Chiều Sài gòn với những cơn mưa chợt đến, chợt đi làm tôi nhớ da diết đến những cơn mưa dầm dề lê thê kéo dài từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác ở quê hương ven biển miền Trung của tôi. Vùng đất nơi tôi lớn lên, nơi ươm mầm bao ước mơ, bao đam mê khát khao của thời tuổi trẻ, Quy Nhơn đầy nắng và gió thoảng mùi vị mặt chát của biển đã cho tôi biết thế nào là đi xa vẫn nhớ quê nhà. (nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)
Ngày đó vào những năm bảy mươi ……đất nước còn chiến tranh nhưng Quy Nhơn thi thoảng mới nghe tiếng súng ì ầm từ xa vọng lại. So với các vùng miền khác ở Bình Định thì thị xã này tương đối yên bình. Vào thời điểm này tôi đang còn là một cô nữ sinh của một ngôi trường rợp bóng dương xanh ngát bên bờ biển quê hương, trường nằm trên đường Nguyễn Huệ đầy hoa điệp vàng vào nhũng ngày nở rộ, đó là trường Nữ Trung Học của lũ con gái chúng tôi.
Thời phổ thông cũng qua, tôi giã từ tuổi học trò với những chiều cùng bạn bè ôm cặp vở tha thẩn trên những con đường thân quen đầy hoa điệp vàng khi thu về, rực đỏ màu phượng vĩ khi hạ đến hay rượt đuổi theo những chú còng nhỏ xíu trên bãi biển vào những chiều lặng gió.
Đỗ tú tài, Tôi thi vào Sư Phạm Quy Nhơn. Ngôi trường ươm mầm ước mơ làm cô giáo của tôi từ ngày còn thơ bé và cũng từ ngôi trường này đã cho tôi rất nhiều: Tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, nhân cánh sống và hơn thế nữa là lòng yêu nghề luôn đau đáu trong tim.
Biết nói thế nào nhỉ để mọi người có thể hiểu rằng tôi yêu ngôi trường Sư Phạm này đến như thế nào ?. Nhớ lắm những dãy hành lang dài dọc ngang đưa chúng tôi mỗi ngày đến lớp, đưa chúng tôi đến với bạn bè ở khu nội trú, râm ran trong từng câu chuyện nhỏ bên lan can và cùng mơ màng nhìn xuống vuông cỏ xinh xinh mà thêu dệt ước mơ. Nhớ lắm những giờ học nhạc với thầy Hy rộn ràng câu hát bên tiếng dương cầm của thầy, những giờ học Tâm lý giáo dục với thầy Hỷ, những đêm văn nghệ nhộn nhịp cả giảng đường Sư Phạm hay những buổi tập diễu hành trên sân trường cùng với thầy Tháo, thầy Dũ….. mà tôi được vinh dự đi đầu với tấm biển Trường Sư Phạm Quy Nhơn.
Hai năm học ở trường với biết bao vui buồn rồi cũng nhanh chóng trôi qua, chúng tôi không sao quên được những câu nói thiết tha trong “ Câu chuyện lửa tàn” của thầy hiệu trưởng Trần Văn Mẫn, những lời nhắn nhủ ấy tô đậm hình tượng người thầy giáo trong tôi lý tưởng và đẹp đẽ vô cùng. Chúng tôi yên lặng ngồi gần nhau bên ánh lửa sắp tàn trong đêm bế giảng để sụt sùi nói lời chia tay và hẹn ngày gặp lại, lời hẹn mỗi năm vào đúng ngày này (ngày bế giảng) sẽ cùng quay về trường cũ…….Thế mà, chúng tôi đã lỡ hẹn suốt ba mươi mấy năm qua! Có chăng, rải rác ai đó có dịp về Quy Nhơn ghé ngang trường cũ chắc chỉ biết nhìn vào trường với bao nỗi bồi hồi, khắc khoải với bao niềm ray rứt nhớ thương.
Thời cuộc lúc ấy ngày càng rối ren. Ra trường, chúng tôi như những cánh chim non chới với bay trong bầu trời đầy gió - chấp chới, chao đảo – nhưng bằng niềm đam mê, khát khao cống hiến tôi đã dần mạnh mẽ, tư tin bước vào đời bằng lứa tuổi đôi mươi. Bước chân bỡ ngỡ đầu tiên lên bục giảng để làm thầy của tôi ở một ngôi trường nhỏ (Trường Hoài Thanh), thuộc miền quê Tam Quan nghèo bên những hàng dừa loang lỗ xác xơ vì bom đạn chiến tranh của tỉnh Bình Định quê tôi, chiến sự ở đây diễn ra nóng bỏng và khốc liệt hơn những gì tôi đã tưởng. Tôi chông chênh trước thời cuộc, tôi hoài nghi sự sống nhưng cũng từ lúc này tôi bỗng thấy yêu quê hương đất nước của mình hơn bao giờ hết. Ở đó, mỗi sáng tôi vẫn áo dài đến lớp với lũ học trò lúc nào cũng ngơ ngác đến tội nghiệp, những gương mặt ngây thơ đáng yêu biết chừng nào khi cất tiếng gọi “cô ơi……” , và tôi đến với những tấm lòng nhân hậu của những người dân nơi đây, tuy nghèo khó lam lũ nhưng ấm áp tình người.
Chiến tranh rồi cũng chấm dứt, năm bảy lăm, tôi tiếp tục là cô giáo trên chính quê hương tôi. Tôi được nhận về dạy tại trường Hải Cảng Quy Nhơn, đó là một ngôi trường khá đẹp và khang trang nằm gần biển. Cuộc sống sau chiến tranh còn nhiều bộn bề nhưng trường lớp, học trò, đồng nghiệp và lòng yêu nghề đã cuốn tôi vào cuộc sống mới một cánh tự nhiên, cho dù lúc ấy đời sống còn muôn vàn khó khăn, vất vả. Tàn dư của chiến tranh vẫn còn vương vất trên phố biển quê tôi, mỗi sáng đi dạy đạp xe đến trường tiếng sóng biển vẫn rì rào trong gió……đâu đó trên bãi biển loang lỗ mấy chiếc xe tăng và thấp thoáng vài ba chiếc còn ngâm mình trong làn nước.
Mấy năm sau đó tôi theo chồng về một miền quê xa lắc thuộc tỉnh Quảng Ngãi, ở đây tôi lại làm quen với trường lớp mới, vẫn từng ngày lên bục giảng, vẫn gắn bó với cái nghề mà tôi yêu mến thuở nào…..
Vậy mà đã ba mươi mấy năm trôi qua, quê hương tôi giờ đã khác đi nhiều lắm, bọn giáo sinh sư phạm ngày xưa chúng tôi giờ có người vẫn còn theo đuổi với nghề, có người đã nghĩ hưu, người đã rẽ ngang một con đường khác nhưng có một điều tôi chắc rằng chúng tôi vẫn luôn nghĩ về nhau trong từng chắt chiu nỗi nhớ, vẫn trong tim đau đáu đường về.
Giờ đây trường của chúng tôi đã đẹp đẽ hơn, hiện đại hơn nhưng tôi vẫn yêu hơn cái nét đẹp tĩnh lặng, êm ả của ngôi trường cũ ngày ấy. Đã lâu lắm rồi bạn bè chúng tôi không thể hội ngộ cùng nhau như ngày nào đã hẹn sau đêm bế giàng đầy lưu luyến ấy, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rồi có ngày thầy trò chúng tôi sẽ được một lần cùng quay về trường cũ để được nhìn ngắm lại ngồi trường yêu dấu thuở nào.
Một lần, tôi một mình về ngang trường cũ, sóng mũi bỗng thấy cay cay… nhìn vào khoảng sân rộng mênh mang tôi như nghe đâu đó tiếng trống diễu hành, tiếng còi bắt nhịp của các thầy cùng tiếng cười giòn tan của bọn giáo sinh chúng tôi ngày đó. Thời gian đã như một lớp bụi mờ phủ vào quá khứ nhưng khi khẽ chạm vào, ký ức ngày xưa vẫn ùa về đủ đầy và trong trẻo như xưa.
Sài gòn tháng 08. 2011
Châu Thị Thanh Cảm - K11
Mình muốn biết tin tức của các bạn Nhị I, nhóm múa hoa hồng “ Nắng chiều “, hoạt cảnh “Ngày trở về ” của bọn mình ngày trước. Nhớ liên lạc với mình nhé, rất mong!
Biết Thanh Cảm từ khi cầm cờ làm biểu tượng mình đã ngưỡng mộ lắm! Rồi lại biết Thanh Cảm ra dạy quê của Mẹ mình! Trân trọng và quý mến hơn! Giờ đọc biết thêm nhiều nổi niềm của Cảm "những ngày tháng cũ", tự dưng mình muốm còm nhưng nói theo kiểu Miền Bắc "dở hơi", hay "hâm"...Dù sao cũng cám ơn Thanh Cảm có bài viết chân thật. Zậy là OK rồi! Mình rất thích bài viết của Thanh Cảm!
Trả lờiXóaBiết Thanh Cảm từ khi cầm cờ làm biểu tượng, mình ngưỡng mộ lắm! Biết Thanh Cảm về quê Mẹ dạy mình càng quý mến hơn! Giờ biết Thanh Cảm viết về " Ngày Tháng Cũ" Ôi! Quý vô cùng! Cám ơn Thanh Cảm nhiều lắm lắm!
Trả lờiXóaThanh Cảm làm cho mình nhớ về Qui Nhơn , một nơi có nhiều kỷ niệm vui buồn cùng những mái trường một thời nào mình đã học và đi dạy . Cám ơn Thanh Cảm !
Trả lờiXóaTuổI trẻ lúc nào cũng có nhiều ước vọng và hoàI bão nhất là nhà giáo là 1 nghề cao quí. Thanh Cảm đã nhắc cho mình một thờI tuổI trẻ sôI nổI dù ước mơ của mình ...hơI khác. Cám ơnThanh Cảm
Trả lờiXóaNgười con, người bạn, người học trò Hoài Nhật: Nếu không biết rõ "cô giáo" đã lớn tuổi, đã già thì người đọc rất dễ nhầm lẫn với giọng văn của một "thiếu nữ" tuổi trăng tròn.
Trả lờiXóaVăn của "cô giáo" vẫn hồn nhiên, mộc mạc và đầy cảm xúc. Nếu "cô giáo" viết về những điều bình dị, những xúc cảm chân thành của tâm hồn thì những dòng tâm sự của "cô giáo" sẽ không bao giờ "kén" người đọc. Chúc cho cô giáo luôn vui và viết thật nhiều về tâm hồn và cuộc đời - những ngày tháng qua.
tdluong,Irene,LeCatBa... thân mến! mình rất hạnh phúc khi các bạn đã đồng cảm với mình về nhũng hoài niệm ngày xưa, một thời tuổi trẻ sôi nổi mà cũng lắm thăng trầm. Mọi việc rồi cũng đã qua để giờ đây cùng tìm về nhau mà thương mà nhớ! Mình yêu lắm những gì thuộc về chúng ta ngày đó các bạn ạ! Cảm ơn tất cả nhé, cảm ơn những tình cảm nhẹ nhàng mà các bạn đã dành cho một thời đã qua của chúng ta...Thân ái!
Trả lờiXóaCảm ơn lời yêu thương của người con, người bạn, người học trò Hoài Nhật của tôi! Cảm ơn con vào đời cũng bằng chính ngôi trường này, tuy có khác nhau về thời gian nhưng cả hai mẹ con mình cùng đi về một hướng, có phải không con? me mong con sẽ bước đi tiếp những bước đi vững chãi và tự tin, mẹ tin con sẽ thành công trong cuộc sống. Mong con hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình!
Trả lờiXóaNhững lời tự sự của Thanh Cảm thật nhiều cảm xúc làm mình xúc động nhớ về ngày xưa ấy ! Mình rất yêu Qui Nhơn , yêu những con đường , yêu mái trường Sư Phạm ...dù mình vẫn còn ở QN nhưng mình vẫn muốn trở lại miền kí ức xưa cũ để gặp lại thầy cô cùng bạn bè ...
Trả lờiXóaCám ơn Hoai Nhật, người con, người bạn, người học trò thương yêu của tôi.....tuy không cùng một mốc thời gian được sống chung dưới ngôi trường này, nhưng cả hai đều đi về một hướng, có phải không ? Mong con vững chái, tự tin trên con đường đời và luôn hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình!
Trả lờiXóaMình cảm ơn Giang Lam nhiêu, một tình thân mình mới gặp và mới quen trên trang nha...cũng đều từ một nhà để bay đến muôn phương nên tự nhiên mình nghe thân thiết lắm. Mong có ngày bọn mình sẽ gặp mặt nhau. Chào nhé và hẹn ngày gặp mặt!
Trả lờiXóaCảm ơn con Hoài Nhật, người con, người bạn, người học trò thân thương của tôi...tuy không cùng một mốc thời gian được sống chung dưới ngôi trường này nhưng cả hai đều đi về một hướng, có phải không? mong con vững chãi, tự tin trên đường đời và luôn hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình!
Trả lờiXóaEm la con cua Thay Tran Van Man. Em sinh ra va song quang doi au tho trong khuon vien cua truong SPQN. Cam on co Thanh Cam ve bai viet rat hay va truyen cam ve Qui Nhon. Co co the cho em xin so phone de lien lac voi co duoc khong?
XóaRất cảm ơn T.A đã ghé đọc bài viết của TC.TC đã nhận được email của T.A gửi cho TC cũng như tin nhắn trong bài viết này.TC đã trả lời thư cho T.A,T.A đã nhận được chưa?
Trả lờiXóaBạn bè SPQN có nhận được tin thầy sau hơn 36 năm dài và biết được Thầy không khỏe lắm nhưng biết phải làm sao???TC cầu mong Thầy sớm khỏe,cầu chúc cho gia đình Thầy luôn bình an,chúc tất cả mọi thành viên trong gia đình ta một năm mới an khang thịnh vượng và hạnh phúc!
À,số phone liên lạc TC đã gửi trong email đến T.A rồi đấy,T.A có thể liên lạc với TC nhé!TC đã nói chuyện nhiều hơn với T.A trong thư,vậy nhé...chúc T.A khỏe!
Thân ái!