Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Chiếc Cầu - Thơ - Đàm Khánh Hỷ

“ Qua cầu ngã nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu!”
Dạ sầu có thể là do   hai người yêu thương  nhau nhưng mỗi
người phải ở mỗi bên bờ xa cách. Muốn gặp nhau thì cần phải bắt
cầu, giống như Ngưu Lang - Chức Nữ cần đàn chim trời làm cầu
trong dịp Tháng Bảy mới  hội ngộ được.
Dạ  sầu  cũng có thể  một người qua được khỏi cầu, nhìn lại thấy
đằng  sau còn biết nhiêu người thân làm sao  qua  được khỏi cầu  đạt
đến bến bờ tự do, an toàn, thoải mái như mình.
“ Thương nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay!”
Tại sao chiếc cầu là chỗ để nêu ra cái cớ đánh  mất chiếc áo? Nếu
chiếc cầu biết nói, hay là nó không lặng thinh thì có tìm ra lý do
thực của sự mất chiếc áo hay không?

Chiếc cầu
 
Thân ai như chiếc cầu ngang,
Giơ lưng đón khách đi đàng qua sông.
Đôi bờ bên đục, bên trong,
Dẫu rằng trong, đục cũng dòng nước thôi.
Khôn ngoan, trí huệ thảnh thơi;
Si mê, tham, giận muôn đời khổ đau!
Qua cầu nhớ kẻ đi sau,
Nhớ lời, “Trọng Đạo, tôn Sư”  nên tài.
Thế gian đêm ngắn, mộng dài:
“Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua!”
Xin đừng cách trở chia xa,
Đừng làm cầu sập, đừng cho đò chìm.
Phúc người cầu ván đóng đinh,
Thương ai mấy nhịp gập ghềnh cầu tre!
Xiết bao rộn rã đi về,
Chiếc cầu vẫn cứ một bề lặng thinh.

Đ. Khánh Hỷ

4 nhận xét:

  1. Học Trò Nhị 4 Khóa 11.lúc 11:05 28 tháng 8, 2011

    Thưa Thầy!
    Hầu hết những bài Thầy viết em đón đọc, nghiền ngẫm từng câu chữ, từng ý thơ...Tuy tuổi cao sức yếu, Thầy vẫn minh mẫn, sáng suốt. Thầy mãi mãi là người Thầy của chúng em. Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe.
    Nhân đây em cũng có thắc mắc chuyện vui vui về cây cầu muốn hỏi Thầy cùng các bạn: "Moị người thường nói "Đầu Cầu" như vậy hẳn cầu có Đuôi? Vậy "Đuôi Cầu" ở đâu?

    Trả lờiXóa
  2. Rất vui nhận được câu hỏi của Nhi 4/11.
    Tôi không biết cái đuôi cầu ở đâu nhưng tôi biết chỗ trả lời được câu hỏi:
    1/ "Biết hỏi là biết trả lời."
    2/ Có thể hỏi cái đầu cầu nó sẽ cho biết cái đuôi cầu ở đâu, nếu có đuôi cầu.
    Cảm ơn và chúc sức khoẻ,
    Hẹn lần sau.

    Trả lờiXóa
  3. Xin lỗi Nhị 4/11,khung nhận xét nó cứ nhảy hoài nên lần trước tôi vội viết gọn.
    Nay tôi sẽ viết dài hơn đẻ nói ý nghĩ của tôi về cái "Đuôi Cầu".
    1/ Nếu vai trò thầy giáo giống chiếc cầu thì môn đồ giống như khách bộ hành phải tự chân mình bước qua cầu.
    2/ Giải thích cụ thể thì mỗi cầu đơn giản thường lưu thông hai chiều. Một người, từ Bắc vô Nam, vừa bước lên cầu để đi qua thì họ gọi chỗ đó là "Đầu Cầu." Đi hết cầu thì đối với người ấy chỗ đó là "Đuôi Cầu." Nhưng, đối với người đi ngược chiều, hoặc dân chúng bờ phía Nam thì họ gọi chỗ ấy đúng là "Đầu Cầu." Để tôn trọng người ngược chiều, và hơn nũa mình là người qua cầu để đổi bờ, "nhập gia tùy tục," nên người từ Bắc vô Nam phải gọi một lần nữa chỗ đó là "Đầu Cầu," chứ không thể lấy cái tên của mình gọi thay cho cái tên của người khác đã gọi. Ngược lại người từ Nam ra Bắc cũng tương tự như vậy.Đó là cách ứng xử khôn ngoan để giữ hòa khí, không lấy cái đuôi của mình làm cái đầu của người khác nên không bị người khác lấy cái đuôi của họ chụp lên cái đầu của mình. Bỡi vậy, người ta thường gọi "Đầu Cầu Bên Nay" hoặc "Đầu Cầu Bên Kia", cách gọi này thể hiện tính hòa bình, không lấy bờ Bắc áp đặt bờ Nam, hay ngược lại.Về mặt văn hóa xã hội thì như vậy, còn về mặt cá nhân thì mỗi "Đầu Cầu" của mình là một "Đuôi Cầu" của người ngược chiều cho nên tôi nói đùa là, cứ hỏi cái "Đầu Cầu" nó sẽ chỉ cho cái "Đuôi Cầu."
    3/Cái có đầu phải có đuôi hay không sẽ trả lời sau.
    Cảm ơn và chúc sức khỏe Nhị4/11,
    Hẹn lần sau.

    Trả lờiXóa
  4. Học Trò Nhị 4 Khóa 11.lúc 21:22 2 tháng 9, 2011

    Thưa Thầy!
    Trước tiên em xin lỗi Thầy v/v com muộn. Nhưng qua giải thích thêm của Thầy em mới hiểu tính nhân văn trong đời sống nhân gian. Quả thực trong lúc vui vẻ cùng bạn bè em nghe có người đố mẹo cho vui, nay gặp đề tài này em cũng nêu lên chứ không có ý đánh đố Thầy và bạn bè. Chuyện cái đuôi cầu ở đâu? Trả lời là ở Qui Hòa (Tức là ở đâu cùi, cái đuôi cầu ở đó) Một kiểu nói lái.
    Thầy rất tinh tế:" Biết hỏi là biết trả lời". Em chợt nhớ trong giai thoại lịch sử có chuyện Mạc Đỉnh Chi đi sứ lúc bí Ông có câu:"Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối".
    Cám ơn Thầy đã chỉ dạy tận tình cho học trò.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...