Phương
Uyên.
Viết theo lời
kể của một người chị.
- Mình có nên trở về
không?
Câu
hỏi đó hiện ra trong đầu chị cả tuần nay. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào nó
cũng cứ lặp đi lặp lại mà chị vẫn chưa biết quyết định thế nào? Trở về! Trở về ư? Dường
như có một điều gì đó còn ngại ngần trong lòng chị?
Năm 1968, chị thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Từ bé chị đã
thích sau này lớn lên mình sẽ thành cô giáo! và chị đã được toại nguyện.
Chị
nhớ mãi! Buổi sáng hôm ấy! Khi hừng đông vừa rạng, ba đèo chị trên chiếc xe đạp
từ Thành Nội ra cửa Thượng Tứ, qua cầu Trường Tiền đi về phía Morin đến nhà ga.
Chị rưng rưng nước mắt tạm biệt ba và Thành phố Huế khi mọi vật vẫn còn nhập
nhòe trong sương. Thế là chị xách vali lên tàu lửa, rời xa những gì thân thuộc
của tuổi thơ vào Qui Nhơn nhập học.
Qui Nhơn một thị xã nhỏ nằm ven biển miền Trung êm đềm và
hiền hòa. Chị ở trọ nhà một người bà con đường Nguyễn Du. Hàng ngày chị đến
trường trên những chuyến xe Lam. Đường đi vào ngôi trường của chị rất thơ mộng
và yên tĩnh, thỉnh thoảng một vài chiếc xe Jeep chạy ngang qua rồi mất hút ở
cuối đường. Hai bên đường là hai hàng dương liễu xanh vi vu trong gió hòa lẫn
với tiếng sóng biển vỗ rì rào vào bãi cát. Xa xa là những dãy núi và đại dương
mênh mông.
Lúc
mới vào, nhìn cảnh vật chị buồn và nhớ
nhà chi lạ! Nhưng rồi dần dần chị chăm lo học hành rồi lâu cũng quên đi. Nhờ có
giọng hát, chị tham gia cùng các bạn trong ban văn nghệ của lớp, của trường.
Chị rất xinh. Tóc thề xỏa ngang lưng. Dáng mảnh mai, dịu dàng của người con gái
Huế. Rất nhiều người theo chị! Thế nhưng
mối tình “Văn Nghệ” đến với chị. Chị quen với Bảo học cùng khóa, trong Ban Văn
Nghệ nhà trường. Những buổi tập hát, tổng dợt rồi đi trình diễn ở trường, ở
Quân Y Viện hay đi Giáo Dục cộng Đồng…chị và “người ấy” lúc nào cũng bên nhau.
Những
chiều thứ bảy chị và anh đi dạo phố Gia Long. Nắng nhạt, gió mát. Tà áo dài
trắng của chị bay bay.
Cả hai vào tiệm Đại Chúng. Anh ấy mua tặng chị cây bút pilot
màu cà phê sữa và tập giấy pelure màu hồng nhạt. Sang tiệm Khánh Hưng chị lại mua
tặng anh những bản nhạc Tình ca của Phạm Duy… Anh và chị tặng quà cho nhau cũng
như tình cảm dành cho nhau một cách rất tự nhiên không kiểu cọ hay khách sáo.
Hai đứa thỉnh thoảng ra biển. Ngồi trên bãi cát vàng mịn,
ngắm biển chiều với những con sóng vỗ vào bờ tung bọt trắng xóa:
-Ngọc Minh ơi! Sau này khi ra trường, anh và em đổi về dạy
cùng một chỗ nghe!
- Ừm, nhưng mình chọn dạy ở chỗ nào?
-Đà Lạt.
-Tuyệt! Chị reo lên.
Nghĩ đến Đà Lạt là chị đã thấy thích ngay. Thành phố mộng
mơ. Cứ tưởng tượng ra trước mắt mình một ngôi trường nhỏ trên đồi với những đứa
học trò bé bỏng. Hằng ngày chị cùng anh đến trường quanh co qua những thung
lũng thấp. Bên đường những khóm Dã quỳ nở vàng tươi hoặc cả hai nắm tay nhau đi
trên những con dốc đầy sương mù…ôi thật là nên thơ!
Hai năm bên nhau nhiều kỷ niệm rồi ngày thi ra trường, ngày
tốt nghiệp cũng đến. Hôm chọn nhiệm sở. Chị bước lên bục trước không ngần ngại
chọn Đà lạt. Đến lượt anh, chị sững sờ ! Anh không chọn nhiệm sở như đã hứa !
mà chọn Quảng Ngãi. Chiều hôm đó, gặp
chị anh xin lỗi rồi giải thích là phải về quê vì cha mẹ già yếu.
Chị khăn gói một mình lên Đà
Lạt. Ngôi trường của chị ở một thung lũng gần Đà Lạt. Đà Lạt sương mù vẫn đẹp
và thơ mộng nhưng “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhiều lúc chị muốn bỏ
hết để trở về Huế! Nhưng dần dần quen trường, quen lớp nên nỗi buồn vơi đi phần
nào. Với lại, lúc mới lên, chị thường xuyên nhận được thư anh mỗi tháng một vài
lần cùng với lời lẽ yêu thương tha thiết, xin lỗi và hứa hẹn làm chị xiêu lòng
. Hàng ngày vui với bầy học trò nhỏ với bài soạn, bài giảng, chấm bài…và chờ
thư anh. Nhưng rồi thư mỗi ngày một thưa dần, thưa dần cho đến khi có thư đi mà
chẳng có thư về…Chị vẫn viết ! Vẫn chờ ! Vẫn mong ngóng mỗi khi có bác đưa thư
qua trường…Rồi mùa hè năm ấy! không thể chờ đợi thêm nữa. Trên đường về nhà chị
ghé Quảng Ngãi. Gặp chị anh lại xin lỗi! Lại phân trần thế này, thế nọ…Chị lại
tiếp tục chờ đợi. Rồi một ngày kia chị nghe tin anh cưới vợ!
Lúc này chị không giận, không hờn nữa! Thế nhưng những kỷ
niệm với nhau trong hai năm học dưới mái trường sư phạm ở cái thành phố biển hiền hòa ấy! Cứ sống mãi
trong tâm trí chị.
Dòng
chảy của thời gian tuy nghiệt ngã nhưng cũng đã giúp chị quên quên! nhớ nhớ!
Sau 75, chị trở về Huế, tiếp tục đi dạy và chẳng còn biết tin tức gì về nhau
nữa!
Chị
lập gia đình, sinh con. Ngày tháng bận rộn với dạy dỗ, với gia đình, chị quên
mất đi một thời đã...
Chồng
của chị sức khỏe không được tốt. Anh bị bệnh động kinh. Thỉnh thoảng ngã ra và
lên cơn co giật. Những năm bao cấp, cuộc sống thật khốn khó. Để có tiền chăm lo
cho anh, ngoài đi dạy chị nuôi heo, bán thuốc lá, trồng trọt, chạy chợ mua bán ...
Tôn Nữ Ngọc Minh ngày xưa, nay chỉ còn là người đàn bà da đen nhẻm, gầy quắt
trông thảm hại. Chị không dám gặp ai nhất là bạn bè cũ…
Con cái
rồi cũng khôn lớn và thành đạt. Đứa ra nước ngoài, đứa có gia đình ở riêng.
Chị về hưu. Tưởng đâu cuộc sống an nhàn, hạnh
phúc. Nào ngờ, cách đây ba năm anh bị đột quỵ và vĩnh viễn ra đi để lại chị một
mình trơ trọi.
Bây giờ, mỗi buổi sáng, thức dậy một mình trong căn nhà vắng
vẻ. Chị thường ngồi bên hiên nhìn ra khoảng vườn. Hàng dậu xanh rờn, những con
bướm rập rờn trên những đóa râm bụt đỏ tươi. Nắng chiếu rọi làm tấm bình phong sáng
trắng lên. Nghe tiếng con chim họa mi nào đó hót ríu rít trong vườn. Tâm hồn
chị trở nên thanh thản đến lạ kì.
Bỗng một hôm, cô bạn cùng khóa gọi đến:
-
Minh ơi! 12 tháng 5 năm nay, trường Sư Phạm Qui Nhơn kỉ niệm 50 năm ngày thành
lập trường có tổ chức một chuyến về thăm lại trường xưa. Minh cố gắng thu xếp
đi nghe!
Nỗi nhớ như bùng lên! Chị quay quắt! Rồi tất
cả những kỷ niệm lần lượt hiện ra trong tâm trí chị. Thế mà, chị cứ nghĩ rằng
khoảng thời thơ mộng đó chỉ là đống tro tàn nguội lạnh từ lâu rồi.
Từ hôm đó đến nay chị cứ nôn nao. Nhiều lần chị đứng trước
gương ngắm mình rồi thở dài. Còn đâu tuổi hai mươi! Còn đâu dáng mảnh mai thướt
tha của cô gái Huế! Không còn một nét
nào của Tôn Nữ Ngọc Minh ngày cũ? Thế nhưng chị vẫn tự hỏi :- Có nên trở về
không?
Sáng nay, chị thức dậy sớm! Trong vườn, một đóa hồng vừa mới
nở. Mặt trời vẫn mọc! Nắng vẫn rực rỡ! Gió vẫn reo vui! Cây cối vụt rạo rực
xanh tươi. Chị bỗng thấy cảnh vật chung quanh mình đáng yêu quá! Chị quý cuộc
sống này! Chị bật lên : - Ồ! Mình phải trở về!
Quay vào nhà chị tìm lại chồng áo cũ, chọn một chiếc áo đẹp
nhất trong những chiếc áo dài mà chị đã xếp cất từ lâu. Chị mặc vào, ngắm nghía
thật lâu trước gương. Ngồi vào bàn, đánh hồng đôi má, kẻ lại cặp chân mày, tô
lại vành môi. Ngày mai mình sẽ đi làm lại mái tóc.v.v…và v.v…
Chị cảm thấy vui và tự tin hẳn lên. Chị nhủ thầm
: Mình sẽ trở về để thăm lại trường xưa. Tìm lại khoảng trời thơ mộng ngày cũ
dù đó chỉ là sợi khói mong manh còn sót lại trong chiều. Chỉ lần này thôi vì
đây là cơ hội cuối cùng! Yêu đời, chị bật lên tiếng hát :
…Còn mãi khung trời đó
mình gặp nhau lúc đầu. Ngày tháng hoa mộng đó cùng niềm vui nỗi sầu. Sẽ ghi lại
biết bao điều. Để nhớ một thời ta đã yêu…(Đề nhớ một thời ta đã yêu-Thái
Thịnh)
Chị thầm nhủ với lòng mình: Cuộc đời còn có bao lâu nữa đâu?
Mình đã ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Ngại ngần làm chi nữa ? Về thôi! Mình
sẽ về để gặp lại thầy cô, bạn bè và cả “người cũ” nữa, chỉ để nhớ một thời tuổi
trẻ mà thôi!
- Mình
sẽ về! Mình sẽ trở về Qui Nhơn! Một lần cuối cùng này rồi thôi!
Sài Gòn. 05/05/2012
Phương Uyên.