Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

SƯ PHẠM QUY NHƠN với chủ nhật đầu tháng 11-2014

                                                   

Trang Nhà cảm ơn Các Anh Chị cùng các Bạn Sư Phạm Quy Nhơn đã chia sẻ ( hình ảnh ) trên Mail , Facebook ..... ( đặc biệt là Anh Hồng Nguyễn , Chị Minh Diệp , Anh Chí Hải và Bạn Đàm phước Lương , Thanh Cảm .... ) với những hình ảnh thân thương và ấm áp này .

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

CẢM XÚC MÙA ĐÔNG

                                                                                                                                       Irene
                                                       


         Những cơn mưa chiều thường làm cho trời trở nên mát mẻ, dễ chịu. Đêm xuống, gió thổi nhiều hơn. Gió len lõi qua hàng cây, lùa qua từng con đường, góc phố. Trong sương đêm lành lạnh, dường như mùa đông về? Cảm giác Mùa đông về mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc.
Trời se se lạnh, buổi sáng, tôi thích ra quán café ngồi một mình? Hình như ai cũng có những cảm quan về cuộc sống nhưng sao lúc còn trẻ, thế hệ của chúng tôi thường là phải che dấu, phải dồn nén cảm xúc riêng tư, nên nhiều lúc chẳng bộc lộ ra. Chẳng dám nói, chẳng dám làm, đi đâu cũng sợ, cũng ngại ngần ngay cả việc đến một nơi nào đó để ngồi suy tư một mình cũng chẳng dám! Cho đến một ngày khi tuổi đã lớn, tôi mới nghiệm ra rằng, những lúc ngồi một mình ở những nơi như thế này, thấy thú vị làm sao! Mới có những giây phút sống rất thật cho chính mình. Mới có những khoảnh khắc thư giãn, thật lắng đọng…giống như cảm nhận của William Carlos Williams : When I am alone, I am happy. (Khi tôi ở một mình, tôi hạnh phúc.)
Sài Gòn được ví von là thành phố không ngủ, lúc nào cũng ồn ào. Ở đây, có rất nhiều quán Café nhưng để tìm một cái quán có khoảng không gian xung quanh yên bình thì cũng không đến nỗi khó lắm. Tôi thường đến một quán quen. Chọn cho mình một góc ở ngoài hiên, xung quanh là cây cối. Thật thoải mái trong hơi sương lạnh, một vài cơn gió thoảng qua ở trên cao. Gió như muốn đánh thức hàng cây. Chòm lá lao xao lay động trở mình vươn vai một lát rồi lại im lìm ...
  Bầu trời khoáng đãng, mát mẻ, trong lành… Tiếng nhạc nho nhỏ của cái loa gắn bên tường phát ra một bản nhạc tình xưa, thật lãng mạn! Thỉnh thoảng nghe đâu đó có tiếng bước chân trên lối đi của một  người khách đến quán.
Nắng lên, nhìn ra phía trước mặt, bất chợt bắt gặp một loạt những chiếc lá vàng rơi rơi nhè nhẹ xuyên qua từng mảng nắng nhạt đầu tiên rọi xuống. Đẹp vô cùng!
Bãi cỏ ba lá xanh mướt lốm đốm hoa vàng trải dài như một tấm thảm nhung. Một chú sóc từ trên cây tuột nhanh xuống, lúng liếng đôi mắt, nhảy lóc cóc qua một gốc cây khác...
Trên cành, hai chú chim chụm đầu bên nhau…rồi ríu rít hót thánh thót. Một bức tranh thiên nhiên sống động, tươi vui và bình yên quá.
Tinh khôi và thư thái… Có điều gì đó chạm khẽ vào trái tim và thấy mình như trôi bồng bềnh... 
Thoắt cái, chỉ trong chớp mắt, cơn mưa xuất hiện xuyên qua vạt nắng vừa mới lóe đầu ngày như một bức rèm mỏng xuyên suốt. Từng hạt nước lắc rắc giọt xuống đám cỏ non xanh.
Sài Gòn nắng mưa bất chợt. Nắng thật dịu dàng và mưa cũng thật mềm. 
       Nếu ai đó hòa quyện với thiên nhiên thì sẽ thấy những sự thay đổi thời khắc của đất trời, sẽ nhận thấy được sự giao thoa giữa các mùa, sẽ thấy được sự trăn trở của cảnh vật cho dù là rất nhẹ! 
Vì vậy, thấy se lạnh trong làn sương sớm tinh mơ là cứ tưởng như mùa đông đang đến! Nghe trong không khí hơi nước mát và nhìn lên trên cao thấy xuất hiện nhiều đám mây trắng bồng bềnh. Cái cảm giác man mác của cơn gió là lạ thổi qua. Nghe được cái rét trong hơi thở của mỗi đóa hoa thạch thảo tím trong vườn. Rồi  bâng khuâng bắt gặp chiếc lá vàng trên cành đổi sắc đỏ hay nhìn thấy một vài cành cây trơ trụi lá…
Ngồi ngắm từng giọt mưa rơi rơi…mưa thường đưa tôi trở về những ngày mùa đông ... 
        …Tuy đã qua lâu rồi sao tôi cứ nhớ mãi những cơn mưa phùn gió bấc. Những làn gió rét buốt thổi qua trên những chuyến xe lam hàng ngày đến lớp…cảm giác hơi giá len vào trong người qua chiếc áo len, chiếc khăn quàng cổ…sân trường mưa bay, thoang thoảng trong làn hơi ẩm ướt, mùi hoa sứ…hành lang lộng gió…lớp học rộn rã tiếng cười…ánh mắt thân thương...Những chiều thứ bảy dạo phố một mình…Sáng chủ nhật cuộn mình trong chăn ấm nghe nhạc Trịnh: “Trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi. Từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai…”
        Có những ngày mùa đông rét buốt đạp xe đến trường đi dạy, học sinh và ngôi trường gắn bó suốt những năm tháng với rất nhiều kỷ niệm. Qua ô cửa sổ lớp học, ngắm hàng cây trơ trụi lá hay nhìn những giọt mưa rơi…Những tháng ngày êm đềm, bên học trò trong từng bài giảng, bài làm… lớp học trở nên ấm áp gần gũi. Những tình cảm thân thuộc của từng thế hệ học sinh lần lượt đi qua để lại trong lòng tôi nhiều màu sắc tươi tắn, trong sáng như những đóa hoa mới nở. Tất cả những hình ảnh, những con người nơi vùng đất ấy mãi mãi khắc sâu trong tôi.
“Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lạnh
Chút  lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi…” 
        Chỉ cần có những rung động để cảm nhận thu đã tàn và chớm đông sang. Hay chỉ một chút se se cũng đã làm làm cho tâm hồn mình bãng lãng…Mùa đông là con thuyền chở tôi trở về lại những ngày xưa với biết bao hoài niệm nơi ấy.
Tất cả đã qua rồi! Một thời tuyệt đẹp, một thời để nhớ! Luyến tiếc nhưng cũng không thể nào có thể quay bánh xe thời gian để trở về lại nơi chốn cũ? Chỉ còn lại những nỗi nhớ mênh mang trong ký ức gợi lên trong lòng nhiều xúc cảm bồi hồi.
Theo dòng chảy của thời gian, trải qua bao nhiêu chông chênh, rồi khi phải chứng kiến nhiều điều xảy ra trong cuộc sống thường nhật: đó là những cuộc đoàn tụ hay chia lìa - đến rồi đi - hạnh phúc hay khổ đau - những cái được, cái mất - những cái có, cái không…
 Rốt cuộc chợt nhận ra rằng, điều quí nhất trong cuộc đời này là cuộc sống bình yên.
“Bình yên một thoáng cho tim mềm…”
 

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

NHỮNG MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH

                                                                                                               Thanh Cảm

        Sáng sớm thức dậy, từ trên ban công nhìn xuống khoảnh sân rộng trước sảnh chung cư, những chiếc lá trứng cá rụng vàng khép mình dưới cơn mưa bụi lất phất đầu mùa se sắt và buốt lạnh! Cái lạnh tuy không đủ để những cành cây khẳng khiu trụi lá, không đủ để đến nỗi người ta xuýt xoa hít hà như cái lạnh của mùa đông  miền Trung quê hương tôi, nhưng cái lạnh ở đây cũng đủ để tôi ngẩn ngơ vài giây và để chợt nhận ra rằng: Ồ, Sài Gòn đã sang đông rồi đấy!
        Tôi vẫn thường nghe người ta bảo Sài Gòn không có mùa đông, nhưng riêng tôi cảm nhận được mùa đông vẫn ngang đây khi cái nắng trưa của những ngày cuối cùng của tháng mười một không còn rực rỡ mà chỉ hửng nhẹ mơ màng. Tôi cảm nhận được mùa đông qua cửa khi đêm về rúc người trong chăn ấm. Sớm mai thức dậy bỗng khẽ rùng mình với cái không khí lành lạnh se se bủa vây chung quanh và để rồi ngỡ ngàng thầm hỏi: Có phải mùa đông đã về rồi không nhỉ…???
        Cái lạnh của khoảnh khắc giao mùa ở đây không thốc vào thịt da tê tái nhưng cũng đủ để người ta thèm một chút hơi ấm của cái ôm chặt gần gũi, của cái nắm tay thân thiết và mắt nhìn nồng nàn! Mùa đông ở đây không có cái rét căm căm tê buốt da thịt nhưng cũng đủ để ta nhớ tới một chiếc áo len mỏng, một chiếc khăn choàng cổ buông lơi nhẹ nhàng mỗi khi chiều về đêm đến và một vòng tay khẽ khàng ngang vai ấm áp!
        Sài Gòn mùa đông với những sáng se lạnh ngồi bên tách trà bốc khói, nghe tiếng hát Mỹ Linh với những bản nhạc cổ điển quen thuộc trong CD Chat với Mozart và bài concerto số bốn “ Mùa đông”, một bài hát mang ngôn ngữ Việt chân thành hòa trộn những giai điệu âm nhạc cổ điển phương Tây trong sáng trong tổ khúc bốn mùa của Antonio- Vivaldi!
        Sài Gòn mùa đông với những trưa hoe vàng nhạt nắng bên khung cửa sổ hiu hiu gió lạnh và lơ đãng đưa mắt nhìn từng chiếc lá vàng ruộm xoay xoay!
        Sài Gòn mùa đông với những chiều chạy xe chầm chậm qua những con đường chao chát lá khô để cảm nhận cái lạnh dịu dàng thấm vào thịt da và len lỏi qua từng hàng cây ngõ phố!
        Và, Sài Gòn đêm mùa đông với những khoảng lặng thời gian rời rạc thầm thì! Là tiếng lòng của những con người nghèo khó chiu chắt mưu sinh! Là tiếng chổi tre xạc xào của chị lao công vào ca muộn! Là vòng xe đạp dấn vội về một xóm trọ đìu hiu nào đó của  bạn sinh viên vừa xong công việc làm thêm! Là xe bắp luộc hôi hổi, hàng khoai nướng lép bép đỏ lửa ở cột đèn điện bên ngã tư đường! Là những em bé đánh giày ôm chặt hộp đồ nghề xao xác tìm khách ở những công viên đông người qua lại, ở những quán ăn sang trọng rực sáng ánh đèn!...
        Sài Gòn đêm mùa đông để ta nhớ về ai đó và lời thì thầm: Có lạnh không? nhẹ nhàng, gần gũi! Và, đêm mùa đông Sài Gòn để ta thèm một ly café sữa nóng, một tách trà gừng ấm lòng bên một bờ vai tin cậy! Để bạn thân ta tự tìm về bên nhau, xích lại gần nhau và cùng cảm nhận cái cảm giác ấm áp được vun đắp bởi tình yêu thương và chia sẻ của tình người, tình bạn trong nỗi nhớ se lòng của một mùa đông!
        Đêm mùa đông Sài Gòn bên những con người mưu sinh vất vả, bên những phận người nhỏ nhoi là những con đường tráng lệ lung linh ánh đèn và những chiếc xe bóng loáng nối đuôi nhau! Là những cửa hiệu sáng đèn giăng mắc đồ trang trí chờ đón Giáng sinh và ông già Noel đỏ chói với chòm râu bạc trắng bên cây thông xanh rực rỡ đèn màu! Là những nhà hàng khách sạn xa hoa sang trọng ba, bốn, năm sao trên những con đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ…lộng lẫy nhấp nháy! Là những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng của những kẻ lắm tiền! Và…, trong góc khuất của mùa đông Sài Gòn ai biết có em bé co ro bên vỉa hè nương náu? Có cụ già cô đơn, lặng lẽ đếm thời gian trôi bên bậc thềm vắng nhà ai giữa cái lạnh se lòng?
        Không như quê hương miền Trung của tôi, mùa đông quê tôi mang theo cái lạnh khắc nghiệt lùa về trong từng cơn mưa phùn se cắt đầu đông! Mang theo những cơn mưa dầm dề và từng đợt gió mùa đông bắc tràn về bạc trắng cả không gian cùng cái lạnh tái tê nhức buốt thấu tận thịt xương! Những ngày mùa đông quê tôi chìm trong giá rét và mặt biển mênh mông xám xịt, những con sóng trắng xóa nối đuôi nhau xô đổ vào bờ và trên bầu trời từng cánh chim hải âu chao chát gọi nhau tìm nơi trú rét!
        Ấy vậy mà khi đã trở thành cư dân ở một thành phố khác tôi mới thấy nhớ da diết mùa đông quê mình! Nhớ những con đường nhập nhòe mưa bụi ngày xưa và lũ học trò con gái chúng tôi lại cứ thích nhẩn nha đi qua những con đường mùa đông xám ngoét ấy để tận hưởng cái lạnh thốc vào da mặt tê cứng, lạnh cóng cả môi! Thích lang thang trong cái giá rét mùa đông mà miệng thì cứ xuýt xoa hít hà, mỏi chân lại dừng nghĩ ở một quán sữa đậu nành nóng hổi hay sà vào hàng bắp rang thơm lừng trên những con đường quen thuộc và cái lạnh dường như vụt tan biến mất!
        Mấy năm học Sư Phạm, bỏ qua cái rét se thắt của đêm Noel, thầy trò và bạn bè chúng tôi cùng quây quần ở giảng đường để chờ đón thời khắc Chúa chào đời. Nửa đêm, trong lung linh ánh nến, chúng tôi hát lên những bài ca Giáng sinh bên tiếng dương cầm dìu dặt trong một không gian ấm cúng cho dù ngoài trời cái lạnh thì vẫn cứ cắt thịt cắt da…!
        Những mùa đông ở quê hương tôi là thế đấy! Nó buốt lạnh, nó tái tê và không kém phần hà khắc, nhưng sao tôi vẫn cứ thấy ấm áp, cứ nhớ cứ yêu, cứ thương và cứ đợi cho dù chẳng biết đến bao giờ tôi mới có dịp đắm mình trở lại trong cái giá lạnh mà thiết tha  ấm nồng của mùa đông thực sự ở quê hương tôi yêu dấu ấy!

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Sư Phạm Quy Nhơn Daklak _ Ban Mê Thuột

                                                                 GIẤY MỜI
         Nhân kỉ niệm ngày NHÀ GIÁO VN 2014,nhân kỉ niệm 110 năm ngày thành lập BanMeThuot ,HỘI ĐỒNG MÔN SPQN DAKLAK tổ chức kì họp thường niên 2014 dưới hình thức họp mặt dã ngoại đốt lửa trại tại khu du lịch sinh thái Thác Bảy Nhánh Buondon-daklak(cách tpBmt #35 km) từ 14h ngày 22/11-12h ngày 23/11/2014. 
         HỘI ĐỒNG MÔN SPQN DAKLAK kính mời quý THẦY CÔ của trường SƯ PHẠM QUY NHƠN ,quý bằng hữu đồng môn spqn từ khóa 1-khóa 13,cùng gia đình ,về tham dự họp mặt bạn bè,chung vui đêm lửa trại để nhớ lại một thời tuổi trẻ sinh hoạt cộng đồng dưới mái trường SPQN.
HỘI ĐỒNG MÔN SPQN DAKLAK rất vinh hạnh được đón tiếp

     Lưu ý:  1)Khi nhận được giấy mời nầy,trong thời gian 10-15 ngày( đến hết ngày 5/11/2014) rất mong quý anh chị ,,các đoàn SPQN ở các tỉnh, thành phố, phản hồi cho danh sách thành viên tham dự,và thu giúp phí sinh hoạt để HỘI ĐỒNG MÔN SPQN DL chủ động giao dịch cùng BQL Thác Bảy nhánh,cũng như các dịch vụ khác.                                                                                                                            
         2) Chi phí sinh hoạt cho mỗi thành viên từ 14h ngày 22/11-12h ngày 23/11/2014 cả xe đưa đón đi về BMT-Buondon 500k/ng
                                                         Xin thành thật cảm ơn.

         3)BLL: Anh Nguyễn VĨNH LỘC đt 0913448906
                     Anh Trần Đức Nguyên đt 0976215056
                                                                        Bmt ngày 19/10/2014
                                                                               T/m BLL
                                                                            Nguyễn vĩnh Lộc

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Đi Trong Miên Man Ký Ức

                                                                                                                          Châu thị Thanh Cảm

          Tháng Mười lại về! Tháng Mười cho mây trời thênh thang dang vòng tay rộng ôm trời đất vào lòng. Tháng Mười cho cơn gió heo may khẽ khàng rơi êm sợ làm đau chiếc lá. Tháng Mười để dùng dằng, để luyến lưu những ngày thu ngọt nắng nhẹ đến vội đi, để ngẩn ngơ giữa những con đường chiều lao xao sắc lá nhuộm tím, nhuộm vàng. Tháng Mười lang thang hoài niệm, thả hồn miên man về miền ký ức nhạt nhòa xưa, để ta nhớ ta thương về những ngày mùa đông hắt hiu gió lạnh… 

         Sài Gòn mấy hôm nay trời cứ mưa, những cơn mưa muộn cuối mùa có hôm lại rả rich kéo dài đến tận nửa đêm về sáng. Thành phố mưa đêm nghe buồn thỉu buồn thiu nhưng dịu dàng quyến rũ, dễ níu chân dặm đường cô khách. Những con đường ướt nước. Những hàng cây im lìm. Những cây cột điện chơ vơ lặng lẽ, úp mặt soi nghiêng dưới ánh đèn vàng. Những chiếc xe âm thầm lao nhanh giữa làn mưa mỏng…
        Bây giờ có lẽ cũng vào độ nửa khuya. Tiếng mưa đêm rơi nhẹ nghe thấm buồn hơn lúc nào hết. Chung quanh yên lặng đến lạ kỳ, yên lặng đến nổi tôi nghe rõ cả tiếng của từng giọt nước lách tách vỡ nhẹ trên ô cửa nhỏ. Tiếng tí tách nghe đến tê xát cả lòng của chiếc kim đồng hồ nhẫn nại gõ nhịp thời gian. Rồi cả tiếng con thạch sùng cô đơn tặc lưỡi giữa đêm khuya nghe mà xa xót. Trong tiếng mưa rơi, lạc lõng tiếng gõ lóc cóc rao đêm của thằng bé bán hủ tiếu từ góc phố vắng vọng xa…Tất cả những âm thanh ấy cứ từng nhịp đều đều rớt buồn lặng lẽ, nó đều đặn, nó thì thầm như một khúc nhạc trầm hư ảo vọng về từ quá khứ…nhẹ hẫng… xa xăm…
        Tôi có một cô bạn nhà văn nhỏ, tuy mới quen thôi mà như đã từng thân thiết lâu rồi. Chúng tôi thường online chuyện trò, tâm sự. Cô bạn nhỏ dễ thương ấy nhiều lần đề thơ tặng tôi mỗi khi thấy tôi buồn… những vần thơ ân cần và thấu hiểu. Nếu như cậu con trai tôi thường cho rằng, tôi là “người đi tìm hoài niệm”, cô bạn ấy lại gọi tôi là “người lưu giữ ký ức” đời mình. Các bạn tôi thì vẫn thường nhận xét: tôi bây giờ trầm ngâm, lặng lẽ, ít cười ít nói lại hay buồn…Mà cũng lạ, có đôi khi, giữa một không gian ồn ã tôi lại bỗng nghe len lỏi một nỗi buồn, một nỗi cô đơn...? Mới hôm qua đây thôi, có cô bạn gọi điện hỏi thăm, cả hai kể cho nhau nghe mọi điều, sẻ chia mọi thứ, sau cùng cũng lại là câu hỏi của bạn ấy, một câu hỏi đặc sệt âm giọng của người miền Trung: “Nì…ngày xưa, mi sôi nổi, hay cười hay nói…thời nữ sinh và cả lúc mới ra trường làm cô giáo, mi là số một đùa giỡn, vô tư chọc phá bạn bè…Bây chừ, sau mấy mươi năm gặp lại, tau thấy mi lại là một con người khác, hoàn toàn khác, răng rứa mi…?” Bao nhiêu lần rồi bạn hỏi, tôi vẫn cứ tần ngần, vẫn chưa có câu trả lời nào thích đáng…! Ừ, sao vậy nhỉ…? Rồi, tôi bỗng chạnh nhớ đến mấy câu trong bài thơ “Trông về quê ái ngại” mà cô bạn nhỏ đã viết tặng tôi, bài thơ mà bao nhiêu lần đọc nó là bấy nhiêu lần tôi rơi nước mắt ngậm ngùi…
      “Từ trên tầng mười ba trông về quê ái ngại
      Nơi ba đã nằm lại…
      Mẹ cười mỏi mòn mỗi sáng, mỗi chiều nhìn lên di ảnh của ba
      Con gái ở nơi xa
      Ngày của mẹ, âm thầm rớt đôi dòng nước mắt
      Cho một đời mẹ nặng nhọc vì con…
      Mẹ sinh con, đôi gót chân son
      Nhưng nhọc nhằn theo chồng về miền viễn xứ
      Mỗi lần về quê mẹ gội đầu cho con bằng nước đầm Thị Nại…
      Thẩn thờ mẹ thốt lên: tóc con lấp lóa màu mây
      Mấy mươi năm mẹ cánh én mảnh mai
      Gởi xuân bốn mùa cho con
      Rung nắng mai rụng xuống ô cửa chung cư nơi con đang sống…
      Mắt con rợp khoảng xanh của dòng Hà Thanh thăm thẳm
      Nhưng lòng mẹ đã rộng…hơn sông
      Trong cái nắng tháng Năm
      Sài Gòn chắt chiu từng cơn gió mát
      Ở nơi mình, mẹ ơi, biển rì rào sóng hát
      Con về quê gội đầu…
      Mẹ cười: tóc mình gần trắng như nhau…”*
          Có thể chăng? Có thể những tháng năm nhọc nhằn theo chồng về miền viễn xứ ấy đã cho tôi cái nhìn về cuộc đời bằng ánh mắt tự ti? Có thể “mẹ sinh con, đôi gót chân son”, nhưng mấy mươi năm rồi gót chân ấy đã nứt màu ruộng mạ? Có thể, những mỏi mòn xa hút khi “trông về quê ái ngại”, “nơi ba đã nằm lại” ấy đã cấy vào mắt tôi thêm những sợi buồn?

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

CHUYẾN ĐI KHÔNG QUÊN

        Hơn hai năm rồi mà kỉ niệm chuyến về thăm lại Qui Nhơn, thăm lại ngôi trường Sư phạm thân yêu vẫn còn rất ấn tượng trong tôi, để lại lòng tôi bao cảm xúc.
Khi được tin sẽ có một cuộc họp mặt tất cả các khóa SPQN vào tháng 5/2012 nhân kỉ niệm 50 năm thành lập trường tôi vui mừng chờ đợi. Đến ngày “ khăn gói lên đường” chúng tôi tập trung tại nhà anh Lê Toàn. Đoàn có 16 người : anh cả Giai khóa 1, anh Toàn khóa 6, Hương khóa 8, 4 em khóa 9, còn lại khóa 7 là đông nhất.
Trên đường đi chúng tôi vui vẻ trò chuyện huyên thuyên, các em khóa 9 thì rất khôi hài, đối đáp chanh chua với mấy anh khóa 7 làm mọi người cười vỡ bụng. Còn tôi thì lòng nao nao khi nghĩ đến ngày mai gặp gỡ. Không chỉ riêng tôi mà có lẽ tất cả đều hân hoan khi sắp trở về thăm lại trường xưa.
        Rồi thành phố Qui Nhơn hiện ra. Tất cả đã đổi mới, khác xưa hơn nhiều. Đoàn Đà Nẵng chúng tôi ở tại khách sạn Qui Nhơn. Khách sạn nằm sát biển nên chúng tôi được dịp dạo biển lúc hoàng hôn. Đã 43 năm rồi tôi mới ngắm lại biển Qui Nhơn. Hồi đó, thỉnh thoảng tôi cùng người ấy ra đây ngắm biển. Giờ đây tôi trở lại một mình (Anh ấy bận việc nên không tham gia chuyến đi này ). Biển giờ vẫn xanh, cát vẫn trắng, gió vẫn lồng lộng thổi như xưa, chỉ có chúng tôi bây giờ đã đổi thay vì đã tóc bạc da mồi.
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi đi thăm bảo tàng Tây Sơn rồi về Qui Hòa, nhưng rất tiếc không thăm được mộ Hàn Mặc Tử vì trời nắng quá mọi người đều mệt. Xe quay lên xem cầu Thị Nại rồi trở về.
Sau bữa ăn trưa, lòng tôi hồi hộp chờ đợi đến 2 giờ chiều về thăm trường và dự lễ. Khi xe đến nơi, tôi theo dòng người vào hội trường. Người đông nghịt, không khí rộn ràng. Ở đây tôi được gặp lại 2 cô bạn cũ là Thu Hà người Qui Nhơn và Hải ở Phan Thiết. Chúng tôi tay nắm tay, hỏi thăm nhau...Vui quá là vui vì 43 năm mới gặp lại. Tôi nhìn quanh. Chao ôi! Những giáo sinh sư phạm ngày xưa tuổi mười tám đôi mươi mà bây giờ đã đứng tuổi cả rồi, nhất là các anh chị khóa lớn. Vậy mà tất cả đã cố gắng về thăm lại trường xưa. Nét mặt ai nấy đều vui tươi, nụ cười rạng rỡ.
         Lễ xong, chúng tôi kéo ra sân. Tôi đi vội về bên kia sân để kiếm tìm hình ảnh cũ. Nhưng đâu rồi chẳng thấy mái trường xưa? Chỉ thấy những khu nhà bốn, năm tầng lạ lẫm ! Không lẽ đã thay đổi tất cả rồi sao? Tôi ngơ ngẩn đưa mắt kiếm tìm mà chẳng biết hỏi ai. Chợt nhớ đến anh trưởng đoàn, tôi liền hỏi anh. Anh bảo tôi cứ đi thẳng bên phải dọc theo tường rào sẽ tới khu trường cũ. Tôi mừng quá, vội vã bước nhanh về hướng ấy. Và, đây rồi ! Tôi mừng rỡ, rưng rưng nước mắt khi thấy lại mái trường Sư phạm. Ôi ! Ngày xưa, tôi đã sống và học ở đây hai năm. Hai năm đầy ắp những kỉ niệm vui tươi, hồn nhiên, không ưu tư phiền muộn, không trách móc giận hờn. Chúng tôi chỉ biết học hành rồi đan áo, móc khăn, đi chơi, đi chợ,... Tôi vừa đi vừa ngắm nhìn mà xúc cảm dâng trào, lòng tôi xao xuyến,.... Cảnh cũ vẫn còn đây, không thay đổi mấy. Dãy phòng học vẫn thế, hành lang dẫn từ nội trú qua phòng học vẫn còn nguyên. Sân nội trú cũ vẫn như xưa chỉ thêm hàng dừa cao vút. Dãy nội trú cũ ba tầng vẫn đứng im lìm trong nắng chiều đầu hạ. Tôi ngước nhìn lên nội trú, lòng bồi hồi vui sướng như người đi xa vừa tìm về quê mẹ - Hồi ấy tôi chỉ ở đây một năm đầu, năm sau tôi sang nội trú mới - Tôi vội vã đi sang khu nội trú mới ngày xưa. Khu nội trú có sân nằm chính giữa. Bãi cỏ, lối đi trên sân đẹp hơn xưa và thêm hàng hoa sứ tỏa mùi thơm dìu dịu. Tôi tìm đến phòng ở của chúng tôi ngày ấy, phòng 104A ở tầng trệt. Cửa phòng khóa rồi, tôi chụp một tấm hình ngay trước cửa để có dịp tôi sẽ gửi cho ba người bạn gái cùng phòng với tôi hồi ấy: Phan Liên, Ngọc Liên giờ ở Mỹ, Huệ hiện ở Phan Rang. Bây giờ chỉ có mình tôi trở lại nơi này. Tiếc thay, thời gian quá ngắn tôi không đứng lại được lâu để ngắm nhìn và ôn lại kỉ niệm xưa. Tôi phải ra xe trở về khách sạn để chuẩn bị cho buổi tối họp mặt bạn bè, liên hoan. 

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

TIN BUỒN

Ban Liên lạc Cựu Giáo Sinh SPQN 1962- 1975
Ban Biên tập trang SPQN
Ban Liên lạc Cựu Giáo Sinh lớp 1 Khóa 11 (1972/1974)

                        Vô cùng thương tiếc báo tin:
Anh VÕ VĂN BỒNG, cựu giáo sinh lớp 1 K11, là chồng của bạn Công Huyền Tôn Nữ Diễm Châu, cựu giáo sinh lớp 8 K11, sau một thời gian trọng bệnh đã qua đời vào lúc 23h30 ngày 7/10 tại Qui Nhơn.
Lễ viếng bắt đầu vào lúc 15h ngày 8/10. Di quan vào lúc 8h ngày 10/10. An táng tại nghĩa trang Bùi Thị Xuân thành phố Qui Nhơn.
Xin thông báo đến anh chị đồng môn và bạn bè thân hữu gần xa biết để đến viếng và chia buồn.
BLL Cựu Giáo Sinh SPQN, BBT trang nhà, Ban Liên lạc Cựu Giáo Sinh lớp 1 K11 xin thay mặt bạn bè thân hữu đồng môn thành kính phân ưu cùng tang quyến.
Xin tiễn biệt bạn. Chân thành chia buồn cùng bạn Diễm Châu và gia đình. Nguyện cho hương linh bạn Võ Văn Bồng sớm an lạc nơi chốn vĩnh hằng.
                             BLL/cựu giáo sinh SPQN
                             BBT trang SPQN
                             BLL/cựu giáo sinh lớp 1 Khóa 11

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

MÙA THU MƠ MỘNG

                                                                                                                               Nam Phuong
        WASHINGTON DC đã vào thu . Mỗi độ thu về DC thật thơ mộng và quyến rũ . Đẹp tuyệt vời trong sắc đỏ....vàng....nâu.....cam ..... tím .... tựa như một bức tranh đa sắc nhưng không kém phần sống động . Thiên nhiên lộng lẫy bởi cảnh sắc rực rỡ trong mùa thay lá . Đã trở thành nét đặc trưng cuốn hút.....níu bao bước chân du khách đến DC .
Thu về mang theo nhiều cảm xúc trong tôi . Tôi yêu mùa thu với những cơn gió heo may se lạnh . Với nắng hanh vàng bầu trời trong xanh . Với lá trổ màu lộng lẫy đẹp mê hồn . Dưới những hàng cây lá đỏ...cam...vàng...nâu...tím đan xen lẫn nhau . Không gian như bừng sống với sắc màu của hàng cây thay lá lung linh trong nắng thu se lạnh . Hiền hòa đẹp tựa như bức tranh xao xuyến lòng người .
Trong nắng thu nhẹ . Tôi đang thơ thẫn trong công viên Jefferson .Quanh hồ Tidal và dọc theo bờ sông Potomac. .Lá vàng rơi đầy trên lối đi . Lá màu rợp bóng tôi đi . Tiếng chim thánh thót . Tiếng sáo vi vu . Hoa hồng tươi thắm phản chiếu óng ánh long lanh dưới mặt nước hồ sông . Những cánh diều bay phất phới lững lơ trên Cây Bút Chì trên nền trời xanh biêng biếc.... Sống động...đẹp ngỡ ngàng . Tôi mơ màng tưởng chừng mình đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh .

      Cái đẹp cái diễm ảo của mùa thu ngoài lá đỏ lá vàng lá nâu đẹp rực rỡ nhẹ rơi theo gió ... còn thơ mộng ở tiết thu và tình thu . Nên đã thu hút hàng triệu du khách đổ về DC mỗi năm để được chiêm ngưỡng trọn vẹn những sắc màu tinh tế ấm áp đẹp tuyệt vời của mùa thu .
Những cây cối ở đây chuyển màu từng ngày . Từ công viên....đường phố....tòa nhà Quốc Hội....Nhà Trắng .... dinh thự...tượng đài....sông hồ như khoác lên mình chiếc áo choàng mùa thu lộng lẫy quyến rũ....xinh đẹp bội phần bởi sắc màu của lá .......
. Và cảnh mùa thu đẹp nhất ở DC là Skyline Drive dài hàng trăm dặm . Chạy dọc trên đỉnh Blue Ridge trong vùng đồi núi Shenandoah . Xa xa .là những đồi non và thung lũng chập chùng .Từ trên cao nhìn xuống thấy những làng mạc chen lẫn rừng cây trùng điệp lá trổ màu trải dài như tấm lụa đủ màu rực rỡ . Tới DC, hãy đến Shenandoah vào mùa thu vàng , ta sẽ thấy “Lá thu kêu xào xạc//Chú nai vàng ngơ ngác//Đạp trên lá vàng khô” là có thật trong đời. ... Đẹp như cảnh thiên đàng.. . đẹp không thể nào diễn tả .....
. Nhìn lá vàng lá đỏ bay khắp lối khắp nơi gợi cho tôi những rung cảm thật nhẹ nhàng êm ả . Tôi yêu mùa thu...yêu cái cảm xúc lãng mạn bâng khuâng trong tôi mỗi độ thu về . DC đã bước vào thu . Mùa thu DC tuyệt đẹp ! Tôi thấy thật thanh thản...dễ chịu và bình yên ,
DC mùa thu ơi mùa thu ! 
                                                                                                                   Nam Phuong

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

SƯ PHẠM QUY NHƠN với Chủ nhật đầu Tháng 10


KHUNG TRỜI KỶ NIỆM

                                                                                                            Nguyễn Thị Hạnh K5 spqn
                     Tôi lần đọc những trang lưu bút cũ 
                   Của bạn bè viết lại lúc chia tay 
                   Những thương yêu trong nuối tiếc đong đầy
                   Những buồn vui hay dỗi hờn mong đợi
                   Của tuổi học trò học làm Cô Giáo
                   Tuổi đôi mươi đẹp như một vần thơ 
                   Tuổi của yêu đương nhung nhớ đợi chờ 
                   Để đêm đến trăng lên đem tâm sự 
                   Với chị Hằng chú Cuội chốn xa xăm
                   Những bức thư tình đọc đến thuộc lòng
                   Trong giấc ngủ cũng mơ người trong mộng
                   Hay những chiều sau giờ tan học
                   Ta rong chơi trên Ghềnh Ráng mộng mơ
                   Nghe sóng vỗ rì rào mà hồn thơ lai láng 
                   Hay những chiều độc hành trên phố vắng
                   Qui Nhơn buồn...nghe chùng xuống nỗi nhớ thương ai 
                   Đêm nội trú cũng là nguồn hạnh phúc
                   Ta quây quần trò chuyện phiếm bên nhau
                   Tràng cười vang lên ta quên đi niềm nhớ
                    Nỗi nhớ xa quê nỗi nhớ xa nhà
                   Ta hồn nhiên pha lẫn chút tinh ma
                   Ta nghịch ngợm cho đời thêm sắc thắm
                   Là thế đó của một thời Sư Phạm
                   Qui Nhơn ơi ! bạn cũ với trường xưa
                   Hẹn mai về ta dệt nốt bài thơ
                   Và sống lại với khung trời kỷ niệm...
                                                                                                  Nguyễn Thị Hạnh K5 spqn


Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

KHOẢNH KHẮC THU HÀ NỘI

                                                                                             Thanh  Cảm

     Tôi đến Hà Nội vào một ngày thu nắng đẹp. Tháng chín trời vời vợi xanh trong. Trên  đường từ Nội Bài về thành phố, taxi đưa tôi đi dọc theo con đường gốm sứ ven sông Hồng bên con đê Yên Phụ, một tình cảm nhẹ nhàng ấm áp len lỏi vào lòng. Đây là lần đầu tiên đến Thủ đô nên tôi có cảm giác là lạ và thích thú. Xe thả tôi xuống một khách sạn nhỏ ở phố Nguyễn Siêu nằm trong khu phố cổ, một khu phố mà từ lâu rồi tôi luôn mong có ngày được đến!
     Không biết có phải vì tôi đã dành nhiều tình cảm đến Thủ đô qua các bài hát nồng nàn viết về Hà Nội mà tôi đã từng nghe? Không biết có phải vì đã rất lâu rồi tôi nghĩ về Hà Nội bằng một tình yêu sâu lắng qua những áng văn hay, những bức vẻ đẹp mà tôi đã từng đọc, từng xem? Chỉ biết rằng tôi có một cảm giác thân quen từ lúc mới đặt chân lên con đường nhỏ ở khu phố cổ này, bước chân quen như đã từng đến nhiều lần rồi vậy! Có một chút tình cảm nhẹ nhàng mà yêu quí dành cho mảnh đất nơi đây, một chút gì đó thân thương như quê hương nơi mình sinh sống! Có lẽ đó là cái cảm giác của một người khi lần đầu đến thăm Thủ đô, khi được đến với một nơi được xem như là linh hồn, là trái tim cả nước.

    “ Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ
      Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
      Hà Nội mùa thu… mùa thu Hà Nội
      Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió…”*
      Mùa thu Hà Nội đã về!
      Tôi vẫn thường đắm chìm trong những bài hát ngợi ca vẻ đẹp của Hà Nội vào thu mê đắm như ru lòng người của Trịnh Công Sơn, của Phú Quang… Vẫn thường nghe lòng xao xuyến khi đọc những vần thơ lãng mạn viết về Hà nội của Phan Vũ… Vẫn thường mê mẩn với những bức tranh sơn dầu về Hà Nội cổ bình dị lắng sâu của Bùi Xuân Phái… Nhưng cho đến bây giờ, tôi mới thực sự đứng giữa lòng mùa thu Hà Nội! Có tiếng chim lích chích trên cành thu bên những tán lá ngả vàng, có mùi thơm mặn mòi của hương đất phù sa từ con sông Hồng đưa lại…Đâu đây thoảng hương hoa sữa nồng nàn, hương thơm dịu dàng từ những hàng cốm ven đường, sen thơm cuối hạ như vẫn còn lưu luyến trong không gian tinh khôi ngày mới, và tôi nghe được cả chút chớm lạnh heo may! Trong hương thu, làn gió nhẹ đuổi theo những chiếc lá vàng xoay nghiêng lả thả trên vai người đi đường dưới những tàn cây cổ thụ rợp mát cả con phố nhỏ!
     Chiều. Đứng bên ban công nhìn xuống khu phố đông đúc, những mái ngói lô xô nép mình vào nhau,những con phố nhỏ lao xao người xe qua lại…
      Buổi chiều xuống chậm, bên nhà ai có tiếng hát mượt mà…
      “Hà Nội trong mắt ai, bao buồn vui góc phố em…
        Nghe tiếng chuông chiều gọi…
        Hà Nội trong mắt em hay mùa thu tiếng lá rơi…
        Và em đến với tôi một chiều, chiều Hà Nội…”**

       Phố cổ Hà Nội với những những con đường nhỏ mang những cái tên riêng biệt đặc trưng của những làng nghề thủ công truyền thống: Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Chiếu, Hàng Bồ, Hàng Đào, Thuốc Bắc…Những con đường nhỏ phủ kín cây xanh, những phố nhỏ ngõ nhỏ sâu hun hút mang cảm giác lắng đọng lòng người. Phố cổ, một quần thể kiến trúc độc đáo với những mái ngói rêu phong cổ kính đã bao lần níu bước người qua, những con phố đã bao đời chôn dấu nhiều nỗi niềm của bao tao nhân mặc khách, của những thi văn nhạc sĩ. Khu phố chật hẹp mà ấm cúng với những con đường nhỏ dọc ngang, với những cửa ô cũ kỹ trầm tư bên thời gian chìm khuất!  
     Tối. Khoác thêm chiếc áo mỏng và chầm chậm trên các con đường hiu hiu gió, lòng cảm thấy bình yên. Tôi may mắn đến với Hà Nội vào những ngày cuối tuần nên có dịp dạo trên tuyến phố đi bộ và khu chợ đêm Hàng Đào-Đồng Xuân đông vui, tấp nập. Có đến nơi đây mới cảm nhận được vẻ đẹp đa chiều, mới thấy được sự hấp dẫn và quyến rũ mà nét văn hóa của khu chợ đêm này mang lại, một khu chợ đêm lung linh đầy thanh âm sắc màu nhưng vẫn còn đấy nét hoài cổ thâm nghiêm! Những lều hàng nho nhỏ xinh xinh nằm dọc theo con phố hẹp, cảnh mua mua bán bán rộn ràng và dòng người qua lại… Những quán ăn đêm đa sắc màu nép dưới hàng hiên thâm thấp bên những mái ngói nghiêng nghiêng đưa tôi trở về hình ảnh của phiên chợ quê xưa cũ, cho tôi cảm giác chừng như ngừng đọng lai của thời gian!
      Khuya. Lòng vòng qua những con phố nhỏ, nghe âm thanh phố đêm trở mình trong hơi lạnh của mùa thu mà thấy lòng dịu êm bên một không gian lặng lẽ yên bình. Hà Nội đêm mang một vẻ đẹp mong manh dịu dàng, mặt nước Hồ Tây bàng bạc một màn sương khói mờ ảo hư hư thực thực đến nao lòng người! Giữa hai bờ hồ, con đường Cổ Ngư nằm lặng  im nghe tiếng chuông ngân nga từ chùa Trấn Quốc mỗi chiều vọng lại. Trong khu phố cổ, những ngôi nhà nhấp nhô nối nhau nghiêng bóng, ánh đèn điện đêm hắt ra từ mấy ô cửa nhỏ liêu xiêu mờ nhạt. Thoảng trong sương thu hiu hắt, một thanh âm buồn rơi rơi trong thinh lặng…
     “ …Ta còn em hàng phố cũ rêu phong, và từng mái ngói xô nghiêng, chợt nhòa chợt hiện.
       Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố…Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường… ”***

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

SÓNG QUI NHƠN SÓNG SÔNG HƯƠNG

                                                    ( Tặng các bạn niên khóa 1968 --- 1970 SPQN ) Võ Hữu Nguyên K / 7
                                               
                     Ngày xanh ấy 
                     Trời biển Qui Nhơn 
                     Ôi những kỷ niệm đầu đời nghề nghiệp 
                     Như sóng biển dạt dào chiều Ghềnh Ráng
                     Những Quy Hòa Thập Tháp Phù Cát Cù Lao Xanh 
                     Rồi chia tay như chim non rời tổ
                     Mỗi đứa một phương
                     Ba mươi năm
                     Xuôi ngược
                     Thăng trầm 
                     Người còn nhớ kẻ đã quên 
                     Đứa còn đó kẻ đi xa 
                     Sương gió đã thay màu tóc cũ 
                     Cuộc đời vẽ nét lên khuôn mặt xưa 
                     Chiều nay sông Hương 
                     Bên kia Vĩ Dạ
                     Gặp lại nhau
                     Mừng mừng tủi tủi 
                     Như sóng nước Hương Giang
                     Kỷ niệm vời vợi quay về
                     Ngày xanh trở lại
                     Ôi những vụng về thơ dại
                     Ngày xưa
                     Ba mươi năm
                     Cũng dài và cũng nhanh đấy nhỉ
                     Lòng gặp lòng mãi mãi chẳng quên
                     Chiều nay 
                     Sóng sông Hương vọng trời nước Qui Nhơn !  
                                                                   Võ Hữu Nguyên K / 7

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

MÙA THU

                                                                                                                                              Vĩnh Hảo
           Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá vàng, trải lấp cả lối đi. Trời dìu dịu, không có nắng chói chang. Gió se lạnh, lùa qua hàng cây bên đường. Tâm và cảnh dường như có sự giao cảm tương ứng nào đó, gợi lên một nỗi buồn man man, vời vợi. Đẹp, mùa thu thật đẹp.Phân tích chi ly thì cũng khó mà nói được vẻ đẹp của mùa thu nằm ở đâu. Không lẽ chỉ vì lá vàng, lá cam, lá đỏ? Thế thì ở đô thị nhà cửa san sát, xe cộ nườm nượp, lề đường thiếu bóng cây, thì có lá vàng đâu mà mơ mộng, hân thưởng?
           Những kẻ nghèo cùng khốn khổ, vật lộn với đời từng phút giây để kiếm sống, không có xuân, hạ, thu đông; chỉ có đói-no, ấm-lạnh.Những kẻ đêm ngày tranh danh đoạt lợi, mưu cầu hạnh phúc cá nhân, cũng không có lá xanh, lá vàng, lá cam, lá đỏ; chỉ có màu xanh trên những tờ giấy vuông vắn.
          Có lẽ mùa thu chỉ có mặt với những người nhàn hạ, thảnh thơi, ở những nơi có lá vàng, hoặc không có lá vàng mà chỉ có thời gian tàn úa, rơi rụng theo bóng hoàng hôn mỗi ngày—nơi ấy, những người ấy, có thể cảm nhận được sự đến và đi của mùa thu, thấy được vẻ tàn tạ của cuộc đời trôi trên chính thân xác của mình. Rồi người ta gọi đó là vô thường.
          Nhưng vô thường không phải chỉ có nghĩa là tàn tạ, héo úa, tả tơi… của một thân xác, một sự vật. Vô thường là sự thay đổi, bất định của vạn vật, bao gồm cả mặt tâm lý của con người. Sự thay đổi ấy không đi theo một chiều duy nhất từ sinh đến diệt, mà còn từ diệt đến sinh; điều này hợp lý và hiển nhiên để có những cuộc canh tân, cải cách, thay đổi cái xấu thành tốt, ác thành thiện, phàm thành thánh. Vô thường hủy hoại tất cả, nhưng cũng xây dựng nên tất cả.
           Vì vậy, nói đến vô thường, không phải là nói điều tiêu cực, yếm thế, mà nói về một nguyên lý, một sự thực về sự tương quan, tương thuộc. Sự thực ấy không ai đặt ra, tạo ra. Nó hiện hữu khắp nơi, trong mọi sự mọi vật, trong tất cả mọi hình tướng, và tâm thức của chúng sinh, của nhân loại. Vô thường—qua sự chuyển biến không ngừng mà chúng ta có thể nhìn thấy nơi sự vật hữu hình, và quán chiếu nơi tự tâm—xét ra, chỉ là hiện tượng. Bản chất của nó là duyên sinh, duyên khởi. Tất cả mọi sinh khởi hay hủy diệt đều tùy thuộc và tương thuộc những điều kiện nhân duyên khác, không thể có sự sinh khởi hay hủy diệt độc lập. Chính vì vạn vật được sinh khởi bằng sự kết hợp của các nhân duyên, chúng sẽ bị hoại diệt bởi các nhân duyên. Đó là vận hành tất nhiên của vô thường.
           Không phải chờ đến khi thấy lá vàng rơi rụng, xác thân già yếu, tài sản trắng tay, thân bại danh liệt… rồi mới thức ngộ vẻ mong manh, biến hoại của cuộc đời. Ngay từ ban đầu khi mới sinh ra, vô thường đã đến trong từng khoảnh khắc, với chúng ta, với cả thế gian này, không chừa một ai, không ngoại lệ một chúng sanh hữu tình hay vô tình nào.
            Nhận thức sâu sắc về vô thường như là kết quả hiển nhiên của nguyên lý duyên sinh, duyên khởi, chúng ta sẽ không còn bám víu, chấp chặt vào sắc thân, tâm lý và ngoại cảnh; và dĩ nhiên là sẽ không bất ngờ trước những chuyển biến đổi thay của lòng người, của cuộc đời. Với một tri kiến như thế, có thể được gọi là chánh kiến, là sự thấy biết như thực của người học đạo, hành đạo.
            Dù thế nào, những làn gió lạnh chớm thu đã bắt đầu lướt qua các hàng cây, làm rung động và lả tả rơi xuống những lá vàng, lá cam, lá đỏ, như những cánh bướm lao xao đón chào mùa mới. Trong vẻ hiu quạnh tàn úa, chạnh nhớ mùa thu nào nơi vùng tuyết lạnh xa xưa… Dường như vẻ đẹp của đất trời cũng có mặt ngay ở nơi những gì mong manh nhất, nơi đó, đã ươm sẵn những mầm xanh, chuẩn bị cho một mùa hoa rực rỡ của một ngày mai tươi sáng.
                                                                                                                           Vĩnh Hảo

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

VÀNH KHĂN NHUNG

                                                                                                                                 Ky Nguyen

               Tôi thi vào Sư Phạm, đậu khá cao nên được nằm trong danh sách lãnh
học bổng của trường. Nhớ lần ấy vừa lãnh tiền xong, tôi tung tăng ra
chợ Quy Nhơn mua quà Tết cho cả nhà, vui nhất là sắm được cho Mẹ cặp
khăn nhung màu đen Mẹ hằng mơ ước. Mẹ tôi vấn tóc, đội khăn từ lúc còn
trẻ, phụ nữ  Bắc ai cũng thế, ở quê thì khăn vải, dịp nào quan trọng
mới dùng đến khăn nhung, còn phụ nữ nhà giàu phố thị thì lúc nào cũng
trang trọng, kiểu cách. Khi đã thành cô giáo, tôi lại sắm thêm được
cho Mẹ cái áo dài nhung màu mận chín, cái quần sa tanh trắng, thêm đôi
hài mũi cong cong bằng nhung đen, đính cườm óng ánh. Thế là Mẹ đã có
đủ “ bộ cánh” thật “oách” rồi. Dịp nào Mẹ diện đồ đẹp, lũ cháu  cũng
xúm lại vuốt ve, sờ mó lớp vải nhung mát mịn, Mẹ cười thật tươi, khoe
hàm răng đen, nhuộm từ thời con gái.  Ở Đalạt, xứ lạnh, Mẹ vấn tóc,
chít khăn cả ngày lẫn đêm, thường là khăn vải, khi về  Sài Gòn , trời
nóng bức quanh năm, Mẹ vẫn giữ thói quen ấy, nhiều lúc nhìn trán mẹ
lấm tấm mồ hôi, tay cầm quạt, phe phẩy không ngừng, cả nhà khuyên mãi
mà Mẹ vẫn chẳng chịu rời cái khăn trên đầu. Cho đến một hôm Mẹ ốm
nặng, nhìn mái tóc trắng xõa dài trên gối, chúng tôi quyết định cắt
tóc ngắn cho Mẹ, bỏ luôn khăn vấn, khăn trùm. Hình ảnh mỗi sáng Mẹ
chải đầu, vuốt ve mái tóc thưa dài, bạc trắng, rồi  lấy  cái khăn vấn,
hình chữ nhật, chiều ngang tấc rưỡi, chiều  dài khoảng 5 tấc, cuộn
chặt tóc  lại,có thêm cái độn bên trong cũng bằng vải  thành một lọn
tròn lẳn, được giữ chặt bằng những cái đinh ghim hay còn gọi là kim
cúc rồi quấn quanh trên đầu, cái đuôi tóc cong cong thò ra được cài
vào vành khăn cuối, nhìn rất có duyên, cuối cùng trùm cái khăn  hình
tam giác, hai đầu khăn buộc chặt dưới cằm, phần khăn trước trán , Mẹ
ép chặt hai mép khăn lại, thế gọi là chit khăn mỏ quạ, khi nào nóng
lắm, Mẹ buộc khăn ra sau gáy, nhưng vẫn giữ cái mỏ quạ đáng yêu này.
Hình ảnh này, từ nay không còn nữa, thoáng một chút tiếc nuối và ít
nhiều ân hận, xót xa…Mẹ khỏi bệnh, lại ngồi chải tóc như xưa,  vuốt
mãi, vuốt hoài, tóc vẫn cụt ngủn, Mẹ lẩm bẩm:”Quái, sao lại thế này?”
Được mươi lần thì Mẹ nổi cáu, chửi toáng lên:” Tiên sư bố đứa nào cắt
tóc của tao…”chúng tôi vội  xúm lại chuyện trò giả lả để Mẹ quên
đi…Rồi đến một hôm cả nhà giật mình, nhìn Mẹ quấn giấy KissMe trắng
xóa trên đầu, thằng cháu lên 3 cứ cười sằng sặc, còn người lớn thì
nhìn nhau, buồn rưng rưng, thương  quá, Mẹ đã đến tuổi lẫn rồi!

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Chia buồn

         -  Quý Thầy Cô cũ                                                                                                                -  Ban liên lạc cựu giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn
         -  Ban biên tập Trang Nhà
         -  Anh Nguyễn Hồng Khóa 5 SPQN
    Được tin , Má của Anh Nguyễn Thanh Phong khóa 5 và Chị Trần thị Sum khóa 7 đã từ trần ngày 29-09-2014 , hưởng thọ 94 tuổi .
    An táng tại Nghĩa trang Làng Hòa An
                                          Xã Phú Thanh
                                          Huyện Phú Vang
                                          Thành phố Huế
          Thành kính chia buồn cùng Anh Chị Phong _ Sum cùng Gia Đình , nguyện cầu cho hương linh Cụ Bà sớm về Cõi niết bàn .

                                     

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG


                                                                                                                                       Irene                                                    Khi nghĩ về quê hương người ta thường nghĩ đến cây đa, bến nước, mái đình, là dòng sông với con đò là ruộng đồng, họ hàng, làng xóm… Còn tôi lớn lên giữa phố thị Qui Nhơn nên quê hương gắn liền với tôi là phố chợ là những con đường, những ngôi trường, là biển xanh cùng sóng vỗ… Đối với tôi hình ảnh con sông, lũy tre, đồng ruộng chỉ là nghe nói hay mơn man trong sách vở. Sau này khi lớn lên một chút, thỉnh thoảng có đi về vùng ngoại ô, lúc đó, tôi mới thấy mà cũng chỉ nhìn loáng thoáng về hình ảnh của quê hương mà thôi. Rồi đến một ngày, tôi tốt nghiệp ra trường đi dạy. Ngôi nhà tôi ở trọ sát bên con sông Lại Giang. Những lúc buồn nhớ nhà, thường ra ngồi ngắm nhìn dòng sông chảy và bắt đầu có một chút cảm nhận về vẻ đẹp…Nhưng dạo đó quê hương mình chiến tranh khốc liệt quá! Tiếng súng, tiếng bom đạn rền vang làm át hết cả những suy nghĩ của tôi.
           Mãi cho đến sau này khi tôi về làm dâu “xứ nẫu”. Quê chồng tôi ở An Vinh nằm sát bên con sông Côn êm đềm trôi xuôi, nước xanh ngăn ngắt. Lúc đó tôi mới biết được thế nào là con sông quê hương.
                   Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
                   Giòng sông Côn lai láng mùa mưa
                   Đã cam tháng đợi năm chờ
                   Duyên em đục chịu trăm nhờ quản bao. (Ca dao)
          Những năm đó, cuộc sống nông thôn rất yên bình vì quê hương đã im tiếng súng nhưng người dân quê thì lúc nào cũng “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. An Vinh cũng như bao vùng quê nghèo khác, người dân lam lũ, quần quật suốt ngày với nghề nông. Quanh năm tay lấm chân bùn bận rộn với ruộng vườn trâu bò. Mùa hè cho đến mùa đông trên người lúc nào cũng chỉ là manh áo cộc và quần xắn lên trên đầu gối “một nắng hai sương” vất vả vô cùng.
           Một năm tôi thường về quê hai lần, vào dịp tết và vào những ngày nghỉ hè. Đi về quê An Vinh thì từ Qui Nhơn có thể đi theo nhiều ngả. Mỗi ngả đường đều được ngắm nghía non nước hữu tình của Bình Định mến yêu.
     -Nếu đi con đường từ chợ An Nhơn lên thì phải đi thẳng đến An Thái qua sông Côn để về An Vinh. Đoạn dường này, có thể ngắm được làng mạc ẩn sau những vườn tược, cây cối xanh tươi cùng núi non, dòng sông êm xuôi. 
       -Còn đi theo Quốc lộ 19, thì đến Bình Nghi, qua An Thái rồi qua sông Côn…ở đây có thể ngắm các lò gạch thủ công, ngước nhìn tháp Thủ Thiện, thưởng thức mùi thơm của hương đồng gió nội, bắt gặp phố xá nhỏ hẹp ở An Thái như một phố Hội An thu nhỏ với những ngôi nhà cổ lâu đời của những người Hoa và các đặc sản của vùng quê này…
        -Đi đường Gò Găng thì có thể ngắm quần thể ba ngọn tháp Dương Long đứng sừng sững qua bao năm tháng. Thấp thoáng trên đồi lăng Mai Xuân Thưởng một sĩ phu yêu nước, lãnh tụ của phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ 19 tại Bình Định hay chạnh lòng khi chứng kiến một số vết tích tang thương còn lại của thành Đồ Bàn mà nghe trong gió lao xao tiếng người xưa như thầm nuối tiếc cho một triều đại đã trôi vào dĩ vãng…
        -Có thể đi lên Phú Phong rồi bọc xuống cũng được nhưng đường xa hơn nhiều. Con đường này dẫn chúng ta đến ấp Kiên Thành, làng Kiên Mỹ nay là thị trấn Phú Phong, bước nhẹ qua cầu Kiên Mỹ bắc qua sông Côn đến với Bảo tàng Quang Trung để cảm nhận được hồn thiêng sông núi nơi sản sinh ra những người anh hùng áo vải Tây Sơn…

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

MÙA LÁ RỤNG

                                                                                                                                 Irene
                                   
                Thu về! Nắng nhạt dịu dàng, trên không có những đám mây trắng xuất hiện vài cơn gió heo may trở về thổi qua từng con đường góc phố.
Trên cành cây, trong vòm lá xanh, vài chiếc lá bỗng ngả màu vàng, sẫm dần rồi héo úa. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm cho từng chiếc lá vàng rơi rụng. Tiếng lá rơi chạm xuống mặt đường nghe lào xào xa vắng mênh mang. 
Buổi sáng thức dậy nhìn mảnh sân nhà đầy lá rụng, tôi cảm thầy hiu hắt buồn! Tôi không muốn cầm chổi để quét mà lại thích lom khom đi nhặt từng chiếc lá gom lại rồi ngồi xuống bậc thềm trước nhà nhìn lên bên trên khoảng vòm lá. Xen kẽ trong đám lá xanh thẫm kia có những chiếc lá đã ngả màu vàng hay một vài chiếc lá khô lại quắt queo…Trong khoảnh khắc, chiếc lá khô lìa cành chao nghiêng từ từ rơi xuống. Tôi bỗng nhớ đến câu cuối trong bài hát nào đó: …Lá rụng, lá rụng về đâu? 
        - Ừ, lá rụng về đâu nhỉ?
        Từng chiếc lá rụng về đâu chẳng biết? Trên cây lá vẫn xanh tươi. Đầu mỗi ngọn lá vẫn đang nảy lộc. Cành vẫn tiếp tục đâm thêm những chồi mới, tiếp tục thay thế cho những chiếc lá đã lìa cành. Cuộc sống cứ thế, cứ vẫn tiếp diễn.
Ngôi nhà đối diện, bà cụ mở cổng rồi đứng nhìn những chiếc lá rụng. Bà cũng không lấy chổi quét đi mà lại cúi xuống nhặt từng chiếc lá sakê, vuốt thẳng, cuộn vào nhau rồi đến bên gốc vói lên nhét nó vào một nhánh rẽ của cây rồi quay vào. Cơn gió ào qua, từng chiếc lá lại rơi rụng…nhưng lần này nhặt lá lại là những người khách quen đang ngồi uống café quán sát bên hay những người cùng con phố đang đi qua, đi lại… Và cũng giống như bà, người nhặt lá lại cầm chiếc lá cất lên chỗ thân cây… Một lát sau, một người đi xe máy đến, dừng lại đến bên cây lấy những chiếc lá bỏ vào bì mang đi. Mãi cho đến sau này tôi mới biết chiếc lá sakê vàng này dùng để chữa bệnh…
          Càng về chiều, bầu trời nhiều mây hơn. Nắng tắt sớm. Không gian yên ắng đến lạ, chỉ nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau bay về tổ và tiếng rì rào lao xao của lá…lâu lắm mới nghe tiếng động cơ của một chiếc xe máy chạy ngang qua rồi mất hút ở cuối con dốc. Vài cơn gió chiều buông lơi, từng chiếc lá vàng lại rơi rơi.
Đêm ở đây lại càng yên tĩnh hơn. Màn tối chưa phủ đều thì trăng mười sáu đã xuất hiện ở đằng xa rồi nhô dần lên trên những vòm lá đen thẫm. Càng lên cao, trăng càng sáng tỏ. Ánh trăng dường như đẩy lùi, dường như chế ngự tất cả mọi ánh sáng của những ngọn đèn cao áp ở bên dưới. Rồi càng lúc càng lan tỏa rộng khắp nơi nơi. Một vài cơn gió thoảng làm lay động hàng cây làm cho không gian đêm dịu dàng man mác. Về khuya trăng càng vằng vặc. Một mình ngồi ở lan can ngắm con phố vắng người. Hàng cây như một khối đen thẫm in đậm hắt bóng xuống lòng đường. Thỉnh thoảng, đâu đó tiếng lá rơi dội vào đất từng chiếc, từng chiếc buồn tênh…
        -Lá rụng về đâu?
         Vẫn là câu hỏi bâng quơ nhưng càng hỏi tôi lại càng thấy một cảm giác gì đó là lạ nhói sâu. Tôi nhớ từ lâu lắm, có một lần tôi được nghe một bài thuyết giảng của một vị thiền sư : “Khi chết ta đi về đâu? Lá rụng về đâu? Ta từ đâu đến?...”
“…Khi có đủ điều kiện thì biểu hiện, hết điều kiện thì lịm tắt. Con người khi chết không có nghĩa là mất đi vĩnh viễn mà chỉ là họ không còn biểu hiện cho ta thấy nhưng nếu có đủ điều kiện họ sẽ quay trở lại nhưng dưới một hình trạng khác mà con mắt trần của ta không thể nhận ra họ…cũng như chiếc lá vàng rụng đi, biết đâu nó sẽ tiếp tục trở lại, biểu hiện thành một chiếc lá non xanh khác ở trên cành của một chồi mới nhú…v.v…”
         Cho đến bây giờ, tôi vẫn mơ mơ hồ hồ với ý tưởng này!? Nhưng khi một người thân hay nghe tin một người bạn của tôi qua đời. Tôi thường an ủi mình, nghĩ theo cách đó, để mong rằng họ vẫn còn đâu đó xung quanh đây và có ngày họ sẽ trở lại…để tự xoa dịu mình, để làm giảm bớt đi sự đau buồn về sự mất mát to lớn ấy.
Ai cũng đi qua một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ với nhiều ước mơ, nhiều hoài bão…đã trải qua không ít những thăng trầm, gặp không ít là sóng gió…cũng không biết bao nhiêu lần sân si, bao nhiêu lần hỉ nộ ái ố…

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

ĐÔI BẠN

     
                                                     Một thời trung học nhớ thương
                                                     Một thời nhớ mãi vấn vương một đời .

            Dòng Sông Hàn nhè nhẹ lững lờ trôi. Những cơn sóng nhỏ vỗ lao xao đập vào bờ tạo nên những âm thanh rì rào thật êm ái. Trời trong xanh, gió hiu hiu, tàu thuyền tấp nâp. Xa xa thấp thoáng những cánh buồm .

            Lần đầu tiên Phương trở lại nơi đây sau nhiều năm xa cách. Bờ Sông Hàn nhiều kỷ niệm thân thương. Sông vẫn như xưa hiền hòa êm ả . Những vòng xe hối hả ngược xuôi . Mọi người như hút vào dòng xoáy thời gian Tất bật vội vã . Chỉ có Phương là lạc lõng bên bờ sông lộng gió . Lòng bâng khuâng . Bao nhiêu kỷ niệm ùa về . Những mơ ước những hoài niệm xa xăm . Ngày ấy Phương chỉ là một cô bé vừa mới lớn với tuổi mười bốn hồn nhiên vô tư . Lần đầu tiên Phương gặp cậu học sinh ấy trong tiệm sách Bình Dân Thư Quán ở ngả ba đường Hùng Vương và đường Nguyẽn Thị Giang Đà Nẵng . Phương muốn mua một quyễn sách nhưng cậu ta cứ nhìn Phương hoài . Ngượng ngùng Phương đi về và cậu ta lẽo đẽo theo sau . Từ bửa gặp gỡ đó Phương thường thấy cậu ấy đạp xe qua lại trước nhà mình.

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Những Hình ảnh gần gũi về Thầy Lê Ngọc Linh

                               
     

Sư Phạm Qui Nhơn ơi ! Nam Phương Nhớ


                 Thời giáo sinh của Nam Phương rất nhiều kỷ niệm và đầy ắp những yêu thương..Nhớ ngày đầu tiên Phương đến trường Sư Phạm Qui Nhơn cảm giác kỳ lạ làm sao !..Nam Phương như nhìn thấy ước mơ..niềm kiêu hãnh..và tương lai của mình trong biển xanh lộng gió..Phương nghĩ chừng như mình sẽ bay đến một chân trời mới với đôi cánh màu xanh thẵm..Và quả thật hai năm Sư Phạm với Thầy Cô..bạn bè cùng những gì Phương trãi qua ở trường Sư Phạm đã chấp thêm vào đôi cánh màu xanh ấy !

            Mỗi sớm mai Phương đến lớp với bộ cánh trắng tinh khôi..với hai bím tóc ngu ngơ..với mùi mằn mặn của gió biển...Tiếng Thầy Cô..tiếng bạn bè tiếng chim ríu rít..tiếng hàng dương xào xạc hòa cùng hương thơm mùi hoa sứ...Tất cả như thấm sâu vào tâm hồn Nam Phương....Phương nghe như tiếng thời gian đang khẽ khàng trôi qua..và tình cảm Thầy Cô..bạn bè càng ngày càng quyến luyến thân thương......
                         



Thư Cảm ơn

Mình là Nguyễn Thị Mận, cựu giáo sinh SPQN khóa 10.
"Xin chân thành cảm tạ các bạn nhóm SPQN khóa 10 đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình".
Cảm ơn nhiều,
                                                                                                     Nguyễn Thị Mận - 01678241653

Tin Buồn

       

Được tin cụ bà MARIA PHẠM THỊ THU, Thân mẫu chị Hồ Thị Hoa K6/ SPQN vừa từ trần tại Đà Nẵng.Hưởng đại thọ 95 tuổi.
Xin thành kính phân ưu cùng chi Hoa và tang quyến
Kính nguyện Hương Lịnh cụ bà sớm an lạc trong cõi vĩnh hằng
                                                                                              Ban LL cựu Giáo sinh SPQN tại Đà Nẵng
                                         

QUÀ TẶNG ÂN TÌNH

                                                                                                                            Thanh Dang
                                                                                   


                                             Mấy mươi năm rồi đó em
                                             Thầy xưa, bạn cũ còn tìm được nhau
                                             Biết bao thay đổi bể dâu
                                             Mà tình em...vẫn xanh màu yêu thương

                               Từ em bỏ nắng sân trường
                               Phượng bên đường chắc còn vương vấn nhiều
                               Lá xanh rợp bóng thương yêu
                               Nghiêng che nắng sớm, mưa chiều. Nhớ chăng ?

                                           Trò thơ ngây, cô trẻ măng
                                           Cô yêu thương cả đứa chăm, đứa lười.
                                           Bây giờ em lớn khôn rồi
                                           Như chim bay khắp phương trời xa xăm.

MỘT THUỞ NÀO XA

                                                                                                   *Tặng các bạn Giáo sinh khóa XI-SPQN
                                                                                                     40 năm rồi sao không về hội ngộ
                                                                                                      Kỷ niệm một thời, có lẽ nào quên ?
                                             
                       

                               Em vẫn nhớ chút tình ngày xa ấy,
                               Một chút thôi cũng đủ để bùi ngùi.
                               Đủ cho lòng mong nhớ mãi không nguôi.
                               Anh ở đâu? Có hẹn ngày gặp lại?

                               Thầy cũ, trường xưa, bạn bè thân ái.
                               Sau 40 năm gặp gỡ, bồi hồi.
                               Thổn thức trong tim bao kỷ niệm xa xôi
                               Bừng sống dậy thời 20 tươi trẻ.
                               Anh đâu đó  trong hồn em khe khẽ
                               Chút hương thầm xin gửi để làm tin,
                               Để mai đây nếu có kẻ sống còn
                               Hãy thương nhớ một thuở nào xa ấy!


                                                                                                     Ngô Thị Bình- K.XI
                                                                                                     Quy Nhơn, tháng 8 năm 2014
                                               
Nữ Giáo sinh tập quân sự học đường 1973
Ngô thị Bình ( người thứ hai )

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

CẢM XÚC SAU 40 NĂM GẶP LẠI

                                                                                                   Ngô Thị Bình  N1
                                                                                   * Tặng tất cả các bạn thân yêu Khóa XI-SPQN
                   
          Tôi được sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Quy Nhơn. Ngược với làn gió biển mát lạnh thường ngày, hè năm nay trời nắng oi ả, hàng cây trước nhà im ắng, thẩn thờ; hoa phượng bên đường nở rộ, đỏ rực gợi nhớ cho tôi một thời là nữ sinh Trường Nữ Trung học và một quãng thời gian hai năm mặn mà dưới mái trường Sư Phạm Quy Nhơn.
       Trường Sư Phạm Quy Nhơn nằm bên bờ biển xanh thơ mộng và đáng yêu, là ngôi nhà chung của 13 khóa học đi, về. Con đường Nguyễn Huệ ngày ngày dập dìu những tà áo trắng thướt tha, biển nơi đây vô cùng nên thơ với hàng dương vi vu trên bãi cát vàng, nơi mà những cánh trắng ấy chiều chiều thường ra đó cùng ngồi ngắm biển xanh bao la, nhìn sóng vỗ rì rào để  những làn gió biển đua nhau mơn man trên tóc mà nghe lòng mơ mộng lẫn suy tư… để mai này dẫu đi xa vẫn nhớ, vẫn mong ngày về với biển như bài hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Khóa I) “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…”
Tuổi thanh xuân đã qua rồi, giấc mơ ngày nào cũng ru ta vào đời bằng bao nhiêu nỗi niềm ray rứt với những kỷ niệm không thể nào  quên!

         Khoảng trung tuần tháng 7, tôi nhận được tin nhắn của bạn Trần Đình Bào (N1) báo tin ngày 26-07-2014 là ngày hội ngộ của khóa XI, kỷ niệm 40 năm ngày mãn khóa, ra trường. Đọc xong, tôi vui mừng khôn xiết, y như mình sắp nhận được một món quà quý giá vậy! Tôi cứ suy nghĩ mãi, cứ hình dung ra từng khuôn mặt của các bạn thân thiết ngày xưa mà bâng khuâng chờ ngày gặp lại.
Ngày 21, 22 rồi 23- Tôi đã liên lạc với bạn Châu Thị Thanh Cảm và biết bạn Trần Hữu An sắp về Quy Nhơn, đồng thời thông báo với các bạn Nguyễn Đình Cảnh, Trần Đình Bào…
Trong nỗi nhớ và niềm vui, tôi đếm từng ngày một trôi qua, thời gian như trôi chậm lại so với thường ngày. Rồi ngày 24, 25… Và đêm nay là đêm 25 tháng 7; trời đã khuya rồi sao tôi cứ trăn trở mãi không ngủ được, nhìn ra cửa sổ với bầu trời đầy sao, tiếng côn trùng kêu rả rích, thỉnh thoảng vài chiếc lá khô rơi trong vườn khiến lòng tôi đầy nỗi nhớ! Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ từng người một, nhớ từng đặc điểm, cá tính … không biết gặp nhau có còn nhận ra nhau  không?
Đầu năm vừa rồi, Cảm, Bào, Cảnh và tôi  may mắn gặp nhau , sau 40 năm xa cách, hôm ấy chúng tôi vô cùng bồi hồi xúc động không nói nên lời , ngày mai sẽ gặp ai đây? Cứ nghĩ miên man, thức mãi, thức mãi… gần như cả đêm không ngủ.

         Thế rồi ngày 26 đã đến, tôi đón Thanh Cảm cùng về tập họp với các bạn N1 tại nhà  bạn Nguyễn Đình Cảnh. Bồn chồn và nôn nóng cùng với những tiếng chuông điện thoại gọi nhau, cái không khí, cái cảm giác này lần đầu tiên tôi có được. Trong đầu óc tôi sao lộn xộn quá, nào quá khứ, nào hiện tại cứ đan xen nhau, bao nỗi niềm hòa lẫn…
                              


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...