Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

MÙA XUÂN VÀ TUỔI TRẺ

                                                      Irene.

         Xuân về! Cây đâm chồi nẩy lộc, hoa đua nhau khoe sắc, vạn vật như hồi sinh, người người như trẻ lại. Trẻ em vui mừng hớn hở, thanh niên nam nữ phơi phới xuân thì, người già trở lại tuổi thanh xuân…trong không khí xuân tươi, tôi bồi hồi nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình.
 Xuân sáu mươi nhớ xuân mười lăm”.
Mùa Xuân năm đó, tôi bước vào tuổi mười lăm. Tôi không nhớ mình bước vào tuổi mười lăm như thế nào? Nhưng có một điều chắc chắn rằng khoảng thời gian ở lứa tuổi này với tôi là rất đẹp và thơ mộng. Tuổi mười lăm của tôi vô tư, trong trèo, hồn nhiên êm đềm bên gia đình, ngày ngày cắp sách đến trường, vui chơi cùng bạn bè.
         Người ta thường nói “con gái có thì…” bây giờ thì tôi thấy rất đúng. Có lẽ trong suốt cuộc đời tôi thì năm tôi tròn mười lăm tuổi là tôi đẹp nhất (So với tôi thôi nhé!). Vì dạo đó tôi đang học trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, vào mỗi giờ ra chơi tôi thường thấy các chị ở các lớp trên, qua lớp tôi chỉ trỏ nhìn tôi. Lúc đó tôi cũng chẳng hiểu các chị nói gì nhưng rồi một hôm, nhà trường bảo tôi xuống văn phòng nhà trường gặp cô Tùng. Cô nói: Nghe các em ở các lớp bảo em xinh, có thể đóng một vai trong cảnh hóa trang văn nghệ của nhà trường. Cô giao cho tôi đóng vai tiếp viên hàng không. Thú thật tôi sợ lắm! Tôi rất nhát! May sao khi thử áo dài thì tôi không mặc vửa một cái áo nào… vì cơ thể tuổi mười lăm của tôi chưa phát triển đầy đủ ra dáng một cô thiếu nữ đúng nghĩa…
         Thế nhưng, tuổi mười lăm là lứa tuổi thần tiên. Tôi đã bắt đầu biết soi gương, biết làm duyên, biết bâng khuâng nhìn ngắm trời mây, biết xao xuyến khi có làn gió thoảng đến, biết rộn rã khi hoa Xuân khoe sắc và biết rung động trước những lá thư đầu tiên…
         Ôi chao lứa tuổi mười lăm
         Biết làm duyên chút âm thầm trước gương…(Trầm Thiên Thu).
         Tuổi mười lăm, hàng ngày đi học hay tan trường về, thỉnh thoảng cũng có một ai đó bám theo sau như “kiểu” Ngày Xưa Hoàng Thị.
…Em tan trường về, mưa bay mờ mờ, anh trao vội vàng chùm hoa mới nở…”
 Trong lòng tôi thoáng dậy lên một chút bối rối.
         Rồi một hôm, vào buổi sáng Chủ nhật, trời trong xanh, nắng đẹp, chim chóc ca vang đón chào ngày xuân sắp gần. Những ngày cuối năm lòng ai cũng rộn ràng vì sắp đến Tết. Tâm trạng tôi lại nôn nao vì chỉ còn vài ngày nữa thôi là tôi đã bước đến ngưỡng cửa của tuổi mười lăm.
         -Dì ơi! Có ai hỏi dì? Thằng cháu bước vào phòng nói với tôi.
         -Ai vậy?
         -…
         Tôi vội vàng tung chăn bật dậy, chạy ào xuống lầu ra phòng khách. Tôi sựng người lại! Thế mà tôi cứ nghĩ đứa bạn nào đến mượn vở hay… Không ngờ! Người tìm gặp tôi là anh Thái!?
         Lúc này, tự dưng tôi lúng túng chẳng biết phải làm sao? Tay chân thì thừa thải. Tim đập rộn ràng. Tôi đứng bất động! Chẳng biết nói gì? Sau này tôi cố nhớ lại nhưng cũng chẳng nhớ rõ anh ấy nói gì? Chỉ biết rằng anh trao cho tôi một cái thiệp Xuân.
         Anh ấy về rồi! Tôi chạy ù lên lầu. Soi gương thấy tóc mình rối bù, mặt mày xấu xí, áo quần nhăn nhó lại còn đi chân đất nữa chứ!!! Tôi “quê” quá trời! Thôi kệ! Tôi vội mở tấm thiệp ra xem. Đó là một tấm thiệp tự tay anh làm. Bên ngoài, hình vẽ một thiếu nữ mặc áo dài đứng bên nhánh mai…lật vào bên trong không phải lời chúc Xuân mà là một bài thơ:
        
         Nói với tuổi mười lăm.
Em nhỏ nhắn trông em xinh xinh lạ.
         Em vô tư, mơ mộng với cuộc đời.
         Em luôn cười, luôn nói đến chuyện vui,
         Em hay giận hay hờn hay làm nũng.

         Anh thích nhìn làm cho em lúng túng
         Anh khen em khen cái tính thật thà
         Anh thương em không có tật nói ngoa
         Anh yêu mến yêu bước đi tha thướt.
        
         Với tà áo nàng nữ sinh trong trắng
         Với tâm hồn con gái tuổi mười lăm
         Với nỗi buồn ấp ủ kín trong lòng
         Với hiện tại tim anh, em chế ngự.
        
         Có những lúc anh nhìn em cười nụ
         Có những khi nghe em hát ngọt ngào
         Có nhiều lần anh nằm mộng chiêm bao
          hai đứa chúng mình chung lối bước.
                                             Trần Ngọc Thái.
Thú thật tôi không biết bài thơ có hay không? nhưng lời thơ đã làm cho tôi một cảm xúc khó tả. Tôi không biết dùng thêm từ nào để diễn tả tâm trạng của mình lúc bấy giờ. Tâm trạng của lứa tuổi chưa đủ lớn và cũng chẳng phải bé, lần đầu tiên nhận được một bài thơ của một người khác phái tặng mình. Hình như nó lâng lâng làm sao ấy?!
         Anh Thái học ở trường Trung Học Cường Để, trên tôi hai, ba lớp gì đó. Anh ấy là bạn với chị kề tôi. Dạo trước hai người sinh hoạt ở trong Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi của thầy Như Vinh-Nguyễn Văn Xứng. Cứ vào chiều thứ bảy mỗi tuần anh Thái thường đến nhà rủ chị tôi cùng đi thu âm ở đài Phát Thanh Qui Nhơn. Có lúc thì đến nhà tôi anh và chị tôi tập hát. Những lúc như thế, tôi thường theo đứng bên cạnh để nghe anh chị tập dợt. Những bài hát tuổi thiếu nhi ấy đã nhẹ nhàng đi vào tâm hồn tuổi thơ tôi một cách êm đềm. 
         Ông tiên vui, ông có cái râu dài. Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây. Ông tiên vui, ông thường hay nói đến. Chốn Thiên Đình không có tháng ngày trôi….(Ông Tiên Vui-Trịnh Công Sơn).
         Hay:
         Còn chi thú bằng vào chiều mưa xếp thuyền. Ngồi bên hiên cùng chờ mong nước lớn. Rồi buông những thuyền hồng, vàng, xanh, tím huyền. Thuyền mang đi mộng đẹp thắm tâm hồn…(Chiều Mưa        Thả Thuyền).
         Anh Thái người Bắc. Anh nói chuyện nghe ấm và nhẹ. Tôi rất ngưỡng mộ giọng hát trầm trầm của anh. Tôi khâm phục tài kể chuyện vui của anh. Khi tôi biết anh thì tôi chỉ là cô bé lớp nhất (Lớp 5) nên cứ vô tư mà chạy theo bên anh, bên chị tôi để nghe hát, nghe kể chuyện hay cười đùa .
         Theo thời gian, tôi là Nữ sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn. Dạo đó lớp Đệ Thất là đã phải mặc áo dài trắng đi học. Tôi lại cao nên trông tôi ra dáng thế thôi. Chứ tôi chỉ là một cô bé nghịch ngợm. Hồi nhỏ, ở nhà chỉ có ba chị em gái thì tôi là hiếu động nhất. Thích hát những bản nhạc vui của ban AVT như bài Em tập vespa, Chúc xuân… hay thích nghe những điệu nhạc Twist mới thịnh hành như bài Let’s twist again… còn theo mấy anh ở sát nhà như anh Huyên, anh Triền…hát “chế” mấy bản nhạc vui vui. Có khi chạy ra phía sau nhà, sát bên nhà anh Sanh để hái trứng cá hay khoèo keo…Ba má tôi la hoài vì cái tội con gái mà nghịch ngợm!?
         Không hiểu sao? Lúc nhỏ tôi thích bỏ dép đi chân đất. Nhà tôi rất dài, hai mặt đường. Tôi thường chạy từ phía nhà sau ra nhà trước ra đến ngoài đường Tăng Bạt Hổ(chạy chứ không đi) . Rồi không hiểu như thế nào mà có hôm tôi đâm sầm vào anh Thái đang đứng làm gì đó ở trước hiên nhà tôi? Thế là tôi mất hồn dừng lại “cười trừ” rồi bẽn lẽn quay vào trong nhà trốn biệt! Tôi đã bắt đầu biết “mắc cỡ” biết “e ngại”. Thế rồi không biết anh ấy để ý tôi từ lúc nào? Tôi cũng chẳng rõ? mà đợi cho đến mùa Xuân năm tôi bước vào tuổi mười lăm thì làm thơ tặng tôi!
Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ, đọc kỹ từng câu thơ anh viết, tôi cũng thấy bâng khuâng xen lẫn một chút “thẹn thùng”. Có lẽ tôi thẹn thùng vì đây là lần đầu tiên tôi nhận được những lời “thì thầm ngọt ngào” như thế. Tôi cất tấm thiệp vào một chỗ thật kỹ. Thỉnh thoảng chờ khi nào hai chị tôi đi học, tôi mới len lén đem ra đọc. Do đọc nhiều lần cho nên thuộc lòng bài thơ. Nhờ vậy mà bây giờ sau mấy chục năm mà tôi vẫn nhớ và viết lại vanh vách không sót một câu, một từ nào.
         Tuổi mười lăm của tôi với bài thơ tình đầu tiên ấy một thời xa thật là xa. Bây giờ xem lại thấy bài thơ ý tứ ngô nghê, vui vui làm sao?!  
         Nhưng tuổi mười lăm của tôi chỉ là tuổi mộng mơ, vơ vẩn cùng trăng sao mây gió mà thôi. Tuổi của một cô bé mới bắt đầu lớn, chứ chẳng hiểu gì cả? Vì tôi vẫn cứ vô tư chạy nhảy và hồn nhiên đạp xe tung tăng trên phố:
         Mùa Xuân đến đạp xe trên phố, tóc xỏa vai mềm
         Mùa Xuân hái nụ hoa thơm ngát nở trên môi hồng.
         Mùa Xuân rất hiền lặng yên ngồi nghe tôi hát…(Lời tỏ tình của .Mùa Xuân).
         Hàng ngày đi học, lúc nào bên tôi cũng có các bạn Thanh Thủy và Ngọc Hiền. Tôi không bao giờ đi một mình. Từ xa tôi đã thấy anh đứng chờ ở bên đường. Chân tôi bắt đầu hơi líu ríu nhưng cố trấn tĩnh, tự nhiên đi ngang qua anh. Nhiều lần như thế, Ngọc Hiền phát hiện:
         -Nè, anh chàng kia hình như để ý một trong ba đứa mình.
         -Ừ, ngày nào cũng thấy anh ta đứng ở đó. Thủy nói.
         -Ừ. Tôi cũng ậm ự cho xong. May sao hai bạn của tôi cũng chẳng để ý thái độ của tôi.
         Thỉnh thoảng tan trường, từ trong sân trường Nữ Trung Học từng đàn học sinh áo dài trắng thướt tha bay bay trong gió. Tôi thấy anh ấy có mặt hay thấp thoáng đâu đó trong những nam sinh đứng trước cổng trường Nữ. Rồi sau đó trên con đường về lại thấy anh đi theo sau, đưa về đến ngõ nhà.
         Một lần nọ trên đường đi học, anh đến làm quen và chụp hình cho cả ba đứa. Tôi đứng giữa, Ngọc Hiền, Thanh Thủy đứng hai bên. Lâu ngày quá nên tấm hình thất lạc đâu mất chứ nếu còn xem lại lúc tôi ở tuổi mười lăm như thế nào nhỉ?
         Cũng năm đó, trường Nữ Trung Học của tôi tổ chức đi cắm trại. Trong lúc chúng tôi nhập trại và say sưa nghe cô Tôn Nữ Thanh Tùng đang công bố nội qui trại và hát những bài Tâm Ca của Phạm Duy:
         “…Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu. Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu…”
         “…Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai…”
Rồi không biết làm thế nào? mà anh lọt được vào trong trường. Đến đúng ngay lớp tôi để rồi anh là người cắm trại giúp. Thủy phát hiện:
         -R, H… ơi! Anh chàng theo ba đứa mình kìa!
         Tôi và Hiền nhìn, anh nhìn lại mỉm cười với chúng tôi. Sau khi cắm trại cho lớp tôi xong, anh tìm tôi và còn trao cho tôi mấy “lon” đồ hộp. Thế là từ đó Hiền, Thủy và các bạn tôi biết được, cứ trêu tôi. Tôi mắc cỡ vô cùng!
         Năm lớp chín, lớp của tôi có ra một đặc san. Chúng tôi chia nhau đi bán báo cho lớp. Tôi và một số bạn đến các trường để bán. Khi vào  trường Cường Để, chúng tôi đứa nào cũng “run” vì vào các lớp toàn là Nam. Bất ngờ tôi gặp anh trong một lớp học. Thế là anh kêu gọi các bạn của anh mua giúp. Hôm đó, chúng tôi bán gần hết. Khi chúng tôi đi qua lớp khác rồi mà anh vẫn còn chạy qua mua thêm nữa. Tôi thầm cám ơn anh.
         Từ đó tôi bắt đầu có thiện cảm đối với anh. Tức là gặp anh tôi bẽn lẽn cười cười nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó thôi vì tôi nhớ là hình như chưa bao giờ dám đứng lại nói chuyện với anh dù chỉ là một vài câu thăm hỏi.
         Ba má tôi rất khó. Vì nhà có ba cô con gái nên ngày nào cũng có những câu Nhật Tụng. Trong những câu đó tôi nhớ nhất là câu:
-Có con gái trong nhà như “hủ mắm” treo đầu giàn
         Ba má tôi ra nghị quyết là: Đi học là không được có “bồ bịch” gì hết! Lúc nào học hành xong có nghề nghiệp hẳn hoi rồi thì sẽ tự do “yêu đương” không cấm đoán.
         Tính tôi thì nhát gan nên vâng theo lời ba má tuyệt đối. Nhưng tâm hồn thì khó kiểm soát được nên thỉnh thoảng cũng bỏ đi hoang, thoang thoáng bâng khuâng hay vu vơ buồn chút chút mộng mơ. Anh Thái thấy tôi rụt rè, ngô nghê, khờ khạo như “con nai vàng ngơ ngác …” nên cứ để “yên” cho tôi trong khung trời “hoa mộng của tuổi mười lăm”.
         Tuổi mười lăm của tôi như một bức tranh đẹp. Một bức tranh toàn những gam màu sáng với một vài nét chấm phá tươi tắn đan xen, pha thêm vào đó là những mảng màu hồng làm cho người nhìn thấy trẻ trung và dễ thương.

         Em bước vào tuổi mười lăm
         Bao mới lạ êm dần theo năm tháng
         Bao ước vọng và mộng mơ
Nhẹ nhàng như những vần thơ…
Em giã từ tuổi ngây thơ
Xao xuyến rộn trong lòng bao ước mơ
Em đến trường rao rực vui…(Tuổi mười lăm)

         Tôi hiền lành và có vẻ “con nít” cho nên anh ấy chẳng tiến mà cũng không lùi. Ngày qua ngày tôi vẫn thấy anh xuất hiện ở đâu đó. Hình như anh vẫn theo bên tôi, hướng về tôi và vẫn giữ một khoảng cách đã định sẵn. Sau này khi tôi học các lớp đệ nhị cấp rồi vào Sư Phạm Qui Nhơn, tôi vẫn thường gặp anh đâu đó trên con đường tôi đến trường. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh nhìn tôi và nở nụ cười tươi vui. Nhiều lúc tôi nghĩ, anh và tôi như hai đường thẳng song song tiến đều đặn bên nhau và chỉ gặp nhau ở vô định.
         Sau75 cho đến nay, tôi không bao giờ gặp lại anh nữa!

         Bây giờ Mùa Xuân lại về! Vạn vật như khởi sắc, như thay chiếc áo mới xinh đẹp tươi tắn. Khắp nơi nhạc Xuân vang vang làm lòng người nao nao rộn rã. Mỗi lần nghe lại bài hát Hoa Xuân, Tôi lại thấy Mùa Xuân tuổi mười lăm của tôi hiện về và hình ảnh anh với cây đàn Guitar, anh cất giọng hát trầm ấm vang lên nhẹ nhàng:
         Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn. Hoa cười cùng tia nắng vàng son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn…”
         …Vẫn mong gặp lại anh một lần để cảm tạ người đã tặng bài thơ đầu tiên cho tuổi mười lăm của tôi.
          
Sài Gòn, tháng hai 2013.
Irene.
        
        

TỰA ĐỀ NHỮNG BÀI VIẾT TRÊN TRANG SƯ PHẠM 2012



Một mùa xuân đến .Tiễn một năm đi
Trang nhà sư phạm đã đăng bao bài
Văn, thơ, ký, truyện ,vui buồn bốn phương
Tôi xin một chuyến ngược dòng bài đăng
Nguyên một năm cũ với bao nhiêu điều
Tâm tư, tình cảm, chuyện vui, nỗi buồn
Của Thầy, của anh chị, bạn đồng môn
Gửi vào trang mạng mang bao tâm tình

Anh gửi vào bài kỷ niệm ngày xanh
Tình xưa anh Cát “Xa rồi”nhưng anh
Vẫn còn đau đáu nhớ người năm xưa
Giờ đây viết lại Cát Bỗng dưng vui

Chiều quêrộn rã tiếng cười,tiếng ca
Bao nhiêu lời nói trao nhau mới vừa..
Cùng nhau ôn lại bao giờ mới quên

Thì “Tìm em “ ở chốn xa Trở về
Hạnh ngộ”đâu dễ với đời dâu bể
Và kìa Giang Lam Cô ơi chính cô

Kỷ niệm đời dạy dễ gì chị quên
Nhiều đêm thao thức với “Mẹ và con
Và nghe “Tiếng vĩ cầm trong đêm” vắng
Lòng ai thổn thức với chuyện tình xưa
Đà lạt bây giờsao quá đổi thay
Không còn thơ mộng như ngày có anh
Tặng nhau “Hoa hồng vàng cho tình bạn
để cùng lưu luyến tháng ngày bên nhau

Qui nhơn tôi yêu” ngày tôi trở lại
Thăm lại trường xưa”cảnh cũ không còn
Người thầy học trò và ngôi trường”lạ
ôi “Nỗi nhớ dịu êm”trong ký ức
Ngôi trường mến yêu” “Buồn vui nội trú
Bóng cội cây già” “Nhớ bạn” “Trường xưa
Người xưa cảnh cũ” đâu ?đâu hết rồi

Tháng năm lại về” mang bao hồi ức
Hẹn nhau “Nơi những dòng sông gặp lại
Ngày yêu thương”Chan chứa ân tình
Mừng họp mặt” “Đôi mắt” rưng rưng lệ
Năm mươi năm mới có một ngày thôi
Về thăm trường mẹ trùng phùng bên nhau
Với “Chùm thơ kỷ niệm năm mươi năm
Hồi ức về thời hoa mộng vỡ òa trong thơ
Đường về có “Những kỷ niệm không quên
( Nghĩa cử cao đẹp của thầy Tuấn mang
Bao năm lưu lại trong lòng...viết ra)
Nhẹ nhàng hưởng trọn”Một thoáng bình yên
Trong lòng luôn có “Một khoảng trời riêng

Qui nhơn ngày về” “Niềm vui” khôn xiết
Trở về” “Có biển” có bạn ,thầy cô
Bên  bờ ghềnh ráng ...như còn người xưa
Hình ảnh cũ...”những kỷ niệm cũ về
Qui nhơn ơi mãi không thể “Phôi pha
Nhớ qui nhơn “sẽ “Mãi là lời tri ân
Nhớ “Ngôi trường làng” nuôi giấc mơ lớn
được trở thành: Cô giáo sinh nho nhỏ
Cũng như ”Giấc mơ sư phạm“ hay là:
Cô giáo” với Giấc mơ làm cô giáo
 Cô giáo rồi vẫn “Chiều ơi nhớ mẹ
Nhớ dáng đi nhớNụ cười của mẹ
Rồi cùng hát”Bài tình ca tặng mẹ”
Cô giáo gì nhõng nhẽo quá đi thôi
Vậy mà nay tóc đã điểm bạc rồi

ôi nhớ quá thuở vụng dại chút tình đầu
Hoa tháng baHôn ước của tình yêu
Hai đóa hồng” anh trao thầm lặng
Em nhận rồi “Có phải tình yêu không nhỉ
  ai đã định nghĩa được tình yêu
để trả lời thỏa đáng cho em đây
Hãy “Níu một nhành xuân” em nhé
Vì đó là em nên nhành xuân thắm mãi

Nếu em viết “Thơ tình tuổi bốn mươi”
Em hãy viết về tình ta đẹp mãi
Tuổi hai mươi nghờ nghệch với tình đầu
Không sóng gió mà vui bằng phẳng mãi
Chứ không phải cách xa như vậy nhé
để bây giờ đôi ngả mãi chia ly...
“Quay quắt nhớ một tình yêu dang dở”

Chuyện của tôi” là “Chuyện đời tự kể
Bao thăng trầm khốn khó tôi đã qua
Nhiều lúc “Thèm nghe giọng nói quê mình
Xuân về nhớ tết”Quê xa”Bạn bè
đôi lúc reo như trẻ “Mẹ ơi có tết”
Thật ấm lòng một chút “Quà quê nghèo
Hạnh phúc đầu xuânÔi nhớ” Quê tôi

Chuyện bây giờ tôi kể” Của Thanh Cảm
Tình yêu, tình bạn,tình thầy bằng thơ

Niềm tin ,tình bạn sáng trong qua lời
Chùm thơ của khóa mười hai” nữa kìa
Bao nhiêu nỗi nhớ đong đầy thành thơ
Minh Đề bạn gửi thơ về tâm thư
Buổi chia xa ấy là từ bẩy tư
Ba tám năm mà như mới đây thôi

Giữa Sài gòn mùa xuân”Nhớ qui nhơn”

Tâm sự ngày xuân” “Mười ba năm trước
Anh giáo sinh già đến thăm trường cũ
Anh mang nó trịnh trọng như báu vật
Tần ngần anh đứng “Trước bảng đen”cũ
Mà như “Một cõi nào xa”,xa lắm
Và bất giác anh hát ”Thương tình ca
Hòa cùng với “Trên ngọn tình sầu
 Rồi ”Thu viễn sứ nhớ quê hương

Tản mạn về Hà nội”xưa và nay
Cảm “Những mùa đông không lạnh
Sẽ thấy “Bãng lãng thu Hà nội “đẹp
Ấm tình người ấm cả tình quê hương


Bạn ơi !”Những khoảnh khắc đáng nhớ”ấy
Ghi dấu nhé  trên đường đời ta bước
Hãy nhớ về nhau Nhớ thầy nhớ bạn
Ta đang đi “Bên kia dốc cuộc đời

                                    Bạn của Nhị 6

(BBT sẽ bổ xung thêm những liên kết còn thiếu sau...)

QUÀ TẾT


Giang Lam.

 Giang Lam gởi lời chúc đến BBT và các anh chị em đồng môn một năm mới thật nhiều sức khỏe, an vui, vạn sự như ý!

         Hôm nay hai mươi chín Tết, tôi nhận được một gói quà của người bạn từ Quảng Ngãi gởi vào thật là vui. Mở quà ra những kỉ niệm của ngày đầu mới tập tễnh làm cô giáo lại trở về trong tôi.
         Tôi đến thị xã này vào tháng mười năm bảy mươi ba, sau một trận lụt lớn. Mùa Đông Quảng Ngãi lạnh lẽo và rét buốt càng làm cho những người xa nhà như tôi thấy cô đơn. Tôi ở trọ cùng bảy cô giáo trong hai căn phòng nằm khuất sau vườn, trước mặt là trường trung học Trần Quốc Tuấn. Do nhớ nhà cho nên mong Tết lắm! Đêm nào đi ngủ tôi cũng đếm ngược thời gian để sớm được về nhà…
         Ngày ngày tôi đi dạy bằng xe Lam. Từ nhà đến trường khoảng bốn, năm cây số. Xe dừng trước trường Thu Xà và từ đó đi bộ xuống đường hương lộ khoảng ba mươi phút nữa thì đến trường.
         Tôi còn nhớ là tôi thường ngồi trên xe ngắm nhìn cảnh vật và người hai bên đường cho đỡ nhớ nhà. Cuối đông, buổi sáng bầu trời đầy sương mù, chỉ cách nhau khoảng hai ba mét là đã không nhìn thấy rõ. Sương dày đặc bao khắp cảnh vật. Sương là là trên những cành cây ngọn cỏ. Sương bay nhè nhẹ lan tỏa như khói, như mây. Sương ùa vào trong xe phủ choàng lấy người đi đường. Xe phải chạy thật chậm vì sợ tai nạn. Tôi co ro trong chiếc áo manteau cơn lạnh càng thấm đẫm hơn. Nhưng đến trưa, trời lại nắng ráo.
         Ngôi trường tôi dạy nằm trong khu định cư có tên thật đẹp : Trường Tiểu học Định cư La Hà.
         Hầu hết người dân đến đây định cư nên họ không xây nhà kiên cố. Đa phần nhà cửa vách làm bằng đất mái lợp tranh hay tôn. Tuy vậy, đến Tết người dân cũng sửa soạn trang hoàng nhà cửa của mình đẹp hẳn lên bằng cách trồng các loại hoa và quét dọn thật sạch sẽ.
Dọc hai bên đường, từ thị xã đến nơi tôi dạy nhà nhà người ta trồng hoa. Những cây Vạn thọ hoa màu vàng chanh, hoa màu vàng đậm hay màu vàng cam…được trồng thành hàng theo lối đi vào nhà hay trồng dọc theo bờ rào hoặc trồng thành từng luống, từng vạt trước sân. Rất nhiều nhà, trong sân có những cây mai rất to. Cứ đến Tết được nhặt lá thế là nụ xanh non nhú lên đầy cành và hoa nở. Màu vàng của hoa mai, hoa vạn thọ ẩn hiện trong làn sương sớm trông mờ mờ ảo ảo càng làm cho không gian thêm sinh động hẳn lên. Đến trưa bầu trời trong và xanh, sắc màu của hoa hiện ra rực rỡ, tô điểm cho nhà nhà trông sáng sủa và đẹp hẳn lên. Cảnh vật lúc ấy trông mới mẻ lạ thường. Tôi nôn nao thấy Tết sắp đến thật rồi.
Ngoài việc sửa sang nhà cửa cho đẹp, các bà, các chị ở đây thật khéo tay chuẩn bị làm nhiều loại bánh nào là bánh nổ, bánh hoa mai, bánh thuẩn ướt…Rất nhiều loại bánh mà tôi không tài nào nhớ hết được. Nhưng bánh nổ là loại bánh đặc trưng nhất! Nội cái xã nhỏ ngay ngôi trường tôi dạy hình như nhà nào cũng làm loại bánh này. Những trưa nắng ráo, nhà nhà mang nong nia ra phơi lúa nếp. Nếp sau khi được phơi khô mang vào rang. Trên bếp củi với cái chảo cát nóng hạt nếp nổ lách tách xòe bung ra trắng xóa. Hạt nếp trở nên xôm xốp và thơm. Sau đó mang ra sàng, sảy vỏ trấu, xên đường cho tới trộn với gừng đóng vào khuôn, cắt bánh thành từng miếng. Bánh nổ bây giờ là những miếng màu trắng, nhẹ, xốp. Cắn một miếng ta thấy bánh giòn tan vị ngọt thanh kèm theo mùi thơm của nếp rang hòa quyện với gừng lan tỏa trong miệng. Bánh hoa mai được nướng trên bếp than thơm phưng phức và còn rất nhiều loại bánh khác nữa… Quảng Ngãi là nơi mà trồng mía rất nhiều, với sản lượng đường cao thì đưới bàn tay của các bà, các chị tha hồ chế biến.
Thời gian này, nhà tôi cũng rộn rịp hẳn lên vì các chị em trong nhà chuẩn bị mua quà Tết cho gia đình. Tôi là “lính mới” nên lúc nào cũng hỏi han và bắt chước các chị đã ở đây lâu. Tôi cũng muốn khi mang quà Tết về nhà mọi người sẽ rất thích.
Tôi muốn mua tặng ba tôi nhưng chẳng biết mua món gì? Đang phân vân thì tôi nhớ lại thói quen của ba tôi là thích uống trà, tôi hỏi thăm các chị để mua cho ngon.
-Các chị ơi! Ở đây có loại trà nào ngon nhất hả chị?
-Trà ngon nhất hả? Một chị cùng ở trọ nói.
-Dạ.
Chị ấy đăm chiêu ra chiều suy nghĩ và nói:
-Em mua trà Thái Đức đi.
Chiều hôm sau tôi ra phố mua nhưng đến tiệm nào họ cũng đều không có loại trà đó.
Tối ngồi ăn cơm cả nhà, tôi nói:
-Lúc chiều em đi ra phố tìm mua trà Thái Đức nhưng không ai có. Vậy em gởi tiền chị mua dùm em nghen.
Mọi người cười vang thì ra ngày đó tôi còn khờ quá, mấy chị “nói lái” để ghẹo tôi trong khi tôi cứ há hốc mồm mà tin…
Rồi cũng đến ngày chúng tôi được về nhà ăn Tết. Tôi khệ nệ mang rất nhiều quà, nào là đường phổi, đường phèn, mạch nha, kẹo gương, bánh nổ…Đường sá dạo đó chiến tranh bom đạn cày nát. Mỗi lần đi từ Quảng Ngãi về Qui Nhơn mất khoảng gần bảy tiếng mà còn thường xuyên bị pháo kích. Bom mìn luôn rình rập và bị tăng-bo…Tôi tay xách nách mang, bánh kẹo cứ ôm khư khư trên đùi sợ xe xốc sẽ bể nên về đến nhà là thấm mệt. Trông thấy tôi khệ nệ, mẹ tôi cười cho cô con gái ôm đồm món nào cũng mua. Riêng tôi, tôi thấy vui vì đây là lần đầu tiên mua quà Tết cho gia đình bằng chính tiền lương của mình làm ra. Tôi sung sướng và thấy mình lớn hẳn lên.
Tôi chỉ ở cái thị xã nho nhỏ đó chưa đầy hai năm. Được chứng kiến sự chuẩn bị của người dân đón Xuân qua hai cái Tết. Nhưng sao tôi nhớ mãi hình ảnh người dân Chịu thương, chịu khó, cần cù và mến khách. Cũng từ đó tôi thích hoa Vạn Thọ dân giả ấý. Để rồi mỗi lần Tết đến nó như những thước phim quay chậm lại trong trí nhớ của tôi thời gian ngày tháng ở Quảng Ngãi.
Bao nhiêu năm qua, kể từ tháng ba năm bảy lăm…tôi phải rời xa thị xã ấy không một lời từ giã bạn bè, đồng nghiệp, những cô cậu học trò nhỏ thân thương và nay đã gần bốn chục năm rồi, tôi chưa một lần nào về thăm. Cứ hẹn để rồi lại hẹn. Nhưng không, tôi sẽ về! Sẽ về trong một ngày gần đây để thăm lại tất cả những nơi xưa đầy ắp kỷ niệm trong tôi…

Qui Nhơn, tháng hai, 2013.
Giang Lam, Khóa 10.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Cáo Lỗi

Tiếp sau kỳ nghỉ Tết, rất tiếc là Quản trị của trang Blog lại có chút vấn đề và cần phải vắng mặt thêm một thời gian... Do vậy BBT xin cáo lỗi cùng toàn thể bạn đọc vì đã không mở cửa trở lại vào ngày mùng 6 Tết như đã hứa.
Trong thời gian này mong quí bạn đọc tiếp tục giao lưu với nhau trong phần nhận xét của các bài viết; riêng các bài viết mới xin cứ tiếp tục gởi về theo địa chỉ spqn1962@gmail.com , BBT sẽ sắp xếp để đăng dần khi Quản trị trang làm việc trở lại...
Một lần nữa mong quí bạn đọc thông cảm cho sự gián đoạn này, chúng tôi sẽ cố gắng để trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.

Trân trọng cáo lỗi.
Thân ái.

BBT SPQN

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

TÁO (SPQN) CHU DU THIÊN ĐÌNH


                                                      Irene.

         Sau khi dâng sớ tâu trước Thiên Đình được Ngọc Hoàng hết lời khen ngợi và còn đem ra làm gương cho các táo khác. Táo SPQN theo Nam Tào, Bắc Đẩu vào phòng dự yến tiệc.
         Thật ra, mọi năm lên Thiên đình tâu xong là tự túc tìm nhà người quen mà nghỉ ngơi rồi tự đi ăn, đi chơi…chờ đến ngày cuối năm trở về lại hạ giới, buồn ơi là buồn!
Năm nay, vì nhờ gia đình Sư Phạm Qui Nhơn năm qua làm quá tốt mọi việc, Ngọc Hoàng thương nên cấp cho Táo một tour du lịch Thiên Đình hẳn hoi gồm : ở Khách sạn 1000 sao. Đi chơi khắp nơi bằng xe mây vàng. Ăn uống những món cao lương mỹ vị…bao luôn trọn gói từ A đến Z. Táo SPQN nghĩ rằng năm nay mình thật là sung sướng. Chắc đây là chuyến đi tuyệt vời từ trước đến nay và có nhiều điều thú vị lắm! Không còn buồn như mọi năm nữa “Buồn ơi ta xin chào mi…”
Đang vẩn vơ theo mấy câu nhạc trong bài Buồn ơi, chào mi…thì một giọng nói ngọt ngào cất lên:
-Dạ, mời Táo vào!
Chưa biết là ai? Táo vội tìm cái kính “lão”trong túi áo, đeo vào. Táo SPQN đã cao tuổi. (Người cao nhất cũng đã ngoài bảy mươi, thấp nhất cũng ngấp nghé sáu mươi).  
Ồ! Thì ra đó là một nàng tiên nữ xinh đẹp “mặt hoa da phấn, nõn nà đáng yêu”. Nhìn thấy tiên nữ đẹp quá Táo SPQN mặt cứ “đực” ra, thấy thế Nam Tào đi phía sau vội nhắc nhở, Táo SPQN mới bước vào phòng yến tiệc.
Trời ơi, căn phòng mới đẹp làm sao! Bàn ghế, chén, muỗng…đều bằng vàng. Táo ngồi xuống một chiếc ghế bằng vàng y(4số 9). Chung quanh các tiên nữ đứng hầu. Một cô đến bên Táo giọng nói mới nhỏ nhẹ, êm ái. Thật ra Táo cũng quen thuộc với rất nhiều giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng của các cô giáo sinh sư phạm như cô Bích Tuyền, cô Thanh Bình…thường làm MC trong các chương trình họp mặt của Sư Phạm Qui Nhơn rồi cho nên nghe giọng của các cô tiên nữ này chẳng lạ lùng gì cả? Chỉ khác là các tiên nữ ở đây trẻ, đẹp hơn thôi.
-Dạ, thưa Táo muốn uống gì?
-Cho ta bia Heineken hay bia 33 vì ở dưới trần ta thường hay uống mỗi khi gặp mặt anh chị em đồng môn.
-Dạ, thưa trên Thiên Đình không có thức uống này ạ! Cung nữ nhỏ nhẹ đáp.
-Vậy, cho ta mượn cái menu. Táo SPQN nói.
-Dạ, đây ạ! Tiên nữ xòe cánh tay một cuốn menu hiện ra.
Nhìn vào cuốn menu dày cui, Táo hoa mắt chỉ đại vào một dòng chữ. Tiên Nữ xòe tay ra và :
-Dạ, thức uống của ngài đây ạ!
Đó là một ly rượu màu đỏ. Quay sang cung nữ, Táo hỏi nhỏ:
-Đây gọi là gì?
-Dạ, Sangria, Tây Ban Nha. Sangria là loại thức uống “độc nhất vô nhị” ở dưới trần. Nó có màu đỏ thắm đậm đà hay một chút sắc vàng nhẹ… Táo SPQN cầm ly uống từng ngụm rồi thấy ngon quá nên uống cạn.
Đến các món ăn được các cung nữ lần lượt dọn ra, mỗi cô bưng một món vừa thuyết minh:
-Súp Buddha Jumps Over the Wall giá khoảng 126 USD. Món này gồm vây cá mập, bào ngư, nấm hoa Nhật Bản, dưa chuột biển, sò khô, thịt gà, giăm bông Hồ Nam, thịt lợn và nhân sâm.
-Trứng cá muối Almas giá khoảng 25 000USD. Loại trứng này lấy từ loài cá tầm trắng hơn trăm năm tuổi…
-Pizza Hoàng gia 007 giá 4200USD, nguyên liệu gồm tôm hùm ướp trong rượu cognac, trứng cá muối ngâm trong rượu sâm banh, cá hồi hun khói, thịt nai rừng…lá vàng 24 cara được dát mỏng ăn kèm.
-Samundari Khazana giá 3200USD gồm cua Devon, nấm truýp trắng, trứng cá muối Beluga.
-Bò bít tết Wagyu giá 2800USD, con bò được nuôi bằng bia, được matxa bằng tay để các thớ thịt đúng tiêu chuẩn không có mỡ thừa.
Và cứ thế, hết món này đến món khác…cả trăm, cả ngàn món…Lúc ở dưới trần, Táo SPQN cũng đã rất nhiều lần đi ăn ở Nhà Hàng Trầu Cau Gia Định 298 Nguyễn Văn Đậu, F11 Q Bình Thạnh, một nhà hàng sang trọng bậc nhất nhì ở Sài Gòn hoa lệ nhưng cũng chưa bao giờ nếm được các món ăn sơn hào hải vị giống như trên Thiên Đình này.
Ăn uống no say, Táo SPQN định ngủ một giấc vì lúc sáng sớm 23 thức dậy sớm, đi cho kịp lên Trời cho nên bây giờ khá là mệt. Các tiên nữ dìu Táo đứng dậy đưa vào phòng rồi các cô massage. Hồi ở dưới trần Táo SPQN cũng có nghe nói nhiều về những điều không hay của những tụ điểm massage cho nên Táo chưa bao giờ dám bén mảng, đặt chân đến đó. Táo định chối từ nhưng thấy các cô cung nữ không cho Táo kịp mở miệng nói một câu gì nên đành phó thác cho “bèo dạt mây trôi” và cứ thế rồi ngủ thiếp đi  cho đến sáng.
Táo SPQN thức dậy trong không gian yên bình, cảm thấy trong người khỏe khoắn. Táo nhớ sực là sáng hôm nay có cuộc café họp mặt ngày cuối năm. Lúc ra đi đã dặn dò lại cho anh Dũ, anh Chúc…không biết các anh tổ chức ra sao? Các anh chị có đi đông vui không? Táo vội hé mắt, vén mây nhìn xuống thật bất ngờ, hôm nay, đông ơi là đông! Đầy đủ các khóa, từ khóa một đến khóa mười ba.Tất cả ngồi chiếm hết cái tiền sảnh của nhà hàng Trầu Cau Gia Định. Ồ, có các thầy như thầy Hy, thầy Tháo, thầy Phùng…Rồi có anh Quýnh ở Mỹ mới về, Anh Minh k4, chị Diệp k5, anh Báu khóa 1 và vợ là chị Thúy Ái. Mọi người đang nhâm nhi café và tâm sự…Các chị vừa hát vừa nhảy bài “Chín mươi năm cuộc đời” vì bây giờ ai cũng ngoài sáu mươi cho nên đổi “chín mươi” cho phù hợp. Anh Thạch đệm đàn rồi còn hát vang. Anh Lượng những lần họp mặt trước không thấy xuất hiện đệm đàn, thế mà bây giờ thấy không có T.Cảm và Irene ( T.C, Irene đang ở Thiên Đình) nên trổ tài Văn nghệ. Anh còn đem theo chai rượu để ngoài xe. Sau đó anh Chúc đem vào. Anh Lượng nói chai rượu này là “hồn Trương Ba, da hàng thịt” mời các anh khóa 11 cùng uống để vui ngày họp mặt cuối năm và “Quậy” một bữa tới bến. Chị Ngọc Điệp vừa hát vừa nhảy tango kéo cả chị Kỳ Nguyên cùng nhảy. Tam ca Đ.Oanh, V.Dung, M.Đình vừa hát vừa nhìn iphone, ipad gì đó do không thuộc lời…Anh Thành rất truyền cảm trong bài Trăng Rụng Xuống Cầu nhưng cảm động nhất là vợ chồng anh Báu song ca bài Hãy yêu nhau đi…Tiếng cười, tiếng nói hòa với tiếng đàn, tiếng hát tạo nên một không khí vui tươi nhưng không kém phần nhộn nhịp…Á, cái gì thế này? Các anh chị khóa 5 tại Huế có phát hành cuốn Kỷ yếu ảnh rất dày, rất đẹp do bắt nguồn từ những cảm xúc của chuyến Về thăm trường xưa ngày 2 tháng 5… Ai ai xem xong cũng đều thích!
 Táo rất ngạc nhiên vì những lần họp mặt trước đây bao giờ cũng  nghiêm trang nhưng cuộc họp mặt lần này sao mà sôi động, sao mà chan chứa tình cảm. Những ánh mắt nhìn nhau đầy thân tình. Đã gần hai, ba giờ chiều rồi mà tiệc cũng chưa tan. Các anh chị em vẫn còn quyến luyến bịn rịn. Táo sợ cho các anh chồng, chị vợ ở nhà trông chờ lâu về quá, rồi gia đình “chào xáo” nên nhắc khéo với anh Chúc đứng lên nói lời chúc năm mới và cũng là lời tạm biệt. Các anh, các chị đứng dậy tay bắt chéo nhau hát vang bài dây thân ái:
“Dây thân ái lan rộng muôn nhà, tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng…Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gan thép ta chia tay đừng buồn”
Bài hát được hát đi hát lại nhiều lần mới chia tay nhưng mọi người ra đến ngoài cổng đứng lại vẫn còn bịn rịn bước đi không rời. Táo SPQN cảm động trước tình cảm gắn bó của các anh chị em đồng môn nhưng thôi cuộc vui nào cũng phải tàn. Đó là quy luật mà!   
Thấy Táo đã thức dậy và đang ngắm mây trời nên các tiên nữ đến chăm sóc, rửa mặt, thay áo quần…chả bù quanh năm ở dưới trần, Táo phải tự ra vò nước mà rửa mặt, đánh răng, tự ủi đồ, tự thay quần áo, tự nấu cơm mà ăn…
Táo ăn sáng buffet. Rất nhiều món ngon mà chưa bao giờ Táo SPQN được ăn. Ăn xong, các cung nữ dìu Táo ra vườn Thượng Uyển. Từ xa , thấy Táo Giáo Dục đang đi thất tha thất thểu. Táo vội đến thăm hỏi vì dù gì cũng là cùng ngành.
-Chào Táo Giáo Dục!
-Chào táo SPQN!
-Hình như Táo Giáo Dục có điều gì phiền muộn?
-Tôi buồn lắm anh Táo SPQN ơi! Ngành Giáo dục của tôi trong năm qua quản lý cũng tốt! Thế rồi không biết làm sao mà để học sinh vùng sâu vùng xa thiếu sách vở, áo quần, thiếu ăn phải ăn thịt chuột…rồi các trường tiêu cực trong học hành thi cử tự nâng điểm như Trường THPT DL Đồi Ngô, vụ TS Lê Thẩm Dương “văng tục” khi giảng bài, cô giáo nhập viện vì”canh gà thọ xương”…Thế là Ngọc Hoàng quở mắng, không cho hưởng một chút gì ân huệ. Từ hôm qua đến giờ có hột cơm nào trong bụng đâu?
Táo SPQN thấy thế thương quá! Tính TáoSPQN rất cẩn thận. Hôm ra đi các cô khóa 7 có gói theo mấy gói mì tôm HảoHảo, các cô khóa 9 thì đưa cho Táo mấy chai nước suối Vĩnh Hảo để Táo ăn uống dọc đường…
-Tôi có mấy gói mì tôm và chai nước suối, Táo Giáo Dục ăn uống tạm nghen!
-Cám ơn Táo SPQN! Gia đình Táo SPQN thật là chu đáo.
Tạm biệt Táo Giáo Dục, Táo SPQN gặp Táo Giao Thông đang ngồi trên chiếc ghế đá. Táo GT hoàn cảnh còn bi đát hơn Táo GD.
-Táo SPQN ơi! Nhìn ba rõ mười, trong năm qua ngành giao thông quá tiêu cực nào là nhận hối lộ, xử phạt không công bằng, không theo luật, không nghiêm minh, tùy tiện…nhưng cũng thông cảm cho thần dân tớ trong môi trường chịu nhiều áp lực thời tiết nắng, nóng, mưa, gió, bão, bụi…Thần cũng từng cảnh báo người dân không nên dùng tiền, hàng…đưa cho cảnh sát giao thông nếu như mình không vi phạm nhưng họ có nghe đâu…Rồi đến đường sá xuống cấp, triều cường…nạn kẹt xe diễn ra hàng ngày…Ôi, thôi nhiều nhiều lắm! Không sao mà kể xiết! Cho nên Ngọc Hoàng giận quá, phạt tôi phải quét lá vườn Thượng Uyển, từ hôm 23 đến giờ đói quá, khát quá!
Thế là Táo SPQN đành cho nốt mấy gói mì, phần mì mà Táo SPQN để dành ăn đọc đường khi trở về hạ giới và mấy chai nước suối…
-Cám ơn Táo SPQN! Khi nào về dưới hạ giới tớ sẽ tạ ơn.
-Thôi, không cần trả ơn. Táo SPQN xua xua tay.
Xe mây vàng đã chờ sẵn để chở Táo SPQN đi tham quan những thắng cảnh trên thiên đình nào là cung Hằng Nga, động Hoa quả sơn, Bồng Lai Tiên Đảo, nơi ở của Hồng Hài Nhi… Nơi nào cũng đẹp và Táo được sự tiếp đón nồng hậu, được mời ăn những món ăn quý hiếm. Đến đâu, ai ai cũng hỏi thăm Trường Sư Phạm Qui Nhơn đào tạo như thế nào mà có một đội ngũ giáo viên quá tốt như vậy? Ai cũng ngợi khen! Làm lỗ mũi của Táo phồng to như “quả cà chua”.
Buổi tối, Táo SPQN đi dự đêm biểu diễn văn nghệ. Mở đầu là màn nhảy giao lưu. Táo mệt nên ngồi xem các tiên nữ nhảy cùng các thần…công bằng mà nói Táo thấy nhảy không hay bằng các cựu giáo sinh nhà mình. Có một lần thần đến nhà anh Huỳnh Kim Thạch thần thấy các thầy cô nhảy thiệt hay và sáng 23 màn nhảy độc đáo của các cô ở nhà hàng Trầu Cau cũng rất hay. Đến tiết mục ca múa càng thua xa văn nghệ trường sư phạm Qui Nhơn cách đây mấy chục năm. Không sao sánh bằng Miếng Trầu Duyên của lớp 6 khóa 11 hay hoạt cảnh Thiên Thai của khóa 7 hoặc nhạc cảnh Ca Dao Mẹ của lớp 2/k11 và Tình nghèo lớp4/k11, Ngày Trở Về k9, k11…
Đi thưởng ngoạn cảnh và xem ca nhạc trên Thiên Đình thật vui và cũng thật thích, Táo SPQN về khách sạn nghỉ ngơi. Nằm trên chiếc giường mây trắng êm ái, Táo SPQN mở trang Blog ra xem vì Táo rất ghiền đọc mấy bài văn, bài thơ. Táo cũng rất thích mấy lời “còm” dí dỏm, dạo này lại xuất hiện Bạn của nhị 6 với Hiền Tuấn đối đáp với nhau toàn là thơ với thẩn…lôi cuốn thêm các bạn khác làm trang mạng nhộn nhịp hẳn lên. Táo thấy các anh, các chị cứ nói qua nói lại như thế là vui rồi, đừng nên thắc mắc tìm hỏi tên nhau làm gì? Cứ xem Bạn Nhị 6 chính là Đình Chúc, Đức Lượng, Ngọc Việt hay Irene, Thanh Cảm cho yên tâm.
Úy, trời ơi! Năm nay có thư chúc Tết của Ban Liên Lạc SPQN và cả thư chúc Tết của Ban Biên Tập trang SPQN…lời chúc rất chân thành, rất đậm đà ân tình. Táo SPQN mong mọi người hãy xem trang mạng như đứa con tinh thần hãy thương yêu, chăm sóc nó. Hãy gởi bài vở về để trang mạng ngày thêm phong phú. Táo sẽ mở lớp dạy vi tính cho các thầy cô nào chưa quen với máy móc. Táo đang định mua một số Iphone 10 tặng các cựu giáo sinh và một số Ipad 10 để tặng các anh chị trong Ban Biên Tập vì rất dễ mở xem, dễ liên lạc và cũng rất dễ còm. Táo SPQN vội mở “ruột tượng” ra để lấy tiền. Thấy Táo muốn mua, Nam Tào, Bắc Đẩu liền bảo:
-Trên này thì giá rẻ nhưng khi về hạ giới qua cửa hải quan phải đóng thuế cao gấp trăm, nghìn lần giá gốc!
Táo SPQN đang hưởng lương hưu làm gì có tiền để đóng thuế, mà đem hàng “lậu” thì Táo là một nhà giáo chân chính, chịu thôi! Hay thôi để Táo dành dụm một thời gian nữa, sau này đủ tiền mua Iphone, Ipad 15 luôn.
Nhiều dự tính khác trong đầu, Táo hoạch định chương trình cho các cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn (1962-1975) trong năm Quý Tỵ này có rất nhiều cuộc họp mặt đầy đủ, hoành tráng hơn. Ngoài các cuộc họp hàng năm của cả 13 khóa sẽ có cuộc họp từng khóa, từng lớp…Táo sẽ nối máy liên lạc với năm châu bốn bể gọi tất cả những ai đã từng học dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn, những năm 62-75, trở về trường xưa gặp lại bạn bè trên những chuyến bay do Táo SPQN tài trợ.
Táo SPQN nghĩ như thế và trông sao những mong ước của mình sẽ trở thành hiện thực!
Năm Quý Tỵ đến rồi! Táo SPQN kính chúc các cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn các niên khóa từ 62-75 và gia đình sức khỏe, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!

- Các cựu giáo sinh SPQN ơi! Nhớ 29 cúng rước Táo về lại dưới trần nghen, chứ mới đi mấy ngày mà Táo thấy nhớ …lắm!

Tháng 02/2013.
Irene.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...