫn hình dung những ánh mắt nụ cười trao nhau sao mà ấm áp, thân thương đến lạ thường.
Thời gian như “Bóng câu qua cửa sổ” , tôi thấy luyến tiếc thời tuổi trẻ của mình và cảm thấy sợ! Đành rằng : Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình nào ai tránh được?
Thôi thì:
Vật đổi, sao dời.
          Đông tàn, xuân sang.
          Hình hài thay đổi.
          Còn chi em ơi!
          Chút tình để nhớ!
          Thương hoài ngàn năm.

Qui Nhơn, tháng 04/2013.
          Trần Đình Tín.

28 nhận xét:

  1. Mot chut lang mang, mot chut gi gi de nho, de thuong cua cuoc doi da troi qua.
    Cam on Tin bai viet rat xuc dong voi tam tu huong ve nhau cua thuo thang tram troi qua ngay xua ay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cảm ơn Tín, dù bây giờ là doanh nhân nhưng vần nhớ một thời SP
      Sư phạm là sư phạm ơi
      Một thời để nhớ một thời để yêu
      Dẫu chừ đây đã xế chiều
      Dẫu sang lối khác, vẫn yêu một thời
      Sư phạm là sư phạm ơi

      Xóa
    2. H T than men
      Minh hoi bat ngo .Bai viet cua minh da duoc dang tren trang spqn.Minh dinh chi viet vai dong cho vui voi cac ban nhi 6 thoi ( ky yeu).Van ve cua minh cau duoc, cau mat .Nhung vui nhat la bon minh se duoc mot chau cafe ca nhac do....... nop phat

      Xóa
    3. DanThanh oi
      kinh doanh la ngon
      Su pham moi la goc ban a
      DanThanh chua biet mat,nhung nghe ten sao hay qua!

      Xóa
  2. “ Tui với Anh ” gặp nhau khá nhiều lần mà chưa bao giờ tui được nghe tâm sự đầy xúc cảm của Anh !
    Chắc Anh không thể nào quên lúc Tui với Anh dạy ở trường Bình Quế đâu hỉ ? Mỗi tuần vài buổi sáng chở nhau bằng xe đạp bốn, năm cây số đến trường, sợ nhất là nghe: Thầy bòa gì mòa tóc taai dàai đến cổ…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ban HvT
      Minh voi ban co qua nhieu ky niem. Nhung co ky niem ma song de bung ,chet mang theo .Khong dam tho lo cung ai...

      Xóa
    2. Hai bạn Tín Triên ơi ! Có kỷ niệm gì mà sống để bụng chết mang theo là không được đâu nhé . Tháng 7 này tất cả phải khai ra hết ... Cả vụ án Đinh Thị Đạo nữa phải tìm cho ra ?.

      Xóa
    3. Thôi rồi Tín , Triên hai người ai có dính líu với Đinh Thị Đạo khai ra liền, P không chờ được đến tháng 7 được đâu nhé. P là ... bạn thân của Đạo đó ! DP

      Xóa
    4. Dieu Phuong la ban than cua DTDao ma khong biet vu Culaoxanh a?Chac bi phat roi do.Rang chiu.

      Xóa
  3. Tín ơi!
    Bây giờ Thầy Tính mà đọc bài viết của Tín và Triên chắc chắn thầy sẽ nói rằng: - Bài viết của hai anh không những có điểm mà còn điểm cộng nữa đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ren oi!
      Minh mong thay Tinh doc bai nay qua .Nhung cung so thay bao:
      Tuong sao chu viet the nay thi hay ho gi so voi lan truoc dau !

      Xóa
  4. Bài viết rất hay , Tín viết như trải lòng . Bây giờ tôi mới thấy tính cách của ông bạn . Đằng sau sự ít nói là một sự bình dị rất ư là đời thường .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ban Sao Tay than
      Lan dau tien nghe mot nguoi ban khen minh viet hay !.Rat tiec vua roi minh co di qua Dong Nai,nhung thoi gian eo hep qua ,thanh thu kg ghe tham ban,Tinh va Le Thu duoc ,hen thang 7 nghe

      Xóa
  5. Ren nói rất đúng , nếu bây giờ mà thầy Tính đọc bài của TĐTín và HVTriên, thầy sẽ cho hai bạn điểm 20/20 .
    Bài viết cảm động lắm ! Lại rất chân chất như tính tình của các bạn nói riêng và các bạn lớp 6 khóa 11 nói chung .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Tuyet than
      Tuyet noi dung do,bon minh du con di day hoac nghi day.Nhung ban chat van la nhung con nguoi that tha, chat phat

      Xóa
  6. Sao mấy cô giáo về hưu rồi lại rộng tay quá vậy ta? Ngày xưa thầy cho điểm trừ thì sau 40 năm mình có rộng gì cũng chỉ bỏ điểm trừ đi thôi chứ. Phải không hai bạn Tín-Triên.
    Tín ơi! bài viết của bạn làm mình nhớ những ngày sau giải phóng tụi mình giống nhau lắm nhưng mình thì không được dạy nhiều trường như bạn. Tính đến nay mình chỉ qua 3 trường sau 38 năm thôi. Hẹ ngày cuối tháng 7 gặp nhau nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nha tho Thien An men
      May co giao nghi huu mat tay qua phai kg? Nha tho thong cam vi may co thay quy thoi gian cua anh em minh kg con nhieu ,nen dong vien thoi ma !

      Xóa
  7. Thiên Ân ơi,
    Cô giáo Ánh Tuyết “ chơi chử ” đó,“ Thầy sẽ cho hai bạn điểm 20/20” , vậy là mỗi người chỉ được điểm 10/20 thôi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ nhỉ! cô giáo về hưu rồi mà cũng cho mẹo nữa, thú vị thạt. Nói vậy thôi chứ mừng cho hai bạn sau 40 năm được minh oan cũng là niềm vinh hạnh rồi. Phải không hai bạn
      Chúc cả nhà vui khỏe và mai nuôi trang nhà ngày thêm tươi đẹp hơn.

      Xóa
  8. chào bạn T.Đ. Tín
    Khi bạn bước vào Tiếng Thời Gian chỉ có một mình nên Tiếng Lòng của bạn chân tình và ấm áp nhiều về kỷ niệm . Dù rời phấn , bảng khá lâu nhưng bài văn mạch lạc và nhẹ nhàng không hổ danh đã từng là thầy giáo . Giáo án dạy học trò " Tập làm văn " không bao giò quên các bạn nhỉ .
    Chờ đọc thêm bài mới của bạn
    Chúc vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chao co Dzungnguyen
      Toi rat thich uong caffe mot minh khi troi co mua va se lanh .Ngoi nghe mot bang nhac ma minh yeu thich .Neu co mot co ban nao do ma minh men tinh co gap thi tren ca tuyet voi .Xin cam on loi khen cua Dzungnguyen

      Xóa
  9. Hàn Diệu Phươnglúc 11:30 20 tháng 4, 2013

    Tín ơi, Bài viết của Tín thật hay và chứa đựng nhiều tâm sự, kỷ niệm... Tâm sự thuở hàn vi, kỷ niệm thời học sư phạm , thời đi dạy ... P nghe đâu đó có đoạn sao giống chuyện của mình , như việc P thay đổi dạy gần hai 20 trường và những đắng cay tủi nhục khi bị người ngoại quốc kỳ thị, hiếp đáp qua bao nhiêu năm lưu lạc xứ người v.v...
    P cũng thích nhất các câu thơ cuối:
    Vật đổi sao dời.
    Đông tàn, xuân sang.
    Hình hài thay đổi.
    Còn chi em ơi !
    Chút tình để nhớ !
    Thương hoài ngàn năm...
    P hơi tò mò một chút, mà THƯƠNG AI TỚI NGÀN NĂM vậy Tín ? Bật mí được hông ?

    Trả lờiXóa
  10. CHAo PHUONG
    khong biet tai sao bay gio minh chi muon noi,muon viet ,muon nhac den chuyen xua moi khi gap ban be.MINH hoai co chang?Cuoc song hien dai cang thang qua minh cam thay tham met .Gio chi con chut tinh cam ban be de thuong hoai ngan nam thoi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tín thân, Cảm ơn Tín đã trả lời, nhưng P biết Tín vẫn còn dấu một đều gì đó, thôi tha cho...
      P cũng cùng cảm giác như Tín, như H.T ... Gần 4 thập niên lăn lộn , tất bật ở nước người sao năm nay P "thấy thấm mệt" và chỉ thấy muốn về hưu sớm để có thời gian về VN thăm viếng người thân , bạn bè và đi du lịch khắp nơi trên thế giới cho đã (dù phải chờ 7 năm nữa), dù P rất yêu thích 2 nghề đang làm và đã tuyên bố sẽ làm việc cho đến 75,80 hay hơn...( ở đây họ không bắt buộc về hưu nếu mình vẫn muốn đi làm ) Hình như khi đến tuổi già ai cũng trân quí tình cảm bạn bè và thích sống lại những kỷ niệm xưa...không riêng gì Tín đâu. DP

      Xóa
  11. T.bận nuôi Mẹ nằm viện ,nên đọc bài Tín trễ . Thật long đong !!! Tưởng rằng ông Trời chỉ hành T. không thôi ! ai dè Tín cũng llận đận không kém ! Trông bề ngoài ,ít nói ,nhưng bên trong Tín lại là một hỏa diêm sơn ,nóng cháy tình bạn !!! Viết như trút cả tấm lòng vào từng con chữ ...Rất phục Tín ...hẹn ngày gặp nhau tháng 7 ..dù có mưa ngâu ...

    Trả lờiXóa
  12. Đọc bài của T hơi muộn ,không ngờ bây giờ đã là doanh nhân nhưng chưa quên nghề đúng là cái gốc SP hồi trước chắc hs của T nhiều em giỏi môn tâp làm văn lắm.Đọc bài viết của bạn mình hơi ngậm ngùi có một chút gì đời thường và rất thật.Cám ơn bạn thật nhiều đã cho bạn bè đọc được tâm sự của bạn.Lâu lâu nhớ trình làng một vài tác phẩm nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vinh Phuoc men
      Oke .Minh se rang viet them bai nua ,nho cho doc nghe .Nhung bao truoc ban cho hoi lau day ! Vi van cua minh thuoc loai van nho giot

      Xóa
  13. Tinh Vo than
    Minh khong it noi dau nghen ,chang qua chua co dip va chua dung kenh do thoi

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...